Cuộc chiến xung quanh thứ “thần dược cho đàn ông” của dũng sĩ Ama Công

Bài 1: Náo loạn thương hiệu "thần dược Ama Công"


Không chỉ nổi tiếng là dũng sĩ săn voi, tiếng tăm của Ama Công còn được truyền tụng bởi ông là người đa tình, có sức quyến rũ đặc biệt với phụ nữ, có sức mạnh “chăn gối” đã ít nhiều đi vào huyền thoại, với sự thật không thể chối cãi là ông có rất nhiều bà vợ, rất nhiều con. Nhắc đến ông, ai cũng nhắc đến bài thuốc gia truyền - dân gian mà ông đang giữ bí kíp, với 60 năm kinh nghiệm: thứ “Viagra thảo dược” được bào chế mết-in (sản xuất)… trên bờ sông Sêrepok hùng vĩ. Thứ thuốc này cũng đang châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giành thương hiệu gay gắt.



“Vua săn voi”, “dũng sĩ săn voi số 1 Tây Nguyên”, là những danh thơm mà người đời xưng tụng trước ông già Y Prong E Ban – tên thường gọi là Ama Công. Ông nổi tiếng vì là con cháu của vua voi Y Thu, tính đến nay ông đã đích thân săn được 301 con voi, trừ 3 con bị chết, ông thuần dưỡng được 298 thớt voi. Dân gian và nhiều sách báo đã ghi chép đủ thứ câu chuyện về Ama Công. Theo đó, tính đến giờ phút này, lịch sử săn voi vùng Tây Nguyên, chiến công bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà của Ama Công chỉ kém có một mình “Vua voi”, tước hiệu Khunjunob - Y Thu. Ông Y Thu săn và thuần dưỡng được 345 con voi. Phần mộ và nhiều trang sử đáng tin cậy liên quan đến vua voi Khunjunob hiện vẫn còn được lưu giữ tại Bản Đôn. Ama Công, hơn 90 tuổi, cũng đang sống mặn nồng với bà vợ trẻ hơn mình khoảng 50 tuổi tại đó.

Có lần, giữa mùa nắng nổ nứa, gió nghiêng núi, vào Buôn Đôn dự hội voi đá bóng, voi đùa giỡn quỳ lạy và ngả bành đón du khách hí hửng leo tót lên, voi bơi qua sông thơ ngộ, tôi đã ngồi trong căn nhà xập xệ của ông già Y Prong E Ban, bảo cụ già ngoại cửu tuần, rằng: tập hợp số voi mà cụ bắt được lại, có khi bọn chúng vẫy đuôi, cong vòi nghễu nghện dắt nhau xếp hàng dài từ nhà ông… kéo vào tận thành phố Buôn Ma Thuột. Ama Công cười, tay khoác vai bà vợ thứ tư trẻ măng, trẻ hơn ông những nửa thế kỷ tuổi cùng cô con gái chưa đầy 10 tuổi gọi mình là bố, tay xoa bầu ngực dăn deo đỏ au của mình, nói vài câu rất phong tình, bằng tiếng Pháp, dịch ra: “Đàn bà nó như rừng sâu ấy, đàn ông phải cao tay lắm mới trị được!”! Tất cả cùng cười giòn giã.






Cụ Ama Công và nỗi buồn của dũng sĩ săn voi phải làm…
người trình diễn phục vụ du lịch.


Nhưng, trong sâu thẳm, ông rất buồn. Tôi cũng rất buồn. Ama Công với cặp mắt dũng sĩ bí ẩn, cái tù và huyền hoặc, sức mạnh và sự thiện chiến khó tin, đã là biểu tượng của rất nhiều điều, khi ai đó nghĩ về Đắk Lắk hay một vùng đất còn rộng hơn thế. Nhưng, hội voi người ta không mời ông. Cũng như hàng chục hàng trăm thứ sản phẩm du lịch, sản phẩm hái ra tiền, người ta đều trưng thương hiệu (tạm gọi thế) Ama Công ra để bán và… vô tư tiêu xài. Hàng chục hãng rượu, hàng chục thứ “thần dược”, hàng ngàn cái nhà hàng quán ăn có treo biển “Ama Công”. Ông lặng lẽ, quạnh quẽ ngồi trong căn nhà xập xệ, chỉ còn như cái bóng đổ của lịch sử vùng đất ấy. Chỉ như cái cớ già nua để ai đó trục lợi trên huyền thoại đời mình.



Và, Ama Công còn nổi tiếng hơn cả cái kỳ tích có kể ra cũng chưa dễ gì ai đã hình dung được kia, bởi ông là người đa tình, có sức quyến rũ đặc biệt với phụ nữ, có sức mạnh “chăn gối” đã ít nhiều đi vào huyền thoại, với sự thật không thể chối cãi là ông có rất nhiều bà vợ, rất nhiều con. Nhắc đến ông, ai cũng nhắc đến bài thuốc gia truyền - dân gian mà ông đang giữ bí kíp, với 60 năm kinh nghiệm: thứ “Viagra thảo dược” được bào chế mết-in (sản xuất)… trên bờ sông Sêrepok hùng vĩ. Cuộc đời, trường tình, “chiến công” chinh phục voi và… phụ nữ của ông đã là minh chứng “mắt thấy tay sờ” hùng hồn nhất cho bài thuốc “thần dược giới mày râu”, bí quyết “giữ lửa phòng the” mà nhiều người đã biết. Đến mức, nhiều năm qua, và đến tận giờ phút bạn đang đọc những dòng này, hiếm có vị khách nào đến du lịch Bản Đôn và Đắc Lắc lại không tò mò tìm hiểu; hoặc là mắm môi mắm mỏ mua thuốc tăng “bản lĩnh đàn ông” mang thương hiệu dân gian “Ama Công” bằng được. Trên đời, chẳng có ai dại dột cả, người ta truyền tụng, sử dụng, rồi lại tìm cách đến mua mãi, mua mãi nhiều thập niên qua, rõ ràng là thuốc có công dụng thật sự. Nhiều nhà khoa học, nhiều bác sĩ đông y ở khắp Sài Gòn, Huế, Hà Nội và tỉnh nhà Đắk Lắk đã kỳ công nghiên cứu bài thuốc thú vị của vua voi; và bước đầu, công dụng, sự nhiệm màu của nó đã được khoa học chứng minh rõ ràng. Rắc rối mà bài viết này đề cập đã nảy sinh từ đó.


Lần nào vào Tây Nguyên, tôi cũng thu xếp đến thăm cụ Ama Công và bản Đôn có chú voi con “chưa có ngà nên còn trẻ con”. Dũng sĩ săn voi đã già, càng già càng bí ẩn. Những chiến công huyền thoại, từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực của loài người mà ông đã có, nó càng trở nên xa xăm khi cụ Y Prong E Ban mắt mờ chân chậm và bà vợ quá trẻ, mắt quá ướt kia ngày càng lộng hành. Càng khó hình dung “thời vàng son đã mất” của cụ, tôi lại càng giật mình: không lẽ những điều Ama Công và sách báo, dân gian vẫn kể là… sự thật? Tôi vẫn tin đó là sự thật, dù liên tục, tôi tự đặt dấu hỏi: có cái gì bảy thực ba hư trong huyền thoại núi rừng cao nguyên kia chăng?


Nhưng, đang có một sự thật không thể hoài nghi. Một sự thật đau lòng hơn hết khiến nhiều người hoang mang: cuộc chiến “một mất một còn” vì “thương hiệu” Ama Công, trong bài thuốc “tráng dương bổ thận” kể trên. Cụ Ama Công điềm nhiên, hồn nhiên, cao thượng như một con voi già đã quá hiểu hoặc không còn muốn để ý mà hiểu lẽ tráo trở ở đời.


Bối cảnh của cuộc chiến vì “thương hiệu Ama Công”




Khăm Phết Lào, con trai ruột của Ama Công đang
đi kiện đòi lại thương hiệu bài thuốc tráng dương
bổ thận mà bố mình có 60 năm kinh nghiệm.



Một nhà khoa học, ông Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk và con trai cụ đã không nhìn mặt nhau, đang trợn mắt bặm môi đòi kiện nhau ra tòa, mạt sát nhau với lời lẽ nặng nề để giành nhau cái mà họ gọi là “quyền lợi” từ bài thuốc Ama Công. Khăm Phết Lào, con trai cụ Y Prong E Ban thì đỏ mặt tía tai đi kiện, với những lời lẽ mà chính tôi (người viết bài này) cũng phải lạnh gáy khuyên “bác” hãy dĩ hòa vi quý, hãy bình tĩnh kẻo hành động như thế là phạm pháp hình sự. Khăm Phết Lào đã kiện bác sĩ Hồ Việt Sang, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk, vì tội “chiếm đoạt” bài thuốc của bố mình. Khăm Phết tố cáo ông Sang “cấm” anh ta và gia đình bán thuốc gia truyền để ông ta được “độc quyền” thu lợi (?). BS Sang thì bảo không phải thế, ông khuyên anh Khăm Phết không nên bán thuốc khi chưa kiểm nghiệm là vì lương tâm người thầy thuốc, chứ ông có muốn cấm Khăm Phết bán đâu, luật pháp cũng không đồng ý cho bác sĩ cấm người khác bán thuốc.


Ông Sang bảo, ông tìm hiểu, ghi nhớ các bí kíp được “chân truyền” từ Ama Công (theo cách nói của ông Sang) là vì tinh thần khoa học. Ông lập trang web quảng bá cho bài thuốc là để tạo diễn đàn cho quốc dân đồng bào tìm hiểu, ngõ hầu tiếp tục nghiên cứu khoa học, giúp đàn ông trên cả thế giới được hoặc là “hoành tráng” hơn, hoặc là khỏi thứ bệnh tàn độc từng ám ảnh các vị Adam từ ngày cuộc hỗn mang sinh ra giống người. Ông Sang không (hoặc chưa) có ý định bán thuốc Ama Công hàng loạt để làm giàu như lá đơn Khăm Phết đang tố cáo. Đến việc nghiên cứu, theo chân cụ Ama Công cưỡi voi vào rừng, đem cây thuốc về trồng tại vườn nhà của bác sĩ còn dang dở, huống hồ ai đã dám bán thuốc hàng loạt. Mà có bán, ai dám bán với thương hiệu “thuốc Ama Công” mà người bản Đôn rất nhiều người đang bán.


Họ bán thuốc cải thiện - tăng khả năng chăn gối cho đàn ông cùng với mũ, áo, cơm phở, cả những thứ nông sản không liên quan gì tới thuốc thang khác. Không ít người sử dụng “thuốc Ama Công” không hề “kê đơn, bốc thuốc” đã bị ngộ độc, nôn ọe, mẩn ngứa, không ít người phải nhập viện. Trước tình trạng lộn xộn đó, lại thêm, cụ già Y Prong E Ban đã ở cái tuổi như “chuối chín cây”, gió lay cụ rụng thì bài thuốc cũng rụng theo. Thế là ông Sang và đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu, tìm mọi cách bảo tồn bền vững cho báu vật của y học cổ truyền Việt Nam này. Công trình đã được thực hiện đúng quy trình, luật pháp và đem lại nhiều kết quả rực rỡ. Cho đến khi vụ kiện đường đột xảy ra.


Nhiều người coi bài thuốc “tế nhị”, cải thiện “dương sự” kia như một sản phẩm du lịch, một thương hiệu lớn của cả một vùng rộng lớn. Có người đơn giản coi đó là thứ không thể thiếu để nhiều người được sống, được là đàn ông đích thực, có được thứ hạnh phúc rất con người cho mình và gia đình. Có người coi phương thuốc như một công cụ để làm giàu. Có người xả thân nghiên cứu, những mong những giá trị “chân truyền” thực của bài thuốc sẽ được tôn vinh, “cứu rỗi” không ít đấng mày râu trên cả Việt Nam và thế giới. Có thuốc thật ở tầm “thần dược”, có thuốc giả gây ngộ độc cho người sử dụng. Có cuộc chiến bảo vệ khoa học và danh dự người bác sĩ, có cuộc chiến vì “mượn gió bẻ măng” của ai đó, ở trong cái đơn vị vốn đã tiềm tàng mâu thuẫn nội bộ kia. Có cuộc chiến vì sợ mất nguồn thu béo bở nhờ bí kíp cha ông truyền lại. Có người bảo, chung quy cũng vì tiền mà người ta lôi nhau ra tòa. Có người bảo, đây là bài học đối với cách ứng xử của đạo lý và khoa học, khi đem những giá trị mang tính gia đình, dòng tộc ra với thương trường và đông đảo giới khoa học.


Cả bác sĩ Sang và Khăm Phết Lào, con trai Ama Công, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi đều tin rằng: họ phải ra tòa. Đi đâu, khắp vùng cao nguyên Trung phần, khắp nơi đều bàn tán về cuộc chiến “vua voi” bị chiếm đoạt bài thần dược cho đàn ông. Nhiều cơ quan phải bấn lên vì công văn, kiện cáo giữa hai “phe” vốn vô cùng hòa hữu, đã hợp tác, ký kết với nhau để nghiên cứu và kế thừa bài thuốc nổi tiếng từ lâu, đã ít nhiều được khoa học chứng minh công dụng tuyệt vời của nó. Đến cả đồng chí Y Luyện, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; cả Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, cả nhiều ban ngành của tỉnh đã phải đau đầu vì sự việc chưa từng gặp kia.


Đâu là lời giải cho cuộc chiến vì bài thuốc của dũng sĩ Ama Công? Hai bên, dẫu từ mặt nhau rồi, nhưng họ đang nói gì về nhau và cuộc tranh cãi không tiền khoáng hậu này sẽ đi về đâu?




Nghiên cứu khoa học hay tìm kiếm lợi nhuận?

Mọi chuyện bắt đầu từ khi BS Hồ Việt Sang, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk muốn tìm hiểu, làm công trình khoa học nghiên cứu bài thuốc quý của ông Ama Công. Như một “báu vật nhân gian sống”, một nghệ nhân, một già làng đích thực, chính cụ Y Prong E Ban cũng rất lo, mình chết đi thì những gì mà gần 1 thế kỷ qua mình đã hun đúc nên, từ nhiều thế kỷ qua cha ông mình, người Lào, người M’nông quê mình đã sáng tạo ra, nó biến mất ư? Ví dụ cụ thể và “bắt mắt” cho các giá trị mà Ama Công đang mang tải trong người, nhất là cái thứ được xem như thần dược cho đàn ông kia. BS Sang đã được ông Ama Công hứa truyền lại cho bài thuốc mình đã có 60 năm kinh nghiệm (chưa kể những giá trị từ nhiều đời trước). Việc này được nhà khoa học và dũng sĩ săn voi thỏa thuận, có giấy tờ, trong đó viết: “… bây giờ tôi truyền lại hết bài thuốc của gia đình cho bác sĩ Hồ Việt Sang. Bác sĩ Sang là người duy nhất nắm đầy đủ các vị thuốc trong bài thuốc này của tôi…”. Văn bản này đã khiến nhiều người coi là… ông Sang chiếm đoạt mất bài thuốc của Ama Công. Ông Sang nghiên cứu, sản xuất, độc quyền bán phương thuốc này ư? Càng suy nghĩ, càng thấy “nguy hiểm”, cả già Ama Công, cả con trai ruột của già là Khăm Phết Lào và 7 người nữa trong gia đình, dòng tộc đã kéo đến Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk đòi BS Sang hủy bỏ văn bản kia đồng thời BS Sang cam kết không sử dụng giấy tờ liên quan đến bài thuốc của Ama Công cho… mục đích của mình.




Thuốc Ama Công, rượu Ama Công được bày
bán khắp nơi, có trời mới biết thật giả.





Hủy giấy cam kết, BS Sang quay ra mở một trang web. Trên đó, ghi rõ “Thuốc Ama Công - Bản Đôn – Đắc Lắc”, địa chỉ lại là địa chỉ nhà riêng, nơi có quầy thuốc đông y của BS Sang. Hơn thế, lời “văn vẻ” chạy quảng cáo lên trang web trên cho thấy rõ: sự hiểu lầm nào đó của gia đình cụ Ama Công là… dễ hiểu. Khi BS Sang viết: “Đến với cụ Ama Công hoặc BS Hồ Việt Sang các bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về chất lượng của thuốc”. Chữ “hoặc” dễ được hiểu là: cả ông Sang và cụ Y Prong E Ban cùng có bí quyết cắt thuốc... như nhau, những bí quyết của dũng sĩ săn voi đã “chân truyền” cả cho BS Sang. Và hai người đang hợp tác với nhau, bán thuốc tại một địa điểm duy nhất được ghi nhiều lần trên trang web, đó là nhà riêng của ông Sang. Hai người đều là “thần y”? Ông Sang đã kế thừa toàn bộ, có tài hái lá, bốc thuốc như cụ Ama Công? Lời rao nói như vậy dễ bị hiểu như vậy, dẫu ông Sang có thật sự muốn như vậy hay không. Sự thật nếu như vậy thì sao? – thì các con các cháu của cụ Ama Công sẽ mất thương hiệu vì một người tận đẩu đâu. Đó là một mưu kế trục lợi trong việc bán thuốc, sản xuất thuốc hàng loạt hay chỉ là sự lên tiếng tạo diễn đàn cho mục đích khoa học? Con cháu cụ Ama Công bán thuốc khắp nơi, ai nấy liêu xiêu thất thu vì sau khi trang web ra đời, nghe đâu doanh thu… rơi cả vào tay BS Sang (?).


BS Sang đã cưỡi voi vào rừng, theo chân Ama Công đi nghiên cứu thuốc “tăng cường sức mạnh đàn ông”, sự thực là như vậy. Gia đình cụ Ama Công cũng công nhận, vị bác sĩ này đã được cụ Y Prong E Ban “chân truyền” không ít bí quyết, được cầm tay chỉ việc cho từng cách ngắt lá, phơi lá và bào chế thuốc phục vụ “dương sự”. Ông Sang đã trồng một số cây thuốc được coi là thành phần của thuốc Ama Công tại vườn nhà mình. Nhưng, đó có phải là tất cả không, thì còn phải giám định. Có lẽ, vì sợ ông Sang sẽ nghiên cứu rồi độc quyền sản xuất, kinh doanh thuốc Ama Công; sợ rồi đây, con cháu cụ Y Prong E Ban, bà con bản Đôn sẽ phải bỏ nghề đi kiếm “thuốc Ama Công” về bán cho du khách kiếm ăn, nên người ta đã tiến hành kiện BS Sang.


BS Sang cho Vietimes biết, kiện ông cũng chẳng sợ, vì ông đang làm khoa học, ông tự thấy mình không làm gì sai trái. Những tranh cãi kia, khi được bàn để đem ra tòa, nhiều người đã lúng túng. Vì nhiều rắc rối trong số đó, đúng là chưa có… tiền lệ. Ai đúng ai sai, không còn cách nào khác, phải để “hạ hồi phân giải”?


(Còn nữa)

Phóng sự của: Lãng Quân

Kỳ 2: Nỗi căm phẫn của cả Khăm Phết Lào và BS Hồ Việt Sang…