Trên đời mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Có năm người thân cùng trú ngụ ở thị xã Hà Đông, cùng vui buồn mấy chục năm nay giờ cùng nhau trên một chiếc máy bay đi nửa vòng trái đất, đến ở trong cùng một ngôi nhà ở nước Mỹ.

Ngôi nhà 269 phố Highland

Đó là nhà thơ, đạo diễn sân khấu Lương Tử Đức, nghệ sỹ múa rối nước Chu Lượng, chàng trai Nguyễn Quang Thuật (con trai tôi) và tôi. Tất nhiên còn người thứ năm. Nhưng khúc mở màn này, người đó chưa xuất hiện.

Người Việt Nam lâu nay vẫn nghĩ việc xin visa Mỹ là một việc luôn luôn khó. Trước khi vào xin visa, chúng tôi không ai dám chắc là mọi chuyện đều ổn thỏa. Buổi đầu tiên, tất cả hồ sơ của chúng tôi bị trả lại với một lý do đơn giản: Trong hồ sơ, nghệ sỹ Chu Lượng nhờ người khai đã đánh dấu nhầm vào ô chưa đến Mỹ bao giờ nhưng khi trả lời phỏng vấn anh lại thản nhiên nói đã vào Mỹ hai lần. Chu Lượng là người đầu tiên trong đoàn được gọi phỏng vấn.

Tôi đã giải thích với người phụ nữ Mỹ phỏng vấn chúng tôi là do sự nhầm lẫn rất vô tình mong bà thông cảm. Bà chỉ vào chiếc computer và nói lạnh lùng: Nhưng cái máy này nó không biết thông cảm. Thế là chúng tôi phải quay lại mấy ngày sau đó khi Chu Lượng làm lại bản khai.

Con trai tôi, một chàng trai 21 tuổi, bị ấn tượng đầy tính áp đảo với một tờ giấy lớn giống như áp phích treo trên tường phòng phỏng vấn visa: Nếu bạn làm giả hộ chiếu thì sẽ có nhiều cánh cửa mở ra nhưng có một cánh cửa đóng lại vĩnh viễn. Cánh cửa này có thể là cánh cửa vào Mỹ và có thể là một cánh cửa mơ hồ và đa nghĩa.

Nhưng lẽ đời, những kẻ làm giả hộ chiếu lại có thể chẳng hề để ý tới những lời lẽ “ớn lạnh” kia. Người Việt chúng ta có câu nói: khóa người ngay chứ không ai khoá kẻ gian. Lần thứ hai vào phỏng vấn visa, chúng tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn vì những trục trặc của lần thứ nhất. Khi đến lượt, tôi hỏi người phụ nữ Mỹ là bà sẽ phỏng vấn ai đầu tiên. Bà trả lời: Tôi chỉ nói với các anh một câu thôi: Chúc các anh có những ngày tốt đẹp trên nước Mỹ. Và chúng tôi được cấp visa.

Tôi đã đến Mỹ nhiều lần, những đây là một sự ngạc nhiên. Nhà văn Trần Thị Trường cũng vào phỏng vấn visa trước chúng tôi mấy ngày. Bà mang theo đủ thứ giấy tờ như tài khoản trong ngân hàng, bất động sản, lương và những thu nhập khác để chứng minh bà có một tài sản đáng giá và không hề có ý định ở lại Mỹ định cư.

Bà khuyên chúng tôi phải mang theo tất cả những thứ đó. Tôi nghĩ thầm nếu tôi mang những giấy tờ đó thì tôi khó chứng minh được rằng tôi có một tài sản mà có thể níu giữ tôi ở lại Việt Nam. Bởi thế chúng tôi quyết định không mang theo bất cứ giấy tờ gì chứng minh tài sản. Tôi cam đoan nước Mỹ đâu có nhìn số tiền anh ta có mà tin được con người của anh ta. Và lòng tin của tôi đã đúng.

Chúng tôi đi theo chương trình trao đổi văn hoá. Bởi thế có một loại giấy tờ có chữ ký “sống” từ Mỹ gửi sang mà chúng tôi phải mang theo khi nhập cảnh. Nhưng quái lạ, trước ngày đi, tôi không làm sao tìm được cái giấy này. Tôi chỉ còn bản photo. Trước đó, tổ chức mời tôi đã viết thư và gọi điện cho tôi nhắc nhiều lần là phải cầm cái giấy đó trình cho an ninh cửa khẩu Mỹ. Nếu không có cái giấy đó thì không thể vào được Mỹ. Và ngày 11 tháng 4, chúng tôi nhập cảnh nước Mỹ qua cửa khẩu Los Angeles.

Những người đi cùng tôi nhập cảnh một cách đơn giản còn tôi bị giữ lại vì không có cái giấy mà tôi đã nói ở trên. Nhân viên An ninh cửa khẩu Mỹ nói với tôi giấy photo nghĩa là giấy giả vì bất cứ ai cũng có thể làm được. Tôi hỏi người nhân viên đó là ông ta cần giấy tờ thật hay cần người thật hơn.

Ông nói cần cả hai. Tôi nói với ông tôi là nhà thơ đã đến Mỹ nhiều lần và đã có sách in ở Mỹ. Ông hỏi tôi tên cuốn sách. Tôi đọc tên cuốn sách. Ông gõ computer và mỉm cười kín đáo. Ông đã nhìn thấy ảnh tôi, tên tôi và cuốn sách của tôi trong computer của ông. Rồi ông nói: Tôi đồng ý cho anh nhập cảnh.

Quả thực nước Mỹ luôn luôn mang lại cho tôi những bất ngờ như thế. Những bài thơ và những cuốn sách tôi viết xác thực tôi hay sự tôn trọng văn học nghệ thuật của người Mỹ đã cho phép họ tin tôi. Khi tôi kể chuyện này cho một số giáo sư Mỹ thì tất cả đều ngạc nhiên. Họ không tin thiếu cái giấy ấy mà tôi lại được nhập cảnh nhất là sau ngày 11 tháng 9.

Tôi còn nhớ như in trong phòng giải quyết visa cho những trường hợp nhập cảnh đặc biệt trong đó có tôi, nhân viên an ninh Mỹ đã biểu lộ sự áp đảo và đầy đe dọa với những trường hợp đặc biệt khác - những người nhập cảnh từ một nước Trung Đông hay Mỹ La tinh.

Nhưng nhân viên an ninh đã nói với tôi một thứ tiếng Anh lịch thiệp. Câu chuyện này tôi không thể nào quên được. Câu chuyện này cho tôi hiểu thêm nước Mỹ một lần nữa thông qua một công dân bình thường của họ - một nhân viên an ninh sân bay.

Chúng tôi được đưa về ngôi nhà số 269, phố Highland, thị trấn Dedham, cách trung tâm Boston chừng 20 cây số. Một ngôi nhà ngoài trí tưởng tượng của chúng tôi. Ngôi nhà có 12 phòng ngủ và một phòng khách lớn. Tất cả các phòng đều có lò sưởi và củi chất đầy bên cạnh. Gia đình nhà thơ Kevin Bowen và những người hàng xóm của ông mà tôi quen biết đều đưa con cái đến chào chúng tôi. Trong bếp họ đã chuẩn bị rất nhiều thực phẩm cho chúng tôi.


Nhà thơ Lương Tử Đức trong khu hầm nhà 269

Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng bởi hai thứ: Nước mắm và mỳ tôm. Chị Leslei, vợ nhà thơ Kevin Bowen đã nấu một nồi phở Mỹ cho chúng tôi: Một con gà công nghiệp luộc nhừ bỏ da, gỡ thịt, một cái rá inốc đựng đầy bánh phở khô đã luộc chín, một nồi nước luộc gà có pha thêm một hộp nước cốt gà bán ở siêu thị Mỹ nhưng không bỏ muối hay gia vị, một đĩa rau thơm, chanh, ớt tươi và hạt tiêu. Nhưng chúng tôi đã ăn món phở đó thật hào hứng vì đói và vì tình cảm của người nấu.

