Chế độ phong kiến trọng nam kinh nữ, chỉ nam nhi với được đi học và đi thi. Nhưng vẫn có một người là nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Bà là ai vậy?

Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam là bà Nguyễn Thị Duệ, hay còn có tên Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, quê ở Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương.

Trong hậu điện của văn miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương) bên cạnh bài vị của các bậc tiền hiền, danh nho, bài vị của bà cũng được đặt ở một vị trí trang trọng, trên đó có ghi: Nghi ái quan Nguyễn Thị Duệ.

Theo tài liệu của ban quản lý di tích văn miếu Mao Điền, năm 1593, tuy nhà Mạc thất thế phải chạy lên Cao Bằng song vẫn cho mở khoa thi để chọn nhân tài. Năm đó, Nguyễn Thị Duệ 20 tuổi đã cùng cha mình chạy lên Cao Bằng theo nhà Mạc và bà đã giả trai đi thi và đỗ đầu kỳ thi

Đến khi vào cung dự yến tiệc, vua Mạc Kính Cung phát hiện tân trạng nguyên là nữ nhưng bất ngờ, nhà vua không trách tội mà còn khen ngợi bà là phận nữ nhi mà có chí. Sau đó, bà được vời vào cung coi việc dạy học cho cung tần rồi được nhà vua lấy làm phi, ban hiệu cho là Tinh Phi (nghĩa là sao sa). Bởi thế đương thời người ta gọi bà là bà chúa Sao.

Năm 1625, quân Trịnh tiến lên Cao Bằng đánh Mạc đã bắt được bà chúa Sao. Trước quân địch, bà vẫn hiên ngang rút gươm quát bảo bọn lính phải đem giải mình đến gặp chúa Trịnh nếu không bà sẽ tự tử. Đến gặp vua Lê, chúa Trịnh, bà đối đáp thông minh nên lại được nhà chúa trọng dụng cho trông coi việc học của phủ chúa. Sau đó, bà được phong chức Nghi ái quan.

Năm 70 tuổi, bà về quê hương nghỉ ngơi rồi qua đời lúc 80 tuổi. Nhân dân lập đền thờ gọi là đền bà chúa Sao. Trấn Hải Dương xưa (này là tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng và huyện Đông Triều của Quảng Ninh) còn được gọi là Xứ Đông. Nơi đây vốn có truyền thống hiếu học.

Trong thời kỳ phong kiến, nhiều nhân vật xuất chúng đã từ đây trưởng thành để ra giúp đời, giúp nước. Minh chứng cho điều đó, ở nhà tiền tế của văn miếu Mao Điền có thờ danh sách 637 vị tiến sĩ.

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, từ khoa thi đầu tiên dưới triều Lý đến khoa thi cuối cùng dưới triều Nguyễn mới lấy được vài ngàn tiến sĩ thì riêng ở trấn Hải Dương đã đóng góp tới hơn 600 người. Một truyền thống ham học thật đáng khâm phục.
Sưu tầm