Chính sử viết rằng, Lý Thường Kiệt vì vẻ mặt tươi đẹp nên được sung làm Hoàng môn chi hậu, là thái giám theo hầu Lý Thái Tông. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, lý do khiến ông trở thành thái giám là do bị hãm hại bởi người tình cũ - hoàng hậu Thượng Dương.

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ông được lịch sử ghi nhận là một vị anh hùng dân tộc có nhiều đóng góp trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm. Đặc biệt, bài thơ thần Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) của ông được coi như bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Những giả thuyết

Sử cũ chép: “Vua Lý Thánh Tông thấy Lý Thường Kiệt dung mạo đẹp đẽ, tài năng khác thường, mới khuyên ông tự thiến mình đi để tiện việc gần gũi nhà vua trong cung cấm. Lý Thường Kiệt thuận theo. Hằng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách”. Vì công lao đó, ông được cử giữ chức Kiểm hiệu Thái bảo - một chức rất cao trong triều...

Người tịnh thân khi xưa thường là hoạn quan, không được trọng dụng trong những việc quốc gia đại sự. Vậy tại sao một người có tài và có trí như Lý Thường Kiệt lại can tâm làm việc này? Và khi đã tịnh thân sao ông vẫn được giao trọng trách cầm quân đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách khiến quân Tống phía Bắc, quân Chiêm phía Nam phải khiếp sợ. Phải chăng việc tịnh thân của ông chắc hẳn phải có một lý do đặc biệt?

Dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Thái Bá Tân, chỉ ra rằng giả thuyết về việc tịnh thân của Thái Úy họ vua ban này không thuyết phục bởi trước khi trở thành hoạn quan ông đã có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau này.

Giả thuyết Lý Thường Kiệt tự hoạn vì tiền cũng bị bác bỏ. “Lý Thái Tông thấy Lý Thường Kiệt “mặt mũi đẹp đẽ” nên cho 3 vạn quan tiền bảo tự hoạn để vào cung hầu hạ”. Lập luận này không mấy có lý bởi vì, thứ nhất số tiền 3 vạn quan là một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Sử sách còn ghi lại rằng, năm 1254, vua Trần Thái Tông cho Phạm Ứng Mộng 400 quan bảo “tự hoạn” để vào cung hầu hạ vua. Không thể nào trước đó 213 năm, số tiền vua cho Lý Thường Kiệt lại lớn gấp 75 lần.

Thêm vào đó, ông là con một công thần của nhà Lý nên gia sản của người cha để lại đủ để sống dư dả. Ông cũng không thể nào tự nguyện tịnh thân để vào cung làm quan bởi với cương vị là con của một công thần, việc đó chẳng khó khăn gì…

Như vậy, giả thuyết ông trở thành hoạn quan do bị hại là có vẻ hợp lý hơn cả. Sử sách cho biết rằng, thời trẻ, Lý Thường Kiệt có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau này. Dương Hồng Hạc là cháu của hoàng hậu Thiên Cảm (44), vợ vua Lý Thái Tông.

Dương Hồng Hạc vốn là con của Dương Đức Uy và là cháu gọi hoàng hậu Thiên Cảm, vợ vua Lý Thái Tông, bằng cô. Khi hoàng hậu Thiên Cảm được vua Lý Thái Tông sủng ái, cha của bà là Dương Đức Thành được phong làm Tể Tướng. Từ đó thế lực họ Dương được hình thành như: Dương Đạo Gia, Dương Đức Uy, Dương Đức Thao, Dương Đức Huy… ba thế hệ lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều. Để tạo thêm thế lực cho họ Dương, hoàng hậu Thiên Cảm đã đem đứa cháu gọi bằng cô ruột là Dương Hồng Hạc gả cho con chồng là thái tử Lý Nhật Tôn để khi Nhật Tôn lên làm vua thì Hồng Hạc trở thành hoàng hậu.

Tuy nhiên, trước khi lấy Hồng Hạc, thái tử Nhật Tôn đã được cảnh giác về việc họ Dương lộng quyền có thể dẫn đến cướp ngôi vua , vì vậy Nhật Tôn không muốn gần gũi với Hồng Hạc vì lo sợ nếu có con sẽ trúng kế họ Dương. Mặc dù làm vợ thái tử nhưng Dương Hồng Hạc không hề được chồng đoái hoài tới nên bà muốn nhờ người tình cũ là Lý Thường Kiệt, người đang giữ chức Thái tử Mật thư tỉnh sự giúp thái tử Nhật Tôn ở Đông cung, để được “ban hồng ân”.

Song có lẽ vì lo cho hậu vận nhà Lý nên Thường Kiệt đã không nhận lời giúp đỡ Hồng Hạc. Vì thế, một số nhà nghiên cứu lịch sử đương thời cho rằng, đó là lý do khiến ông bị Hồng Hạc và hoàng hậu Thiên Cảm ra tay bức hại trong một đợt tịnh thân tuyển hoạn quan vào cung?

Hậu quả của việc này cũng giải thích phần nào lý do tại sao Lý Thường Kiệt đã đứng về phe của bà Ỷ Lan chứ không phải là phe của hoàng hậu Thượng Dương trong việc tranh giành quyền “nhiếp chính” sau khi vua Lý Thánh Tông mất..

‘Đệ nhất mỹ nam’ một thời

Lý Thường Kiệt là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ và bà Hàn Diệu Chi. Ngô An Ngữ là tướng của Khai Quốc vương Lý Long Bồ, người con trai thứ hai của vua Lý Thái Tổ. Khi còn trẻ ông rất khôi ngô, tuấn tú và từng được phong “Đệ nhất mỹ nam tử” thời bấy giờ.

Không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài, Ngô Tuấn còn được ca ngợi là một người thông minh và có nhiều tài nghệ đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Mới 13 tuổi, Ngô Tuấn đã ngày tập bắn cung cưỡi ngựa, lập doanh trại, bày trận đồ; đêm đọc binh pháp của Tôn Tử và Ngô Khởi.

Năm 17 tuổi, mẹ mất, Ngô Tuấn cùng em trai là Thường Hiến lo tang mẹ theo đủ mọi nghi lễ tập tục bấy giờ. Khi hết tang mẹ, ông được nhận chức Kỵ mã hiệu uý là một chức võ quan nhỏ trong đội kỵ binh. Năm 22 tuổi (1041), dưới thời vua Lý Thái Tông, Ngô Tuấn được nhận chức Hoàng môn chi hậu, ngạch thị vệ để hầu vua. Năm 1053, Ngô Tuấn được phong chức Đô tri, trông coi tất cả mọi công việc trong cung vua Lý. Vua cho Ngô Tuấn được mang họ vua. Từ đó, ông mang tên Lý Thường Kiệt.

Trong đời, ông từng giữ qua nhiều chức vụ quan trọng. Trước tiên là chức Thái tử Mật thư tỉnh sự, giúp thái tử Lý Nhật Tôn ở Đông cung, tức vua Lý Thánh Tông sau này. Sau khi bị hoạn, ông được cho giữ chức Hoàng môn chi hậu , rồi được thăng đến chức Nội thị sảnh đô tri, sau được cho giữ chức Đình Uý sứ, trông coi các việc về hình án trong triều. Năm 1042, vua Lý Thái Tông giao cho ông cùng với một số đại thần soạn thảo bộ Luật “Hình thư”, bộ luật này được xem là bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta.

Đến đời vua Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt được thăng đến chức Thái bảo, sau đó do lập được nhiều chiến công trong trận đánh với Chiêm Thành nên ông được phong chức phụ quốc Thái phó, tước Khai Quốc công. Đến tháng 8 năm 1075 ông được phong chức Đôn quốc Thái uý. Đến khi mất, ông được vua Lý Nhân Tông truy phong chức Kiểm hiệu Thái uý Bình chương sự và ban tước Việt Quốc công.

Như vậy, đến nay, chuyện tịnh thân của Việt Quốc công Lý Thường Kiệt vẫn là một nghi vấn lịch sử mà khó có thể nào đi đến cùng để chứng minh được tính xác thực, song có thể thấy chắc chắn một điều, tài năng và đức độ của ông là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt. Và những đóng góp to lớn của ông cho sự bền vững của quốc gia, dân tộc sẽ mãi mãi được ghi nhớ.

theo Đất Việt