kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Chuyện người mua Boeing đầu tiên về Việt Nam

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chuyện người mua Boeing đầu tiên về Việt Nam

    Chuyện người mua Boeing đầu tiên về Việt Nam

    Ông được coi là một trong những triệu phú đô la đầu tiên ở Việt Nam ngay từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Cho đến những năm đầu của thế kỷ này, ông vẫn được coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam.




    Đỗ Công Sơn (giữa) cùng cựu Thủ tướng Australia và một tỷ phú Hongkong - Ảnh tư liệu

    Tôi thực sự không biết bắt đầu câu chuyện về anh từ đâu. Bởi câu chuyện nào của anh mà tôi biết cũng có thể là câu chuyện mở đầu về chính bản thân anh, một người mà theo tôi là vô cùng kỳ lạ. Tôi đã kể một cách rời rạc về cuộc đời anh cho rất nhiều người nghe. Lần nào cũng vậy, khi tôi tạm ngừng kể, thì tất cả những người nghe đều “chết lặng”. Họ không thể tin rằng có một người lạ lùng như thế ở chính thành phố Hà Nội không lấy gì to lớn lắm này.


    Lần đầu tiên tôi gặp anh là ở ngôi nhà mà một người bạn tôi thuê ở Bangkok. Bạn tôi là Đỗ Dương Quy, người cùng xã với tôi, lúc đó là người đại diện cho Hàng không Việt Nam ở Thái Lan. Đó là năm 1994. Tôi quá cảnh Bangkok vài ngày để đợi lấy visa vào Mỹ. Ngày đó, Mỹ vẫn còn theo đuổi chính sách cấm vận với Việt Nam, cho nên Sứ quán Mỹ chưa đặt ở Hà Nội.


    Bởi thế, cứ mỗi lần đi Mỹ là tôi lại có dịp la cà ở Bangkok ba bốn ngày. Một buổi tối, Đỗ Dương Quy mời tôi đi ăn. Khi đến một nhà hàng rất lớn ở Bangkok, Quy giới thiệu tôi với một người đàn ông nhìn rất trẻ và vô cùng sắc sảo. Đó là Đỗ Công Sơn, cũng là người huyện Ứng Hoà, Hà Tây cùng chúng tôi. Đấy là lần đâu tiên tôi gặp anh. Khi chia tay nhau, anh đưa cho tôi một tấm danh thiếp và nói khi nào về Việt Nam thì đến chơi.


    Sau chuyến đi Mỹ ấy trở về, tôi cũng công này việc nọ chẳng có thời gian nào đến thăm anh. Một hôm, tôi thong thả chạy xe trôi theo đường Bà Triệu và nhận thấy có một ngôi nhà cổng rất lớn mở rộng. Trong sân nhà có hai con sư tử đá khổng lồ. Lùi sâu một chút là một tấm đá hoa cương có dòng chữ mạ vàng Công ty Vinh Hạnh.


    Ngay lúc đó, tôi giật mình nhớ ra người chủ của ngôi nhà đó: Đỗ Công Sơn. Trong bữa tối ở Bangkok, anh đã nói sơ qua cho tôi nghe về công ty của vợ chồng anh. Nhưng thực sự lúc đó tôi chỉ hình dung đến một công ty với dăm chục mét vuông diện tích và một tấm biển như mọi tấm biển của các công ty trách nhiệm hữu hạn mọc lên như nấm ở Hà Nội thời đó.


    Buổi chiều ấy tôi không ghé vào thăm anh. Và cũng phải một tuần sau tôi mới đến được. Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ đến thăm một người đồng hương mà tôi đã cùng ăn tối trong một nhà hàng sang trọng ở Bangkok. Khi nhìn thấy tôi, anh nói như chúng tôi đã quen thân nhau từ lâu lắm rồi: “Tưởng ông cóc đến. Bọn văn thơ các ông là kênh kiệu và hay hứa lắm”. Hôm đó, anh dẫn tôi đi thăm văn phòng làm việc của anh. Sau buổi chiều đó, tôi mới biết một chút ít về anh trong thế giới của những triệu phú đô la từ những tám mươi của thế kỷ trước ở Việt Nam này.

    Thi thoảng tôi lại ghé thăm anh. Chúng tôi ngồi nói với nhau đủ thứ chuyện. Có lúc anh ăn mặc như một quý tộc và mang Mercedez đón tôi uống cà phê ở Metropol, có lúc lại ăn mặc giản đơn như một công chức cạo giấy ở Hà Nội rủ rê tôi ngồi vỉa hè ăn chân vịt nướng. Một hôm, anh nói với tôi rằng sẽ kể cho tôi nghe câu chuyện về đời anh và những sự thật trong đời sống thương trường ở Việt Nam. Nhưng rồi anh lại gọi điện cho tôi và nói: “Tôi không kể nữa, đang còn trẻ thế này mà đã định hồi ký về cuộc đời có khi lại ra đi sớm. Nhiều việc lắm. Chưa chết được”. Và thế là câu chuyện về cuộc đời và những bí mật thương trường Việt Nam của một triệu phú đô la đã không được kể lại.


    Quê quán của Đỗ Công Sơn là Đông Lỗ thuộc huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây. Đây là nơi nổi tiếng về nghệ thuật nấu thịt chó. Lần nào tôi về làm việc ở Ứng Hòa cũng đều được chiêu đãi món thịt chó Đông Lỗ nổi tiếng. Đó là một làng quê thuộc chiêm trũng nghèo nàn.


    Đỗ Công Sơn sinh ra ở Hà Nội nhưng lên năm tuổi thì anh được đưa về quê và sống ở đó hết cả tuổi thơ ấu của mình. Một ngày đông giá lạnh, một người đàn bà trẻ cõng một đứa bé năm tuổi về vùng quê đói nghèo ấy và nói: con ở nhà với ông bà để mợ đi chợ, rồi mợ lại về với con. Nhưng rồi người đàn bà ấy không trở về nữa. Đứa bé năm tuổi ấy chiều chiều vẫn ra ngõ trong những cơn đói lả chờ mẹ. Đứa bé năm tuổi ấy là Đỗ Công Sơn và người đàn bà ấy là người sinh ra anh. Mẹ anh đã yêu một người đàn ông khác và rời bỏ cha anh.


    Đỗ Công Sơn luôn luôn là một người đàn ông của lý chí và nguyên tắc. Nếu không lý chí và nguyên tắc như thế, thì anh không thể làm được những điều kỳ lạ sau này. Nhưng những lúc nói về năm tháng ấu thơ, thì lúc nào tôi cũng nhận thấy một đám mây nặng và buồn trôi qua mắt anh. Dù sau này lớn lên anh đã thấu hiểu sự quyến rũ ma quái của ái tình.


    Lên bảy tuổi, anh phải tham gia lao động như một người lớn. Anh phải đi nhổ mạ, cắt rạ, cào cỏ, rồi mò cua, bắt ốc. Anh kể rằng anh thường dậy rất sớm để đi móc cua. Vì lúc đó còn bé nên mỗi khi cúi xuống thọc tay vào hang cua là mặt anh chạm bờ ruộng và đôi lúc chạm vào cả phân của một người nông dân đi làm sớm. Có lần anh đã òa khóc một mình trên cánh đồng buổi sớm. Khóc trong nỗi tủi thân, trong nỗi cô đơn và trong đói rét. Ngày ấy, hầu hết các gia đình ở nông thôn Việt Nam đều đói rét.


    Anh kể trong những bữa cơm, nếu anh đưa bát xin xới cơm lần thứ ba, thì chắc chắn anh bị bà cô lấy gót chân day mạnh vào những ngón chân anh. Nhưng vì đói quá mà anh đã từng không chịu rút tay lại. Đói quá có lúc anh đã đốt rơm để hơ chiếc chai đựng mỡ lợn chảy ra để húp. Lửa nóng quá làm chiếc chai bị vỡ toang và cả cục mỡ trong chai rơi xuống bếp tro.


    Anh nói suốt tuổi thơ mình, anh cùng những đứa trẻ thôn quê suốt ngày lùng sục những gì có thể ăn được. Lần nào nói chuyện với anh kể cả lúc đang vui nhất và ở một chốn sang trọng nhất, thì tôi vẫn thấy một đám mây nặng và buồn trôi qua mắt anh. Cái đói rét của những năm tháng xa xưa không bao giờ rời bỏ anh trong ký ức. Chính đó là lý do ngày đêm cháy trong lòng anh khao khát làm giàu. Anh thường nói với tôi: một người nghèo sẽ suốt đời mang theo nỗi nhục và một đất nước nghèo cũng mang theo nỗi nhục. Sự đói rét đã bám theo anh và vô tình thúc giục anh hãy thoát khỏi nó.


    Năm 16 tuổi, anh đến thăm cha mình lúc đó đang làm Giám thị ở một trại cải tạo của Bộ Nội vụ (bây giờ là Bộ Công an) ở Hà Tây. Khi anh cùng cha mình đi qua một khu vực mà các phạm nhân đang lao động thì có một phạm nhân già nhìn anh không chớp mắt. Cha anh đã nhìn thấy ánh mắt không bình thường của phạm nhân kia thì vội kéo anh đi.


    Nhưng phạm nhân già đó nói với cha anh hãy cho ông ta nhìn lại anh một lần nữa vì ông ta muốn nói với người cha một bí mật của đứa con trai ông. Sau một chút lưỡng lự, Cha Đỗ Công Sơn đã dẫn anh lại trước phạm nhân gìa kia. Phạm nhân gài nhìn Đỗ Công Sơn một lúc rồi nói: “Thưa cán bộ, cậu nhà sẽ trở thành một trong những người giàu có nhất nước này”. Anh không hề để ý đến chuyện đó. Còn cha anh thì tỏ một chút khó chịu và kéo tay anh đi.


    Khi lớn lên, Đỗ Công Sơn làm nghề lái xe cho Du lịch Việt Nam. Anh là một trong những chuyên gia về xe hơi nổi tiếng cả trong Nam ngoài Bắc. Dù trùm kín bất cứ chiếc xe hơi nào và cho nổ máy thì anh cũng vẫn biết chiếc xe đó là hãng nào, mới hay cũ và đang có bệnh gì. Những gara nổi tiếng đều biết tên anh. Anh có một thời gian dài làm nghề buôn bán xe hơi cũ.


    Nhưng làm mãi vẫn chẳng thấy dấu hiệu trở thành một người giàu. Một lần, anh lái xe cho một tỷ phú Hongkong mà anh cũng không biết. Ông tỷ phú này sang Việt Nam tìm mối làm ăn. Sau gần hai tuần ở Việt Nam, ông tỷ phú buồn rầu trở về Hongkong vì chuyến đi của ông chẳng đạt được kết quả gì.


    Trước khi về, ông tặng anh 100 USD vì đã làm việc nhiệt tình và chu đáo cho ông. Mang 100 USD về nhà. Anh dùng đèn soi mãi tờ 100 USD mà không dám tin người ta lại có thể cho anh một số tiền lớn đến như thế. Nhưng rồi chuyện 100 đô la của ông tỷ phú kia cũng dần dần trôi vào quên lãng.


    Nhưng vào một ngày của một năm sau, một người đến tìm anh. Khi đó, vợ chồng anh đang sống trong một ngôi nhà chừng mười mét vuông ở phố Bà Triệu. Người đến tìm anh nói với rằng cái ông tỷ phú người Hongkong kia đã quay trở lại Việt Nam và mong muốn tìm lại anh. Đỗ Công Sơn theo người đàn ông đến khách sạn để gặp ông tỷ phú mà không biết có chuyện gì.


    Tôi xin chưa kể ngay cuộc gặp gỡ giữa Đỗ Công Sơn và ông tỷ phú người Hongkong. Bởi tôi đang nhớ tới câu chuyện về ngôi nhà của anh ở phố Bà Triệu. Khi anh còn đang ở trong ngôi nhà đó thì thi thoảng cậu con trai của một người hàng xóm hay đến đứng đái trước cửa nhà anh. Anh sang gặp người hàng xóm và nói về chuyện đó. Hình như hai người có to tiếng với nhau.


    Mấy ngày sau, người hàng xóm sang hỏi mua ngôi nhà của anh. Đỗ Công Sơn ngạc nhiên hỏi vì sao anh ta có ngôi nhà đàng hoàng như thế lại hỏi mua cái cơ ngơi bằng lỗ mũi của mình. Người hàng xóm trả lời: “Tao mua để lấy chỗ cho con tao đái”. Một nỗi cay đắng và tủi nhục tràn ngập lòng anh.


    Đỗ Công Sơn nói: “Tôi không khóc. Hình như tôi đã khóc hết nước mắt trong tuổi thơ mình rồi. Nhưng tôi thấy nhục. Một trong những lý do để anh ta nói câu đó chỉ vì anh ta nhìn thấy tôi ở trong một ngôi nhà quá ư tội nghiệp trong khi anh ta là một người khá giả”.


    Thế rồi sau bao năm lao động hết mình, Đỗ Công Sơn đã đến gặp người đàn ông hàng xóm đặt vấn đề mua ngôi nhà của anh ta. Khi nghe anh nói, người hàng xóm im lặng cúi mặt. Tôi có cảm tưởng anh ta đang đợi một câu nói tương tự từ Đỗ Công Sơn như anh ta đã nói với Đỗ Công Sơn mười mấy năm trước đó. Nhưng Đỗ Công Sơn bảo: “ Tôi muốn mua ngôi nhà của anh để mở rộng công ty. Tôi trả anh một cái giá xứng đáng”. Tôi biết anh nói vậy là cách nói tế nhị của anh mà thôi.


    Nếu anh cũng nói với người hàng xóm là anh mua lại cái nhà đó cho con trai anh đái, thì anh sẽ khó lòng mà mua được. Và Đỗ Công Sơn đã mua được ngôi nhà đó. Một người bạn tôi khi nghe câu chuyện này đã bình luận: “ Đồng tiền đã đánh bại được danh dự con người. Ví dụ ông Sơn trả một tỷ mà người hàng xóm không bán, thì ông Sơn trả ba tỷ. Nếu ba tỷ vẫn không mua được thì 5 tỷ sẽ mua được”. Bây giờ nếu đi qua phố Bà Triệu, bạn có thể nhìn thấy Công ty Vinh Hạnh với một tòa nhà lớn. Và đối diện tòa nhà đó ở bên kia đường cũng là một dãy nhà sang trọng của gia đình anh.





    V-Resort, một chi nhánh của công ty Vinh Hạnh




    Giờ tôi xin quay lại với cuộc gặp gỡ giữa Đỗ Công Sơn và ông tỷ phú người Hongkong. Khi gặp lại ông khách người Hongkong kia, Đỗ Công Sơn hỏi anh có thể giúp ông ta được việc gì. Ông tỷ phú người Hongkong trả lời là ông cũng chưa biết phải nhờ anh giúp cái gì. Nhưng trước khi trở lại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội làm ăn, ông tỷ phú người Hongkong có nhờ một thầy tử vi người Hoa xem giúp. Thầy tử vi người Hoa khuyên ông nếu muốn làm ăn thành công ở Việt Nam thì hãy tìm gặp lại một người lái xe ở Việt Nam đã giúp ông ta trong chuyến đi đầu của ông ta tới Việt Nam một năm trước đó. Nếu không gặp được người đó thì coi như thất bại.


    Bởi thế mà ông tỷ phú người Hongkong đã đến Du lịch Việt Nam và bằng mọi cách nhờ người tìm được Đỗ Công Sơn. Và ông tỷ phú người Hongkong đã thành công với những dự án kinh tế ở Việt Nam. Cũng từ việc đó, con đường kinh doanh của Đỗ Công Sơn bắt đầu lật sang một trang mới.

    còn tiếp

    Nguyễn Quang Thiều (VieTimes)
    Last edited by Bin571; 27-03-2008 at 09:08 AM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •