1. Bốn oai nghi

Chúng ta quán sát Danh và Sắc trong bốn oai nghi -- đi, đứng, ngồi, nằm.

Ðây là những oai nghi căn bản hay oai nghi chính như đã được mô tả trong Kinh Ðại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna). Chúng ta khởi sự với việc quán chỉ nội sắc mà thôi, bởi vì sắc dễ nhận ra hơn danh. Có ba lý do khiến sắc dễ thấy hơn là: sắc "thô" còn danh "tế". Bốn oai nghi luôn luôn hiện hữu (các đối tượng của danh như nghe, thấy,... chỉ phát sanh từng thời. Dễ dàng thấy khổ trong sắc hơn ở các đối tượng khác, bởi vì, khi chúng ta quán bốn oai nghi, chúng không thể nào che án thực tánh khổ được nữa.

2. Các phương tiện dùng trong pháp hành

Ðó chính là Tinh tấn (ātāpi), Chánh niệm (sāti), Tỉnh giác (sampajañña), Tác ý chân chánh (yonisomanasikāra), Quán sát pháp hành (sikkhati).

a) Tinh tấn là sự nhiệt tâm tiêu diệt phiền não. Không có tinh tấn, ta không thể nào nhận thức được toàn bộ đối tượng như sắc ngồi. Khi tâm phóng khỏi sát-na hiện tại, tinh tấn cùng với chánh niệm, tỉnh giác sẽ đưa nó trở lại.

b) Chánh niệm là niệm trong Tứ Niệm Xứ, chú tâm đến oai nghi ta đang quán sát.

c) Tỉnh giác là nhận rõ toàn bộ đối tượng đang quán sát, chẳng hạn như biết toàn bộ oai nghi ấy là sắc ngồi.

d) Tác ý chân chánh là sự chú tâm trên một đối tượng với hiểu biết chân chánh, chẳng hạn biết đúng lý do làm việc ấy, hoặc thực tánh của đối tượng ấy là gì ... "Yoniso" nhắc cho ta biết rằng, khi ta ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh, hay làm những việc gì khác, chỉ là để chữa khổ chứ không phải tìm lạc thú. Yoniso cũng cho ta biết oai nghi cần phải thay đổi để chữa khổ.

e) Quán sát pháp hành cho ta biết khi pháp hành không được thực hiện đúng hoặc khi vuột khỏi sát-na hiện tại.

3. Trung Ðạo (Majjhimā-pātipadā)

Trung Ðạo hủy diệt hay diệt trừ các thiên kiến như ưa - ghét, tham - sân, ... và rất quan trọng trong pháp hành này. Nếu có chánh niệm và tỉnh giác trong sát-na hiện tại thì các thiên kiến ấy không thể nảy sanh.

Ðó là lý do tại sao chúng ta:

- Chữa khổ bằng cách thay đổi oai nghi, bởi vì khổ buộc sắc phải thay đổi. Ở đây, hành giả phải có tác ý chân chánh để ngăn phiền não không cho lẻn vào. Như vậy, nếu hành giả có yoniso khi thay đổi oai nghi, và có sự quán sát pháp hành thường xuyên, hành giả sẽ ghi nhận kịp thời sự có mặt của phiền não. Chẳng hạn, khi chúng ta đang ngồi và khổ chợt phát sanh, chúng ta không thích cái khổ ấy và muốn chuyển sang oai nghi mới. Khi ấy tác ý chân chánh và sự quán sát pháp hành sẽ làm việc và nhắc chúng ta chỉ nên thay đổi oai nghi nếu khổ buộc chúng ta phải thay đổi.

Chúng ta không nên ngồi cho qua cơn đau bởi vì điều này tạo ra phiền não, tà kiến nghĩ rằng "ta" có thể kiểm soát được cơn đau, mà thực ra Danh-Sắc không kiểm soát được, chúng là vô ngã - anatta. Cũng có một số hành giả cố gắng ngồi lâu hơn và ngồi cho qua cơn đau để thấy khổ. Nhưng khổ đó không thực, nó là cái khổ nhân tạo. Một số khác lại cố gắng ngồi lâu hơn để có định, bởi vì họ nghĩ rằng như vậy tuệ sẽ nảy sanh, song làm vậy chỉ tạo thêm phiền não. Hãy nhớ rằng vipassanā là luyện tâm chứ không phải luyện thân. Nếu tâm không chánh thì thân cũng vậy. Chẳng hạn, nếu tâm nghĩ rằng ngồi trong thế kiết già mới giúp ta thấy thực tánh - tâm sẽ buộc thân phải ngồi kiết già.

- Ðừng tìm an lạc trong bất kỳ oai nghi nào. Ðừng cảm thấy rằng một oai nghi nào đó là tốt hơn oai nghi khác, bởi vì mọi oai nghi đều không có thực thể, tức là đều vô thường, khổ và vô ngã.

- Ðừng tìm sự vắng lặng (định) trong thiền. Sự vắng lặng hay định ấy sẽ đưa chúng ta đến chỗ tin rằng có một tự ngã đang kiểm soát và dẫn ta đến an lạc. Nhưng hoàn toàn không có lạc, chỉ có sự giải thoát khỏi khổ, và chúng ta không thể nhận ra điều này nếu không thấy khổ. Khổ Ðế là một sự thực, chứ không có "Lạc Ðế", bởi vì lạc cũng vô thường và cũng chính là khổ.

- Ðừng thực hành để mong sở đắc, mong giác ngộ hoặc có trí tuệ. Chỉ nên thực hành theo những nguyên tắc chuẩn xác của Tứ Niệm Xứ. Cho dù ước muốn đạt đến Niết Bàn hay trở thành một vị A-la-hán là cao thượng, hành giả cũng phải dập tắt tham muốn đó. Nếu không, Niết Bàn thực sự khó mà đạt đến.

- Ðừng thực hành với ý nghĩ rằng ta sẽ trở thành một thiền sư. Ðiều này sẽ khiến cho tham dục phát sanh và ngăn không cho trí tuệ khởi lên. Mục tiêu duy nhất trong việc thực hành là để đoạn khổ.

(Minh Sát Tu Tập)