Số phận bi kịch của con trai Stalin bị Phát xít Đức bắt
27/05/2011 1437

Tháng 4 năm 1943, Iacop Djugasvili-cón trai cả của Stalin đã chết trong trại tập trung Dacxenhauden của Đức. Số phận của Iacop dường như gắn với câu nói nổi tiếng đầy nghiệt ngã của Stalin: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”.


Iacop quả là người không may mắn, bị bắt làm tù binh ngay từ những ngày đầu tiên của chiến tranh, ngày 16 tháng 7 năm 1941, gần Vitebxk, khi sư đoàn tăng số 14, trong đó thượng uý Djugasvili chỉ huy đại đội pháo binh, đã rơi vào vòng vây của phát xít Đức.

Anh tỏ ra rất can đảm khi làm tù binh 1 năm chín tháng mà không yêu cầu sự khoan dung của người Đức (mà họ thì chờ đợi điều đó và sự thật cũng đã mở lượng khoan hồng nếu đạt được cái giá thoả thuận từ anh) và không yêu cầu sự trợ giúp của bố (chính anh cũng hiểu rõ rằng điều đó là vô ích).


Iacop giữa vòng vây quân Đức


Iacop - đứa con “bán hoang dại” trong mắt cha

Iacop sinh ngày 30 tháng 3 năm 1907, ở Bacu, từ cuộc hôn nhân đầu tiên của Stalin với Ekaterina Svanidze. Ekaterina là chị gái của Aliosa Svanidze, bạn cùng hoạt động bí mật với Stalin. Stalin rất yêu Ekaterina. Song chẳng bao lâu sau ngày cưới (lúc ấy Iacop chưa đầy tuổi ) Ekaterina đã chết vì bệnh nặng. Khi chôn cất bà, Stalin đã khóc. Rồi sau đấy không bao giờ người ta thấy ông khóc nữa. Tuy vậy, tình yêu của ông với Ekaterina cũng không ngăn cản việc ông sau này huỷ hoại gần như cả dòng họ Svanidze.

Stalin có bốn người con trai. Ngoài Iacop và Vaxili (con trai của Stalin với Nadegiơda Allilueva - cuộc hôn nhân thứ hai của ông), ông còn hai người con ngoài giá thú: một người là kết quả của mối tình khi ông bị đi đày ở Xenvưregodoxk năm 1911 và một người, ở Turukhanxk năm 1917.

Khi mà những người bên ngoại đưa Iacop đến chỗ cha ở Matxcova, ông đón tiếp con trai chẳng chút mặn mà. Iacop gần như không nói bằng tiếng Nga, vì thế Stalin đã gọi anh là “bán hoang dại”. Và anh đã cảm thấy mình hoàn toàn không thoải mái khi ở trong nhà của cha, nếu như không có người mẹ kế là Nadegiơda Allilueva (hơn anh có 10 tuổi) đã đón tiếp anh như người ruột thịt. Bà là một phụ nữ nghiêm túc.

Ngay từ năm 1925 Iacop đã dự định lấy vợ, dường như anh muốn nhanh chóng rời khỏi mái nhà của cha và bắt đầu cuộc sống tự lập. Stalin cấm anh lấy vợ và nói rằng anh cần phải tốt nghiệp đại học.

Sự lạnh lùng và áp lực của cha đối với Iacop đã làm anh quá bức bối và tìm đến cái chết. Anh tự sát trong phòng bếp, nhưng viên đạn đã không trúng đích. Stalin nổi giận tuyên bố với Nadegiơda: “Mặc nó sống ở đâu nó muốn và ở với ai nó muốn.”

Iacop cùng Dôia của mình đến Leningrad. Hai người sống ở đó, trong nhà người thân của Nadegiơda. Iacop đã tốt nghiệp khoá học sửa chữa điện tử. Năm 1929 Dôia sinh con gái, không lâu sau cô bé bị chết. Sau sự kiện bi thảm đó, cuộc hôn nhân của họ bị tan vỡ.

Dường như đầu hàng, Iacop quay về Matxcova, thi đỗ vào đại học giao thông. Người cha vẫn không tham dự vào công việc của anh như trước kia. Sau cuộc hôn nhân dầu tiên có kết thúc buồn thảm, rất lâu sau Iacop không lấy vợ, dù như người ta vẫn nói anh rất có duyên với phụ nữ.

Quả thật, anh là người rất thú vị trong phong cách thời bấy giờ vì anh có vẻ đẹp lãng mạn, đặc biệt là đôi mắt, trong đó có cả nét sâu thẳm, cả sự dịu hiền pha lẫn nỗi buồn man mác. Đôi mắt này anh được thừa hưởng từ mẹ. Có lẽ phụ nữ say đắm anh vì những phẩm chất thực của anh, chứ không phải vì anh là con trai của Stalin

Năm 1934, Iacop làm quen với cô gái xinh đẹp tên là Onga. Số phận đưa đẩy cho họ được gặp nhau. Onga từ Uriupinxk về Matxcova để thi vào trường kỹ thuật hàng không. Tại Matxcova cô đã quen với Iacop. Lúc này Nadegiơđa không còn nữa. Bà đã quyên sinh năm 1932.

Từ mối quan hệ không hôn thú này cậu con trai Epgheni đã ra đời. Onga bỏ học ở trường kỹ thuật hàng không, trở về quê để sinh con, cho con mang họ mình. Không lâu sau Iacop nhắn tin đề nghị đổi họ của con trai sang họ mình. Và Onga đã làm theo.

Nếu như Iacop tới năm 14 tuổi mới được gặp cha, thì Epgheni được gặp cha sớm hơn nhiều. Năm lên hai tuổi cậu đã được mẹ đưa về Matxcova để gặp cha. Song kể từ đó Epgheni không bao giờ được gặp cha nữa. Lúc này Iacop đã cưới nữ diễn viên Iulia Mentsep và họ đã có một cô con gái. Như Epgheni kể lại, người vợ mới của Iacop đã yêu cầu mẹ ông, bà Onga, để con trai mình lại Matxcova với gia đình của họ. Nhưng mẹ ông không bao giờ làm thế.

Stalin thì không bao giờ chấp nhận Onga bởi nguồn gốc Do Thái của cô. Và khi Iacop bị bắt làm tù binh, Stalin đã ra lệnh bắt Onga.

Ngay trước chiến tranh Iacop Djugasvili đã tốt nghiệp Học viện pháo binh của Hồng quân công nông (RKKA ), trở thành quân nhân chuyên nghiệp và được đưa ra mặt trận hai ngày sau khi quân Đức bội ước, tấn công Liên Xô.


Xác Iacop bên hàng rào



Thượng uý Iacop Djugasvili bắt đầu cuộc chiến đấu của mình ngày 27 tháng 6 năm 1941 sau khi tiếp nhận chỉ huy đại đội pháo của trung đoàn lựu pháo số 14. Đại đội của anh tác chiến trong dải tấn công của tập đoàn quân xe tăng số 4 thuộc cụm tập đoàn quân “Trung tâm” của Đức.

Ngày 4 tháng 7 đại đội bị bao vây ở khu vực Vitebxk. Ngày 16 tháng 7 Iacop bị bắt làm tù binh. Chiến tranh đối với anh đã kết thúc, song những thử thách nghiệt ngã nhất đang chờ anh ở phía trước.

“Người lính” Iacop đã bị "ruồng bỏ" như thế nào?

Đối với Stalin - tổng tư lệnh - thì đây là đòn khủng khiếp nhất : bắt đầu chiến tranh đã thất bại nặng nề, đã thế lại trao vào tay đối phương một con bài tuyên truyền nữa.

Khi vòng vây của quân Đức đã thít chặt Vitebxk, đại tá chỉ huy sư đoàn tăng số 14 (đại đội của Iacop nằm trong biên chế của sư đoàn này), đã lệnh riêng cho trưởng phòng đặc biệt đưa Iacop lên xe của mình thoát ra khỏi vòng vây, nhưng Iacop từ chối. Vài giờ sau xe quay lại lần nữa, kết quả vẫn vậy. Đó là ngày 11 tháng 7, khi ấy Vitebxk đã thất thủ .

Việc Iacop bị bắt làm tù binh đã gây nên phản ứng dữ dội từ cả hai phía. Ngày 20 tháng 7 năm 1941 đài phát thanh Beclin đã phát đi bản tin: “Báo cáo từ ban tham mưu của thống soái Kliuge cho biết ngày 16 tháng 7 ở Liozno, Đông - Nam Vitebxk, binh lính quân đoàn cơ giới của tướng Smidt đã bắt được con trai của Stalin - thượng uý Iacop Djugasvili, chỉ huy đại đội pháo thuộc quân đoàn bộ binh số 7 của tướng Vinogradop”.

Cũng trong ngày hôm ấy từ Tổng hành dinh đã đánh đi một bức mật mã: “Giucop ra lệnh ngay lập tức làm rõ và báo cáo về Bộ tư lệnh mặt trận: chỉ huy đại đội pháo của trung đoàn lựu pháo 14 sư đoàn tăng 14 - thượng uý Djugasvili Iacop Ioxiphovich đang ở đâu”.

Từ đó thấy rõ rằng các nhân viên đặc biệt đã mất hoàn toàn dấu vết của Iacop từ vài ngày trước khi anh bị bắt và các cuộc tìm kiếm anh chỉ được khôi phục sau thông tin mà đài địch đã đưa.

Vào lúc đó thì Iacop đã bị bắt được 4 ngày. Ngày 18 tháng 7 năm 1941 anh đã bị hỏi cung ở ban tham mưu của tướng Giunter phon Kliuge, tư lệnh tập đoàn quân xe tăng số 4, cụm tập đoàn quân “Trung tâm“( vài tuần sau ông ta đã trở thành tư lệnh cụm tập đoàn quân này).

Iacop vẫn bình thường. Anh hiểu rõ rằng anh không phải là một tù binh bình thường, mà là một con bài trong trò chơi của các “ông lớn”. Và anh cũng chẳng chờ đợi sự giúp đỡ từ đâu cả.

Ngày 19 tháng 7 năm 1941 Iacop được gửi thư cho bố. Anh viết rất ngắn gọn: “Bố kính mến! Con bị bắt làm tù binh. Con vẫn khoẻ và sắp tới sẽ được đưa đến 1 trong số các trại sĩ quan ở Đức. Giao tiếp bình thường. Con chúc bố khoẻ. Con gửi lời chào đến mọi người. Iacop”.

Stalin nhận được thư này rất muộn màng, mãi vào ngày 7 tháng 8 năm 1941. Không phải ông nhận được, mà là biết được sự kiện bức thư từ Zđanop (lúc bấy giờ là uỷ viên Hội đồng quân sự phương diện quân Tây Bắc) còn Zđanop thì nhận được tờ truyền đơn của Đức có in bức thư này.

Ngày 16 tháng 8 mệnh lệnh đáng buồn nổi tiếng số 270 của Tổng hành dinh Bộ tổng tư lệnh tối cao của Hồng quân, đã được ký, theo đó “những chỉ huy và chính trị viên đầu hàng quân thù” đã bị tuyên bố là “những kẻ đào ngũ cố ý, gia đình của họ sẽ bị bắt như gia đình của những kẻ đã vi phạm lời thề và phản bội tổ quốc của mình”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà gần như ngay lập tức sau mệnh lệnh này, tháng 9 năm 1941, Iulia - vợ của Iacop đã bị bắt. Mùa xuân năm 1943 Iulia được ra khỏi tù, đầu bạc trắng.

Mùa thu năm 1942 Iacop bị đưa đến Beclin, ngành tuyên truyền của Gobbens đã làm việc với anh ở đó. Người Đức thu xếp cho anh ở khách sạn đầy đủ tiện nghi, nhưng không thể đạt thêm được điều gì từ anh, ngoài cái đã đạt được từ trước: chụp được vẻ mặt thất thần của anh hồi tháng 7 và ghi lại được nhận xét của anh về tình trạng hỗn loạn trong các đơn vị Hồng quân.

Đầu năm 1942 Iacop bị đưa vào trại tập trung, đó là trại sĩ quan “Oflag XIII- Đ” ở Hammelburg. Mùa xuân năm đó bị chuyển đến trại tập trung ở Liubec. Tại đây anh được gặp gỡ với một người tên Cazbegi, cũng là tù binh chính trị, vốn là quận vương ở Grudia. Lãnh đạo trại muốn Cazbegi gần gũi Iacop để tìm ra được chìa khoá, nhằm khám phá con người luôn lặng lẽ và trong tình trạng trầm cảm như anh.

Sau chiến tranh Cazbegi đã để lại vài trang hồi ký ngắn ngủi về chân dung con người của Iacop Djugasvili. Anh ta viết rằng, Iacop đã từng thú nhận với anh ta là đã “yêu thầm” mẹ kế của mình- Nadegiơda Allilueva. Một vài lần Iacop nói về Nadegiơda: “Đó là một thiên thần, người duy nhất ngọt ngào và dịu dàng với tôi, sau mẹ…”

Có tin rằng cuối năm 1942 Iacop lại bị đưa đến Beclin theo lệnh của Himmler, chính ông ta cùng Rodenberg đã gặp gỡ anh. Tháng 2 năm 1943 Iacop bị đưa đến trại tập trung Dacxenhauden, tới lán gỗ đặc biệt cùng con trai cựu thủ tướng Pháp Leon Blium và cháu họ của Churchill. Lúc ấy người Đức đã có ý định đánh đổi Iacop lấy thống soái Paulius (ông ta đã trở thành hàng binh ngày 31 tháng 1 năm 1943). Lời đề nghị này đã được chuyển qua chủ tịch Hội chữ thập đỏ Thuỵ Điển là công tước Becnadot.

Câu trả lời của Stalin đã trở nên nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”. Câu chuyện này đã bay khắp thế giới, Iacop chắc chắn đã biết về nó qua hệ thống truyền thanh trong trại.

Ngày14 tháng 4 năm 1943 Iacop Djugasvili đã chết trong hoàn cảnh chưa được làm rõ. Hoặc là anh bị bắn trong khi “có ý định bỏ trốn”. Hoặc là trước khi bị bắn anh đã kịp chạy tới hàng rào và chết vì bị điện cao thế giật khi chạm vào nó.

Phản ứng của người cha thật đặc biệt: gần như ngay sau đó Iulia - vợ goá của Iacop, được thả ra khỏi nhà tù ở Quibưsep.

Cuộc đời bi kịch của Iacop đã kết thúc như vậy. Cái chết đã là sự giải thoát đối với chính Iacop, đối với người vợ goá và đứa con gái bé nhỏ của anh.

(Theo VTC/Tuyệt mật)