:votay::ciao:
Phạm Xuân Thảo

(tìm hiểu võ thuật tập 6 , 1991)


Ta đến ngươi chỉ với ngón tay cái

Võ khí gươm dao ta không lý tới

Danh dự đời ta một khi xúc phạm

Ngón cái ta đây rửa hận đủ rồi






Khi nói đến võ thuật, người ta thường nhắc đến Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên với những môn Công phu Thiếu Lâm, Nhu Đạo, Không Thủ Đạo, Taekwon-Do, v.v.. Không mấy ai biết rằng võ thuật và môn cận chiến là thành trì của nước Ấn Độ, và chỉ nội môn đô vật độc đáo và hùng liệt cũng đủ tôn vinh nước Ấn như một xứ sở của điền kinh và võ thuật rồi. Lý do là vì quyền thuật ở Ấn không được phổ biến rộng rãi, nó được giữ bí mật tuyệt đối.


Quyền thuật chỉ xuất hiện trong những cuộc tranh giải hằng năm tại Bénares. Các cuộc tranh tài được diễn ra dưới cả hai hình thức giao đấu cá nhân và tập thể. Sau đây là câu chuyện do võ sư tiến sĩ John Gilbey kể lại.


Các hảo thủ thường tập luyện bàn tay cứng đến độ đấm vỡ tan quả dừa và đá tảng. Vì vậy không giống như Không Thủ Đạo, các trận đấu này đụng chạm nhau mãnh liệt, và bạo lực là chuyện không thể tránh khỏi. Từ đó đi đến chỗ chết chóc, khiến cảnh sát phải ngăn cấm những cuộc tranh tài.









Năm 1952, tôi đến thẳng thành phố Bénares, không có đủ thì giờ ngắm cảnh Shangri La, mà cũng chẳng ghé được Calcutta. Tôi lân la tiếp xúc với các giáo sư đại học, giới tài xế taxi, những kẻ coi kho, bồi bàn, và một viên thư ký của hội Cơ Đốc thanh niên (YMCA) hỏi xem họ biết nơi nào có một vị võ sư quyền thuật không. Ai nấy đều trả lời không biết.


Mãi đến một hôm, tôi dùng cơm tối với ông Rodgers, một người Anh vui tính đang làm quản lý cho một công ty luyện kim. Rodgers rất hâm mộ môn quyền Anh, nên chúng tôi thường thảo luận với nhau về đề tài đó.


Hôm ấy, tôi đưa ra câu hỏi tại sao Ấn Độ lại không chú ý đến môn quyền Anh, Rodgers giải thích rằng người Ấn xem việc đeo găng tay là một điều phạm thượng, làm nhơ bẩn thiên nhiên. Thiên nhiên đòi hỏi rằng quả đấm khi cần thiết đem ra sử dụng không được phép lấy vật êm ái để ngăn trở nó.





Tôi hỏi phải chăng ông ngụ ý rằng Ấn Độ còn có môn võ truyền thống của họ. Ông đáp là họ có một môn võ tuyệt hết chỗ chê. Môn võ đó thực chẳng may đang hồi hấp hối, giẫy chết. Sự can thiệp của cảnh sát đã hạn chế những cuộc giao đấu và bóp nghẹt những mầm non đang lên của nghệ thuật. Hơn nữa, số võ sư hiếm hoi còn lại không muốn quảng bá môn võ giữa dòng người nước ngoài. Đối với người Ấn, môn võ đó gần như một thứ lễ nghi tôn giáo, không thể khinh suất được.


Tôi nhận thấy Rodgers có vẻ biết khá về môn võ này. Nếu quả môn võ đó bí mật như thế, làm sao ông lại biết đến nó được! Ông cười khoái trá, rồi bằng một giọng thân tình, ông tiết lộ cho tôi biết một bậc võ sư lừng lẫy nhất của thành Bénares, của Ấn Độ và cả thế giới nữa! Đó là một viên đốc công làm trong xưởng đúc thuộc công ty của ông, người đã dạy võ cho ông mỗi tuần 2 lần trong suốt năm năm trời.


Thế là tôi chỉ còn việc nêu lý do nghiên cứu cùng mối quan tâm sâu sắc của tôi về võ thuật cho Rodgers biết nữa là xong.


Đêm hôm sau, chúng tôi đã có mặt tại nhà riêng của vị võ sư, ông Dunraj Seth, ở vùng ngoại ô thành phố.


Thoạt trông, ngoại hình vị võ sư không lấy gì làm lôi cuốn cho lắm. Ông cao 1 thước 73 phân, nặng khoảng 81 kí-lô, người hơi có bụng, nhưng trông ông trang trọng và vồn vã lắm. Khi được giới thiệu với chủ nhân, tôi tuôn ra hàng tràng sáo ngữ thường rất làm đẹp lòng người Á Đông. Nhưng ông đã ngắt lời tôi bằng Anh ngữ rất trôi chảy.


- “Đánh trúng không quan trọng. Đánh trúng và gây tổn thương mới quan trọng. Thưa ông, cái lúc tuyệt diệu nhất để đánh trúng một người chính là khi hắn đang nói!”


Nghe thế, tôi ngượng chín người, vội ngồi xuống trong lúc ông Seth vẫn tiếp tục nói:


- “Một cơ hội bằng vàng khác là khi người ta đang ăn hay đang hút thuốc. Nói tóm lại, bất cứ khi nào họ không chuẩn bị. Tôi không dám nói rằng đầu con người ta có thể hóa giải được sức đấm mà không bị tổn thương gì. Ông Max Baer luyện tập để tranh giải bằng cách cho bạn bè đánh vào đầu mãi đến khi ông ta quay mòng mòng và đầu cứ vang vang những tiếng chuông hư vô. Nhưng người ta vẫn có thể sử dụng đầu, nếu khéo léo, nó vẫn có thể giảm thiểu được hiệu năng những quả đấm của một đối thủ sừng sỏ. Nếu địch thủ kém cỏi, một bậc thầy lại còn có thể sử dụng đầu để phản đòn hắn nữa là khác. Bây giờ xin mời ông đứng lên”.





Tôi đứng lên, trong dạ rất hoang mang.


- “Xin ông hãy đấm hết sức mạnh lên đầu tôi, bất cứ vào chỗ nào. Đừng ngại cho tôi. Tôi biết căn cơ của ông mà. Các võ sĩ Trung Hoa và Nhật Bản đã lần lượt thử thách cả rồi. Bây giờ đến lượt ông. Nếu tôi nhận ra ông đấm có phần nới tay thì cuộc thảo luận của chúng ta chấm dứt ngay đó”.


Tôi phải làm sao bây giờ? Ông ta dứt khoát thái độ. Tôi nhìn Rodgers, cầu cứu, nhưng ông ta chỉ khẽ mỉm cười. Tôi đành xuống tấn Không thủ đạo, hét tiếng “kiai”, rồi đấm thẳng vào miệng ông.


Ông ta không hề nhúc nhích, nhìn tôi với ánh mắt tinh quái.


- “Ông có sức lực khá đấy. Bây giờ mời ông ngồi, chúng ta nói chuyện tiếp”.


Thật khó mà tin được. Tôi đành ngồi xuống và bàng hoàng lắng nghe kỳ tích của môn võ công này.


- “Đó là cách mà tôi và các học trò của tôi khởi sự. Muốn tấn công, ta phải có khả năng phòng thủ trước đã. Khả năng chịu đựng được một đòn đấm ác liệt là một phần của sự phòng thủ. Tuy nhiên, khả năng đó đòi hỏi chúng ta phải mất nhiều năm khổ luyện, chứ không phải là chuyện một sớm một chiều. Nếu không rồi chúng ta cũng đến nếm mùi kinh nghiệm của ông Baer kia mà thôi”.


Giơ nắm tay gồ ghề, rắn chắc lên, ông tiếp tục:


- “Đây là nắm tay, là vũ khí, dụng cụ. Ta phải nắm nó thật chặt. Giờ đây ông đã có vũ khí rồi. Nhưng sử dụng nó thế nào? Có hai cách: trước hết, nói về cách thông thường, nó giống như một sự căng thẳng người ra, nhất là cánh tay. Nhưng còn một cách khác. Nắm tay có thể “chìm” trong cánh tay như thể mũi ngọn giáo, nếu có thể ví von như vậy. Ở đây thì không phải nắm tay mà chính cánh tay mới là vũ khí. Trong lối tấn công này, cánh tay cần phải thật thẳng và khuỷu tay không cong. Năng lực phát ra trong thế công “trường” này thật khủng khiếp, nhưng hẳn ông đoán thấy lối đánh này chắc chắn sẽ bị lối tấn công “sát đòn” chế ngự và cũng dễ cho địch thủ chống đỡ”.


Khi ông tấn công, không thể có chuyện tình cờ may rủi được. Một đòn đánh ra phải có mục tiêu, và mỗi mục tiêu phải có lý của nó. Thông thường thái dương, tùng thái dương và háng là những mục tiêu đích đáng nhất, vì một đòn hữu hiệu nhắm vào các khu vực đó sẽ là đòn trí mạng.


“Tôi không nhấn mạnh đến đòn chân. Có nhiều phương pháp hay, nhưng chỉ có 24 giờ một ngày. Nếu tôi đá được, tôi sẽ đấm kém. Và dù hết sức khiêm tốn, tôi cũng xin thưa với ông rằng quyền pháp của tôi không đến nổi tệ lắm đâu”.





(Còn Tiếp)


:listen: