Nghiệp là hành vi tạo tác, hành động, dù Thiện hay Bất Thiện. Nghiệp được chia ra thành 3 phần:

- Thời gian thành tựu của Nghiệp.
- Sức mạnh của Nghiệp.
- Công năng của Nghiệp.


1. Thời Gian Thành Tựu Của Nghiệp.

Thời gian thành tựu của Nghiệp là phân biệt theo sự kết quả của thời gian, có 4 loại:

Hiện Báo Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Ác có kết quả ngay trong kiếp sống hiện tại như trường hợp sát nhơn phải bị đền mạng hoặc như tích người hàng bò cắt lưỡi bò nướng ăn liền bị đứt lưỡi và chết một cách rất đau khổ ngay trong kiếp hiện tại.

Sanh Báo Nghiệp: là những hành động Thiện hoặc Ác có kết quả nơi đời sau. Như làm chuyện tội lỗi sau khi chết bị đọa vào khổ thú; hoặc làm việc Thiện sau khi chết sẽ thọ sanh trong nhàn cảnh.

Hậu Báo Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Ác sẽ có kết quả từ 2 đời trở về sau cho đến khi nào Niết Bàn. Như trường hợp Ðại Ðức Mục Kiền Liên bị bọn cướp giết hoặc Ðức Thế Tôn phải mang bệnh kiết lỵ v.v...

Vô Hậu Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Ác không còn khả năng để cho quả tức là Hậu Báo Nghiệp nếu trong đời hiện tại không có cơ hội thành tựu thì những kiếp về sau sẽ không còn thành tựu. Hiện Báo Nghiệp tức là sở hữu Tư Hiệp với các Tâm Thiện hoặc Bất Thiện trong Sát na Tâm Ðổng Tốc thứ nhất; hoặc Sanh Báo Nghiệp mà trong kiếp sau chẳng gặp duyên thành tựu thì những kiếp về sau sẽ không còn thành tựu; hoặc Hậu Báo Nghiệp đến khi chứng Vô Dư Niết Bàn thì sẽ không còn cơ hội cho quả nữa. Hậu Báo Nghiệp tức là sở hữu Tư hợp với các tâm Ðổng Tốc Thiện và Bất Thiện trong 5 Sát na Tâm Ðổng Tốc ở giữa tức là sát na Tâm Ðổng Tốc thứ 2 cho đến thứ 6 còn sát na thứ 7 thuộc về loại Sanh Báo Nghiệp.

2. Sức Mạnh Của Nghiệp.

Sức mạnh của Nghiệp là những việc làm lành hoặc dữ tùy theo mỗi hành động sẽ có phản ứng mạnh hoặc yếu. Sức mạnh của Nghiệp có 4:

Trọng Nghiệp: Là những hành động rất Thiện hoặc rất Ác. Nếu Thiện thì thuộc về các loại Thiền Sắc Giới, Vô Sắc Giới; hoặc khi hành Thập Hạnh Phúc, tu Thập Ðộ v.v... bằng những Tâm Thiện Dục Giới thọ hỷ hợp trí vô trợ v.v... nếu là Bất Thiện thì Trọng Nghiệp là Ngũ Nghiệp Vô Gián (giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, đả thương Phật và chia rẽ Tăng).

Cận Tử Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện khởi theo Thân, Khẩu, Ý trong giờ phút lâm chung. Nghiệp nầy cũng có sức mạnh gần như Trọng Nghiệp và Trọng Nghiệp cũng phải diễn tiến qua tình hình Cận Tử Nghiệp trong khi sắp chết.

Thường Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện mà ta đã làm quen trở thành tập quán nên trong khi sắp từ giã cuộc đời người ta có thể nhớ lại những việc Thiện hoặc Bất Thiện mà mình đã quen làm. Như trường hợp vị Vua xứ Tích Lan thường ngày hằng để bát chư Tăng nên khi sắp chết Ngài nhớ lại việc làm hằng ngày của mình liền phát tâm hoan hỷ do tâm hoan hỷ vớiviệc lành nên nhà vua tái sanh vào cõi trời Ðâu Suất...

Khinh Tiểu Nghiệp: Tức là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện trong khi làm không trực tiếp với đối tượng bị làm. Nghiệp nầy rất nhẹ và rất ít có cơ hội thành tựu trừ phi không có 3 loại trên (Trọng Nghiệp, Cận Tử Nghiệp, Thường Nghiệp) không kết Quả thì nghiệp mới kết Quả. Như trường hợp Ðức Bồ Tát trong quá khứ có kiếp làm một vị Hoàng Tử trong lúc bắn chơi một phát vào một đóa hoa, vô tình trong đóa hoa ấy có một con sâu bị trúng tên chết với tâm cột oan trái của con sâu ấy nên về sau con sâu trở thành vua Yakkha, nhân khi săn bắn lỡ tay bắn trúng Bồ Tát Sovanna.

3. Công Năng Của Nghiệp

Công Năng của Nghiệp là những việc làm, được phân ra 4 loại tùy theo trường hợp:

Sanh Nghiệp: Là những việc Thiện hoặc Ác có khả năng Tục Sinh tức là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện làm cho trở thành hay chuyển sanh Ngũ uẩn mới trong khi Ngũ uẩn cũ bị diệt (chết).

Trì Nghiệp: Là những hành động nối sau sanh nghiệp: đồng một loại với sanh nghiệp. Trì Nghiệp là Nghiệp nuôi dưỡng sanh nghiệp. Sanh Nghiệp có bổn phận tạo ra thì Trì Nghiệp có trách nhiệm nuôi dưỡng, Trì Nghiệp thuộc về Thiện nếu sanh nghiệp là Thiện và nếu sanh nghiệp thuộc về ác thì Trì Nghiệp cũng là Ác.

Chướng Nghiệp: Là những hành động trái với Sanh Nghiệp, nếu Sanh Nghiệp Thiện thì Chướng Nghiệp Bất Thiện và ngược lại, Trì Nghiệp thì nuôi dưỡng Sanh Nghiệp; còn Chướng Nghiệp thì che ngăn làm cho Sanh Nghiệp bị trở ngại.

Ðoạn Nghiệp: Là những hành động đối lập với Sanh Nghiệp và mạnh hơn Chướng Nghiệp. Chướng Nghiệp chỉ làm cho Sanh Nghiệp bị trở ngại, còn Ðoạn Nghiệp thì tiêu diệt hẳn Sanh Nghiệp.

(Vi Diệu Pháp Nhập Môn)