Càn Đạo biến-hoá, các chính tính mệnh

bảo hợp thái-hoà nãi lỵ trinh.

乾 道變化各正性命保合太和

乃利貞


Dịch nghĩa:Đạo Càn biến-hoá, các vật đều vật nào theo mệnh đó, giữ hợp được khí Thái-hoà mới rõ lợi ích, trinh bền.

Lý Dịch

Biến 變 là làm thay đổi hẳn đi, Hoá 化 là thay đổi dần Tính 性 là cái bản chất hiện có, họp bởi chữ sinh 生 và bộ tâm 忄Ấy là “Tính tự tâm sinh” tức nhiên phân-tích chữ Tính đó vậy.

Mệnh 命 là cái mà trời phú cho

Các chính各正 là mỗi một sự chính-yếu có được từ khi mới sinh gọi là giống, là loại, hay nói theo Đạo-học là “hột lưu tánh nguyên-tử”.

Bảo hợp保合 là giữ được toàn vẹn sau khi đã sinh.

Thái-hoà太和 là khi Âm Dương hội hợp dung hoà với nhau là cái nguyên thuỷ tạo nhân; tạo nhân thế nào thì kết quả y như thế ấy. Như loài người lúc đầu sở dĩ kết thành hình là vì có Âm Dương của cha mẹ kết thành thai. Đương lúc đầu kết thai tức khắc có bộ tim con đỏ. Bộ tim con đỏ đó tức là “thái-hoà” ngưng kết mà nên. Tới ngày sinh ra đời, người chống chọi với hoàn cảnh, tạo thành sự nghiệp, kết quả chỉ giữ cho trọn vẹn “bộ tim con đỏ” mà thôi. Còn gọi là “Xích tử chi tâm”.

Lý Dịch

Đây là tiết nói về hai đức Lợi Trinh của Kiền. Bốn câu trên: “Càn đạo biến-hoá, các chính tính mệnh, bảo hợp thái-hoà, nãi lỵ trinh” có nghĩa là: Đạo Càn biến-hoá, khiến cho những vật gì, thảy chính được tính-mệnh, mà lại gìn-giữ được đúng nguyên-khí thái hoà như lúc đầu Trời đã phú cho, thế mới là Lỵ Trinh.

Bây giờ lại thích nghĩa riêng từ câu cho rõ nghĩa:

Càn Đạo biến hoá nghĩa là Đạo Càn là một giống rất hoạt-động, chứ không phải là giống chết. Ví như mùa Xuân khí trời ấm-áp, sang Hạ nóng-nực, qua Thu mát-mẻ kế Đông lạnh-lẽo. Có câu:

Mùa Xuân ấm-áp khoẻ người,

Mùa Hè nóng bức lửa trời nấu-nung,

Mùa Thu gió mát trăng trong,

Mùa đông rét mướt cho lòng xót-xa.

Kẻ giàu mớ bảy mớ ba,

Người nghèo biết lấy chi mà che thân.

Các chính tính mệnh là loại nào theo thứ ấy phân biệt: giống như loài vật đang là cái trứng, chẳng bao lâu nó nở ra con: có thứ bay liệng, có thứ bò sát đất, tức là theo lẽ tự nhiên của đạo Trời. Đạo Trời chính là đạo của Càn vậy.

Bảo hợp thái-hoà là loài vật nào theo vật ấy mà phối-hợp nhau để nối dòng nối dõi, như trâu sẽ tìm đến trâu, ngựa tìm đến ngựa, có câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là vậy.

Nãi lỵ trinh là nhờ như thế mà giữ được cái tính chất ban đầu của trời đã phú cho.

Luận Đạo

Nay Đức Chí-Tôn đã mở nền ĐẠI-ĐẠO tức là tiết này chú-trọng về đạo Kiền đó vậy. Qua hình tượng cho thấy quẻ Kiền có đủ ba nét liền tức là cái Dương đã đầy đủ, cứng mạnh, sáng soi khắp cùng trời đất như không-khí trong bầu trời, như nước đầy đại dương.

Đức Chí-Tôn có dạy: “Thầy là các con, các con cũng là Thầy. Có Thầy rồi mới có các con, có các con rồi mới có chư Phật, Tiên, Thánh, Thần”

Nên chi cái yếu điểm của chữ đại 大là chữ Nhơn人 Nhơn là người. Bắt đầu viết chữ nhơn là phết một nét bên trái丿ấy là chơn Dương, kế một phết bên mặt ấy là chơn Âm. Thành thử con người là bán âm bán dương, nên mới đứng vào hàng tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Người nếu biết cách tu-hành tức nhiên được đắc vào hàng Tiên, Phật. Bởi Nhơn cướp đặng chữ nhứt là “nhơn đắc nhứt” thành chữ đại 大

Nhứt là chi? Là cái tâm mật-pháp, mật truyền của Đại-Đạo có một không hai, ấy là lớn; đã là lớn thì không vật gì lớn hơn nữa. Nó bao trùm tất cả vũ-trụ càn-khôn mới gọi là Đại thì được vĩnh kiếp trường tồn, diên niên bất hoại.

Còn chữ Đạo 道 bắt đầu chấm hai chấm là âm dương nhị khí, kế dưới một nét ngang tức là âm dương hiệp nhứt, nên chi một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật; rồi vạn-vật cũng quay về hiệp một. Kế dưới chữ tự 自 nghĩa là tự nhiên mà có. Nên chi Đạo dạy phải tự lập, tức là lo tu-hành để đạt được huyền-bí đạo-mầu thì trí-lự mới phát minh. Chữ tự là tự tri, tự giác chớ chẳng ai làm cho người khác giác ngộ giùm hay minh-huệ giùm được.

Trên dưới ráp lại thành chữ thủ 首 Chữ thủ nghĩa là ban sơ, lúc ban đầu, khởi thuỷ, tức là đầu mối của càn khôn vũ-trụ. Kế là bộ Tẩu 辶tẩu nghĩa là chạy, nên kêu là “pháp luân thường chuyển”. Đó chính là nghĩa của hai chữ ĐẠI- ĐẠO大道

Đức CHÍ TÔN dạy rằng: “Ta vì lòng Đại Từ Đại Bi, lấy Đức Hóa sanh dựng nên mối Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tôn-chỉ là cứu vớt kẻ hữu phần vào địa-vị cao thượng tránh khỏi số mạng Luân hồi”.

Tôn-chỉ của Đại-Đạo là dìu-dẫn quần-sanh trên con đường xử thế, lấy luân-lý và triết-lý làm yếu-tố.

“Tôn-chỉ Ðạo tất phải có thiệt lực gì cực kỳ mãnh liệt mới dung hòa nỗi hai thuyết duy tâm và duy vật và phải hạp thời thì nhơn sanh mới chịu hoan nghinh mà bước vào cửa Ðạo”.

Vì Đức Chí-Tôn đến một mình, không có nhân thân phàm ngữ, tức là không có hình thể, không có tiếng nói; nên phải lập Hội-Thánh để thay cho hình thể Chí-Tôn gọi là Thánh-Thể của Chí-Tôn