Đêm đầu tiên, chúng tôi hầu như không ngủ do múi giờ thay đổi. Bên ngoài trời rất lạnh khoảng ba độ C. Chúng tôi đốt lò sưởi và ngồi trò chuyện. Và ngay đêm đó, chúng tôi nghe thấy có tiếng chân người đi đâu đó trong ngôi nhà. Lúc đó chúng tôi nghĩ có người khác ở trong ngôi nhà vì nó quá rộng. Sáng hôm sau, chúng tôi hỏi người quản lý ngôi nhà thì được biết không có ai ở đây ngoài chúng tôi. Đây là ngôi nhà của một người đàn bà goá. Chồng bà là lính chết trận ở Việt Nam. Bà đã tặng lại ngôi nhà này cho trường Phổ thông cơ sở Dedham Country. Nhà trường đã bố trí cho chúng tôi ở. Một không khí huyền bí bắt đầu lan toả trong ngôi nhà.

Đến những đêm sau đó, tiếng bước chân đi nhẹ nhàng trên sàn gỗ ở đâu đó trên trần nhà trong khuya khoắt càng rõ hơn. Chúng tôi ngồi bên lò sưởi và bắt đầu nói về những cuốn sách kinh dị của các tác giả Mỹ mà chúng tôi đã đọc. Đời sống như vậy thì những câu chuyện mà các nhà văn đã viết thực ra chẳng có gì ngạc nhiên.

Một buổi chiều, mọi người đi xuống trung tâm thị trấn Dedham, tôi quyết định làm một cuộc thám hiểm ngôi nhà. Lúc đó, tôi mới phát hiện ra có rất nhiều căn phòng bỏ không đã quá nhiều năm. Trong một phòng ngủ có treo một bức ảnh một cô gái chân trần, ôm một bó hoa dại và một đôi mắt thật u buồn.

Tôi xem kỹ ngày tháng đề trên bức ảnh thì biết nó được chụp quá lâu từ lúc tôi chưa sinh ra. Tôi không biết lai lịch cô gái trong bức ảnh. Nhưng tôi cứ mang một ám ảnh rằng cô gái ấy chết rất trẻ vì một căn bệnh nào đó. Lần nào bước vào căn phòng đó tôi cũng bắt gặp đôi mắt u buồn của cô gái nhìn thẳng vào tôi. Và lần nào tôi cũng lúng túng và hoang mang. Tôi rón rén đi từng phòng và đôi lúc tôi có cảm giác có người đang theo dõi tôi. Khi tôi mở cửa căn phòng tầng trên của nhà để xe thì tôi đã sững người lại.

Tôi vốn là người không sợ hãi chuyện ma quỷ, nhưng tất cả những gì có trong căn phòng đó không thể không làm cho tôi một thoáng lạnh người. Những bộ hài cốt, những bộ mặt kinh dị, một cô gái ma cà rồng với mặt trắng như vôi và miệng giàn dụa máu, một người đàn ông gục xuống và một lưỡi rìu cắm ngập sau bả vai… Sau một lúc trấn tĩnh, tôi bước vào căn phòng và nhận ra trên một chiếc bàn nhỏ có một chai rượu vang uống dở và những mẩu vụn bánh mỳ vẫn chưa khô hẳn.

Cuối cùng tôi đã nhận ra căn phòng đó chứa đồ để dùng cho ngày Lễ hội ma (Halloween) ở Mỹ. Nhưng chai rượu vang và những mẩu bánh mỳ là của một người đang sống. Tôi đã giữ kín chuyện về căn phòng đó. Tôi không muốn chỉ cho mọi người vì sợ họ bị ám ảnh trong khi ở đó. Bởi ngoài căn phòng kỳ dị ấy ra là một thế giới của hoa lộng lẫy, của những con chồn đuôi bông, của những cặp thỏ nâu đi kiếm ăn, của chim chóc, của những tấm biển nhỏ nhắc mọi người lái xe cẩn thận kẻo đâm vào những con hươu băng qua đường trên vùng đồi Dedham đang bắt đầu vào hạ.

Nhưng tôi đã suy ngẫm mãi về nước Mỹ khi họ có một Lễ hội ma cho những đứa trẻ. Tôi có rất nhiều lý giải. Nhưng một lý do mà tôi thấy vô cùng quan trọng là họ rất tin vào nền giáo dục của họ đối với những công dân tương lai của mình. Tôi chợt nhớ đến một bài viết của một nhà báo chức vị khi ông ta lên án gay gắt hai bộ phim hoạt hình của Mỹ là Tom and Jerry và Thuỷ thủ Papai. Cũng nhà báo này đã báo động “nguy cơ” đạo đức của học sinh khi ông đọc một bức thư của một học sinh Việt Nam gửi con gái của cựu Tổng Mỹ Bill Clinton nói về tình bạn và hoà bình trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU mà tôi được mời tham gia Ban giám khảo. Đấy cũng là một điều làm tôi kinh ngạc.

Sau hơn mười ngày ở ngôi nhà đó chúng tôi có thêm khách. Đó là hai ông “tướng” từ Sài Gòn: Hoạ sỹ danh tiếng Trịnh Cung và nhà thơ không kém phần nổi tiếng Trần Tiến Dũng. Hai ông này giành được học bổng Rockeffeller cho chương trình nghiên cứu về Việt Nam. Hai ông xuất hiện lừ lừ với hai cái đầu trọc vào một buổi tối.

Họa sỹ Trịnh Cung tôi nghe danh đã lâu nay mới gặp lần đầu còn nhà thơ Trần Tiến Dũng thì là bạn tôi đã nhiều năm. Mấy ngày đầu, hai ông này còn bí ẩn hơn cả những tiếng bước chân đâu đấy trong ngôi nhà lúc nửa đêm hay gần sáng. Hai ông hoặc ngủ hoặc làm gì đó trong phòng hoặc đi bách bộ. Chỉ đến bữa ăn khi chúng tôi nấu nướng xong mời hai ông xuống xơi cơm thì hai ông mới xuất hiện. Hình như vẫn có gì đó ngăn cách giữa chúng tôi.

Nhưng chỉ sau đó ba ngày, họa sỹ Trịnh Cung bắt đầu mở máy nói. Chàng thanh niên tuổi đôi mươi Trịnh Cung bắt đầu thức dậy. Chàng luôn luôn đeo máy nghe nhạc. Và như chẳng để ý đến ai, chàng đi những điệu van thật uyển chuyển và tình tứ ở trong bếp, trong phòng khách hoặc trên thảm cỏ ngoài vườn. Chúng tôi trố mắt nhìn chàng thán phục.

Đêm đến, chàng nhớ người vợ là thi sỹ trẻ trong nhóm Năm con ngựa trời và nhớ đứa con trai mới đầy tháng của chàng. Tình yêu và cuộc hôn nhân mới của chàng mới chứng tỏ sức mạnh tâm hồn chàng. Những bức tranh chàng cho chúng tôi xem trên trang web cá nhân chứng tỏ sức trẻ trung của chàng.

Mấy năm trước, chàng được các bác sỹ thông báo mắc căn bệnh hiểm nghèo: Ung thư. Chàng nói đến căn bệnh đó như người ta đang nói về một môn thể thao. Với ý chí đó, chàng xứng đáng được nhận một tình yêu kỳ lạ và đầy kiêu hãnh. Chàng và nhà thơ, đạo diễn Lương Tử Đức luôn luôn luận bàn về những vấn đề triết học. Lương Tử Đức là một gã phù thuỷ trong khẩu khí. Ối văn nghệ sỹ ở Hà Nội nghe ông nói đều không tìm thấy đường ra. Một vài người vẫn quanh quẩn trong những triết lý của ông mấy năm nay.

Phương pháp của tôi để tránh những gì ông nói là coi như ông đang đọc thơ và hát chèo. Thế là thoát được. Chàng Trịnh Cung có lúc đã bị “say say”. Nhưng bản lĩnh của chàng và sự trẻ trung mãnh liệt của chàng đã đi qua được. Lương Tử Đức vẽ một bức chân dung Trịnh Cung bằng phấn sáp và áp đặt Trịnh Cung rằng đó là bức chân dung vẽ Trịnh Cung đẹp nhất.

Trịnh Cung không nói gì chỉ khẽ cười. Nhưng thi thoảng chàng Trịnh Cung lại đi qua căn phòng để bức tranh và ngắm nó. Có lẽ trong lúc ngắm bức chân dung do Lương Tử Đức vẽ, chàng lại tự nhủ: có lẽ đây là bức chân dung vẽ mình đẹp nhất. Không hiểu lý do gì mà chúng tôi cứ gọi chàng Trịnh Cung là Thiếu tướng. Và chàng quen với cái tên gọi mới đó. Chàng bảo nếu chiến tranh không kết thúc chàng có thể lên đến cấp tướng. Nhưng trong hội hoạ Việt Nam thì chàng xứng đáng là một vị tướng rồi.

Thi thoảng những buổi tối bên lò sưởi, chàng lại kể cho chúng tôi nghe về mối tình kỳ lạ của mình. Khi nói đến những tiếng bước chân lạ trong ngôi nhà chúng tôi đang ở, chàng đồng ý với những suy luận của chúng tôi. Không có ma nhưng sẽ có một ai đó sống âm thầm trong một căn phòng đâu đấy trong ngôi nhà. Có thể đó là một người độc thân, một người vô gia cư hoặc là một người bị bệnh tâm thần và biết đâu đó có thể là một tội phạm nguy hiểm đang lẩn trốn sự truy lùng của FBI.

Nước Mỹ quá rộng. Những người hàng xóm cũng ít khi để ý đến chuyện riêng tư của nhau. Ngôi nhà chúng tôi ở không có chìa khoá. Và như vậy chúng tôi không khoá cửa khi đi vắng có lúc cả vài ngày. Tất cả laptop, điện thoại di động và máy ảnh cứ vứt bừa bãi trong bếp, trong phòng khách. Có đêm về thấy đèn sáng ở một lối cầu thang hẹp đi lên một căn phòng nào đó, tôi lại cất tiếng: Ai ở đây xuống uống rượu vang với chúng tôi. Nhưng chỉ có sự im lặng. Tôi nói như thế để thay một lời chào và hình như cũng để che lấp sự hoang mang của chính mình mà thôi. Rồi đến gần sáng lại có tiếng mở cửa, tiếng bước chân rất nhẹ nhàng. Tôi nằm im lặng trong bóng tối vừa mơ hồ lo lắng vừa bị kích động lạ lùng. Nhưng khi mặt trời hiện ra thì mọi ngờ vực và hoang mang trong bóng tối lại tan biến. Công việc và vẻ đẹp của vùng đồi Dedham đang vào hạ lại cuốn hút chúng tôi.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Li Ly (thiếu nữ 14 tuổi)

Một buổi chiều nhà thơ Kevin mời chúng tôi tối hôm sau đến dự sinh nhật lần thứ 14 con gái ông. Tôi đã quyết định tổ chức ngày sinh nhật cô gái đó tại ngôi nhà 269 phố Dedham. Bởi tôi có rất nhiều kỷ niệm với cô gái đó. Chúng tôi đã nấu những món ăn Việt Nam để mời gần 40 người khách. Lương Tử Đức rang cơm. Chu Lượng và Nguyễn Quang Thuật làm nem. Tôi làm món thịt nướng ướp với rượu vang đỏ Cali và mật ong hoang vùng rừng Bắc Mỹ. Tối hôm đó, tôi nói với mọi người rằng khi tôi đến Mỹ lần đầu tiên cô gái ấy hai tháng tuổi.

Tôi còn nhớ một chiều gia đình Kevin, ba nhà văn Việt Nam là Hữu Thỉnh, Lê Minh Khuê và tôi ra thăm cảng Boston. Cô bé hai tháng tuổi khóc mãi mà cha mẹ cô không dỗ được. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã bế cô bé và hát ru. Chỉ sau đó ít phút, cô bé đã ngủ ngoan trong vòng tay của một nhà thơ xa lạ. Rồi tôi trở lại nước Mỹ, cô bé năm tuổi. Mỗi khi tôi đưa máy ảnh ra chụp cô là cô lại chạy nấp sau cánh cửa hoặc sau váy mẹ. Rồi tôi lại trở lại nước Mỹ, cô bé đã lên mười. Cô ra sân bay cùng cha đón tôi. Trước mặt tôi cô đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Cô bước lại trước tôi và nói: Chào Thiều, chúc mừng đã trở lại.

Và lần này tôi trở lại Mỹ, cô đã 14 tuổi và đẹp một cách ngỡ ngàng. Tôi nói với mọi người rằng chúng tôi, những văn nghệ sỹ Việt Nam, không phải tổ chức sinh nhật cho một cô gái, chúng tôi tổ chức sinh nhật cho một vẻ đẹp, cho một ký ức và cho một tương lai của thế giới. Dù rất ít người biết đến một bữa tiệc sinh nhật trong ngôi nhà đó nhưng thế gian đã cộng vào dòng chảy của nó một buổi tối đẹp, xúc động và sẽ không bao giờ mất. Tôi nói với mọi người trong buổi tối đó rằng sau này khi tôi mất đi, con trai tôi sẽ trở lại Mỹ hoặc một nơi nào đó trên thế gian này và lại tổ chức sinh nhật cho một cô gái 14 tuổi mà bây giờ chưa được sinh ra. Những buổi tối giản dị và chân thành đó đã tạo nên những vẻ đẹp của đời sống con người trên thế gian này. Chúng tôi không tặng cô gái bất cứ một món quà nào bán trong siêu thị Mỹ. Tôi đã vẽ một bức tranh với những bông hoa màu tím tặng cô. Những bông hoa Lila rất nổi tiếng ở Mỹ và trong thơ của người cha nền thơ ca hiện đại Mỹ: Walt Whitman.

Một tuần trước khi chúng tôi về nước, nhà thơ Nguyễn Quyến, một công dân của thị xã Hà Đông, từ Việt Nam bay sang. Thế là đủ năm công dân của thị xã Hà Đông trong ngôi nhà này ở Mỹ. Và một ngày lúc gần sáng, Nguyễn Quyến đánh thức tôi và nói có một người da trắng xuất hiện trong ngôi nhà.

Quyến hỏi tôi có phải đó là người của nhà trường. Tôi xem đồng hồ: 4 giờ sáng. Người Mỹ không bao giờ thức dậy giờ này. Tôi đi kiểm tra nhưng không thấy ai. Nhưng đèn ở lối cầu thang hẹp và dưới bếp đều bật sáng. Tôi hỏi Nguyễn Quyến có nhầm với ai đó trong ngôi nhà thức dậy đi tiểu đêm hay không. Nhưng mỗi phòng ngủ đều có phòng vệ sinh riêng. Mà lúc đó, các phòng ngủ đều đang rộn ràng tiếng ngáy của chàng Trịnh Cung và nhà thuyết giáo ma mị Lương Tử Đức. Sau đó Lương Tử Đức có ý định báo cho cảnh sát việc này. Bởi câu chuyện về người thanh niên Mỹ gốc Hàn Quốc đã thảm sát hơn ba mươi người trong một trường học mới xẩy ra...

Nhưng chúng tôi đã không báo cho cảnh sát khu vực. Mặc dù chúng tôi tin chắc có người lạ ở trong ngôi nhà đó một cách âm thầm và nhiều bí ẩn. Nhưng chúng tôi cũng không linh cảm thấy có chuyện gì nguy hiểm lắm.

Nhà thơ Trần Tiến Dũng đến được ít ngày thì chị Bé, chị ruột anh, lái xe hơn mười tiếng đồng hồ từ Canada sang Mỹ thăm em. Chị Bé đã sống ở Canada mấy chục năm nay nhưng vẫn giữ nguyên những phẩm tính của một người phụ nữ Việt Nam. Chị đã nấu rất nhiều đồ ăn, đặc biệt là làm bánh tét và giò lụa mang sang cho em trai và chúng tôi. Chị cắt bánh tét và giò lụa cho chúng tôi ăn. Chị mang cả dưa góp, cà phê và một bao gạo.

Có lẽ lâu lắm rồi chúng tôi mới được ăn một bữa ăn ngon như thế bởi tình cảm chân thực và ân cần của chị Bé. Chị ở chơi trong ngôi nhà với chúng tôi hai ngày rồi lại trở về Canada để đi làm. Sáng Chủ nhật tôi thức dậy thấy chị đã đi rồi. Tuy lần đầu gặp chị nhưng lòng tôi cảm thấy bâng khuâng và thấy ân hận không thức dậy để tiễn chị. Có lẽ, trong cuộc đời của một con người, những tình cảm như thế là những món quà quí giá mà đời sống ban tặng cho chúng ta. Nó làm cho lòng ta ấm áp và ý nghĩa.

Trần Tiến Dũng là một người ít nói. Và khi anh cất giọng thì mỗi âm tiết anh phát ra cũng chậm như những giọt cà phê nhỏ xuống từ chiếc phin pha cà phê trong những quán cà phê yên tĩnh của Hà Nội cổ kính. “Mây bay là bay rồi” là câu mà chúng tôi thường nhắc lại khi ngồi với nhau. Đó là câu thơ mở đầu cho một bài thơ của Trần Tiến Dũng đã in trên báo Văn nghệ. Bài thơ này sau đó in trên trang web Tiền vệ và được chọn là bài thơ hay nhất tháng.

Một ngày trước khi trở về Việt Nam chúng tôi đã phát hiện ra người đàn ông sống trong ngôi nhà đó. Khi chúng tôi đang ăn cơm thì Lương Tử Đức phát hiện một người nhẹ nhàng từ một căn phòng nào đó trên tầng hai đi xuống. Lương Tử Đức chạy theo. Chu Lượng cũng chạy theo. Họ chỉ nhìn thấy người đàn ông đi rất nhanh như đang tìm cách chạy trốn mọi người và khuất vào những lùm cây lớn trong khu vườn của một ngôi nhà không có người ở trước mặt.

Lương Tử Đức quay vào và nói như một phát hiện: Như thế không phải là ma. Đó là một con người. Nhưng người đó là ai thì chúng tôi không biết. Đến khi trở về Việt Nam, tôi mới nhớ là không đưa mọi người lên căn phòng tầng trên của nhà để xe như đã hứa. Lương Tử Đức tỏ vẻ tiếc nhưng anh nói như vậy còn có lý do mà trở lại nước Mỹ.

Khi chia tay chúng tôi, nhà thơ Kevin nói: Sẽ có hai nhà thơ Việt Nam đến ở ngôi nhà này vào tháng Sáu: Hữu Thỉnh và Trần Đăng Khoa. Nhưng tôi biết họ sẽ không nghe thấy gì ở ngôi nhà đó. Vì mọi bí mật của ngôi nhà tôi đã kể hết rồi.

Nguyễn Quang Thiều.