kết quả từ 1 tới 12 trên 12

Ðề tài: Tính logic của thuyết Luân hồi Nhân Quả

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Tính logic của thuyết Luân hồi Nhân Quả

    Kính gửi các quý đạo hữu,
    Tôi có đọc nhiều về đạo phật với thuyết luân hồi nhân quả. Nay có một vài thắc mắc kính mong quý thầy, quý bạn giải thích và thảo luận cùng. Những thắc mắc này như sau:

    1. Đạo phật đưa ra việc con người được hình thành từ ngũ Uẩn gồm Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức. Về thực chất các Uẩn thọ, tưởng, hành, thức thuộc "danh" và nương và sắc uẩn để thể hiện. Khi chết đi, thân tứ đại tan rã, cái gì thuộc danh không còn chỗ nương náu vậy thì khi sang đời sau (kiếp sau) thì cái gì sẽ luân hồi (Sắc, hay thọ, hay tưởng, hay Hành hay Thức Uẩn)
    2. Sự giải thích về luân hồi nhân quả của đạo phật hay lấy hình tượng của nước thành mây, thành mưa rồi lại thành nước. Trong thực tế ví dụ như luân hồi của một vũng nước nào đấy chẳng hạn thì nó có thể thành mây, mưa, và rơi vào các vùng khác nhau như vậy cái vũng nước ban đầu nó đâu có luân hồi nguyên trạng của nó, nó tan hòa với nước từ biển, từ sông, từ suối và ta không thể biết được cái luân hồi của vũng nước đó như thế nào. So sánh tương tự Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của một con người khi tan hòa vào đất vào vũ trụ bao la thì đâu có còn nguyên trạng thể tướng lúc ban đầu, đâu có còn là một dòng luân chuyển từ đời này sang đời khác được. Và như vậy sự luân hồi đâu còn ý nghĩa gì nữa nhỉ vì cái ác sẽ hòa vào vũ trụ, cái thiện cũng trộn vào vũ trụ bao la và ta không thể phân biệt được người này đời trước là cái gì, đời sau là cái gì. Chỉ có niệm ác đi đường ác, niệm thiện đi đường thiện mà thôi. Liệu suy nghĩ logic này cùa tôi có gì sai không ?
    3. Đạo Phật vốn lấy nền tảng lý luận là vô thường, vô ngã. Khi vô ngã thì không có cái tôi. Khi không có cái tôi thì ai khổ ? ai vui ?
    4. Lý duyên khởi của đạo phật bao gồm vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh Sinh, Sinh sinh lão bệnh tử là nguyên nhân của khổ. Con đường của tu tập là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt rồi những cái khác diệt. Khi diệt hết thì còn gì không? và làm sao mà diệt vô minh ? Trong quá trình tu tập thì tôi thấy hình như phải diệt những thứ kia trước thì mới diệt được vô minh. Mục đích của tu tập là diệt hết, là mình không còn tồn tại nữa. Vậy mọi người có sợ cái diệt hết đấy không ?

  2. #2

    Mặc định

    Thienlydao theo bước của Đức Phật chưa lâu, kiến thức chẳng có là bao nhưng cũng xin bày tỏ ý kiến ngắn gọn của mình cùng đạo hữu:

    1. Khi chết, ngũ uẩn tan rã, chỉ có linh hồn của con người là sẽ theo nghiệp mà luân chuyển trong luân hồi.

    2. Ví dụ về mây, nước chỉ là một cách ví dụ sơ lược, chẳng phải hiểu luân hồi y nguyên như đặc tính của mây, nước.

    3. Khi đã đạt đến vô ngã thì chẳng vui, chẳng khổ.

    4. Diệt hết chẳng phải là mình không tồn tại mà mình là tất cả. Đức Phật đã diệt hết, vậy có ai sợ thành phật không?
    Nao nao trăng thiên cổ
    Quạnh quạnh hồi chuông khuya
    Áo thiền mây lãng đãng
    Chân mộng ý không lìa

  3. #3

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi Thienlydao Xem Bài Gởi
    1. Khi chết, ngũ uẩn tan rã, chỉ có linh hồn của con người là sẽ theo nghiệp mà luân chuyển trong luân hồi.
    Vậy Linh Hồn là cái gì trong cái ngũ uẩn đấy ? Linh hồn là sắc hay là thọ, hay là tưởng hay là hành hay là thức ?

    Trích dẫn Nguyên văn bởi Thienlydao Xem Bài Gởi
    2. Ví dụ về mây, nước chỉ là một cách ví dụ sơ lược, chẳng phải hiểu luân hồi y nguyên như đặc tính của mây, nước.
    Vậy sự luân hồi nên hiểu là thế nào ?
    Trích dẫn Nguyên văn bởi Thienlydao Xem Bài Gởi
    3. Khi đã đạt đến vô ngã thì chẳng vui, chẳng khổ.
    Chẳng vui, chẳng khổ thì là gì ? có tỉnh thức, tỉnh giác không ?
    Trích dẫn Nguyên văn bởi Thienlydao Xem Bài Gởi
    4. Diệt hết chẳng phải là mình không tồn tại mà mình là tất cả. Đức Phật đã diệt hết, vậy có ai sợ thành phật không?
    Mình là tất cả, vậy tất cả là gì ?

  4. #4

    Mặc định

    Thienlydao hiểu như sau:

    1. Linh hồn nằm ngoài ngũ uẩn. Con người gồm linh hồn + thể xác vật chất.

    2. Luân hồi lấy gốc từ nghiệp báo, nghiệp lành sanh nẻo lành, nghiệp dữ sanh nẻo dữ.

    3. Vô ngã thì an nhiên tự tại, như mặt hồ lặng sóng. Đạt đến trình độ này thì trí huệ sâu rộng.

    4. Mình là tất cả, Tất cả là mình. Chẳng hạn như mình khởi một niệm, phật ngay lập tức biết. Như bạn niệm một niệm Di Đà, hoa sen báu lập tức sanh ra. Nhờ đâu mà phật biết? Bởi phật có ở khắp pháp giới, nơi đâu cũng có phật. Phật hòa nhập trong tất cả chúng sanh, bởi vậy mà nói chúng sanh đều có phật tính.
    Nao nao trăng thiên cổ
    Quạnh quạnh hồi chuông khuya
    Áo thiền mây lãng đãng
    Chân mộng ý không lìa

  5. #5

    Mặc định

    những gì bạn quangcom thắc mắc có lẽ cũng là thắc mắc của khá nhiều người. Mình xin mạnh dạn đưa ra các câu chuyện hỏi đáp sau, mong rằng bạn sẽ giải đáp được thắc mắc của mình.

    1.Danh

    Đức vua Mi-lan-đà sau khi đảnh lễ Tăng chúng tám mươi ngàn vị cùng với đại đức Na-tiên, ngồi một nơi phải lẽ, đức vua khởi chuyện:

    - Bạch đại đức, Trẫm muốn đàm luận với ngài vài điều được chăng?

    Tỳ kheo Na-tiên đã quan sát vị vua hữu danh đã từng làm cho các tôn giáo điên đảo từ bấy lâu nay. Quả thật là không hư truyền, vì ngài chưa từng gặp một người có tướng mạo phi phàm như thế. Nhưng với thắng dũng, thắng trí và thắng tuệ, ngài cảm thấy không khó khăn gì khi nhiếp phục đức vua này.

    Khi nghe hỏi, Na-tiên tỳ kheo mỉm cười đáp:

    - Tâu đại vương, ngài cứ hỏi, bần tăng sẽ nghe.

    - Bạch đại đức, trẫm hỏi rồi, ngài hãy nghe đi.

    - Tâu đại vương, bần tăng nghe rồi, ngài hãy nói đi!

    - Bạch đại đức, Trẫm hỏi rồi.

    - Tâu đại vương, bần tăng đáp rồi.

    - Ngài đáp như thế nào?

    - Đại vương hỏi như thế nào?

    Chỉ vài câu vấn đáp khởi đầu, cử tọa thính chúng gồm tám mươi ngàn Tăng chúng, năm trăm tùy tùng của đức vua cùng với cận sự nam nữ đông đặc bên ngoài giảng đường... đều cảm thấy thú vị, họ cất tiếng hô "lành thay" vang rền như sấm dội.

    Đợi cho không khí yên lặng, nhà vua hỏi tiếp:

    - Bạch đại đức, ngài tên gì?

    - Tâu đại vương! Bần tăng tên là Na-tiên! Thầy tổ, huynh đệ, pháp hữu của bần tăng cũng gọi tên bần tăng như thế. Còn cha mẹ của bần tăng không những gọi tên bần tăng là Na-tiên, mà đôi khi kêu là Viranasena, Surasena hoặc Sihasena! Tuy nhiên, dù gọi tên gì đi nữa thì nó cũng chỉ là cái tên, cái tên suông, chẳng liên hệ gì đến bần tăng cả. Cái tên ấy chỉ để mà phân biệt giữa người này và người kia, thế thôi, chẳng có gì là "tôi" là "của tôi" như ngã chấp và tà kiến thế gian thường nhận lầm, tâu đại vương được rõ!

    Đức vua Mi-lan-đà ngạc nhiên, đưa tay lên, phân bua với mọi người xung quanh:

    - Xin tất cả các vị hãy làm chứng cho trẫm. Đại đức Na-tiên vừa nói rằng, cái tên Na-tiên là tên do cha mẹ đặt, các vị đồng phạm hạnh cũng gọi như thế, nhưng chẳng có cái gì là Na-tiên ở đấy, chẳng có gì là "tôi" và "của tôi" cả. Mọi người nghe rõ rồi đấy chứ?

    Rồi quay sang tỳ kheo Na-tiên , đức vua phản vấn:

    - Bạch đại đức! Nếu không có cái gọi là "ta" và "của ta" thì những người bố thí cúng dường y bát, vật thực, thất liêu, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh, vật dụng v.v... thì ai là người thọ nhận tứ sự ấy? Ai trì giới? Ai tham thiền? Ai chứng ngộ đạo quả và Niết bàn? Từ đó suy ra, những tội ác như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói lời hư dối, uống rượu; cho chí những ngũ nghịch đại tội vô gián địa ngục, cũng chẳng có ai làm gì cả! Và như vậy thì nghiệp lành, nghiệp ác cũng không, chẳng có ai tạo tội cả, lành dữ đều không có quả báo. Nếu thế có kẻ giết chết đại đức họ cũng không phạm tội giết người. Và thầy tiếp dẫn, thầy giáo thọ, hòa thượng tế độ cho đại đức cũng không có. Các vị đồng phạm hạnh gọi tên đại đức Na-tiên là gì đó cũng không có luôn. Vậy cái gọi là Na-tiên đó là ai? Mong đại đức giảng giải cho trẫm. Đại đức nghe rõ rồi đấy chứ.

    - Tâu đại vương! Bần tăng nghe rõ rồi!

    - Người nghe đó có phải là Na-tiên chăng?

    - Tâu, không phải.

    - Chẳng có gì là Na-tiên cả sao?

    - Vâng, chính thế!

    - Tóc, lông, móng, răng da... kia là Na-tiên sao?

    - Tâu, đại vương, không phải.

    - Thịt, tủy, gân, xương là Na-tiên chăng?

    - Thưa, không phải!

    - Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Na-tiên chăng?

    - Tâu, Đại vương, không phải.

    - Hay lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là Na-tiên?

    - Tâu, không phải thế.

    - Vậy ngũ uẩn họp lại là Na-tiên?

    - Tâu, cũng chưa chắc là vậy.

    Đến ngang đây chợt đức vua Mi-lan-đà cất giọng nói lớn:

    - Bạch đại đức! Hồi nãy giờ trẫm đã cặn kẽ hỏi về ba mươi hai thể trược, lục căn, ngũ uẩn v.v... có phải là Na-tiên chăng, tất thảy đều bị đại đức phủ nhận. Và quả thật, trẫm cũng công nhận như thế. Vì khi quán tưởng một cách tận tường từng phần được nêu ra trong câu hỏi, thì chẳng có cái gì được gọi là Na-tiên cả. Thế tại sao, trước đây khi trẫm hỏi, đại đức bảo đại đức là Na-tiên? Té ra là đại đức nói dối! Này, năm trăm tùy tùng thân tín của trẫm và tám mươi ngàn Tăng chúng tỳ kheo, xin quý vị hãy làm chứng cho trẫm đấy nhé!

    Đại đức Na-tiên là một Thánh nhân A-la- hán đắc thần thông và đắc cả 4 tuệ phân tích: tuệ về nhân, tuệ về quả, tuệ văn tự, ngữ nghĩa, tuệ biện tài, biện luận. Tâm ngài như đỉnh núi chúa, trí ngài như mặt trời, mặt trăng, lòng từ của ngài bao la như biển lớn. Do vậy, ngài độ lượng với đức vua Mi-lan-đà như mẹ đối với con; với tâm nguyện là phải nhiếp phục đức vua, tế độ đức vua, đặt đức vua trong Chánh đạo; nên dù đức vua có nói gì ngài cũng chỉ ngồi làm thinh và mở rộng lòng từ.

