Ai là Vua mê tín nhất trong lịch sử VN?
Cập nhật lúc 03 AM, 20/05/2011

(ĐVO) Lý Thần Tông, tên thật là Lý Dương Hoán, sinh vào tháng 6 năm Bính Thân (1116), lên ngôi lúc 13 tuổi. Xét những việc ông làm có thế thấy đây là vị vua “mê tín” nhất trong lịch sử VN.


Năm 1129, trời làm hạn hán, từ Tết đến hết tháng ba, không có một giọt mưa, khiến dân chúng vô cùng lo lắng, các quan trong triều hết thảy xôn xao.

Điềm trời

Tháng ba năm ấy, vua làm lễ cầu mưa nhưng chưa ứng nghiệm, nhân đó họp các quan nói rằng: “Trẫm là kẻ ít đức, can phạm đến trời để làm mất hòa khí. Mùa xuân năm trước thì mưa dầm, mùa xuân năm nay lại hạn hán. Trấm lo lắm, các quan xem, nếu trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu cho trẫm”.




Lý Thần Tông được cho là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ảnh:Phattuvietnam.


Các quan đều xì xào song không ai dám nói gì. Chỉ có viên ngoại lang là Trần Ngọc Khách bước lên trước quỳ tâu: “Thần nghĩ, ba tháng mùa xuân là dịp sinh nở của muôn vật. Trời không mưa thì muôn loài sẽ ra sao? Hoặc giả hình ngục có oan uổng, sai trái làm ảnh hưởng đến hòa khí chăng? Hoặc giả là chính lệnh hiện quá nghiêm khắc. Kinh thi có câu: Chính lệnh sai lệch, điềm dữ sẽ đến. Xin bệ hạ minh xét.

Nhà vua khen Trần Ngọc Khách nói năng, viện dẫn chặt chẽ, hợp lý hợp tình bèn thưởng cho rất hậu và ban cho tên mới là Trần Thiện Gián (Can Điều Tốt).

Sau, vua lệnh tha cho hết tội nhân trong ngục thất. Đến tháng 4, trời đổ mưa to, nông phu vô cùng hoan hỷ, các quan đều nói: Năm nay chắc chắn được mùa.

Lừa vua để được ân điển

Sau việc đó, các quan biết nhà vua và thái hậu tin vào điềm trời nên thường nghe ngóng những tin đồn đại, tâu trình, mong được ân điển.

Chỉ ít ngày sau, thân vương Lý Lộc vào tâu rằng, ở núi Tản Viên có con hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhị đi, quả nhiên là bắt được. Anh Nhị sau được khen tặng rất hậu, Lý Lộc có công cung cấp thông tin nên được ban ước Đại Liêu ban.




Chùa Láng nơi có thờ vua Lý Thần Tông và thiền sư Từ Đạo Hạnh. (Ảnh minh họa)


Thân vương Lý Tử Khắc thấy vậy cũng dâng lời tâu rằng, rừng ở Giang Để (Tuyên Quang) cũng có hươu trắng, vua lại sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt. Đàm được trọng thưởng, Tử Khắc cũng được thăng chức khu mật sư, xếp vào hàng tước minh tự, được đổi mũ bảy màu.

Những việc tương tự cứ theo đà ấy nở rộ. Lúc đó, Đỗ Khánh đang là lính ở Tả Vũ Tiệp, đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng (cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Vua cũng cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: "Cá là vật nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao?". Bởi lời ấy, vua mới cho dừng việc này.

Nhưng sự việc vẫn chưa kết thúc. Vương Cử là lính ở Tả Hưng Vũ bắt được con rùa lạ, trên mai có nhiếu vết khắc hợp thành nét chữ. Vua xuống chiếu, cho các nhà sư, các bậc thầy nho học giỏi nhất nước phải đoán cho ra thượng đế ban cho ngài chữ gì.

Các thầy nhân đó cùng bàn nhau, tán thành chữ: Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế. Ý nói vua sẽ sống muôn tuổi. Thế nhưng đến năm Mậu Ngõ 1138, Lý Thần Tông vẫn ngã bệnh như thường. Không thầy nào, thuốc nào chữa khỏi bệnh vua nên đến cuối mùa thu ngài đi.



Những giai thoại ly kỳ

Xung quanh thân thế và sự nghiệp vua Lý Thần Tông có nhiều giai thoại ly kỳ. Có ý kiến cho rằng ông là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Người xưa cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.

Lại có chuyện, năm Thần Tông 21 tuổi (1136), bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt Vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng: “Nước có Lý Thần Tông/Triều đình muôn việc thông./Muốn chữa bệnh thiên hạ/Cần được Nguyễn Minh Không”.

Triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư Nguyễn Minh Không. Đến am, sư cười bảo: "Đâu không phải là việc cứu cọp đó ư?" Quan chỉ huy hỏi: "Sao thầy sớm biết trước?" Sư bảo: "Ta đã biết việc này trước ba mươi năm". Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: "Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó." Sư lấy tay mò trong đảnh lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: "Quí là trời". Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.