Phạm Xuân Thảo

(tìm hiểu võ thuật tập 6 , 1991)





Ông đưa chúng tôi sang phòng kế bên, nơi có hai lực sĩ cường tráng đang tọa sát đất. Gian phòng sáng lờ mờ, nhưng thoáng, nhìn ra một khoảng sân nhỏ. Nó lớn hơn phòng khách đôi chút, vào khoảng 6 x 10,5 mét.


Ông đưa tay khoa ngang căn phòng, nói:


- “Đây là phòng tập và các môn sinh của tôi. Không kể ông Rodgers thì họ là những người học trò độc nhất. Theo truyền thống tại nước Ấn, môn quyền thuật được giữ bí mật vô cùng. Sở dĩ chúng tôi không quảng bá nghệ thuật đó là vì sợ người ta lạm dụng, không những vì lý do tôn giáo mà còn về mặt thể chất nữa. Hai võ sinh kia là các con của tôi. Mỗi thế hệ trong gia tộc tôi, trải qua nhiều thế kỷ, đều có các võ sĩ quyền thuật. Chúng tôi giới hạn việc truyền dạy vì muốn duy trì sắc thái gia đình, hơn nữa, vì ngại sự sử dụng khinh suất sẽ gây nên cái chết dễ dàng.”





“Tổng thống Thomas Jefferson của các ông đã nói rằng mỗi người nên dành ra tối thiểu một ngày hai giờ để tập thể dục. Trong suốt 50 năm, tôi đã tập trung bình 4 giờ mỗi ngày, và các con tôi tập 5 giờ vì chúng nó còn trẻ, sinh lực dĩ nhiên là phải dồi dào hơn tôi. Tuyệt không được tản mạn sự luyện tập. Thông suốt một kỹ thuật đáng giá hơn biết quấy phá hàng ngàn thứ. Chúng tôi nhấn mạnh ở chỗ “ít” và chúng tôi đặt nặng sự rèn luyện trường kỳ”.


Ông khẽ bảo hai người con trai. Hai cậu liền bước đến một bục nhỏ đối diện vách tường. Tôi nhận thấy ở đó có một tấm thép dày hai phân rưỡi đóng chặt vào bức tường bê tông. Tôi tròn mắt kinh ngạc khi nhìn người con thứ nhất của ông trên bục đấm hết sức mạnh vào tấm thép bằng nắm tay phải. Xong, đến tay trái và cứ thế luân phiên. Chuỗi đấm tạo nên một âm thanh vang dội từng chập. Sau đó, đến lượt người con kia lên đấm. Tôi cản chân anh ta lại, nhưng lạ thay, đôi chân anh ta không hề ngừng bước. Mỗi quả đấm đều vận dụng toàn thân, từ gan bàn chân trở lên.





Seth nhận thấy nỗi ngạc nhiên của tôi.


- “Mấy môn sinh này tập luyện lâu ngày mới đạt đến trình độ đấm mạnh trên thép được như thế. Ta phải un đúc bàn tay chứ không phải làm biến dạng nó. Điều này chỉ có thể đạt được do sự tập luyện từ tốn. Những môn võ Trung Hoa và Nhật Bản có tập luyện như vậy không? Tôi nghĩ là không.”


“Hai đứa nhỏ này sẽ đấm thép suốt một giờ, đổi bộ tấn để mỗi phần của bàn tay đều được lần lượt sử dụng đến. Thường thì chúng đấm tay trái ba lần liên tiếp, xong đánh tiếp hai lần tay phải và cứ thế tiếp tục. Lý do tại sao đấm như vậy thì đã rõ quá rồi, tưởng không cần phải giải thích nữa.”





“Những điều ông thấy đó chỉ mới là phần ngoại công của quả đấm. Còn cốt tủy của phương pháp này là những điểm huyền vi, tế nhị, khó có giải thích cho ông hiểu bây giờ được. Có thể trong dịp thăm viếng tới của ông. Tựu trung tôi nhấn mạnh: mục tiêu và kỹ thuật không thể là chuyện tùy tiện được. Toàn bộ cơ thể trong cũng như ngoài phải cô kết chặt chẽ trong từng cú đấm. Đạt đến mức đó mới có thể tạo được một tác dụng có đầy đủ ý nghĩa. Về ngoại diện như hình thức của nắm đấm, của bộ thế, của thân pháp cần mất nhiều thì giờ, nhưng tương đối dễ lãnh hội được. Về nội thân, cách thở, sự hiệp khí cần nhiều chục năm tập luyện quyền pháp mới mong thành đạt.”


Quay lưng về phía tôi, vừa bước vào phòng khách, ông vừa nói:


- “Tôi tưởng như thế là đủ rồi”.


Cuộc thảo luận của chúng tôi kết thúc ở đó. Tôi có thể học thêm về môn võ này nơi ông bạn Rodgers. Môn võ này thật đáng cho ta suy ngẫm. Theo Rodgers, ông Seth không dạy những bài quyền dài, ông chỉ truyền dạy động tác ngắn. Ông cũng không tin tưởng lối đấm hàng tràng như mưa bấc. Ông tin tưởng rằng một cú đấm tung ra trúng đích và đúng cách có giá trị bằng hàng trăm cú đấm khác.





Rodgers còn đưa tôi đến thăm võ đường của người em họ ông Seth tại khu phố Đông. Võ đường này hơi có tính cách thương mại hơn võ đường của ông Seth, nhưng chuyên môn hơn. Vị võ sư này dạy học trò sử dụng “chỉ công”. Mắt và những chỗ lắt léo của cơ bắp là những mục tiêu tốt của đòn này. Vị võ sư có biệt tài sử dụng hai ngón tay cái xỉa nhanh như chớp vào mục tiêu nào ông muốn. Ông cũng sử dụng nắm đấm và đầu gối, nhưng không mấy khi.





Một kỹ thuật mà tôi thấy là đắc dụng lắm. Vì khoảng cách là một trở ngại lớn lao cho việc định vị trí nên tốt nhất, ta nên đánh vào một vị trí hiểm yếu. Chẳng hạn, người Trung Hoa chỉ xuất thủ khi nào họ có thể đấm thẳng theo chiều cánh tay họ hay địch thủ. Nhà nghệ sĩ sử dụng “chỉ công” này có thể phóng thẳng một lần cả hai tay vào hai bên đầu đối thủ. Hai ngón tay cái chĩa thẳng dễ dàng phóng vào đôi mắt địch. Có trời mới tránh được.


Tôi thấy chỉ pháp này rất hữu hiệu, và bộ pháp sử dụng nó khiến tôi bồi hồi khôn tả. Mọi sự đều rất quy củ, trang trọng. Chẳng hạn, mỗi khi phòng tập mở cửa và đóng cửa, các môn sinh đều rập ràng đọc những lời tâm niệm của môn phái như sau:


Ta đến ngươi chỉ với ngón tay cái

Vũ khí gươm dao, ta không lý tới

Danh dự đời ta, một khi xúc phạm

Ngón cái ta đây rửa hận đủ rồi.


Lời tâm niệm này chẳng hiểu sao khiến tôi thật bồi hồi xúc động. Võ sư và các võ sinh đọc nó thật trang trọng và kỉnh kiền. Giây phút đó thật là một giây phút đáng nhớ. Nó nói lên tinh thần hiếu hòa của những võ sĩ có những vũ khí tối hiểm, đồng thời là một cảnh cáo sẽ sử dụng tới những vũ khí đó vào lúc chẳng đặng đừng. Và dù ông bạn Rodgers của tôi có trào lộng thêm vào rằng “Nếu ngón cái tôi giết không xong, đầu gối tôi sẽ nói chuyện” thì những câu tâm niệm trên vẫn khiến tôi cảm động sâu sắc vì nét độc đáo của nó.





Chỉ có giờ đây, ở một thời gian và không gian thuận lợi, tôi mới có thể bình tâm suy ngẫm đến nó mà không nghe lòng mình thản thốt.


Phạm Xuân Thảo

Culture - Histoire - Tradition

:listen::votay::ciao: