Vì sao tín ngưỡng vua Hùng trở thành Di sản thế giới?


Tín ngưỡng thờ Hùng Vương sở dĩ được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại vì “thuần Việt”!



Nhận được sự đánh giá tích cực từ UNESCO, Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của VN chính thức trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại sau cuộc họp của Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Paris vào hôm qua (6/12).

Đúng 12h10 phút (giờ Paris, tức 18h10 phút giờ VN) ngày 6/12, tại kỳ họp thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Pháp, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực tế, bộ hồ sơ đệ trình chính thức lên UNESCO vào tháng 5/2012 vừa qua đã được UBND tỉnh Phú Thọ và Viện Văn hóa Nghệ thuật VN chuẩn bị khá công phu trong gần hai năm trời. Theo phân tích, bên cạnh những tiêu chí quan trọng về sự trường tồn theo thời gian và sự tham gia tích cực từ cộng đồng, những điểm độc đáo “thuần Việt” của tín ngưỡng này là một thế mạnh trong hồ sơ của chúng ta.

Không “độc quyền”


“Tục thờ cúng những cá nhân sáng lập ra quốc gia vốn phổ biến ở các nước Đông Á . Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô, để toàn bộ cộng đồng tham gia vào nghi lễ này lại là điều không dễ gặp” - PGS Bùi Quang Thanh (Viện VHNT), chia sẻ với TT&VH.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2012 tại Phú Thọ. Ảnh: Lê Thanh Tùng.
Là người trực tiếp tham gia xây dựng bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO, ông Thanh cho biết: Những hình thức tương tự tục thờ cúng Hùng Vương có thể bắt gặp tại Hàn Quốc, với việc thờ các vua và hoàng hậu triều đại Joseon (1392- 1910) trong không gian Tông Miếu thuộc vùng Jongmyo. Tương tự, Nhật Bản cũng có tục thờ Thần Vũ Thiên Hoàng tại đền Kashiara thuộc tỉnh Nara. Tuy nhiên, suốt những thế kỉ trước đây, việc hành lễ tại các quốc gia này chỉ bó hẹp trong phạm vi hoàng tộc. Điển hình, tại Nhật Bản, tới cuối thế kỷ 19, Chính phủ Minh Trị mới cho người dân vào đền Kashiara để dâng tế.

Ngược lại, các sử liệu được đưa ra cho thấy: Tục thờ cúng Hùng Vương đã phát triển rất mạnh từ thế kỉ 12 - trước khi chính thức được vinh danh vào thời Lê Thánh Tông (1470). Từ thời điểm đó, việc tham gia tôn vinh Quốc tổ của dân tộc Việt được duy trì khá đều đặn trong toàn cộng đồng và liên tục phát triển mở rộng theo tiến trình lịch sử. Để so sánh, tại Trung Quốc, Khổng giáo thờ Khổng tử, hoặc tục thờ Quan Công xuất hiện rất sớm, nhưng hai nhân vật này không được người dân nơi đây đặt làm Quốc tổ của mình.

Điều thú vị, không chỉ “mở cửa” cho cộng đồng tham gia tiến hành tôn vinh các triều đại Hùng Vương, các triều đại phong kiến cũ đều rất chú trọng tìm mọi cách để “khuyến khích” người dân duy trì tín ngưỡng này. Đơn cử, theo PGS Đặng Văn Bài, các triều đại Hậu Lê và Nguyễn đều liên tục có sắc phong tới các đình đền thờ Hùng Vương tại vùng Phong Châu, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng, miễn thuế và thậm chí cấp ruộng đất tại khu vực quanh đền Hùng để người dân tại đây canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ.

“Việc nhân dân cùng tôn vinh một vị “cha chung” bắt nguồn ngay từ đặc thù lịch sử Việt Nam” - GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia) giải thích - “Thường xuyên phải chống ngoại xâm, các triều đại phong kiến luôn đề cao nhu cầu xây dựng một hệ tư tưởng – tín ngưỡng chung để làm nền móng cấu kết toàn dân tộc. Theo dòng lịch sử, bất cứ triều đại nào cũng phải đặt việc duy trì, gìn giữ tín ngưỡng thờ Quốc tổ lên hàng đầu”.

“Đa dạng hóa” cách thờ Quốc tổ

Trọng tâm của bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO là không gian thờ Hùng Vương quanh khu vực Phong Châu ( Phú Thọ). Tuy nhiên, khi khảo sát hàng chục di tích trong vùng, các chuyên gia Viện VHNT đã phát hiện ra khá nhiều hình thức thờ Hùng Vương độc đáo.

Điển hình, tại nhiều cụm di tích, vua Hùng được phối thờ (thờ chung) cùng nhiều nhân vật khác như các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, các Hùng hầu, Hùng tướng, Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng... Mở rộng hơn, hình thức phối thờ này cũng phát triển khá mạnh tại khu vực Hà Tây cũ (hơn 150 di tích), Thái Bình (gần 250 di tích), Hải Dương, Thanh Hóa... với các nhân vật như Long Hải Đại Vương, Phù Đổng, An Tiêm, An Dương Vương, Chử Đồng Tử, Cao Sơn, các con Lạc Long Quân.

“Điểm độc đáo ở đây là việc Quốc tổ Hùng Vương được nhân dân VN tôn vinh, nhưng lại không chiếm thế độc tôn tại bất kì sinh hoạt tín ngưỡng nào. Thậm chí, tại nhiều nơi, các vua Hùng còn được “bình dân hóa”, với việc bài vị của ngài được người dân đưa về nhà, phối thờ tại bàn thờ dòng họ” - PGS Bùi Quang Thanh cho biết.

Ngoài ra, tại các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam VN, hàng loạt đền thờ vua Hùng cũng được xây dựng và phát triển theo thời gian với tổng cộng 1.417 đền thờ. Như nhận xét của nhiều chuyên gia, gần như người VN lập làng tại đâu thì xây đền thờ Tổ Hùng ở đó và họ tiến hành việc thờ cúng hằng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân, kính hiếu. Thậm chí, các Việt kiều sống ở nước ngoài khi có dịp cũng “thỉnh” chân hương tại đất tổ để mang về cắm trên bàn thờ của gia đình.

Những độc đáo của tín ngưỡng thờ Hùng Vương có thể khái quát bằng nhận xét của GS Sử học Hà Văn Tấn – và thường xuyên được trích dẫn trong các cuộc hội thảo: “Không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm như trường hợp VN”.
Ngay sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đã dành cho phóng viên TTXVN tại Paris cuộc trao đổi nhanh: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc VN, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm".

Ông Hoàng Dân Mạc cũng cho biết để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của di sản này, Phú Thọ sẽ có rất nhiều việc phải làm, trước mắt là bắt tay ngay vào soạn thảo một chương trình hành động với nhiều nội dung, trong đó có việc trùng tu tôn tạo, gắn di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể tại đền thờ vua Hùng.