    Để cho ngạo khí và sự xao động trong tâm trí đức vua yên lắng lại một chút, đại đức Na-tiên mới chậm rãi nói:

    - Tâu đại vương! Ngài là một bậc đế vương nhiều phước báu và nhiều an vui, tháng ngày sống trong hạnh phúc cao sang. Nhưng vì tâm cầu đạo, ngài chẳng quản đường xa, đến đây giữa cơn nắng nóng oi bức nên có lẽ ngọc thể cũng bất an. Lại nữa, từ hoàng cung đến đây mà sao đại vương không đi bằng xe mà lại đi bằng chân cho mệt?

    - Bạch đại đức! Trẫm đến chùa bằng xe chứ! Chỉ đi bộ từ cổng, nhưng vào giảng đường mới đi bằng chân không!

    - Thế ra đại vương tới đây bằng xe.

    - Vâng, trẫm đến bằng xe.

    Đại đức Na-tiên giờ cũng làm như cách của vua Mi-lan-đà , phân bua với mọi người:

    - Năm trăm tùy tùng quan chức, thị vệ của đức vua và tám mươi ngàn chư tỳ kheo đại chúng hãy xác nhận cho: đức vua đã nói rằng ngài đến đây bằng xe!

    Rồi quay sang đức vua, ngài Na-tiên hỏi lại:

    - Đại vương bảo rằng đạivương đến đây bằng xe, đấy là lời nói thật chứ?

    - Chắc chắn là thật.

    - Vậy đại vương hãy nói cho rõ về cái xe ấy! Cái gì gọi là xe? Cái gọng chăng?

    - Không phải.

    - Hay cái trục, cái bánh là xe?

    - Cũng không phải.

    - Cái thùng, cái mui là xe chăng?

    - Chẳng phải đâu.

    - Hoặc roi, dây cương là xe?

    - Chẳng phải.

    - Thế chắc cái ách, căm xe?

    - Không phải nốt.

    - Vậy cái gì là xe?

    Đức vua Mi-lan-đà im lặng.

    Đại đức Na-tiên cất giọng chậm rãi:

    - Tâu đại vương! Bần tăng đã đưa từng bộ phận một, và hỏi rằng cái gì là xe thì đều bị đại vương phủ nhận. Mà quả thật, bần tăng cũng thấy vậy, chẳng có cái gì được gọi là xe trong tất cả các bộ phận chi tiết ấy. Tuy nhiên, đại vương là vị hoàng đế cao cả, là đấng nhân chủ, là bậc anh minh cai quản một quốc độ mênh mông; quả thật là không thích đáng khi đạivương nói dối rằng, ngài đến đây bằng xe! Xin tất cả chư vị và Chư Tăng đại chúng ở đây hãy làm chứng cho!

    Mọi người không ngớt lời tán dương ca ngợi biện tài của đại đức Na-tiên . Riêng năm trăm người tùy tùng thì cung thỉnh đức vua tìm cách luận thắng đối phương.

    Sau một hồi làm thinh, đức vua Mi-lan-đà nói:

    - Đại đức biện luận hay lắm! Nhưng mà hãy nghe trẫm nói đây! Tất cả những bộ phận chi tiết như thùng, mui, căm, bánh, trục v.v... nếu nằm riêng lẻ thì không thể gọi là xe, nhưng chúng kết hợp toàn bộ lại thì giả danh gọi là xe, có phải thế chăng? Vậy trẫm bảo rằng, trẫm đến đây bằng xe đâu phải lời nói dối?

    - Tâu đại vương! Cũng thế, tất cả những cái gọi là tóc, lông, móng, răng, da, ngũ uẩn, lục căn... nếu chúng nằm riêng lẻ thì làm sao được gọi là Na-tiên? Nhưng nếu được kết hợp lại thì giả danh gọi là Na-tiên! Bần tăng nói rằng, bần tăng tên là Na-tiên thì đâu phải lời nói dối?

    Nghe đến đây, đức vua Mi-lan-đà vô cùng thích thú, hết lòng tán thán đại đức Na-tiên:

    - Hay lắm! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời cái lỗ tai của trẫm rất là hoan hỷ, đại đức có biết thế chăng?

    Cả đại giảng đường vang lên tiếng "lành thay, lành thay" làm chấn động cả kinh đô Sàgala.

    2. Cứu cánh của Sa môn hạnh

    Sau buổi cúng dường trọng thể, đức vua thỉnh tất cả tỳ khưu Tăng về chùa an nghỉ, chỉ xin lưu lại mười vị cùng với đại đức Na-tiên dự buổi Pháp đàm.

    Đức vua thỉnh đại đức Na-tiên cùng mười vị tỳ khưu ngồi cao phía trên, ngài ngồi bên dưới cùng với quần thần, rồi bạch:

    - Thưa, trẫm đã sẵn sàng rồi.

    - Tâu, bần tăng cũng đã sẵn sàng rồi, đại vương hãy tùy nghi.

    - Thế thì trẫm xin hỏi đây: Sống đời xuất gia có gì là lợi ích? Có gì là cao thượng?

    - Tâu đại vương! Người sống đời xuất gia thành tưụ được bốn điều lợi ích:

    Thứ nhất là không còn sầu khổ khi một ngũ uẩn sanh, hay gọi là "khổ sanh".
    Thứ hai, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn héo mòn , tiều tụy, hay gọi là "khổ già".
    Thứ ba, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn đau đớn, nhức nhối, khó chịu, hay gọi là "khổ bệnh".
    Thứ tư, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn tàn hoại, diệt mất, hay gọi là "khổ chết".

    Sự thay đổi, biến hoại, tiêu diệt của ngũ uẩn từ sanh, lão, bệnh, đến tử - người xuất gia hằng suy niệm, hằng quán tưởng nên sẽ thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối - là những lợi ích thù thắng đấy, tâu đại vương!

    - Đúng thế! Quả thật là lợi ích to lớn giữa cõi nhân sinh này. Còn có cái gì là cao thượng, thật sự cao thượng của người xuất gia, thưa đại đức?

    - Thưa, khi người xuất gia không còn bị sinh lão bệnh tử của ngũ uẩn ma vương ấy chi phối nữa, vị ấy thân chứng một trạng thái quân bình tuyệt hảo, hạnh phúc tuyệt hảo; vượt cao, vượt trên tất cả hạnh phúc của trần thế, siêu việt ý niệm, ngữ ngôn: cái ấy giả danh là Niết bàn; nơi không còn sanh tử, khổ đau và phiền não nữa! Đấy là sự cao thượng trên tất cả mọi sự cao thượng, tâu đại vương!

    Đức vua rất hoan hỷ hỏi tiếp:

    - Tất cả sa môn đều có nguyện vọng như thế sao?

    - Tâu đại vương! Cứu cánh sa môn hạnh thì như thế, nhưng trong hàng Tăng lữ hiện có bảy hạng người xuất gia vì lý do khác nhau:

    1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước.
    2. Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quý cao sang.

    3. Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
    4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
    5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
    6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
    7. Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não.

    Thấy đại đức Na-tiên trả lời đâu ra đó rất rõ ràng, minh bạch, lại tự nhiên như hít thở khí trời; ngài phục lắm, thử ướm hỏi:

    - Vậy chắc chắn đại đức vì mục đích cao thượng của hạng người thứ bảy mà xuất gia làm sa môn?

    Đại đức Na-tiên mỉm cười gật đầu:

    - Thưa, không phải thế! Bần tăng rời khỏi gia đình lúc bảy tuổi, còn rất nhỏ thì nào biết gì! Sau dần lớn lên, nhờ Thầy tổ, nhờ các vị trưởng lão dày công giáo hóa, trí óc mới khơi mở được chút ít. Hiện giờ thì có thể nói rằng, bần tăng tu là cốt ý để diệt khổ, đấy không còn là lời nói dối nữa!

    Đức vua Mi-lan-đà nghe cách trả lời, cách nói đầy khiêm tốn của đại đức Na-tiên, ngài kính trọng quá, quỳ xuống vập đầu và nói lớn:

    - Ôi lành thay! Cao quý thay!

    3. Danh sắc tương quan liên hệ

    Vua hỏi:

    - Đại đức đã nói đến danh sắc, vậy cái gì là danh, cái gì là sắc?

    - Thưa, phàm vật gì mắt thấy được, sờ nắm được, xúc chạm được, cái ấy được gọi là sắc pháp; cái gì có tính trừu tượng như tâm vương, tâm sở... thuộc ý niệm, tư tưởng... thì gọi là danh pháp.

    - Tại sao các danh pháp thì có tạo tác đến đời sau còn sắc pháp thì không?

    - Chẳng phải thế đâu, tâu đại vương! Hai pháp danh sắc này tương quan tương liên với nhau. Danh phải nương gá vào sắc, sắc phải nhờ danh mới hiện hữu để cấu tạo thành một sanh mạng. Chúng luôn luôn nương nhau, không từng lìa nhau bao giờ.

    - Xin cho nghe ví dụ.

    - Ví như một cái phôi trứng, ban đầu nó trong và ướt, sau đó nó đặc sệt, dần dần tượng hình thành quả trứng rồi nở thành chim, thành con gà. Cái phôi thai ban đầu ấy sở dĩ có được là do nhờ thức tái sanh (danh) nương gá vào sắc chất (sắc) của gà mà tạo nên mầm sống. Trong mầm sống ấy đã có danh và sắc nương gá lẫn nhau, tương quan tương liên với nhau, đồng sanh, đồng hiện hữu đã từ vô thỉ đến nay rồi, trải qua thời gian dài vô tận.

    - Hay lắm!

    4. Khi chết ngũ uẩn diệt theo

    Đức vua hỏi:

    - Khi một chúng sanh chết ở đây, tái sanh chỗ khác thì thức của chúng sanh ấy có lìa khỏi ngũ uẩn này để tái sanh chăng?

    - Chúng sanh chết thì ngũ uẩn diệt và thức cũng diệt theo, tâu đại vương .

    - Thế tại sao Đức Thế Tôn có thuyết rằng, chúng sanh hằng đi theo nghiệp của mình và thức sẽ đi tìm cảnh thú tái sanh theo nghiệp ấy.

    - Đúng là như thế.

    - Xin đại đức giảng cho nghe.

    - Thức tái sanh ấy được gọi là kết sanh thức, tức là thức nối liền từ kiếp này sang kiếp kia. Khi chết, thức diệt, không đi theo, nhưng nó tác động, chuyển hướng trong nháy mắt là kết sanh thức đi sang cảnh giới khác liền. Ví như người ta mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác. Lửa từ cây đèn bên này không đi sang cây đèn bên kia như thế nào, thì thức cũng không đi theo như thế ấy, tâu đại vương .

    - Xin cho nghe thêm ví dụ.

    - Thuở nhỏ đại vương có học toán số, văn phạm, sử truyện với các thầy phụ đạo phải chăng?

    - Đúng thế.

    - Thế thì toán số, văn phạm, sử truyện... ấy nó có chạy ra từ miệng, từ óc của thầy phụ đạo sang miệng và óc của đại vương chăng?

    - Không có chạy qua.

    - Và khi đại vương học giỏi, thì kiến thức, hiểu biết của các thầy phụ đạo chắc là cạn hết vì đã truyền sang tất thảy cho đại vương rồi?

    - Không phải như thế. Kiến thức và hiểu biết của các vị ấy còn y nguyên.

    - Vậy là không có cái gì đi qua cả sao?

    - Không có.

    - Tái sanh cũng y cũng như thế. Khi chết ngũ uẩn diệt, thức cũng diệt, chẳng có thức đi theo, nhưng thức ấy tác động, hướng tâm, trong một niệm là duyên theo cảnh giới tái sanh liền, tâu đại vương .

    - Trẫm đã rõ.

    5.Nếu chết mà diệt hết thì thoát khỏi nghiệp

    Đức vua hỏi:

    - Cho trẫm trở lại câu hỏi trước. Đại đức nói là khi chết, ngũ uẩn diệt, nghĩa là cả thân tâm này diệt hết, không còn gì?

    - Đúng vậy.

    - Chẳng có bất cứ cái gì ở thân này đi sang cảnh giới tái sanh cả?

    - Tạm thời có thể nói như vậy.

    - Vậy thì tiện lắm, khỏe lắm rồi. Nếu trên đời này mà trẫm có làm ác, giết người vô số; khi chết, tất cả nghiệp cũng diệt theo; sang cảnh giới mới, trẫm sẽ không bị trả quả do ác nghiệp của mình đã tạo!

    - Chẳng phải thế đâu, đại vương! Chỉ có người chấm dứt mọi nguyên nhân sanh tử, kẻ ấy mới chấm dứt được nghiệp; còn tất cả mọi chúng sanh, không ai thoát được nghiệp đã gieo!

    - Thế tại sao đại đức bảo là diệt hết!

    - Đại vương có nhớ chuyện xử phạt người trộm xoài không?

    - Có nhớ.

    - Kẻ trộm xoài ấy đã ngụy biện ra sao?

    - Y nói rằng, tôi hái trái ở trên cành còn xoài của người trồng ở trong đất đã bị diệt mất tiêu.

    - Rồi đại vương phán tội ra sao?

    - Trái dưới đất nó diệt nhưng nó nảy mầm, lớn lên, ra hoa ra trái. Trái mà ngươi hái cũng do từ trái dưới đất mà sanh ra.

    - Nghiệp cũng như thế, tâu đại vương! Thân tâm tuy diệt, nhưng nghiệp đã tạo giống như mầm cây, nó sẽ ra hoa kết trái ở thân tâm mới. Người hái trộm xoài không thoát khỏi tội như thế nào thì chúng sanh cũng chẳng thể tránh khỏi nghiệp khi nó đã trổ quả, tâu đại vương !

    - Hay thay! Đại đức đúng là bậc Đại trí tuệ.

    - Dạ không dám!

    6. Nghiệp trú ở đâu?

    Đức vua hỏi:

    - Thế thì các nghiệp thiện, ác ấy nó trú ở đâu?

    - Trú ở chỗ nào thì rất khó nói, nhưng nghiệp hằng đi theo chúng sanh từ cảnh giới này sang cảnh giới kia như bóng với hình vậy.

    - Không thể chỉ rõ thiện ở chỗ này hay ác ở chỗ kia sao?

    - Thưa không.

    - Đại đức có ví dụ nào về điều ấy không?

    - Ví dụ một cái cây lớn sẽ có trái, đại vương có thể nào chỉ cho bần tăng rõ là trái nó sẽ nằm tại chỗ này, tại chỗ kia ở trên cành hay chăng?

    - Không thể.

    - Cũng như thế ấy là các nghiệp mà chúng sanh hằng gánh chịu, nó luân lưu từ đời này sang kiếp kia, chẳng biết thời gian nào, chẳng biết không gian nào nó sẽ trổ quả, nhưng chắc chắn nó sẽ trổ quả. Thiện thì an vui mà ác thì đau khổ, tâu đại vương !

    - Thật là tuyệt!

    7. Luân hồi (Samsara)

    - Luân hồi là thế nào, thưa đại đức?

    - Luân hồi sinh tử là sự sống chết lui tới quẩn quanh của chúng sanh. Nghĩa là chúng sanh sanh ra trong thế gian, rồi lại chết trong thế gian. Chết trong thế gian, cấu sanh trở lại cũng trong thế gian, rồi sẽ chết lại trong thế gian nữa. Và cứ thế, tử sanh sanh tử mãi mãi đến vô cùng, chẳng bao giờ ra khỏi thế gian được. Luân hồi tử sanh là vậy, tâu đại vương!

    - Xin cho nghe ví dụ.

    - Người ta ăn trái xoài, lấy hạt gieo, mọc lên thành cây, có hoa, có trái. Lấy trái ăn rồi gieo nữa, mọc lên cây khác, trái khác. Lại ăn nữa, lại gieo nữa. Như thế, trái xoài đầu tiên không biết đâu tìm, mà trái xoài cuối cùng cũng kéo dài đến vô tận, không có điểm cuối. Sự sống chết, chết sống của chúng sanh trong vòng luân hồi cũng như thế đó, tâu đại vương!

    - Trẫm đã hiểu rồi!

    8. Sự liên hệ giữa kiếp này với kiếp kia

    Đến đây, đức vua Mi-lan-đà chợt suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:

    - Thưa đại đức, trẫm có một hoài nghi, một nghi nan. Rằng là chúng sanh chết ở đây đầu thai vào cảnh giới khác, khi đi sanh như vậy chúng có hình tướng hoặc màu sắc nào chăng?

    - Chẳng có màu sắc nào, chẳng có hình tướng gì khi chúng sanh đi đầu thai, tâu đại vương. Suốt cả tam tạng, Đức Chánh Đẳng Giác không nói điều ấy.

    - Nếu Đức Phật không thuyết điều ấy thì rõ ràng giáo pháp của Đức Phật đồng với ngoại đạo rồi!

    - Tại sao đại vương lại suy diễn như vậy?

    - Đúng là trẫm suy diễn, nhưng mà trẫm suy diễn y cứ nơi câu nói của đại đức. Nếu chúng sanh đi đầu thai mà không mang theo màu sắc và hình tướng nào cả, như vậy chứng tỏ không có chúng sanh đi đầu thai. Không có chúng sanh đi đầu thai thì cảnh giới mà nó đầu thai cũng không có. Cõi sau không có thì cõi sau nữa cũng không có. Nếu luận điểm như vậy thì khác gì chủ trương của tà sư Gunàjìvaka, là bậc thầy lớn, là bậc trí thức lớn ngoại đạo hằng tuyên bố: "Chẳng có cõi này, cõi sau nên không có chuyện chúng sanh đầu thai vào cõi sau."

    - Đại vương hãy nghe bần tăng nói đây.

    - Trẫm nghe rõ rồi.

    - Đại vương có nói dối không đấy?

    - Sao đại đức lại nói thế?

    - Làm sao đại vương có thể nghe được lời nói của bần tăng, khi mà lời nói của bần tăng chẳng có màu sắc và hình tướng nào cả? Chẳng có màu xanh, trắng, vàng... hay hình thù như voi, ngựa, xe đi từ miệng của bần tăng sang lỗ tai của đại vương?

    Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

    - Hay lắm, tuyệt vời thay là trí tuệ của đại đức.

    - Tâu đại vương! Chúng sanh lìa bỏ cõi đời này đi tìm chỗ tái sanh chẳng có màu sắc, hình thù tướng mạo gì cả đâu. Từ cảnh giới này sang cảnh giới kia ví như tiếng nói của bần tăng đi sang lỗ tai của đại vương vậy!

    - Trẫm đã hiểu rồi. Có lẽ trên thế gian này chẳng ai có tuệ giác thâm sâu như đại đức, đã soi rọi làm cho trẫm tiêu tan mọi nghi ngờ. Nhưng từ sự giải đáp của đại đức, trẫm lại phát sanh một nghi nan khác nữa.

    - Đại vương cứ nói.

    - Nếu tái sanh mà chẳng có màu sắc và hình tướng nào đi ra cả, thì khi đầu thai vào cảnh giới mới, một ngũ uẩn khác sẽ tự nhiên sanh ra chăng? Và như vậy thì nói thiện, nói ác để làm gì? Có sự liên hệ gì giữa nghiệp thiện ác với đời này đời kia đâu? Và cái mà Phật giáo gọi là vòng luân hồi tái sanh thật vô nghĩa lý vậy! Xin đại đức hãy soi sáng cho trẫm điều nghi nan ấy.

    - Vâng, thường ngày đại vương có ăn cơm chăng?

    - Có.

    - Hạt cơm ấy từ đâu ra?

    - Từ lúa.

    - Lúa ấy tự nhiên sanh ra hay do đại vương bảo nhân dân cày bừa và gieo hạt?

    - Dĩ nhiên là phải trải qua công phu gieo cày gặt hái mới có được.

    Im lặng một lát, đại đức Na-tiên hỏi tiếp:

    - Hạt gạo mà đại vương sai người nấu để ăn chính là hạt lúa mà người nông dân gieo trên ruộng phải chăng?

    - Thưa không phải.

    - Hay là hạt lúa khác?

    - Cũng không phải. Nó có được từ hạt lúa gieo trên ruộng.

    Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:

    - Thế là đại vương đã tự trả lời câu hỏi của đại vương! Đại vương đã tự trả lời rằng, hạt cơm mà đại vương ăn chẳng phải do tự nhiên sanh mà do công người nông phu gieo cày và gặt hái. Lại nữa, hạt cơm ấy có được dẫu chẳng phải là hạt lúa gieo trên ruộng, nhưng cũng do từ hạt lúa trên ruộng ấy sanh ra. Cũng vậy, ngũ uẩn tuy đã diệt rồi, nhưng nương tựa ngũ uẩn ấy, do các nghiệp thiện ác chi phối mà sanh ra ngũ uẩn mới. Ngũ uẩn mới chính là hạt gạo mà đại vương ăn, nó có được cũng do từ ngũ uẩn cũ, tức là hạt lúa cũ sinh ra. Và đấy chính là sự diễn tiến của vòng luân hồi tái sanh, tâu đại vương.

    - Trẫm đã rõ lắm rồi nhưng cho nghe thêm ví dụ.

    - Đại vương có tổ chức hội hoa đăng chứ?

    - Thưa có.

    - Khi đại vương chủ trì hội hoa đăng ấy, đại vương thấy người ta mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác chứ?

    - Vâng, thấy.

    - Thế thì lửa bên cây đèn này tự nhiên nó chạy sang cây đèn bên kia chăng?

    - Chẳng phải tự nhiên mà do có người mồi.

    - Rồi lửa ở cây đèn sau chính là lửa ở cây đèn trước?

    - Không phải.

    - Hay chẳng liên hệ gì với nhau?

    - Chẳng phải.

    - Vậy là đại vương đã tự trả lời. Đại vương đã tự trả lời rằng, chẳng phải ngũ uẩn mới do tự nhiên sanh mà chính do thiện ác tạo tác. Ngũ uẩn mới không phải là ngũ uẩn cũ đầu thai mà do ngũ uẩn cũ cùng với những tạo tác của nó mà sanh ra ngũ uẩn mới. Đại vương đã nắm vững vấn đề rồi chứ?

    Đức vua Mi-lan-đà gật đầu rồi hỏi tiếp:

    - Ngũ uẩn nói chung, nhưng nói riêng sắc uẩn cũng là vậy chứ.

    - Đúng là vậy.

    - Thọ và tưởng... cũng thế?

    - Đúng là vậy.

    - Nhưng sắc thân của chúng sanh dù xấu dù đẹp, dù đui què mẻ sứt hay lành lặn; những cảm thọ vui buồn, cùng những tri giác, ý tưởng v.v... nếu bảo chết là hết thì không đúng, bảo không liên hệ gì nhau cũng không đúng. Trẫm đã hiểu vậy nhưng đại đức có thể thiện xảo cho nghe ví dụ nào cụ thể dễ hiểu nữa chăng?

    - Có thể được. Đại vương có cái kiếng soi mặt nào ở đấy chăng?

    - Thưa có.

    - Đại vương hãy để cái kiếng ấy ở trước mặt đại vương.

    - Để rồi.

    - Đại vương hãy soi mặt mình vào đấy.

    - Soi rồi.

    - Đại vương có thấy rõ tai, mắt, mũi của đại vương ở trong kiếng chăng?

    - Thưa, thấy rõ rồi.

    - Thế là tai, mắt, mũi của đại vương đã đi qua cái kiếng kia rồi phải không?

    - Đúng vậy.

    - Đại vương hãy xem lại coi thử đại vương có mất tai, mất mắt và mất mũi chăng?

    - Không mất.

    - Vậy, nói chung là ngũ uẩn, nói riêng là sắc, thọ tưởng... ở kiếp sau nó nương từ sắc, thọ, tưởng của kiếp này mà có, bảo là một cũng sai, bảo là hai cái khác nhau cũng sai vậy. Khi một chúng sanh chết, ngũ uẩn diệt theo, nhưng những nghiệp thiện ác tạo tác như bóng nương theo hình sẽ cấu sanh ngũ uẩn mới, đời sống mới trong bụng mẹ. Mãi mãi như vậy là hành trình luân hồi của chúng sanh trong sáu nẻo.

    - Cảm ơn đại đức.

    9. Vào cửa nào để đầu thai?

    - Đại đức vừa bảo là ngũ uẩn mới sẽ cấu sinh trong bụng mẹ, vậy thì nó sẽ theo vào cửa nào mới cấu sanh được?

    - Nó có vào nhưng chẳng theo cửa nào cả, tâu đại vương!

    - Sao lại vô lý như thế được?

    - Đại vương có cái hộp nào mang theo đó chăng?

    - Thưa có.

    - Đại vương có biết trong hộp ấy đựng gì không?

    - Nó đựng ngọc ấn và mấy cái triện son của trẫm.

    - Vậy thì "cái thấy" của đại vương nó đi vào cửa nào mà biết trong hộp đựng ngọc ấn và triện son?

    - À ra vậy!

    - Chúng sanh vào bụng mẹ chẳng theo cửa nào cả cũng y như thế, đầu tiên nó đi vào bởi cái tâm sơ khởi gọi là kiết sinh thức; cái thức ấy chẳng có hình thù, tướng mạo gì cả, nó như cái luồng suy nghĩ hay tốc lực tâm của đại vương vụt chạy vào bên trong cái hộp kia vậy.

    - Trẫm không còn nghi ngờ gì nữa cả.

    10. Năng lực của thiện và ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?

    - Thưa đại đức! Năng lực của thiện nghiệp và năng lực của ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?

    - Tâu, năng lực của thiện nghiệp bao giờ cũng mạnh hơn năng lực của ác nghiệp!

    - Thưa, trẫm không tin như vậy. Đại đức xem! Trên đời này, những kẻ giết người, cướp của, trộm heo, trộm gà; những kẻ tà hạnh vợ người, lường gạt, tước đoạt gia sản của người v.v... họ bị trả báo tức thì. Pháp luật của trẫm sẽ xử phạt những người ấy. Tùy theo mức tội nặng nhẹ mà trẫm sẽ căng nọc ra đánh bằng gậy, giam cầm, đôi khi cắt tay, cắt chân hoặc chém đầu nữa. Như vậy là rõ ràng ác nghiệp sẽ trổ quả nhanh do năng lực của nó mạnh. Có người bị trả quả tội báo ngay ngày hôm sau, có kẻ trả quả sau một tuần, nửa tháng, một hoặc hai năm v.v..., nghĩa là trước sau cũng sẽ trổ quả, ngay chính trên đời này!

    Còn những người làm việc thiện thì sao nhỉ? Họ bố thí, trai tăng, làm phước, cúng dường ngày này sang ngày khác, đến một vị tỳ khưu, hai vị, bốn vị, một trăm vị, đến một ngàn vị...; ngoài ra, họ còn thọ trì tam quy, ngũ giới, bát giới, hành thập thiện... mà sao không thấy ai được quả báo trong hiện tại? Các vị tỳ kheo trong hàng ngũ của đại đức, bao giờ cũng nói, kiếp sau, kiếp sau nữa! Như vậy, chứng tỏ gì? Chứng tỏ năng lực của thiện nghiệp rất yếu, không có khả năng cho quả trong hiện tại, phải đợi đến bao nhiêu kiếp sau mới đủ sức trổ !

    Đại đức hãy chứng minh đi! Rõ là sức mạnh của nghiệp thiện thua sức mạnh của nghiệp ác rất xa vậy!

    - Hãy từ từ, đại vương! Hãy nhẫn nại, đại vương! Không bao giờ sức mạnh của thiện nghiệp lại thua ác nghiệp được. Và không phải không có trường hợp người làm thiện được quả báo ngay trên đời này!

    - Xin cho nghe!

    - Nói về người bố thí, trì ngũ giới hoặc bát quan trai giới, được quả báo nhãn tiền, có bốn người là:

    Đức vua Sakkamandhàtu,
    Đức vua Nemi,
    Đưc vua Sàdhina,
    Chàng Tinapàla.

    Đại vương có nghe đến tên họ không?

    Đức vua Mi-la-đà lắc đầu:

    - Thưa, không biết. Hoặc giả đại đức kể tên những người thuộc đời nảo, đời nao... ai mà biết được! Đại đức hãy kể tên những người hồi Đức Phật tại tiền, may ra trẫm có thể nhớ được chăng?

    - Tâu, vâng! Vậy thì thuở Phật tại thế có sáu người làm lành, được quả báo nhãn tiền, như sau:

    Thứ nhất, người giúp việc tên là Punnakedàso;
    Thứ hai là mẹ của người chăn bò;
    Thứ ba, cận sự nữ Suppiyà;
    Bốn là bà hoàng hậu Mallikà;
    Năm, người làm tràng hoa tên là Sumana;
    Thứ sáu, người bà-la-môn tên là Ekasàtaka.

    Cả sáu người này đều được tài sản, chức tước, địa vị ngay trên đời đó, tâu đại vương!

    - Thưa, xin đại đức cho biết rõ nhân quả của từng vụ việc như thế nào?

    - Tâu, vâng, đại vương hãy nghe đây:

    Trước hết, chàng giúp việc Punnakedàso dâng vật thực đến cho Tôn giả Xá-lợi-phất bèn được chức vị bá hộ giàu sang ngay chính trong ngày ấy.

    Tiếp đến, mẹ của người chăn bò có đức tin trong sạch đối với thiện pháp, vì nghèo khổ quá nên đã tự cắt mớ tóc của mình, bán được tám xu tiền vàng, mua vật thực dâng cúng đến ngài Đại-ca-chiên-diên (Mahà Kacchàyam); bèn được đức vua Udena thương mến, kính trọng, phong cho làm hoàng hậu ngay trong ngày ấy.

    Thứ ba, nàng cận sự nữ Suppiyà cắt lấy thịt bắp chân của mình, nấu cháo dâng đến cho một vị tỳ khưu bị bệnh; sáng sớm ngày hôm sau, nàng không còn tìm thấy dấu vết thương của mình.

    Thứ tư, nàng Millikà chỉ dâng một cái bánh đậu đến Đức Phật, được trả quả báo ngay hôm ấy là làm hoàng hậu của đức vua Kosala.

    Thứ năm, người thợ làm tràng hoa Sumana dâng tám nắm hoa lài, tung rãi cúng dường Đức Thế Tôn, được quả báo tức thì do nhà vua tặng rất nhiều của cải, tài sản.

    Cuối cùng, ông bà-la-môn Ekasàtaka chỉ có một thước vải mặc, lấy tấm vải duy nhất ấy cúng dường Đức Phật, được phước quả hiện tiền, là tất cả đồ dùng, mỗi loại tám cái.

    Đấy là nhân, là quả, năng lực thiện nghiệp trổ quả ngay hiện tại, tâu đại vương!

    - Chỉ có bấy nhiêu thôi sao, đại đức?

    - Vâng, theo những gì bần tăng có thể nhớ được, chỉ có sáu người ấy thôi!

    Đức vua Mi-lan-đà bèn nói to:

    - Đại đức dám bảo là năng lực thiện nghiệp có sức mạnh vĩ đại hơn năng lực của ác nghiệp, mà đại đức chỉ đưa ra được có sáu ví dụ, sáu người; trong lúc sức mạnh của ác nghiệp, có khả năng cho quả tức thời... thì trẫm có thể mang ra dẫn chứng nhiều không kể xiết, nào phải chỉ có hai mươi, năm mươi, một trăm, hai trăm mà thôi đâu!

    Lại có khi sức mạnh của ác nghiệp trả quả tức khắc khi nhân vừa gây ra. Ví dụ như quan đại thần Bhaddapàla, hô đội quân dũng mãnh của mình chiến đấu với đội quân của vua Cadagutta! Hai bên vừa ra quân, đao vừa vung lên, đầu bèn rụng xuống...; và cứ thế, gươm giáo tung ngang xẻ dọc làm cho hằng trăm hằng người bỏ mạng. Trận chém giết ấy rõ là trả quả ngay tức khắc, chứng tỏ nghiệp ác có sức mạnh dường bao!

    Thế là rõ! Thế là luận cứ của đại đức đã bị bẻ gãy rồi!

    - Chưa đâu, tâu đại vương! Năng lực của ác nghiệp vẫn không mạnh bằng năng lực của thiện nghiệp. Sở dĩ ác nghiệp trả quả nhanh là vì quả ấy ít; còn thiện nghiệp trả quả chậm vì quả báu rất nhiều! Ví như có một loại lúa ở ngoài biên địa quốc độ của đại vương, lúa ấy nhẹ, hạt nhỏ, vãi xuống trong ruộng một tháng là chín ngay, nhưng năng suất kém. Trái lại, lúa Sàli đến năm, sáu tháng mới chín nhưng năng suất rất lớn. Ví dụ này như thế nào thì thiện nghiệp, ác nghiệp trổ quả ít nhiều như thế ấy, tâu đại vương!

    - Trẫm vẫn chưa đồng ý đâu. Ác trả quả mau nhưng ít, thiện trả quả chậm nhưng nhiều - nghe vẫn chưa thuyết phục. Cái trổ quả nhanh chính là do năng lực lớn, mạnh. Cái trổ quả nhanh mới là điều quan trọng. Vì sao? Ví như một chiến sĩ can trường, mới vào trận đã xông xáo tìm bắt tên thủ lãnh. Y đã hàng động rất nhanh, nhờ nhanh tay bắt được tên thủ lãnh nên sớm quyết định thắng, bại ở chiến trường. Ví như một người bị rắn độc cắn được dẫn đến nhà thầy rắn để chữa trị. Người thầy rắn chẳng chần chờ phút giây nào, tức khắc tìm cách hút nọc rắn, nhanh tay cho thuốc uống, thuốc đắp. Nhờ lanh lẹ như thế, người bị rắn cắn thóat khỏi tử thần.

    Còn nữa, ví như hai người cùng đang đếm một số lượng hàng hóa. Người nào đong lẹ, đếm nhanh người ấy chắc hẳn được hưởng phần lương cao hơn. Mà nếu phần lương không cao hơn thì y cũng còn được khoảng thời gian dư dã để làm công việc khác. Ai lợi hơn ai hẳn không cần phải trả lời.

    Còn nữa, ví như hai tay đô vật vào cuộc. Có một tên chậm chạp, tay kia nhanh hơn, đã tìm cách quật ngã đối phương rất nhanh nên dành được chiến thắng lớn! Vậy đó, có sức mạnh thì bao giờ cũng nhanh. Ac có sức mạnh hơn thiện nên sẽ trổ quả mau hơn cũng là định luật tất yếu thôi, đại đức. Xin đại đức đừng đem chuyện nhiều và chuyện ít vào đây, nó không tương hợp đâu!

    Đại đức Na-tiên mỉm cười:

    - Tất cả những ví dụ của đại vương nghe thì có vẻ hay nhưng đều không áp dụng được. Vì sao? Vì tất cả những ví dụ ấy đều không tương hợp với định luật nhân quả.

    Người chiến sĩ can trường ra tay nhanh, người thầy thuốc chữa bệnh rắn cắn nhanh, người đong đếm nhanh, người đô vật sức mạnh quật ngã đối thủ nhanh. Cái nhanh ấy là tốt, tốt cho nên trổ quả nhanh mới đúng chứ, sao đại vương nêu ra để chứng minh cho cái ác?

    Có người ăn uống nhanh bị nghẹn họng, cạo đầu nhanh bị đứt da đầu, viết chữ nhanh khiến chữ xấu v.v... Ở đây, cái nhanh ấy lại là xấu, ác; thế thì phải nói cái ác trả quả nhanh sao?

    Lại nữa, những ví dụ khác của đại vương về tội cướp của, giết người v.v... bị pháp luật của đại vương xử trị ngay, đại vương y cứ vào đó để bảo rằng ác trổ quả nhanh! Thế rõ là đại vương đang nắm trong tay định luật nhân quả đó chăng? Định luật nhân quả phải xảy ra một cách lạnh lùng, không thiên vị. Ở đây, đại vương đã nghiêng về phía trừng trị kẻ ác rồi! Còn người làm điều thiện trong quốc độ của đại vương thì sao nào? Đại vương sẽ trả quả báo chậm cho họ hay sao? Hay là đại vương lý luận, để chứng tỏ người làm thiện không được phước báu gì hết?

    Ác thì đại vương chặt đầu, treo cổ; còn những người giữ ngũ giới, bát giới, chẩn bần người đói khổ, cứu giúp người hoạn nạn... đại vương đã ra luật định ban thưởng cho họ như thế nào chăng? Không à? Chưa à? Thế ra đại vương không phải là người nắm định luật nhân quả, chi phối trọn vẹn vận mệnh con người ở trong quốc độ của đại vương hay sao? Đại vương hãy trả lời đi!

    Những câu hỏi dồn dập của đại đức Na-tiên làm cho đức vua Mi-lan-đà bối rối không ít.

    Đức vua đáp:

    - Trẫm biết trẫm sai rồi, cái nhìn của trẫm ngắn và gần quá, chỉ ở trước mắt, hay chỉ từ những điều mà trẫm suy nghĩ được!

    - Tâu đại vương! Cho chí các bậc thượng thủ A-la-hán như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cũng không có khả năng thấy rõ sự vận hành của lý nhân quả, ngoại trừ bậc Toàn Giác. Việc trổ quả nhanh hay chậm của thiện và ác, các bậc đại A-la-hán cũng không thấy rõ được. Nhân quả nó xảy ra ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ là nhân, hiện tại là quả. Hiện tại là nhân, vị lai là quả. Trong chừng mực nào đó, chúng ta hiểu vậy - nhưng thật sự chúng ta không dám xác quyết cái gì là nhân, cái gì là quả chắc chắn đâu. Cái nhân bây giờ đôi khi chỉ là cái quả của quá khứ, và quả từ quá khứ đôi khi lại là nhân từ hiện tại. Nó trùng trùng duyên khởi, không thấy đầu, không thấy đuôi, đại vương ạ!

    Lại nữa, bần tăng nói, năng lực thiện nghiệp có sức mạnh hơn năng lực của ác nghiệp, điều ấy không còn hồ nghi, tuy nhiên, ta cũng phải hiểu trong ý nghĩa tương đối. Vì sao vậy? Vì có những kẻ làm ác, như phạm vào ngũ nghịch đại tội[*], thì kẻ ấy có khi phải bị trả quả báo nhãn tiền, tâu đại vương!
    [*] Giết cha, giết mẹ, chích máu Phật, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng.

    - Vâng, trẫm rõ rồi!

    - Lại nữa, ví như tướng cướp Angulimàla là tay khét tiếng giết người, sau vào tu trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, chứng ngộ đạo quả. Đáng ra, tội giết người kinh khiếp của Angulimàla sẽ bị ác báo nặng nề! Nhưng không, Angulimàla nhờ chứng ngộ đạo quả cao siêu, pháp xuất thế gian, là tối thượng thiện pháp - nhờ năng lực ấy nâng đỡ nên trả quả rất nhẹ. Thế điều này không chứng tỏ năng lực của thiện mạnh hơn năng lực của ác sao, đại vương?

    - Chính thị! Thôi cảm ơn đại đức đã xua tan sự u tối cho trẫm.

    11. Niết bàn

    - Thưa đại đức! Tại sao Niết bàn thường được nói là diệt (nirodha), là tịch diệt? Trẫm nghi ngờ điều đó lắm!

    - Xin thưa, Niết bàn chính là diệt, là tịch diệt, một trạng thái ngưng nghỉ và vắng lặng, đại vương hãy nghe đây, bần tăng sẽ nói.

    Chúng sanh hằng chịu thế lực của căn trần chi phối, mãi trôi dạt giữa biển đời sanh tử, mãi quẩn quanh trong lục đạo luân hồi, mãi chìm đắm giữa dòng ái dục; nên chẳng bao giờ thoát ly được sự bủa vây của phiền não do sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, bất bình, uất ức, thống khổ v.v... Các bậc Thinh văn A-la- hán, do nhờ có tu tập, do nhờ có trí tuệ nên các ngài đã thoát khỏi sự chi phối của căn trần; đã liễu ngộ sinh tử, không còn trôi dạt trong ba cõi, sáu đường, đã chấm dứt ái dục! Khi ái dục đã diệt tận thì mọi chấp thủ tiêu vong[*]; thủ diệt thì ba hữu [**] đâu có còn? Ba hữu không còn thì lấy đâu ra sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não? Như vậy, mọi nguyên nhân của phiền não đau khổ thảy đều ngưng nghỉ, vắng lặng; nếu không gọi là diệt, là tịch diệt thì gọi là gì hở đại vương?

    - Hay lắm! Chính xác lắm!
    [*] Có bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, ngã thủ và giới cấm thủ.

    [**] Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

    12. Làm sao biết Niết bàn là tối thượng lạc?

    - Chưa đắc Niết bàn thì làm sao biết được Niết bàn là tối thượng lạc, đại đức ?

    - Thưa, biết chứ. Ví như một người chưa từng bị chặt tay, chặt chân có biết rằng bị chặt tay chặt chân là khổ không?

    - Thưa, biết.

    - Làm sao mà biết được?

    - Nghe tiếng kêu la, than khóc quằn quại đau đớn của những nạn nhân ấy nên biết.

    - Cũng như thế ấy, dầu chưa chứng đắc Niết bàn, nhưng nghe những vị Thánh nhân A-la-hán nói lại và thấy đời sống thanh tịnh, nhàn lạc, an vui của họ nên biết Niết bàn là tối thượng lạc.

    - Đúng lắm.

    13. Tại sao không diễn tả Niết bàn một cách cụ thể?

    Hôm đó, khi vừa gặp đại đức Na tiên, không biết trong tâm của đức vua nghĩ ngợi gì mà ngài cứ mỉm cười hoài! Sau đó, đức vua không mở đề như thường lệ, mà buông lời như trống không, vô nghĩa.

    - Gẫm cũng thú vị quá, đại đức nhỉ?

    - Ý đại vương muốn nói gì?

    - Ô! Đức Phật đó! Giáo hội đó! Chư Tăng đó! Tất cả sa môn trong hàng ngũ của đại đức đấy!

    - Bần tăng vẫn không hiểu gì!

    - À, là thế này! Niết bàn ấy mà! Ai cũng nói Niết bàn là vô thượng, tối thượng, là hạnh phúc, là an lạc. Nhưng khi diễn tả Niết bàn cho mọi người cùng thấy, cùng biết... thì quý vị cứ ởm ờ, trả lời vòng quanh, trườn uốn như con lươn! Này nhé, đại đức hãy nghe đoạn đối thoại sau đây:

    "- Thưa đại đức, Niết bàn có sắc tướng không?"

    - Không, không có sắc tướng, không phải kết hợp do tứ đại.

    - Thế ra nó phải có một diện tích, một cảnh, một cõi, một xứ, một nơi chốn nào đó?

    - Không, hoàn toàn không phải là như vậy!

    - Cũng không có bộ phận, chi tiết gì cả sao?

    - Không, không có!

    - Có thể nào đưa ra một sự ước lượng, một sự độ chừng được không?

    - Thưa, không thể.

    - Có thể đưa ra một ví dụ chăng?

    - Chẳng thể nào!

    - Thế Niết bàn chắc phải có nhân gì chứ?

    - Nó không nhân!

    - Thế thì duyên?

    - Cũng không!

    - Chẳng có cách thức, phương pháp gì để chứng thực, để diễn đạt sao?

    - Không có! "

    Đấy! Đoạn đối thoại như vừa rồi là cách trả lời phổ thông nhất của quý ngài đấy! Nếu trường hợp đại đức thì đại đức sẽ trả lời sao?

    - Tâu đại vương! Nếu được hỏi như thế thì bần tăng cũng chỉ trả lời được như thế thôi!

    - Thế không có cách gì cụ thể để cho mọi người dễ lãnh hội hơn sao?

    - Tâu, có thể trả lời cụ thể, nhưng cụ thể ấy không phải là Niết bàn. Có thể từ ví dụ cụ thể ấy khơi mở cho ta thấy "bóng dáng" của Niết bàn!

    - Ồ! Vậy là hay lắm!

    - Thế gian nói có biển lớn, và đại vương không biết đã thấy biển lớn chưa?

    - Thưa, có thấy rồi!

    - Quả thật có biển lớn chứ?

    - Vâng, có thật.

    - Đại vương đã thấy biển lớn rồi và xác định biển lớn ấy có thật. Vậy thì xin hỏi đại vương, biển lớn ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, sâu bao nhiêu? Và trong biến ấy ước chừng bao nhiêu lượng nước, bao nhiêu loài cá, mỗi loại như thế số lượng được bao nhiêu con?

    - Không ai nói được điều đó, không ai biết được điều đó. Vả lại, đây là loại câu hỏi không nên đặt ra, đại đức!

    - Tại sao thế? Biển cả có thật, nước có thật, cá có thật - mà tại sao đại vương không chịu trả lời? Hay là đại vương chưa hề thấy biển?

    - Trẫm thấy thật chứ - nhưng bề dài, rộng, sâu, bao nhiêu cá thì quả thật trẫm chịu; trẫm chưa đủ kiến thức về hải dương học, nếu có, trả lời cũng không chính xác đâu!

    - Biển cả là cái cụ thể, đại vương đã từng thấy bằng mắt, thế mà hỏi về dài, rộng, sâu, bao nhiêu cá... đại vương cũng không độ chừng được, ước lượng được... Thế mà đại vương bảo bần tăng độ chừng, ước lượng, đưa ra bộ phận, chi tiết... về Niết bàn, là pháp siêu thế sao?

    - Ồ!

    - Giả dụ như có người có thần thông, có kiến thức uyên bác, có trí nhớ tuyệt hảo; y có thể độ chừng bề dài, rộng, sâu, nước và cá trong biển lớn; nhưng đối với Niết bàn y cũng không thể nói được, trình bày được!

    - Tại sao?

    - Vì sao thì đại vương biết rồi đó chứ! Vì Niết bàn ở ngoài mọi ước lượng, mọi nhân, duyên, ví dụ, so sánh..., tâu đại vương!

    Đức vua Mi-lan-đà nóng nảy:

    - Nhưng đại đức có nói, là có thể có ví dụ cụ thể, từ đó khơi mở cho người khác thấy "bóng dáng" của Niết bàn kia mà! Trong tâm của trẫm đang có một lò lửa thiêu đốt đấy!

    Đại đức Na tiên nói:

    - Vậy thì đại vương hãy nghe cho kỹ đây! Đây là những ví dụ cụ thể, từ đó ta sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng của Niết bàn:

    Một là, hoa sen có một đức tính tương tợ Niết bàn.
    Hai là, nước có hai đức tính tương tợ Niết bàn.
    Ba là, thuốc trị độc rắn có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
    Bốn là, biển lớn có bốn đức tính tương tợ Niết bàn.
    Năm là, vật thực có năm đức tính tương tợ Niết bàn.

    Sáu là, hư không có mười đức tính tương tợ Niết bàn.
    Bảy là, ngọc ma ni có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
    Tám là, chiên đàn đỏ có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
    Chín là, sữa Sappi (tức sữa chua, bơ lỏng) có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
    Mười là, đỉnh núi có năm đức tính tương tợ Niết bàn.

    Nghe xong mười điều, đức vua Mi-lan-đà hoan hỷ nói:

    - Hay lắm! Vậy thì đại đức bi mẫn cho nghe từng điểm một.

    - Vâng, đây là điều thứ nhất. Hoa sen có một đức tính khả dĩ từ đó chúng ta hình dung ra Niết bàn. Đức tính ấy là gì? Ấy là hoa sen không dính nước, không thấm nước. Niết bàn cũng như hoa sen vậy, có đặc tính là, nước cấu uế, nước phiền não không dính được, không thấm vào đấy được!

    - Vâng, cho xin nghe tiếp hai đức tính của nước?

    - Khi trời nóng nực, nước giúp ta tắm rửa mát mẻ, đồng thời, tẩy sạch tất cả những dơ dáy bụi bặm. Cũng tương tự thế, Niết bàn làm lắng dịu hận tâm, sân tâm; làm mát mẻ tất cả sự bực tức, bực bội, nóng nảy, ngoài ra còn tẩy rửa tất cả tâm tư, ý niệm dơ dáy, bất tịnh - tâu đại vương!

    - Đúng là như vậy, thế cho nghe ba đức tính của thuốc trị độc rắn.

    - Vâng. Điều thứ nhất, thuốc ấy uống vào là tan độc tính. Thứ hai, uống vào là hết bệnh. Thứ ba, uống vào là ngăn được sự chết. Tương tợ như thế, Niết bàn làm tiêu vong phiền não, thứ nữa là diệt tận khổ đau, chấm dứt tham sân si; cuối cùng là ngăn giữ cho chúng sanh khỏi rơi vào sanh gìa bệnh chết!

    - Điều thứ tư, bốn đức tính của biển lớn là như thế nào?

    - Vâng!

    Thứ nhất, biển lớn luôn giữ gìn sự trong sạch của mình, không dung chứa những xác tử thi bất tịnh; cũng vậy, Niết bàn bao giờ cũng thanh khiết, không dung chứa bất cứ sự cấu uế, bất tịnh nào.

    Thứ hai, biển lớn rộng mênh mông; bao nhiêu con sông lớn ngày đêm tuôn chảy vào cũng không đầy. Tương tự như thế, Niết bàn mênh mông không thấy mé bờ; nếu vô lượng chúng sanh đời này, đời kia vào an trú, không vì thế mà Niết bàn đầy hơn.

    Thứ ba, biển lớn là nơi sinh sống của hằng trăm triệu thủy tộc, tha hồ cho chúng bơi lội vẫy vùng. Tương tự thế, Niết bàn là cảnh giới của vô lượng bậc Thánh nhân vô lậu cư trú, tha hồ sống đời hạnh phúc, an lạc chơn thường.

    Thứ tư, biển cả là nơi chôn dấu, sinh trưởng của biết bao nhiêu loài, giống, loại quý báu. Không kể ngọc, kim cương, xà cừ, pha lê, trân châu... mà còn hương liệu, tinh chất được lấy ra từ các loại thảo mộc chưa có tên gọi. Tương tự thế, Niết bàn là nơi hội tụ của mọi loài hương hoa thơm ngát được chiết ra từ các pháp thanh tịnh; biết bao trí đức, tuệ đức quý báu; vô lượng đức tính toàn mỹ, toàn thiện không đếm xiết được.

    Đại vương thấy thế nào? Bốn đức tính của biển có tương ưng, tương hợp với Niết bàn chăng?

    - Quả là vậy. Xin đại đức cho nghe tiếp năm đức tính của vật thực?

    - Vâng.

    Thứ nhất, vật thực nuôi dưỡng sanh mạng chúng sanh, Niết bàn cũng nuôi dưỡng đời sống bất tử của chúng sanh không cho tiêu hoại bởi già và chết.

    Thứ hai, vật thực cho chúng sanh sức lực và sức mạnh, Niết bàn cũng là nơi cho chúng sanh thần lực và năng lực.

    Thứ ba, vật thực làm cho tươi sắc da, Niết bàn cũng làm tươi đẹp thêm màu sắc của giới.

    Thứ tư, vật thực dứt sự quằn quại xót xa do đói - thì Niết bàn cũng chấm dứt tất cả sự thống khổ, sầu muộn do phiền não.

    Thứ năm, vật thực giúp chúng sanh giải quyết sự đói thèm - thì Niết bàn cũng làm cho tất cả sự khao khát, tham muốn thảy đều yên lặng.

    - Ví dụ ấy thật là sít sao! Đại đức cho nghe tiếp.

    - Vâng, bây giờ là mười đức tính của hư không.

    Thứ nhất, hư không và Niết bàn đều không già.
    Thứ hai, hư không và Niết bàn đều không chết.
    Thứ ba, hư không và Niết bàn đều không rời đi, rớt đi.
    Thứ tư, hư không và Niết bàn đều không tái sanh.
    Thứ năm, hư không và Niết bàn không ai áp chế được.

    Thứ sáu, hư không và Niết bàn không ai trộm cắp hoặc sở hữu được.
    Thứ bảy, hư không và Niết bàn đều không có gì dính mắc được.
    Thứ tám, hư không là nơi đi lại của chim, chư thiên, người và dạ xoa có thần thông- Niết bàn là nơi đi lại của bậc Thánh.
    Thứ chín, hư không và Niết bàn không có gì ngăn ngại.
    Thứ mười, hư không và Niết bàn là nơi mênh mông không có chỗ cuối cùng.

    - Hay vậy thay! Xin cho nghe về ngọc ma ni?

    - Vâng, ngọc ma ni có ba đức tính:

    Một là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho thành tựu sở nguyện.
    Hai là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho hoan hỷ
    Ba là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho an lạc.

    - Cho nghe thêm về ba đức tính về chiên đàn đỏ.

    - Vâng, chiên đàn đỏ và Niết bàn đều có ba đức tính tương tợ nhau.

    Trước hết, nó là cái khó tầm cầu, khó được
    Thứ hai, có mùi thơm không gì sánh bằng.
    Sau nữa, chiên đàn đỏ được thế gian ưa thích thì Niết bàn là nơi bậc thánh ưa thích.

    - Thế còn ba đức tánh của bơ lỏng?

    - Vâng.

    Đầu tiên, nếu bơ lỏng có màu sắc đẹp thì Niết bàn có vô lượng đức tính đẹp.
    Tiếp đến, bơ lỏng có vị ngon đặc biệt thì Niết bàn cũng có vị ngon đặc biệt (diệt phiền não, được an vui).
    Cuối cùng, bơ lỏng có mùi thơm đặc biệt thì Niết bàn cũng có mùi thơm đặc biệt (ấy là tuệ hương, giải thoát hương...)

    - Bây giờ còn năm đức tính của núi nữa, đại đức?

    - Vâng!

    Một là, đỉnh núi là điểm cao nhất - Niết bàn cũng là cõi cao nhất.
    Hai là, đỉnh núi không hề rung chuyển, lay động thì Niết bàn cũng thế.
    Ba là, đỉnh núi người lên một cách khó khăn - Niết bàn người đắc cũng rất khó khăn.
    Bốn là, trên đỉnh núi đá không cây gì mọc được, ở Niết bàn, tham sân si, phiền não cũng không mọc được.
    Năm là, đỉnh núi và Niết bàn đều xa lìa sự thương và ghét.

    Tâu đại vương! Đấy là tất cả các ví dụ tạm thời nhằm so sánh với Niết bàn - mà trình độ của bần tăng có thể nói được. Mong đại vương suy gẫm, may ra có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của Niết bàn chăng?

    - Vậy là đã quá nhiều rồi! Có gì chưa thông suốt, trẫm sẽ xin hỏi lại vào một dịp khác.

    - Tâu, vâng.

    14. Làm cho rõ Niết bàn?

    - Thưa đại đức! Hôm qua đại đức đã nêu ra hằng chục đức tính cao quý vô thượng của Niết bàn do nhờ hình tượng của sự vật nói lên. Hiện tại, trẫm đã hình dung ra được Niết bàn ấy. Tuy nhiên, theo trẫm được học hiểu thì Niết bàn không phải quá khứ, Niết bàn không phải vị lai, Niết bàn không thể là hiện tại. Lại nữa, Niết bàn ấy cũng không phải cái mà mọi người làm cho nó sanh lên. Quả thật trí óc phàm phu chẳng thể nào mà nắm bắt được!

    Vậy thì sao ạ, thưa đại đức, những người thực hành đúng đắn chánh pháp, tinh cần chỉ tịnh và quán minh thì sẽ làm cho tỏ lộ Niết bàn? Hay cứ thực hành cho rõ con đường ấy tất là làm cho rõ Niết bàn? Hoặc là cứ tu tập như thế thì Niết bàn sẽ tự tỏ lộ, sau đó mới làm cho rõ hơn nữa.

    - Tâu đại vương! - Khi mà thực hành đúng đắn chánh pháp rồi thì sẽ làm cho tỏ lộ Niết bàn hoặc là Niết bàn tự tỏ lộ, rồi làm cho rõ rệt thêm lên đều được cả. Cách nói nào cũng đúng cả! Chỉ đừng nên hiểu sai là Niết bàn được sanh lên bởi một nhân nào đó. Có lẽ khi mình thấy rõ Niết bàn, chứng nghiệm Niết bàn rồi - thì sự diễn tả, phát ngôn của mình mới chính xác hơn, phải thế chăng?

    - Đúng vậy!

    Nhưng... nhưng hiện tại, trẫm và thính chúng nơi này, và mai sau nữa, đều là kẻ phàm phu; nên vẫn mong những kiến giải đầy trí tuệ của đại đức, những ví dụ sống động và cụ thể của đại đức, để đem ánh sáng cho phần đông, thưa đại đức!

    - Tâu, vâng! Như đại vương biết rồi, người nào theo lời giáo huấn của Đức Toàn Thắng - mà thực hành tốt, thực hành đúng đắn, dùng trí tuệ quán xét pháp hành, thì sẽ tỏ lộ được Niết bàn tối thượng lạc ấy. Ví như người học trò tìm thầy để học nghề nghiệp. Nhờ tin tưởng vào thầy, thực hành tốt, thực hành đúng đắn lời chỉ dạy của thầy, người học trò ấy nắm được bí quyết thiện xảo của nghề nghiệp. Như thế, có thể nói, là nhờ đức tin, nhờ theo lời chỉ dạy của thầy, nhờ thực hành đúng đắn, người học trò kia nắm bắt được nghề nghiệp, mà trước đây y chưa có? Nói thế được không đại vương?

    - Có thể được.

    - Niết bàn trước đây chưa có, nhưng nhờ trí tuệ làm cho tỏ lộ Niết bàn cũng y như thế, tâu đại vương!

    - Hay lắm! Vậy thì tỏ lộ làm cho ta thấy được rõ, phải thế chăng? Niết bàn có thể thấy rõ, ta có thể thấy rõ như thế nào hả đại đức?

    - Tâu đại vương! Niết bàn có thể thấy rõ được do sự chứng nghiệm ở trong tâm. Ta chứng nghiệm được những trạng thái như: mát mẻ, thanh khiết, an lạc, hòa bình trường cửu v.v... và rõ ràng như vừa xa lìa được sự nóng bức, sự ô nhiễm, sự thống khổ, sự bất an dao động vậy, tâu đại vương!

    - Sự xa lìa ấy là như thế nào, đại đức? có ví dụ cụ thể chăng?

    - Được chứ! Ví như có người ở trong một căn nhà bị lửa thiêu cháy xung quanh, người ấy hốt hoảng, sợ hãi, dao động... Sau một hồi bình tĩnh, người ấy tìm được đường thoát ra - sau khi bị thiêu cháy gần chết - đến một nơi an toàn, mát mẻ. Đấy là hình ảnh rõ ràng cho ta thấy rõ thế nào là sự xa lìa thống khổ, tìm đến chỗ an vui, tâu đại vương!

    - Vâng!

    - Chúng sanh ở cõi đời này cũng giống như thế, nào có khác gì? Cả ba đống lửa lớn là tham, sân, si hằng thiêu đốt chúng sanh trong ba cõi. Nếu biết nghe lời Đức Đạo Sư để thực hành chánh pháp - như lý tác ý - rồi cũng sẽ tìm được đường thoát ra, đến chỗ mát mẻ, an vui, thanh khiết, hòa bình trường cửu là Niết bàn đấy, tâu đại vương!

    - Rõ ràng lắm!

    - Lại nữa, ví có người thấy được nơi nghĩa địa nọ bốc mùi những xác chết, nào người, nào rắn, nào chó, nào chuột,v..v... Muốn thoát ra được sự nhiễm ô, người ấy vào rừng kiếm củi, tấp lên những xác chết để đốt. Đốt xong, người ấy thở dài khoan khoái, không còn thấy hôi, không còn sợ lây lan ô nhiễm nữa. Tâu đại vương! Những kẻ tu hành như chúng ta có khác gì những người đi kiếm củi để đốt những xác chết hôi hám ấy? Đi kiếm củi khó khăn vất vả thì tầm cầu chánh pháp nào có dễ gì? Những xác chết ví cho ngũ dục cùng tấm thân bất tịnh này? Chánh pháp phải được nhen lên, tỏa bùng ngọn lửa trí tuệ để thiêu cháy những ham muốn thấp hèn, ô uế và tục lụy. Đốt xong, người kia thở dài khoan khoái, không còn thấy hôi hám, không còn sợ lây nhiễm nữa - thì có giống như bậc Thánh nhân chứng nghiệm hạnh phúc Niết bàn vô cấu, vô uế không, đại vương?

    - Quả vậy!

    - Lại nữa, ví như có người sắm chiếc thuyền nhỏ, vượt biển sang bờ bên kia; người ấy sợ sóng to, sợ bão lớn, sợ cá dữ, sợ lạc phương hướng. Sau khi lên bến người ấy thoát khỏi bốn sợ hãi. Cũng vậy, chúng sanh trôi nổi giữa biển đời, bốn nỗi sợ hãi là sanh, gìà, bịnh, chết thường trực bủa vây. Sau khi tìm được Niết bàn, người ấy thoát khỏi bốn nỗi sợ hãi ấy, được lạc, được vui, tâu đại vương!

    - Chính vậy!

    - Lại nữa, tâu đại vương! Ví như có kẻ bộ hành đi qua quãng đường lầy lội, trơn trợt, bị té lên té xuống mình mẩy lắm lem dơ bẩn. Nhưng sau khi sang khỏi đoạn ấy, là đại lộ cao ráo, phong quang; người bộ hành tắm rửa sạch sẽ rồi lên đường một cách thoải mái, dễ dàng. Người tu hành bước qua thế giới bùn lầy uế trược, té xiêu, vấp ngã, lấm lem ngũ trần, vẫn cương quyết lên đường; hướng tâm đúng, tinh tấn đủ thì có lúc sẽ đến được cõi an vui, thanh khiết, vô nhiễm!

    - Cảm ơn đại đức! Trẫm đã hiểu những ví dụ xa lìa chỗ này để đến chỗ kia. Nhưng còn cái gọi là làm cho Niết bàn tỏ lộ hay làm cho Niết bàn rõ rệt - xin đại đức giảng thêm.

    - Vâng, tâu đại vương! bần tăng xin được hầu chuyện với đại vương. Ví như có người tu hành chơn chánh, thường quán chiếu để mong thấy rõ các pháp hành, tức là pháp hữu vi ở trong tâm, hiện ra tam tướng: vô thường, khổ não, vô ngã. Và pháp hữu vi nào cũng nằm trong định luật sanh, trụ, dị, diệt. Nhưng sự quán chiếu, trực thị, thấy rõ ấy chưa được trọn vẹn. Nói cách khác, có kẻ thấy được vô thường nhưng chưa thấy khổ và vô ngã. Có kẻ thấy khổ mà chưa liễu ngộ được vô thường v.v...vì thế Niết bàn chưa rõ rệt đối với vị ấy. Nghĩa là họ còn đắm say hoặc chấp trước ở một chỗ nào đó, chưa thật sự xả ly, buông bỏ hết. Tương tự như một thanh sắt được nung đỏ từ đầu đến đuôi, chúng sanh không ai cảm giác gì - nhưng người tu hành thấy rõ là nóng. Có kẻ thấy nóng ở đằng đuôi nên cầm ở đằng đầu. Có kẻ thấy nóng ở đằng đầu nhưng cho ở đuôi là mát. Có kẻ đầu đuôi đều nắm được nhưng chỉ sợ ở giữa ! Chỉ có người quán chiếu trọn vẹn mới thấy lửa đốt ở ba nơi, xa lìa cả ba điểm nóng , đấy mới chính là làm cho Niết bàn rõ rệt, tâu đại vương!

    - Xin đại đức giảng thêm về điều ấy.

    - Vâng, vì chưa thấy Niết bàn rõ rệt nên xem thế gian này còn chỗ vui, còn chỗ để bám víu. Đến bao giờ thấy rõ thanh sắc nóng từ đầu đến đuôi, mới chịu buông bỏ, chịu xa lìa. Nghĩa là khi ấy mới thật sự nhàm chán cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc; chẳng còn một chấp thủ, dính mắc ở cõi nào nữa.

    - Trẫm đã hiểu.

    - Nói sâu hơn một tí nữa, quán chiếu để thấy rõ pháp hành (hay pháp hữu vi) là thấy rõ sự sanh, trụ, diệt của tâm, nó là đầu mối của cấu sanh tương tục, là luân hồi sanh tử. Tất cả đều là vô thường, khổ và vô ngã. Thấy rõ "hành" ấy tất Niết bàn tỏ lộ, chấm dứt vô minh và ái dục, tận diệt phiền não, nhiễm ô, được vô sanh bất tử.

    - Trẫm hiểu.

    - Ví như kẻ bộ hành lạc đường, đã tìm lại đúng phương hướng; tinh tấn, kiên trì, nỗ lực, lên đường, đến lúc sẽ vượt khỏi thế gian; cõi xuất thế gian càng ngày càng tỏ lộ trước tầm mắt, Niết bàn càng lúc càng rõ rệt hơn, tâu đại vương.

    Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ:

    - Thế ra, tỏ lộ Niết bàn và làm cho Niết bàn tỏ lộ, chỉ khác nhau cách nói, lối diễn đạt - chứ thật ra nó chẳng khác nhau là bao, phải không đại đức?

    - Tâu, vâng!

    - Trẫm còn muốn hỏi về Niết bàn nữa đấy, mà không phải hỏi cho trẫm đâu, xin hẹn bậc đại trí tuệ hôm khác nhé!

    - Bần tăng đồng ý.

    15. Niết bàn không ở đâu cả!

    - Bây giờ chúng ta trở lại đề tài Niết bàn! Đại đức nói rằng có Niết bàn và trẫm cũng tin như thế - Nhưng nó ở đâu đại đức? Nó ở đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ, trung?

    - Ở một nơi nào đó, một chỗ nào đó thì không phải Niết bàn, tâu đại vương!

    - Thế là đã rõ!

    - Đại vương rõ sao ạ?

    - Thưa, rõ là không có Niết bàn; Niết bàn chỉ là hư vô, không tưởng! Niết bàn đã không có thì làm gì có chuyện tỏ rõ Niết bàn, tỏ ngộ Niết bàn? Và lại càng không có cái gọi là an trú Niết bàn? Tại sao lại như thế? Vì khái niệm "trú" là gì đại đức biết chăng? Trú có nghĩa là phải có một địa cư, một vùng đất, một nơi chốn, một miền, một xứ, một cõi, một cảnh...để ở đấy, nương gá đấy, trụ ở đấy! Ví dụ như người ta nói rằng, ruộng là nơi trú của rất nhiều chủng loại lúa: lúa Sàlì, lúa thơm, lúa ngắn ngày, lúa dài ngày v..v... Ví như người ta nói biển là nơi trú của vô lượng loài thủy tộc, vô lượng trân châu, bảo ngọc v.v...Ví như quả đất làm nơi nương trú của người, vật, chim muông, cây cỏ v.v....

    Vậy thì nếu Niết bàn không có một chỗ nào cả - thì chữ "trú" này không được thành lập, trú không được thành lập thì tỏ rõ, tỏ ngộ Niết bàn cũng không được thành lập; tỏ rõ, tỏ ngộ Niết bàn không được thành lập thì người chứng đạt Niết bàn cũng không thành lập? Vậy Niết bàn ấy chỉ là khoảng không, không có gì cả. Tất cả không! Thưa đại đức.

    Đại đức Na tiên nói:

    - Thật là hùng hồn! Tuy nhiên, tâu đại vương! Có một chỗ nào đó, dù là "khoảng trống không" để Niết bàn trú ở đấy cũng không được. Niết bàn là pháp vô vi, xa lìa hữu vi thì làm sao có chỗ trú được? Ví như "lửa" có chỗ trú không, hở đại đức? Đại vương có thể chỉ cho bần tăng thấy rõ lửa nó ở hướng đông, tây, nam, bắc, chỗ này, chỗ kia không?

    - Không thể chỉ được!

    - Vậy là lửa không có rồi. Chính đại vương nói đấy nhé!

    - Không, lửa có. Tuy lửa không ở chỗ nào, không thể chỉ được; nhưng ta lấy hai thanh gỗ cọ xát vào nhau thì lửa sẽ hiện ra, thưa đại đức!

    - Cũng vậy, tâu đại vương! Niết bàn tuy không ở chỗ nào cả, không thể chỉ được; nhưng khi hàng giả quan sát thấy rõ sự sanh diệt của pháp hành (Sankhàra) thì Niết bàn sẽ hiện ra, tâu đại vương!

    - Có lý lắm, nhưng cũng không thể thuyết phục được trẫm, tại sao? Lửa là pháp hữu vi, là điệu kiện sanh, do nhân duyên sanh; trong lúc Niết bàn là pháp vô vi, không có điều kiện, không bị chi phối bởi định luật nhân quả. Đem lửa mà ví dụ cho Niết bàn, đại đức có thấy mình rơi vào luận thuyết của ngoại đạo tà giáo chăng?

    - Hay lắm! Thật ra, phải từ ví dụ này để hiểu chuyện khác. Đại vương đã không hiểu lại còn bắt bẻ bần tăng rất hợp lý nữa. Vậy ta có thể tìm ví dụ khác nhé!

    - Vâng!

    - Đại vương có biết Đức Chuyển luân Thánh vương có bảy loại ngọc, là: bánh xe ngọc, voi ngọc, ngựa ngọc, mani ngọc, nữ ngọc, gia chủ ngọc, tướng quân ngọc không?

    - Thưa, có biết từ kinh điển, từ truyền thuyết.

    - Trước khi bảy loại ngọc vi diệu ấy hiện đến do phước báu của Đức Chuyển luân, nó ở từ đâu không?

    - Không biết nó ở đâu!

    - Vậy chắc nó không có rồi.

    - Nó có đấy, thưa đại đức! Khi một vị vua tài đức vô song, phước báu cao quí không thể nghĩ nghì - thì bảy thứ ngọc vi diệu ấy đồng hiện đến, như là chứng cứ tôn xưng vị vua ấy thành đức Chuyển luân Thánh vương!

    - Cũng tương tự thế, đại vương! Khi quán chiếu pháp hành (Sankhàra), thấy rõ pháp hành là sanh diệt; pháp hành là vô thường, khổ não, vô ngã; pháp hành là bất tịnh, là sầu bi, khổ ưu, phiền não, lúc ấy Niết bàn cũng tự hiện ra. Nó không phải là một chỗ nào đó để mà đến đâu, tâu đại vương!

    - Chí lý lắm! Nhưng nếu đi sâu vào lĩnh vực luận lý, thì luận cứ của đại đức vẫn chưa trôi, vẫn còn dính mắc ở một chỗ, đại đức có biết không?

    - Xin cho nghe, ấy là chỗ nào?

    - Là cái chỗ mà từ đó Niết bàn hiện ra! Ví như đức vua có tài đức, có phước báu vô song; chính từ "địa vị" ấy, "chỗ ấy" thì bảy loại ngọc báu mới hiện ra. Trong trường hợp Niết bàn hiện ra, thì địa vị ấy, cái chỗ ấy là cái gì hở đại đức?

    - Câu hỏi vi tế lắm, thâm sâu lắm! tâu đại vương! Địa vị ấy, chỗ ấy có - đó chính là giới định tuệ! Bất cứ hành giả nào nếu giới thanh tịnh, định thanh tịnh, tuệ thanh tịnh; kiên trú vững chắc vào giới định tuệ thanh tịnh ấy, địa vị ấy, chỗ ấy - thì Niết bàn sẽ hiện ra; không kể người ấy ở đâu, trú xứ nào!

    - Bắt đầu tỏ lộ rồi đấy, thưa đại đức! Ngài hãy bi mẫn cho nghe tiếp.

    - Tâu, vâng! Nhưng đại vương đã suốt thông chỗ "địa vị" ấy rồi chứ? Đã "trôi" điều ấy rồi chứ?

    Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ:

    - Trẫm nhận tội rồi, đừng nên trả đũa nữa, đại đức.

    - Ô! Vậy thì ta tiếp tục.

    - Thưa vâng!

    - Đại vương! Bất cứ ai kiên trú vững chắc nơi giới định tuệ rồi, người ấy sẽ tỏ lộ Niết bàn giống nhau, chẳng hề sai khác!

    - Giống nhau như thế nào hở đại đức?

    - Giống nhau như "hư không", đại vương! Ví như có người trú trong rừng Sakàya thấy được hư không, người trú trong quốc độ Alasandana..., quốc độ Kàsìkosala, quốc đô Kasinara..., quốc độ Ganchàra... cõi trời Phạm thiên, tầng trời tịnh cư v..v... thấy được hư không! Những hư không kia giống nhau như thế nào thì Niết bàn sẽ giống nhau y như thế đó, đại vương!

    - Trẫm hiểu rồi.

    - Chúng lại còn giống nhau như "phương đông" nữa, đại vương! Tất cả chúng sanh ở bất cứ cảnh giới nào, xa gần, cao thấp khác nhau - nhưng phương đông mà chúng nhìn thấy, đều giống nhau, tâu đại vương!

    - Đại đức đã dựng đứng, đã nêu cao cây cờ Pháp làm cho trẫm khả dĩ cắt đứt được sự nghi ngờ về "trú xứ" của Niết bàn. Trẫm rất hoan hỷ vậy.

  6. #6

    Mặc định

    Cám ơn Phoenix127. Quả thực việc hỏi và trả lời của đức vua Milanda và đại đức Natien làm cho tôi sáng ra rất nhiều.

  7. #7

    Mặc định

    mình nghĩ linh hồn là một dạng năng lượng siếu hình nào đó!

  8. #8

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi quangcom Xem Bài Gởi
    Kính gửi các quý đạo hữu,
    Tôi có đọc nhiều về đạo phật với thuyết luân hồi nhân quả. Nay có một vài thắc mắc kính mong quý thầy, quý bạn giải thích và thảo luận cùng. Những thắc mắc này như sau:

    1. Đạo phật đưa ra việc con người được hình thành từ ngũ Uẩn gồm Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức. Về thực chất các Uẩn thọ, tưởng, hành, thức thuộc "danh" và nương và sắc uẩn để thể hiện. Khi chết đi, thân tứ đại tan rã, cái gì thuộc danh không còn chỗ nương náu vậy thì khi sang đời sau (kiếp sau) thì cái gì sẽ luân hồi (Sắc, hay thọ, hay tưởng, hay Hành hay Thức Uẩn)
    2. Sự giải thích về luân hồi nhân quả của đạo phật hay lấy hình tượng của nước thành mây, thành mưa rồi lại thành nước. Trong thực tế ví dụ như luân hồi của một vũng nước nào đấy chẳng hạn thì nó có thể thành mây, mưa, và rơi vào các vùng khác nhau như vậy cái vũng nước ban đầu nó đâu có luân hồi nguyên trạng của nó, nó tan hòa với nước từ biển, từ sông, từ suối và ta không thể biết được cái luân hồi của vũng nước đó như thế nào. So sánh tương tự Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của một con người khi tan hòa vào đất vào vũ trụ bao la thì đâu có còn nguyên trạng thể tướng lúc ban đầu, đâu có còn là một dòng luân chuyển từ đời này sang đời khác được. Và như vậy sự luân hồi đâu còn ý nghĩa gì nữa nhỉ vì cái ác sẽ hòa vào vũ trụ, cái thiện cũng trộn vào vũ trụ bao la và ta không thể phân biệt được người này đời trước là cái gì, đời sau là cái gì. Chỉ có niệm ác đi đường ác, niệm thiện đi đường thiện mà thôi. Liệu suy nghĩ logic này cùa tôi có gì sai không ?
    3. Đạo Phật vốn lấy nền tảng lý luận là vô thường, vô ngã. Khi vô ngã thì không có cái tôi. Khi không có cái tôi thì ai khổ ? ai vui ?
    4. Lý duyên khởi của đạo phật bao gồm vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh Sinh, Sinh sinh lão bệnh tử là nguyên nhân của khổ. Con đường của tu tập là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt rồi những cái khác diệt. Khi diệt hết thì còn gì không? và làm sao mà diệt vô minh ? Trong quá trình tu tập thì tôi thấy hình như phải diệt những thứ kia trước thì mới diệt được vô minh. Mục đích của tu tập là diệt hết, là mình không còn tồn tại nữa. Vậy mọi người có sợ cái diệt hết đấy không ?
    theo DN nghĩ, b có thể tự trả lờicủa bạn = cách tinh tấn,học phải kèm theo mới ngộ đc. tuỳ mức độ hành sẽ có sự ngộ khác nhau. có nhiều điều khi đọc thấy mâu thuẫn, kinh này bảo thế này , kinh kia lại bảo khác,,, thực chất có khác k? có mâu thuẫn k... đảm bảo nhiều kết quả sẽ k như lúc đọc phân tích từng chữ, từng câu
    Ngoài tâm không động
    Ðộng chẳng phải tâm
    Tâm chẳng phải động
    Ðộng vốn không tâm
    Tâm vốn không động
    Ðộng không lìa tâm
    Tâm chẳng lìa động
    Ðộng là dụng của tâm
    Dụng là cái tâm động

  9. #9

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi quangcom Xem Bài Gởi
    Kính gửi các quý đạo hữu,
    Tôi có đọc nhiều về đạo phật với thuyết luân hồi nhân quả. Nay có một vài thắc mắc kính mong quý thầy, quý bạn giải thích và thảo luận cùng. Những thắc mắc này như sau:

    1. Đạo phật đưa ra việc con người được hình thành từ ngũ Uẩn gồm Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức. Về thực chất các Uẩn thọ, tưởng, hành, thức thuộc "danh" và nương và sắc uẩn để thể hiện. Khi chết đi, thân tứ đại tan rã, cái gì thuộc danh không còn chỗ nương náu vậy thì khi sang đời sau (kiếp sau) thì cái gì sẽ luân hồi (Sắc, hay thọ, hay tưởng, hay Hành hay Thức Uẩn)
    2. Sự giải thích về luân hồi nhân quả của đạo phật hay lấy hình tượng của nước thành mây, thành mưa rồi lại thành nước. Trong thực tế ví dụ như luân hồi của một vũng nước nào đấy chẳng hạn thì nó có thể thành mây, mưa, và rơi vào các vùng khác nhau như vậy cái vũng nước ban đầu nó đâu có luân hồi nguyên trạng của nó, nó tan hòa với nước từ biển, từ sông, từ suối và ta không thể biết được cái luân hồi của vũng nước đó như thế nào. So sánh tương tự Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của một con người khi tan hòa vào đất vào vũ trụ bao la thì đâu có còn nguyên trạng thể tướng lúc ban đầu, đâu có còn là một dòng luân chuyển từ đời này sang đời khác được. Và như vậy sự luân hồi đâu còn ý nghĩa gì nữa nhỉ vì cái ác sẽ hòa vào vũ trụ, cái thiện cũng trộn vào vũ trụ bao la và ta không thể phân biệt được người này đời trước là cái gì, đời sau là cái gì. Chỉ có niệm ác đi đường ác, niệm thiện đi đường thiện mà thôi. Liệu suy nghĩ logic này cùa tôi có gì sai không ?
    3. Đạo Phật vốn lấy nền tảng lý luận là vô thường, vô ngã. Khi vô ngã thì không có cái tôi. Khi không có cái tôi thì ai khổ ? ai vui ?
    4. Lý duyên khởi của đạo phật bao gồm vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh Sinh, Sinh sinh lão bệnh tử là nguyên nhân của khổ. Con đường của tu tập là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt rồi những cái khác diệt. Khi diệt hết thì còn gì không? và làm sao mà diệt vô minh ? Trong quá trình tu tập thì tôi thấy hình như phải diệt những thứ kia trước thì mới diệt được vô minh. Mục đích của tu tập là diệt hết, là mình không còn tồn tại nữa. Vậy mọi người có sợ cái diệt hết đấy không ?
    theo DN nghĩ, b có thể tự trả lờicủa bạn = cách tinh tấn,học phải kèm theo mới ngộ đc. tuỳ mức độ hành sẽ có sự ngộ khác nhau. có nhiều điều khi đọc thấy mâu thuẫn, kinh này bảo thế này , kinh kia lại bảo khác,,, thực chất có khác k? có mâu thuẫn k... đảm bảo nhiều kết quả sẽ k như lúc đọc phân tích từng chữ, từng câu
    Ngoài tâm không động
    Ðộng chẳng phải tâm
    Tâm chẳng phải động
    Ðộng vốn không tâm
    Tâm vốn không động
    Ðộng không lìa tâm
    Tâm chẳng lìa động
    Ðộng là dụng của tâm
    Dụng là cái tâm động

  10. #10

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi quangcom Xem Bài Gởi
    Kính gửi các quý đạo hữu,
    Tôi có đọc nhiều về đạo phật với thuyết luân hồi nhân quả. Nay có một vài thắc mắc kính mong quý thầy, quý bạn giải thích và thảo luận cùng. Những thắc mắc này như sau:

    1. Đạo phật đưa ra việc con người được hình thành từ ngũ Uẩn gồm Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức. Về thực chất các Uẩn thọ, tưởng, hành, thức thuộc "danh" và nương và sắc uẩn để thể hiện. Khi chết đi, thân tứ đại tan rã, cái gì thuộc danh không còn chỗ nương náu vậy thì khi sang đời sau (kiếp sau) thì cái gì sẽ luân hồi (Sắc, hay thọ, hay tưởng, hay Hành hay Thức Uẩn)
    mạn phép trả lời bạn..

    sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay tứ đại ko phải là ta, sắc thọ tưởng hành cấu tạo nên cái ngã thấp hay gọi là bản ngã của ta, tức là tâm trí, ko phải ta. còn tứ đại cấu tạo nên thân thể ta. tất cả những thứ đó đều vô thường. nhưng xuyên suốt tất cả những thứ đó có một cái là thường hằng, ko thêm. ko bớt ko thiện ko ác ko đep ko xấu, đó chính là cái ngã tối cao hay linh hồn tối cao hay thức tối cao, là cái bất biến và ko đổi,.tại trạng thái đó nó có cảm giác hòa hợp với tất cả nên cũng gọi là vô ngã (anatman). nó là nền để đem theo nghiệp quả, phần nào đó là đem theo cảm xúc hay suy nghĩ của ta sau khi ta chết làm thân TRUNG ẤM. cái thức tối cao này là hợp nhất giữa tình không (sunyata) và cái vô hạn (tính thượng đế, phật tính, chúa tự thân), nó còn dưới cả a-lại-da thức (alaya-vijnana). chính cái đó là thứ sẽ xác định là TA luân hồi chứ ko phải ai khác..

    2. Sự giải thích về luân hồi nhân quả của đạo phật hay lấy hình tượng của nước thành mây, thành mưa rồi lại thành nước. Trong thực tế ví dụ như luân hồi của một vũng nước nào đấy chẳng hạn thì nó có thể thành mây, mưa, và rơi vào các vùng khác nhau như vậy cái vũng nước ban đầu nó đâu có luân hồi nguyên trạng của nó, nó tan hòa với nước từ biển, từ sông, từ suối và ta không thể biết được cái luân hồi của vũng nước đó như thế nào. So sánh tương tự Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của một con người khi tan hòa vào đất vào vũ trụ bao la thì đâu có còn nguyên trạng thể tướng lúc ban đầu, đâu có còn là một dòng luân chuyển từ đời này sang đời khác được. Và như vậy sự luân hồi đâu còn ý nghĩa gì nữa nhỉ vì cái ác sẽ hòa vào vũ trụ, cái thiện cũng trộn vào vũ trụ bao la và ta không thể phân biệt được người này đời trước là cái gì, đời sau là cái gì. Chỉ có niệm ác đi đường ác, niệm thiện đi đường thiện mà thôi. Liệu suy nghĩ logic này cùa tôi có gì sai không ?
    so sánh như vạy chỉ là gần đúng. sẽ khó có một thứ tương tự để mà diễn tả những sự việc trong thế giới cao hơn với thế giới của chúng ta. như mình trả lời trong câu trc, thức tối cao làm nền cho a-lại-da thức. a-lại da-thức sẽ đem những nghiệp quả (hay chủng tử nghiệp), đó sang đời sau..

    3. Đạo Phật vốn lấy nền tảng lý luận là vô thường, vô ngã. Khi vô ngã thì không có cái tôi. Khi không có cái tôi thì ai khổ ? ai vui ?
    khi ở trong vô minh thì có cái tôi (atman),chính cái tôi đó sẽ khổ, vui, tham đắm, giận dữ, yêu, ghét.. khi tâm thức ko còn bị vô minh chi phối, trụ ở niết bàn thì cái tôi đó biến mất. đọc thêm câu trả lời 1 của mình :)

    4. Lý duyên khởi của đạo phật bao gồm vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh Sinh, Sinh sinh lão bệnh tử là nguyên nhân của khổ. Con đường của tu tập là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt rồi những cái khác diệt. Khi diệt hết thì còn gì không? và làm sao mà diệt vô minh ? Trong quá trình tu tập thì tôi thấy hình như phải diệt những thứ kia trước thì mới diệt được vô minh. Mục đích của tu tập là diệt hết, là mình không còn tồn tại nữa. Vậy mọi người có sợ cái diệt hết đấy không ?
    chỉ có bản ngã là biến mất thôi :happy:, cái ngã tối cao (một trạng thái của ngã-vô ngã) vẫn tồn tại như nó vẫn như thế và luôn luôn như thế :), vựot ra khỏi thời gian và không gian . vô minh tồn tại sinh ra bản ngã của chúng ta, và đó là câu trả lời :tongue:
    Last edited by tukt73_37; 27-01-2012 at 09:10 AM.

  11. #11

    Mặc định

    Mình thì lại có thắc mắc kiểu khác, Đại Ngã, hay Đại Niết Bàn, Phật tánh là cái lớn nhất to nhất, tuệ giác nhất,... Vậy cái thuyết Vô Ngã với Đại Ngã lại chống đối nhau? Khi mà đạt tới Đại Ngã tức là thoát khỏi luân hồi sinh tử vậy cái Đại Ngã này lấy cái gì (thân tứ đại có tiểu ngã trụ vào) để trụ vào? Có hay không có nhiều cái Đại Ngã khác nhau, Nhiều Đại Niết Bàn khác nhau, ví như nhiều Vũ trụ tồn tại song song nhau, độc lập nhau, nhưng có liên kết nhau như trong một phân tử. Hởi các vị Tôn Giả?

  12. #12

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi huetinh Xem Bài Gởi
    Mình thì lại có thắc mắc kiểu khác, Đại Ngã, hay Đại Niết Bàn, Phật tánh là cái lớn nhất to nhất, tuệ giác nhất,... Vậy cái thuyết Vô Ngã với Đại Ngã lại chống đối nhau? Khi mà đạt tới Đại Ngã tức là thoát khỏi luân hồi sinh tử vậy cái Đại Ngã này lấy cái gì (thân tứ đại có tiểu ngã trụ vào) để trụ vào? Có hay không có nhiều cái Đại Ngã khác nhau, Nhiều Đại Niết Bàn khác nhau, ví như nhiều Vũ trụ tồn tại song song nhau, độc lập nhau, nhưng có liên kết nhau như trong một phân tử. Hởi các vị Tôn Giả?
    hiểu sai rui ông oi........................
    :hee_hee:........... thanh phần bất hảo...................:hee_hee:

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. VÌ SAO PHẬT GIÁO SUY TÀN TẠI ẤN ĐỘ
    By Bin571 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 24
    Bài mới gởi: 20-10-2022, 08:20 AM
  2. Một khảo luận qua các tài liệu - Đạo Chúa
    By Độ Kẻ Mê in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 18
    Bài mới gởi: 05-06-2011, 10:46 PM
  3. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 13-04-2011, 11:41 AM
  4. YOGA GIẤC MỘNG VÀ SỰ THỰC HÀNH VỀ ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN
    By ÁNH SÁNG -T2- ÚC CHÂU in forum Mật Tông
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 21-01-2011, 01:35 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •