Một lần nữa, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng lại lên tiếng nói Ngài sẽ từ chức nếu những vụ bạo động không chấm dứt ở trên lãnh thổ quê hương thân yêu của Ngài cũng như ở các tỉnh thành khác của Hoa Lục.

Trong bài thuyết giảng sáng hôm nay ở New Delhi, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài sẽ từ chức, nếu bạo động tiếp tục xảy ra ở Tây Tạng cũng như tại Hoa Lục.

Ngài nói là qua những cuộc biểu tình diễn ra ở trong vào ngoài Trung Quốc, những người tham gia đã sử dụng bạo động để bày tỏ quan điểm chính trị của họ, và đó là điều Ngài không đồng ý.

Ngài cho hay đã nhiều lần nhắc nhở người dân Tây Tạng là Phật Giáo không cho phép bạo động, và Phật Tử phải dằn được cơn nóng giận của mình. Ngài cũng nói thêm Ngài lúc nào cũng quý trọng nhân dân Trung Quốc.

Sáng nay trong cuộc họp báo tại Washington, Ngoại Trưởng Condoleeza Rice của Hoa Kỳ cũng nhắc lại kêu gọi Trung Quốc nên đối thoại trực tiếp với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma.

Bà Ngoại Trưởng Mỹ nói rằng Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chủ trương tranh đấu ôn hòa, và quan trọng hơn nữa, Ngài không đòi Bắc Kinh phải cho Tây Tạng được độc lập, chỉ muốn nhân dân Ngài được rộng quyền tự trị, cũng như nền văn hóa cổ truyền của người Tây Tạng phải được tôn trọng và bảo vệ.

Lời kêu gọi của Bà Rice cũng như phát biểu được Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đưa ra trong bài giảng sáng nay không được chính quyền Trung Quốc đáp ứng. Ông Liêu Hứa Minh, người phát ngôn của tòa đại sứ Trung Quốc ở Luân Ðôn nói với báo chí rằng đừng quên người được thế giới ca ngợi là vị Phật Sống cũng là người nói một đàng, làm một nẻo.

Các phát biểu được đưa ra trong khi đoàn người Tây Tạng vẫn tiếp tục cuộc biểu tình ngay trước Ðại sứ Quán Trung Quốc ở thủ đô Ấn Ðộ, ho những khẩu hiểu phải rút khỏi lãnh thổ của họ cũng như phải chịu trách nhiệm về việc cho quân đội nổ súng bắn chết người Tây Tạng ở Lhasa và Cam Túc.

Phản ứng quốc tế

Lãnh đạo của các quốc gia, các tổ chức tranh đấu bảo vệ quyền làm người vẫn tiếp tục lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng về chính sách mà Bắc Kinh đang áp dụng đối với nhân dân Tây Tạng.

Ðiển hình là tại Pháp, Ngoại Trưởng Bernard Kouchner cho hay viêc làm của Trung Quốc đối với những người Tây Tạng là điều không thể tha thứ được, cho dù chính phủ Pháp không nghĩ đến chuyện sẽ tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Bà Rama Yade, Bộ Trưởng Ðặc Trách Nhân Quyền Pháp thì nói rõ nước Pháp lúc nào cũng mở rộng cánh cửa đón Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, và Bà rất vinh dự được đón tiếp Ngài.

Cũng tại Pháp, những cuộc thăm dò cho thấy hơn 70% người dân không muốn các nhà lãnh đạo nhận lời mời dự Lễ Khai Mạc Olympic vào tháng Tám sắp tới.

Tin tức do những cư dân đang sống ở Tây Tạng phổ biến cho thế giới bên ngoài cho biết sinh hoạt của người dân vẫn chưa lại bình thường, binh sĩ và công an Trung Quốc vẫn tiếp tục đi tuần trên đường phố thủ phủ Lhasa và tại những khu vực có đông người Tây Tạng cư trú ở các tỉnh thành khác.

Ðược biết vào ngày thứ Sáu sắp tới, các vị Ngoại Trưởng của những nước EU sẽ gặp nhau ở Slovakia để đưa ra quan điểm chung về quan hệ giữa liên minh với Trung Quốc trước những khó khăn mà người dân Tây Tạng đang gặp phải.

Một viên chức cao cấp Nhà Trắng nói với báo chí rằng ông tin tưởng lập trường của EU đối với Trung Quốc và với vấn đề Tây Tạng sẽ phù hợp với lập trường của Hoa Kỳ.