Dịch lý:

易理

A: The philosophy of the Yi King.

P: La philosophie du Yi King.


Dịch: kinh Dịch. Lý: triết lý.

Dịch lý là triết lý trong Kinh Dịch.

Kinh Dịch là một bộ sách rất xưa và rất nổi tiếng, nói về triết lý vũ trụ và nhân sinh của cổ nhân Trung hoa.

Nhưng trước hết, chúng ta xem Dịch là gì?

Theo chiết tự, Dịch 易 có phần trên là chữ Nhựt 日: mặt trời, phần dưới là biến thể của chữ Nguyệt 月: mặt trăng.

Như vậy Dịch là sự vận chuyển biến đổi của mặt trời và mặt trăng, tức là của ngày đêm, sáng tối, nói một cách tổng quát thì Dịch là sự biến đổi của Âm Dương.

Âm Dương có tính chất tương phản nhau nhưng cũng tương ứng, tương cầu (tìm nhau), tương giao (gặp nhau), có tương giao mới có tương thôi (xô đẩy nhau), tương thể (thay thế nhau và bổ túc nhau) để tương thành (giúp nhau hoàn thành).

Dịch còn là biến dịch, tức là biến hóa, và mọi vật đều do sự biến hóa của Âm Dương mà ra. Sở dĩ có sự biến hóa như thế là vì do hai Khí Âm Dương tương ma (chà xát nhau) và nhờ đó mà sanh thành vạn vật.

Sự biến dịch cũng có qui luật: Phản phục, tuần hoàn.

Phản phục là khi Âm thịnh thì Dương suy, khi Dương thạnh thì Âm suy, hết tịnh tới động, hết động tới tịnh, vật cùng tắc biến, mà biến thì phản phục. Nhờ sự phản phục mà sự vật trong vũ trụ không bị bế tắt, không bị cùng, nên mới thông được mà sinh sinh hóa hóa mãi mãi.

Tuần hoàn là sự biến hóa đến cùng rồi thì quay trở lại, để cho được thông, có thông thì mới vĩnh cửu trường tồn.

* Vũ Trụ Quan: Kinh Dịch nói về nguồn gốc của vũ trụ, từ Nhị nguyên tiến tới Nhứt nguyên.

Kinh Dịch xây dựng nguyên lý Âm Dương làm nguồn gốc của vũ trụ. Dương (Càn) tạo ra vạn vật vô hình, thuộc phần khí, nhưng phải nhờ Âm (Khôn) vạn vật mới chuyển qua hữu hình, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn, nhưng Khôn phải ở sau Càn, tùy thuộc Càn và bổ túc Càn.

Càn Khôn không phải tự nhiên mà có. Càn Khôn tức Âm Dương do Thái Cực biến hóa sanh ra. Đây mới chính thật là khởi điểm của CKVT. Khi Âm Dương thống nhứt trở lại thì biến thành Thái Cực, tức là từ Nhị nguyên trở về Nhứt nguyên.

* Nhân Sinh Quan: Kinh Dịch nêu rõ: Thiên nhân tương dữ, tức cho rằng: Vũ trụ vạn vật đồng nhứt thể.

Đại biểu của vũ trụ là Trời Đất, đại biểu của vạn vật là Người. Trời Đất và Người cùng một thể, nên người được đứng vào hàng Tam Tài (Thiên Địa, Nhân). Phép tắc của Trời làm mô phạm cho hành vi của Người, tức là Thiên đạo làm mô phạm cho Nhơn đạo.

Cả vũ trụ chỉ là Âm Dương, Trời Dương, Đất Âm, trai là dương, gái là âm, như vậy Trời Đất và con người là nhất thể. Loài người bị luật Âm Dương chi phối, thì Nhơn đạo bị Thiên đạo chi phối.

Cho nên trong Thuyết Quái truyện của Kinh Dịch có nói rằng: Dịch lập đạo Trời là Âm Dương, đạo Đất là cương nhu, đạo Người là nhân nghĩa.

Trong 64 quẻ của Kinh Dịch, tổng hợp lại chỉ nói bao gồm trong hai chữ: TRUNG CHÁNH.

Chánh là ngay thẳng, hợp với đạo lý.
Trung là ngay giữa, không nghiêng lệch.

Đạo lý trong thiên hạ chỉ khiến cho việc không trung trở về chỗ trung, việc không chánh trở về chỗ chánh.

Trung Chánh là quan niệm căn bản trong Kinh Dịch.

Nhưng Chánh không quí bằng Trung, vì có Chánh chưa hẳn đã có Trung, nhưng khi giữ được Trung thì đã có Chánh rồi. Như thế, Trung bao gồm Chánh, chớ Chánh không bao gồm được Trung. Khi quan sát các việc thiên nhiên trong Trời Đất, thấy cái gì đi đến chỗ thái quá thì gây phản ứng, nên Thánh nhân khuyên giữ lấy đạo Trung, phải giữ quân bình để tránh phản ứng tức là tránh tai họa.

Nhưng 2 chữ Chánh Trung lại gồm trong một chữ THỜI.

Hợp Thời mới gọi là Trung. Thí dụ như người giàu sang mà keo kiệt, người nghèo khó mà xa xí, thế thì không hợp Thời, tức không phải là Trung.

Thời gồm cả Chánh nữa, bởi vì nếu Chánh mà không hợp Thời thì thành ra xấu.

Tùy Thời mà vẫn giữ được Trung Chánh. Chúng ta phải biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu, lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái, lúc nào nên động, lúc nào nên tĩnh,... tức là phải tùy Thời mà hành động. Cái đó rất khó, phải bình tĩnh, vô tư, sáng suốt thì mới biết tùy Thời.

64 quẻ của Kinh Dịch là 64 thời; 384 hào là 384 hoàn cảnh. Bấy nhiêu đó mà suy ra thì có thể áp dụng cho mọi việc mọi lúc trong đời sống.

Như phần trên đã nói: Dịch là Âm Dương, hai thế lực ấy không bao giờ tiêu diệt nhau, nhưng lại biến đổi nghịch chiều nhau: Âm thạnh thì Dương suy, hay ngược lại. Từ chỗ đó mới suy ra Thiện và Ác, Tiên Phật và Quỉ Ma, Quân tử và Tiểu nhân. Hai cái đó luôn luôn tồn tại, kềm giữ nhau chớ không thể tiêu diệt nhau.

Nếu không có Ác thì làm sao biết Thiện, không có Quỉ Ma thì làm sao biết Tiên Phật, cũng như không có Tiểu nhân thì làm sao biết được người nào là Quân tử.

Thời thịnh thì Quân tử thắng, Tiểu nhân thối nhưng nó vẫn còn ẩn náo ở đó chớ không phải bị tiêu diệt. Cuộc tranh đấu giữa Thiện và Ác không bao giờ chấm dứt, từ bao đời xưa sẽ mãi mãi tồn tại đến bao đời sau.

Người Quân tử phải dụng đức trí mà tùy thời hành động cho thích hợp. Khi đắc thời thì khoan dung với Tiểu nhân, còn khi thất thời thì qui ẩn giữ đạo Trung Chánh.

Tóm lại: "Chu Dịch nhất bộ thư, khả nhứt ngôn nhi tế chi, viết: Thời." Nghĩa là: Bộ sách Chu Dịch có thể tóm tắt trong một chữ: THỜI