LẤY KHỔ LÀM VUI

Những con giòi ở trong nhà xí, nếu như các loài chó mà nhìn thì cho là khổ không chịu nổi, vậy mà chúng nó chẳng biết là khổ, cứ cho là vui. Loài chó dê ở dưới đất, nếu từ mắt con người mà nhìn thì thật khổ không chịu nổi, vậy mà chúng nó chẳng biết là khổ, vẫn cho là vui. Con người ở đời, nếu từ cõi trời mà nhìn thì là khổ không chịu nổi, vậy mà con người vẫn chẳng biết là khổ, cứ cho là vui. Suy đến cùng thì sự khổ vui của cõi trời cũng như vậy.

Biết được điều này mà cầu vãng sinh Tịnh độ, thì muôn trâu chẳng níu kéo lại được.

*

NIỆM PHẬT

Người đời hễ có chút lanh lợi liền xem thường việc niệm Phật, cho đó là việc làm của hạng người ngu dốt. Họ chỉ thấy những người ngu dốt miệng niệm danh hiệu Phật mà tâm rong chơi ngàn dặm, nhưng chẳng biết những người ấy chỉ là đọc danh hiệu Phật chớ không phải niệm danh hiệu Phật. Niệm là từ nơi tâm, tâm nghĩ nhớ không quên mới gọi là niệm. Như những người học theo nhà Nho, mỗi niệm chỉ nhớ đến Khổng Tử thì cũng cách Ngài không xa. Hiện nay, mỗi niệm mỗi niệm họ nghĩ nhớ về Ngũ dục, không thấy đó là sai quấy mà trái lại còn cho niệm Phật là sai lầm. Ôi! Thật là để cho một đời qua suông, sao bằng làm hạng nam nữ ngu dốt. Chỉ những người có trí tuệ chân thật mới làm được việc này.

TĂNG LỄ SÁM

Có người tu Tịnh Độ Sám Pháp, một vị Tăng bảo rằng: “Trong kinh nói: Nếu ai muốn sám hối thì ngồi ngay ngắn niệm Thật tướng. Cớ sao cứ lạy mãi như búa bổ thế?”.

Người tu Sám Pháp hỏi:

- Thế nào là Thật tướng?

Vị Tăng đáp:

- Tâm chẳng khởi vọng tức là Thật tướng.

Lại hỏi:

- Tâm là gì? Còn vọng là gì? Cái có thể chế ngự được tâm là gì?

Vị Tăng không trả lời được. Người tu Sám Pháp nói:

- Tôi nghe nói: Sám lấy Lý tánh làm chính, lấy Sự tướng làm phụ trợ, tuy niệm Thật tướng mà ba nghiệp vẫn siêng năng thì cũng chẳng thể trở ngại nhau. Vì sao vậy? Vì người tu hành sơ cơ chưa thể bỗng chốc tương ưng ngay với Thật tướng được, cần phải mượn ngoại duyên phụ trợ. Đó chính là điều trong kinh Pháp Hoa nói: “Ta dùng phương tiện lạ để giúp hiển bày Đệ nhất nghĩa”. Luận Khởi Tín cũng nói: “Chúng sinh thời mạt pháp, tu pháp này lo sợ chẳng thường gặp Phật. Đức Thế Tôn có phương tiện lạ bảo họ niệm Phật cầu sinh Tịnh độ”. Cho nên biết, Tịnh Độ Sám Pháp của Đại sư Từ Vân đã được xem xét kỹ càng, thật là toàn vẹn, cùng các Sám Pháp Pháp Hoa, Quang Minh đầy đủ cả Sự lẫn Lý, người trời đều kính phục và công nhận. Đó là đuốc báu lớn soi sáng con đường tối tăm thời mạt pháp. Hơn nữa, nghề nghiệp nuôi sống chẳng trái với Thật tướng, đó có phải là lời Phật dạy hay không?

Tăng đáp:

- Đúng thế!

Hỏi:

- Thế thì lễ sám chẳng bằng nghề nghiệp nuôi sống ư?

Vị Tăng không trả lời được.

*

NIỆM PHẬT

CHẲNG CHUYÊN NHẤT

Xưa, lúc tôi đang trong thời gian tu tập rèn luyện. Bấy giờ, Phương trượng bảo với mọi người rằng: “Ngày rằm tháng bảy sẽ làm chay Vu-lan Bồn”. Tôi tưởng sẽ bày lễ cúng. Thế nhưng, không bày biện gì cả, chỉ niệm Phật ba ngày thôi.

Lại nghe nói, xưa có viện chủ bị quan nha bắt. Vị thủ tọa bèn họp mọi người lại để cứu giúp. Mọi người tưởng phải trì chú tụng kinh, nhưng cũng chỉ cất cao giọng niệm Phật.

Hai việc này khác hẳn thường tình, có tác phong của bậc Đại nhân, thật đáng học tập. Nay những người niệm Phật, trên danh nghĩa là chuyên tu, nhưng để cầu sống lâu thì tụng kinh Dược Sư, giải trừ tội lỗi thì tụng Lương Hoàng Sám, để tránh khỏi tai nạn thì trì chú Tiêu Tai, để cầu trí tuệ thì niệm Quan Âm Văn, hoàn toàn chẳng còn thực hành như trước kia nữa. Họ cho rằng, dường như việc ấy không bổ ích gì cho sự việc. Chẳng xét Phật Di-đà thọ mạng vô lượng, huống chi là trăm năm? Chẳng nghĩ niệm Phật có thể diệt trừ tội nặng trong tám mươi ức kiếp, huống chi là tội lỗi tai nạn trước mắt? Chẳng nghĩ đến lời Phật nói: “Ta dùng ánh sáng trí tuệ, chiếu rộng vô lượng cõi”, huống gì trí tuệ nhỏ hẹp ở thế gian!

Thuốc A-già-đà trị lành muôn bệnh. Tâm nghi ngờ nhiều mối, chẳng chịu tin tưởng. Thần Thánh dù có phương tiện khéo léo cũng chẳng biết làm sao!

*

THAM CỨU NIỆM PHẬT

Khoảng năm Hồng Vĩnh đời Minh, có ba vị Tôn túc là Không Cốc, Thiên Kỳ, Độc Phong đều bàn về niệm Phật. Hai ngài Thiên Kỳ và Độc Phong đều dạy người phải khán “niệm Phật là ai?”. Riêng ngài Không Cốc bảo rằng: “Chỉ chuyên niệm Phật cũng có thể ngộ đạo”. Hai cách này đều đúng cả, tùy theo căn cơ và sự thích nghi của mỗi người. Ngài Không Cốc chỉ nói cứ chuyên niệm Phật cũng được, chớ chẳng nói tham cứu là sai. Trong sách Sớ Sao, tôi đã trình bày sơ lược về điều này. Vậy mà vẫn có người nghi ngờ nói: “Tham cứu chủ yếu nhằm để kiến tánh, chuyên trì Phật hiệu mới hợp việc cầu vãng sinh”. Thế rồi, muốn bỏ tham cứu để chuyên niệm Phật, nói rằng trong kinh chỉ nói: “Chấp trì danh hiệu, không hề nói tới việc tham cứu”. Luận điểm này cũng rất có lý, cứ theo như thế mà làm chắc chắn sẽ được vãng sinh. Song, muốn giữ pháp này mà bỏ pháp kia thì không được. Vì người niệm Phật kiến tánh chính là Thượng phẩm Thượng sinh, thế mà lại lo chẳng được vãng sinh ư?

Cho nên, sách Sớ Sao bảo tồn cả hai cách để người lựa chọn. Xin chớ nghi ngờ! Nếu như lấy chữ “ai” để cật vấn mà cho là tham cứu, thì đó là sai trái hại người, bị tội vô lượng.

*

TỊNH ĐỘ

PHÁP KHÓ TIN (1)

Những kẻ cho Tịnh độ là nông cạn, là pháp tu của hạng nam nữ ngu dốt. Ngài Thiên Như đã bác bỏ thuyết đó, nói rằng: “Như vậy, chẳng những khinh bỉ hạng nam nữ ngu dốt, mà là khinh bỉ các bậc Bồ-tát Mã Minh, Long Thọ, Văn-thù, Phổ Hiền”. Cho nên, tôi làm sách Di-đà Kinh Sớ Sao mới phát hiện ý nghĩa tôn chỉ rất sâu của kinh này. Nhưng họ lại cho rằng giải thích kinh này chẳng nên quá sâu, vì đó rốt cuộc là pháp tu của hạng nam nữ ngu dốt.

Phật bảo rằng, kinh này là pháp khó tin, đâu chẳng đúng như thế sao?

TỊNH ĐỘ

PHÁP KHÓ TIN (2)

Có người nói với tôi rằng: “Không nên giải thích kinh Di-đà quá sâu, vì kinh này vốn cạn cợt”.

Ôi! Kinh Pháp Hoa dùng ngôn ngữ trị thế mà đều là Thật tướng. Vậy mà kinh này cắt ngang dòng sinh tử, lên thẳng địa vị Bất thối chuyển, lẽ nào lại chẳng bằng ngôn ngữ trị thế ư ?

Có người lại nói rằng: “Kinh này thuộc loại Phương Đẳng, sớ giải là Viên Giáo thì không được”.

Ôi! Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng thuộc loại Phương Đẳng, ngài Trí Giả đã sớ giải là Viên Giáo. Kinh Viên Giác cũng thuộc loại Phương Đẳng, ngài Khuê Phong cũng sớ giải là Viên Giáo. Kinh A-di-đà tôi chỉ cho là một phần Viên Giáo, thế thì có gì mà chẳng được! Phật nói pháp khó tin, đâu chẳng đúng như thế sao?

*

TỊNH ĐỘ

PHÁP KHÓ TIN (3)

Phẩm thứ mười trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Chủ Dược Thần được pháp môn giải thoát, niệm Phật diệt trừ bệnh của tất cả chúng sinh”.

Thanh Lương Sớ Giải nói: “Chuyên niệm một đức Phật, dễ thành tựu Tam-muội”. Hết lòng thành kính, những việc khác đều như thế cả. Huống chi, tâm an trụ ở đường giác, ngầm bước đến Phật tánh rộng lớn ư?

Mấy câu trên đều khen chuyên niệm danh hiệu Phật, hai câu sau bàn sâu về Lý, ai bảo là Tịnh độ nông cạn? Phẩm Hạnh Nguyện trình bày rộng về vô lượng thế giới hải, về vô lượng công đức của Phật và Bồ-tát. Sau cùng, có vô số Bồ-tát, lúc lâm chung lại chẳng cầu sinh ở Hoa Tạng mà nguyện sinh về Cực Lạc. Ai bảo là Tịnh độ nông cạn?

Thánh Hiền để lại lời dạy như vậy mà con người tự cho Tịnh độ là nông cạn. Phật nói đây là pháp khó tin, đâu chẳng đúng như thế sao?

*

NIỆM PHẬT chẳng

TRỞ NGẠI THAM THIỀN

Người xưa nói: “Tham Thiền chẳng trở ngại niệm Phật. Niệm Phật chẳng trở ngại đến tham Thiền”. Lại nói: “Chẳng cho phép kiêm tu cả hai”.

Song, cũng có người tham Thiền kiêm tu Tịnh độ như các ngài Viên Chiếu Bản, Chân Hiết Liễu, Vĩnh Minh Thọ, Hoàng Long Tân, Từ Thọ Thâm v.v… đều là những bậc đại Tông sư trong Thiền môn mà vẫn lưu tâm Tịnh độ. Cho nên biết rằng, người tham Thiền tuy niệm niệm cứu xét bản tâm mình, nhưng cũng chẳng trở ngại việc phát nguyện lúc lâm chung được vãng sinh Cực Lạc. Tại sao? Vì tham Thiền tuy được ngộ, nhưng vẫn chưa được như chư Phật trụ ở nơi Thường Tịch Quang, chưa thể được như A-la-hán chẳng thọ thân sau. Thế thì hết báo thân này, ắt còn sinh trở lại. Nếu như sinh ở cõi nhân gian và gần gũi minh sư, sao bằng sinh trong hoa sen và thân cận Phật A-di-đà? Vậy thì, niệm Phật chẳng những không trở ngại tham Thiền, mà thật ra còn có ích cho việc tham Thiền.

*

ĐẠI HIẾU XUẤT THẾ GIAN

Người làm con đối với cha mẹ, vất vả phụng dưỡng để cha mẹ được yên ổn, đó là hiếu. Lập thân hành đạo để song thân được vẻ vang, đó là đại hiếu. Khuyên cha mẹ niệm Phật, giúp được vãng sinh Tịnh độ, đó là đại hiếu bậc nhất. Tôi sinh sau đẻ muộn, mới được nghe Phật Pháp, mang nỗi buồn thương vì cha mẹ không còn nữa, tang cha tang mẹ cực kỳ đau xót, dẫu muốn tìm lại không sao thấy được. Nay kính khuyên mọi người, nhân lúc cha mẹ còn sống hãy sớm khuyên cha mẹ niệm Phật. Ngày song thân qua đời, hãy vì song thân mà niệm Phật ba năm. Nếu chẳng được như thế thì hoặc một năm, hoặc bốn mươi chín ngày cũng đều được cả.

Người con có hiếu, muốn đáp đền ân đức cù lao, không thể không biết điều này.

*

CHẲNG THỂ NÓI

KHÔNG CÓ TỊNH ĐỘ

Có người nói rằng: “Tâm mình là Tịnh độ, không còn có Cực Lạc Tịnh độ nào ở ngoài mười muôn ức cõi nước nữa”. Thuyết “duy tâm” này vốn xuất xứ từ trong kinh, quả thật không sai. Song, việc dẫn ra làm căn cứ thì lại hiểu sai ý của lời nói đó.

Xét ra, ngay nơi tâm là cảnh, rốt cuộc không có cảnh ở ngoài tâm, cũng không có tâm ở ngoài cảnh. Cảnh đã toàn là tâm thì cần gì cứ chấp tâm mà bỏ cảnh, bỏ cảnh mà nói về tâm, thế là chưa thấu suốt về tâm. Có người lại nói: “Cảnh Tịnh độ được thấy lúc lâm chung đều là tự tâm, cho nên không có Tịnh độ”. Chẳng xét những người niệm Phật vãng sinh từ xưa đến nay, khi họ lâm chung có Thánh chúng đến đón rước cùng các thứ thiên nhạc, hương lạ, tràng phan, lầu gác v.v… chỉ một mình họ nhìn thấy, có thể nói là tự tâm. Nhưng cùng một lúc mọi người đều thấy cảnh ấy, có người nghe thấy thiên nhạc văng vẳng đi về hướng Tây, có mùi hương lạ còn lại trong nhà nhiều ngày không tan. Xét ra, thiên nhạc chẳng đi về hướng khác mà lại đi về phương Tây, người đó đã mất mà mùi hương vẫn còn, có thể bảo rằng không có Tịnh độ chăng?

Thiền sư Viên Chiếu Bản, người ta thấy Ngài được nêu danh nơi phẩm sen, lẽ nào lấy tâm người khác làm tâm của ngài Viên Chiếu Bản sao?

Lại thử hỏi: “Người lúc lâm chung tướng địa ngục hiện ra, đó chẳng phải là tâm sao?”.

Đáp: Đó là tâm

- Người đó có đọa địa ngục không?

Đáp: Có đọa

Xét ra, đã đọa địa ngục thì địa ngục rõ ràng là có, mà chỉ riêng Tịnh độ lại không có sao? Người mà tâm hiện ra địa ngục, bị đọa vào địa ngục là có thật. Vậy, người tâm hiện ra Tịnh độ, chẳng sinh ở Tịnh độ sao?

Thà nói có như núi Tu-di, chớ nói không như hạt cải. Cần phải cẩn trọng với điều này!

*

NƠI NÀO

CŨNG LÀ TỊNH ĐỘ

Có người nói: “Tôi không phải chẳng tin
Tịnh độ, cũng chẳng phải xem thường Tịnh độ mà không đến, nhưng tôi đến khác với mọi người. Phương Đông có Phật thì tôi đến phương Đông, phương Tây có Phật thì tôi đến phương Tây. Bốn phương trên dưới, thiên đường, địa ngục chỗ nào có Phật là tôi đến chỗ đó, chẳng phải như ngài Thiên Thai, Vĩnh Minh, chỉ một mực muốn đến thế giới Cực lạc ở phương Tây”.

Thuyết này lời nói rất cao, ý rất sâu, nghĩa rất huyền diệu, song chẳng thể dùng để giáo huấn được. Trong kinh nói: “Ví như lông yếu mềm chỉ quấn được cành ngọn”. Thế thì biết rằng, lông cánh đã thành, thân cường khí thịnh mới có thể bay lượn trên trời cao, ngang dọc tám phương bốn hướng, đó chẳng phải là việc kẻ mới phát tâm Bồ-đề có thể làm được. Thế Tôn chỉ bày cho Vi-đề-hi mười sáu pháp quán, trước tiên phải tưởng mặt trời lặn như cái trống treo lơ lửng, để tâm chí luôn hướng về Tây Phương. Các bậc Cao đức ngày xưa, có vị ngồi nằm đều chẳng quên hướng về phương Tây, các vị ấy há chẳng biết phương nào cũng đều có cõi nước Phật sao? Người đại giải thoát tùy ý đi đâu cũng được. Nếu chưa được vậy, hãy kính cẩn tuân theo lời Phật dạy!

*

MÊ LẦM

KHI XUẤT THAI, CÁCH ẤM

Người xưa nói: “Bồ-tát còn mê khi cách ấm, Thanh văn còn muội lúc ra thai”. Ban đầu, tôi còn nghi ngờ nghĩ rằng: Thanh văn đã đủ Lục thông, Bồ-tát song tu định huệ, vì sao lại chưa thể tránh khỏi mê muội? Đến khi khảo nghiệm bản thân, cứu xét nơi người khác, thì thấy sự việc đêm qua đến sáng sớm hôm sau đã thấy loáng thoáng mờ mịt rồi, huống chi là cách ấm! Bỗng chợt dời đổi phòng ngủ, nửa đêm thức giấc chẳng còn biết đâu là Nam Bắc, huống nữa lúc ra khỏi bào thai! Sự mê muội đó của các bậc Hiền Thánh chỉ là tạm thời rồi liền sáng suốt ngay, mờ mịt chốc lát rồi liền tỉnh giác ngay. Còn hạng phàm phu chúng ta thì mê muội đến cùng mà chẳng tự biết! Bỏ thân nhận thân, nguy hại đến thế! Việc cần làm bây giờ là phải giữ tâm chân chánh, chớ để khoảnh khắc quên mất sự chiếu soi. Hơn nữa, còn phải thành tâm tha thiết cầu sinh Tịnh độ. Sinh ở Tịnh độ thì sự lú lẫn mê muội chẳng đáng lo nữa!

Đã buông lung tâm ý mình, lại còn phế bỏ Tịnh độ, thật nguy hiểm thay!

*

NGUYỆN LỰC

Ông Lữ Văn Chánh, mỗi sáng thức dậy, lễ Phật đều nguyện rằng: “Những kẻ chẳng tin Tam Bảo, xin đừng sinh vào nhà con. Nguyện con cháu đời đời hưởng lộc, hộ trì Phật Pháp”. Về sau, con cháu họ Lữ như Công Trứ, Hiếu Văn, Dụng Trung đều vinh hiển và thờ Phật. Xét ra, như Văn Chánh cũng chỉ là thiện nguyện của thế gian, mà cuối cùng đã được mãn nguyện đến mức nhiều đời chẳng dứt, huống chi là nguyện lớn xuất thế gian cầu sinh Tịnh độ!

Nguyện của Văn Chánh mong cho con cháu thành đạt, nhưng được hay không còn chưa biết. Huống gì, việc cầu sinh Tịnh độ là nguyện cho chính mình? Cho nên biết, nếu chẳng được sinh về Tịnh độ, bởi vì lòng thành kính của mình chưa tới mức mà thôi!

Xưa, có nhà quyền quý cúng dường một vị Tăng, hỏi vị Tăng đó rằng: “Sau khi trăm tuổi, thầy có bằng lòng đến nhà tôi không?”. Vị Tăng tươi cười, về sau trở thành người con trong nhà đó. Quan Tổng Nhung Phạm Quân thời gần đây cũng chính là vị Tăng mà cha ông đã cúng dường. Hai chuyện trên chính thuộc loại này. Xét ra, nhất thời đồng ý tươi cười liền đầu thai vào nhà giàu sang, thế thì lẽ nào thành kính lâu ngày lại chẳng sinh trong hoa sen sao? Đó là nhân quả tất nhiên, không nên nghi ngờ bàn luận!

NGÀY ĐÊM

MƯỜI MUÔN TIẾNG DI ĐÀ

Ở đời, tương truyền Đại sư Vĩnh Minh một ngày đêm niệm Phật A-di-đà mười muôn câu. Tôi từng niệm thử xem thì từ sáng sớm hôm nay đến sáng sớm ngày mai đủ 24 giờ niệm được vừa vặn mười muôn, nhưng chỉ niệm bốn chữ A-di-đà Phật, nếu niệm sáu chữ thì chẳng đủ số được! Ăn uống, tiểu giải đều không gián đoạn, hễ hơi gián đoạn là chẳng đủ số. Ngủ nghỉ, nói năng thảy đều đoạn tuyệt, hễ hơi buông lơi là chẳng đủ số. Hơn nữa, cứ vội vội vàng vàng như đi đường gấp, không được thư thả để niệm kỹ, nếu niệm kỹ thì chẳng đủ số. Cho nên, nói mười muôn, ý là nói làm hết sức mình, chẳng dừng nghỉ dù trong giây phút, chớ chẳng phải nhất định phải đủ số mười muôn.

Tôi sợ những người tín tâm niệm Phật có khi chấp mắc điều này thành bệnh, nên đã nêu ra điều tôi thí nghiệm mà mách bảo.

Có người nói: “Đó là việc trong Thiền định của Đại sư”. Điều đó tôi không được biết!

*

DẠO CHƠI DANH SƠN

CHẲNG NGUYỆN SINH VỀ TÂY PHƯƠNG

Kẻ dạo chơi núi Ngũ Đài bảo rằng ngài Văn-thù ở đó. Người dạo chơi núi Nga Mi bảo rằng ngài Phổ Hiền ở đó. Kẻ dạo chơi núi Phổ Đà bảo rằng Bồ-tát Quán Thế Âm tại đó. Sao họ chẳng nói rằng: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc có đức Phật A-di-đà ở tại đó?”.

Hơn nữa, đối với ba vị Đại sĩ ấy, chỉ là ngưỡng mộ danh hiệu tốt đẹp của các Ngài mà thôi. Còn Phật A-di-đà thì hiện đang thuyết pháp, đích thân mình được sưởi ấm bởi ánh sáng tốt lành của Ngài, có phải là hơn không? Vả lại, lặn lội leo trèo ba ngọn núi ấy, trải qua tháng này năm nọ mới đến được, còn tin sâu niệm Phật chỉ trong thời gian khảy móng tay đã được vãng sinh.

Thật đáng buồn thay!

*

SỰ THỌ CHUNG

Ở TỊNH ĐỘ

Có người hỏi rằng: “Nguyện thứ hai của Phật A-di-đà nói rằng: hàng trời, người trong cõi nước Tôi, sau khi thọ chung không còn sinh vào ba đường ác nữa! Thế thì, vẫn có sinh có tử, chỉ chẳng đọa lạc mà thôi. Sao lại bảo rằng, ai sinh về cõi nước đó đều được tuổi thọ vô lượng?”.

Đáp: Phần sau nguyện ấy có nói: “Tuổi thọ của hàng trời người ở trong nước đều vô lượng, trừ bản nguyện ra còn có nguyện sinh trong các cõi để cứu độ chúng sinh đó sao?”. Thập Nghi Luận cũng nói: “Sinh về Cực Lạc, được Vô sinh nhẫn rồi trở lại thế gian này để cứu khổ chúng sinh”. Thế thì, đó chính là thệ nguyện từ bi giáo hóa muôn loài, chẳng thể so sánh với sự sinh tử ở cõi Ta-bà này.

*

CHẲNG MUỐN

SINH VỀ TÂY PHƯƠNG (1)

Có người hỏi một vị Tăng rằng: “Thầy có muốn sinh về Tây Phương không?”.

Đáp: “Tôi chẳng muốn! Điều tôi muốn là kiếp sau được làm quan, mặc nhung gấm lụa là, có một vợ cả, một vợ lẽ ở chung một nhà. Đó chính là cõi Cực Lạc của tôi”.

Người hỏi lặng im, rồi kể lại với tôi (ngài Châu Hoằng). Tôi bảo rằng: “Ai có chí nấy. Chí hướng muốn giàu sang, thì đến Tây Phương làm gì? Tuy vậy, giàu sang chẳng phải việc tốt đẹp đối với người tu hành, nhưng cũng cần phải tu thêm việc phước mới được. Nếu chẳng tu phước, chưa hẳn sẽ được làm quan mà có khi phải làm hạng tôi tớ hèn mọn, chưa hẳn đã được lấy thục nữ con nhà danh giá, mà có khi phải nộp sáu lễ cho người Tề còn chưa được”.

Nếu có nghiệp thì dù hạng tôi tớ cũng chẳng được làm, mà có khi phải làm loại chim thú cũng chưa biết chừng. Hơn nữa, chưa biết chừng chẳng được nộp lễ cho người Tề[1] mà phải gởi thân cho bọn giữ ngựa, cắt cỏ cho ngựa, bọn đầu bếp, còn chưa được.

Nếu nghiệp nặng thì chim Hoàng Oanh, có khi phải trở thành loài bướm cũng chưa biết chừng, bọn giữ ngựa, cắt cỏ, bọn đầu bếp có khi phải trở thành quỷ đầu trâu canh địa ngục cũng chưa biết chừng!

Thật đáng buồn thay!

*

CHẲNG MUỐN

SINH VỀ TÂY PHƯƠNG (2)

Người ấy lại hỏi vị Tăng khác: “Thầy có muốn sinh về Tây Phương chăng?”

Đáp: “Tôi không muốn, cũng chẳng phải không muốn. Đông Phương có Phật thì tôi cũng vãng sinh Đông Phương, Tây Phương có Phật thì tôi cũng vãng sinh Tây Phương. Nam Bắc, trên dưới cũng như thế. Việc gì nhất định phải sinh về Cực Lạc?”.

Người ấy lại hỏi một vị Tăng nữa: “Thầy có muốn sinh về Tây Phương không?”.

Đáp: “Tám vị Thần Kim Cang khiêng tôi qua Đông Phương tôi cũng chẳng đi. Bốn vị Thiên Vương khiêng tôi qua Tây Phương tôi cũng chẳng đến. Tôi đâu biết những gì được gọi là Đông với Tây!”.

Xét chung, một người trước là kẻ chìm đắm trong ngũ trược, còn hai người này thì một là người tùy nơi sinh về, một người là Vô sinh.

Tuy nói là tùy nơi sinh về, nhưng chưa hẳn người đó đã thật sự có thể làm chủ, chẳng bị nghiệp lôi kéo. Nói Vô sinh, nhưng chưa hẳn người đó đã thật sự được Vô sinh Pháp nhẫn thường ở nơi lặng lẽ sáng suốt.

Nếu chưa được như vậy thì chỉ nói suông! Hơn nữa, nếu chưa được vậy thì chỉ là nói khoác mà chẳng biết xấu hổ. Thật khó thay!

*

CHẲNG THẤY

NGƯỜI NIỆM PHẬT

ĐƯỢC NGỘ

Có người hỏi: “Người tham Thiền được
ngộ thấy nhiều trong sử sách, người niệm Phật được ngộ sao hiếm hoi chưa được nghe nói đến?”.

Ôi! Có đấy, chỉ vì ông chưa thấy đó thôi. Hơn nữa, người tham Thiền sau khi thấu suốt lý tánh quyết chẳng nhiều lời để tự khoe. Long Thiên, Hộ Pháp thúc đẩy họ ra giáo hóa, rồi sau đó tiếng tăm mới vang dội một thời, danh thơm lưu truyền hậu thế. Ngài Lục Tổ ở Tào Khê mang tâm ấn của Ngũ Tổ Hoàng Mai, nếu chẳng buột miệng nói ra câu “gió, phướn” thì chỉ là người giữ lưới cho bọn thợ săn mà thôi. Ngài Thanh Tố tiếp nhận lời huyền ký âm thầm của ngài Từ Minh, nếu chẳng tình cờ gặp gỡ ở cây vải thì chỉ là một ông già nhàn hạ trong Tòng lâm. Ông từ đâu mà biết được họ?

Huống chi, người thật tâm niệm Phật, chí hướng là ra khỏi Ta-bà, dốc lòng cầu sinh Cực Lạc, mỗi niệm mỗi niệm như cứu lửa cháy trên đầu. Dù các Ngài tỏ ngộ được Di-đà bản tánh, thấu suốt được Tịnh độ duy tâm, nếu suốt đời ẩn dật chẳng ra giáo hóa thì ông làm sao biết được? Hễ là bậc sinh về phẩm Thượng Thượng đều là người đã tỏ ngộ rồi.

Ông cần phải đọc kỹ Truyện Vãng Sinh đi!

*

MỘT LỠ TRĂM LẦM

Người xưa nói: “Đời này nếu chẳng tu, một lỡ là trăm lầm”. Một mà đến trăm, sao sai lầm nhiều đến thế! Trong kinh nói: “Lìa ba đường ác, được thân người là khó! Được thân người, gặp Phật Pháp là khó! Song, gặp pháp môn niệm Phật, tin nhận lại càng khó!”. Như trong kinh đã nói, con kiến từ thời bảy đức Phật đến nay chưa thoát được thân kiến, đâu biết ngày nào sẽ được thân người? Hơn nữa, ngày nào gặp Phật Pháp? Ngày nào gặp pháp môn niệm Phật mà tin nhận? Đâu phải chỉ trăm lầm, mà ngàn lầm vạn lầm, cho đến vô cùng. Thật đáng thương thay!

MIỆT THỊ TÂY PHƯƠNG

Cư sĩ họ Bảo hằng ngày đều tụng kinh Pháp Hoa, Lăng-nghiêm, lâu ngày hiểu biết thông suốt, bèn trước tác Tây Phương Luận, giải đáp những câu hỏi của khách, tổng cộng gồm ba thiên. Thiên đầu tiên còn bàn luận nghĩa lý chân chánh, nhưng dần dần lại nói Tây Phương chẳng đáng vãng sinh. Hai thiên sau thì ra sức chê trách những người nguyện sinh Cực Lạc là sai trái. Có người bảo tôi nên khuyên ngăn phản bác. Tôi nhớ Thiền sư Không Cốc nói, lời của kẻ sai lầm ví như lời ca tiếng hát của tiều phu, mục đồng, chẳng cần tranh luận với họ. Nay, những lời bàn của Cư sĩ họ Bảo đều viện dẫn nghĩa lý chân chánh của Thiền môn, dễ dàng thâm nhập mọi người, sẽ làm cho chúng sinh nghi ngờ ngộ nhận, lui sụt chí nguyện vãng sinh, tác hại không nhỏ, bởi vậy tôi chẳng thể cứ im lặng mãi.

Thiên đầu tiên của ông chia Tây Phương làm ba bậc. Bậc thứ nhất là Tây Phương của các Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ sinh về. Bậc thứ hai là Tây Phương của các vị tri thức như ngài Huệ Viễn, Vĩnh Minh v.v… Các bậc Hiền Nhân như Tô Tử Chiêm, Dương Thứ Công v.v… sinh về. Bậc thứ ba là Tây Phương của hạng phàm phu, kẻ ác, súc sinh sinh về. Thuyết của ông ta dường như có lý, nhưng cửu phẩm vãng sinh trong kinh đã nói rõ ràng, sáng như mặt trời, cần gì phải đợi ông ấy phân thành ba bậc?

Một vị vua sáng lập ra chế độ, muôn nước kính cẩn tôn sùng, kẻ thất phu ở nơi núi non quê mùa đặt ra điều mục quy ước khác, liệu có được không? Đó là điều sai lầm thứ nhất.

Phật nói rõ chín phẩm là vì Tây Phương vốn không có hai cõi, nhưng căn cơ của người khác nhau, cho nên những kẻ vãng sinh tự chia thành chín phẩm. Cứ theo thuyết trong bộ Luận ấy thì Tây Phương vốn có ba cõi nước để đối đãi với ba hạng người, như vậy chẳng hợp với kinh. Đó là sai lầm thứ hai.

Ông ấy còn nói: “Các bậc tri thức, các bậc Hiền Nhân như ngài Huệ Viễn, Vĩnh Minh vãng sinh, thật ra chẳng phải tự lợi mà thuần là lợi tha”. Xét ra, cầu vãng sinh Tịnh độ chính là để được thân cận Như Lai, mong cầu sẽ được lợi ích thù thắng. Các Đại Bồ-tát tạm gác lại không bàn, còn các bậc Hiền Nhân như Tô Tử Chiêm, Dương Thứ Công há phải đều là những vị Bồ-tát đã mãn quả vị Thập địa, chỉ vãng sinh Cực Lạc để cứu độ chúng sinh, chẳng còn tự lợi nữa sao? Phẩm Hạnh Nguyện nói rằng:

“Thân thấy đức Phật Vô Lượng Quang

Liền thọ ký tôi quả Bồ-đề”.

Cầu thọ ký chẳng phải là tự lợi là gì? Đó là sai lầm thứ ba.

Còn nói rằng: “Thánh phàm đồng thể, nhưng vì mê ngộ khác nhau nên tạm thời phân làm kẻ hơn người kém, soi sáng lại mình, trở bàn tay mà bậc Thánh kẻ phàm khác nhau rất xa?”. Đã là soi sáng lại mình, tại sao lại khác nhau rất xa? Lại nói: “Liệu có đồng thể được không?”. Tự mình nói ra mà mâu thuẫn lẫn nhau. Đó là sai lầm thứ tư.

Ông còn nói: “Nếu muốn sinh về cõi đó là còn chấp tướng ngã”. Đức Phật nhiều lần khuyên bảo phát tâm cầu sinh Cực Lạc, thế thì Phật dạy mọi người chấp tướng ngã rồi sao? Đó là sai lầm thứ năm.

Đến các thiên thứ hai, thứ ba càng ra sức phỉ báng, sai lầm lại quá mức. Ông ấy nói: “Ngay người chủ pháp chỉ lấy việc cầu sinh Tịnh độ làm chính yếu, chỉ cho việc đó là chân thật”. Thế thì, Tịnh độ là giả sao? Phật nói về Tịnh độ đã lừa dối chúng sinh sao? Trong kinh Lăng-nghiêm đã quở trách những vị không tin có thế giới Kim Sắc.

Cư sĩ Bảo hằng ngày tụng Lăng-nghiêm mà lại có cái nhìn đoạn diệt này. Đó là sai lầm thứ sáu.

Ông ấy còn nói: “Nhất tâm không loạn chẳng phải là chấp trì danh hiệu, niệm niệm chuyên chú”. Nếu nói người chấp trì thì nhiều giống như mây giăng. Tôi đã đích thân nhìn thấy mấy người ngày đêm niệm Phật, lại được mấy vị Thiện tri thức già ấn chứng, thế mà đều sa vào lưới ma chẳng thể cứu vớt được! Xét ra, chấp trì danh hiệu, đó là lời Phật nói, chẳng lẽ Phật làm cho mấy người đó lầm lỡ sa vào lưới ma ư? Hiện nay, tôi thấy những người chẳng niệm Phật chỉ tham Thiền, có kẻ cũng bị ma ám. Vì sao? Trong kinh nói rằng: “Người niệm Phật cầu vãng sinh sẽ được Bất thối chuyển, được dự vào dòng Thánh”. Phật công nhận cho nhập Thánh lưu, mà Bảo lại cho là sa vào lưới ma. Đó là sai lầm thứ bảy.

Ông ấy còn nói: “Cái gọi là nhất tâm, đó chính là tâm vốn sẵn có của mọi người, vốn tự linh diệu, tự đầy đủ. Ngoài tâm này ra không còn pháp nào khác!”.

Kinh văn đã nói rõ ràng: “Chấp trì danh hiệu, nhất tâm không loạn”, sao lại có thể bỏ bốn chữ trên mà nói về nhất tâm? Nếu không có kinh văn thì bàn luận suông về chỗ cao siêu huyền diệu như thế để nói về tâm cũng có thể được. Nhưng đây là lời chân thật từ kim khẩu phát ra. Lẽ nào đức Phật nói sai, Cư sĩ Bảo phải sửa đúng lại sao? Kinh Pháp Hoa nói: “Nhất tâm xưng danh Quán Thế Âm Bồ-tát”, sẽ giải thích như thế nào? Đó là sai lầm thứ tám.

Ông ấy còn nói: “Nương theo pháp này mà tu ắt đi vào đường tà”. Trước đã nói sa vào lưới ma, nay lại nói đi vào đường tà, niệm Phật có tác hại như vậy ư? Sao Phật chẳng cấm mọi người niệm Phật để phải đợi Cư sĩ Bảo cấm đoán? Đó là sai lầm thứ chín.

Ông còn nói: “Người thời thượng cổ trước hết khuyên người thấu suốt được cội gốc, sau mới khuyên vãng sinh”.

Xét ra, niệm Phật vãng sinh cũng là việc học từ nơi thấp mà đạt đến chỗ cao. Nếu trước đạt được chỗ cao, sau mới học chỗ thấp, xét về Lý liệu có được không? Lẽ nào lại có chuyện trước đậu Trạng Nguyên, làm đến Tể tướng, rồi sau mới tập đọc Lục Kinh Luận Ngữ Mạnh Tử, học viết văn thi cử ư? Đó là sai lầm thứ mười.

Ông còn nói: “Nếu Phật Pháp dừng lại ở đó thì chỉ cần một quyển kinh Di-đà đã đủ rồi!”. Chỉ dựa vào kinh này thì ai cũng có thể làm thầy của trời người, ai cũng có thể xưng là Thiện tri thức sao? Xét ra, các kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Lăng-nghiêm, Hoa Nghiêm, Bát-nhã… Các bậc Tôn túc không ngày nào chẳng tụng, không ngày nào không giảng, có ai chấp riêng một kinh Di-đà mà bỏ hết các kinh khác? Tuy vậy, chỉ sợ chưa từng thật sự chuyên dựa vào một kinh mà thôi! Chuyên dựa vào một kinh được Niệm Phật tam-muội, xưng là Thiện tri thức cũng có gì phải hổ thẹn đâu? Đó là sai lầm thứ mười một.

Cư sĩ Bảo còn nói: “Cõi Phật vô tận, nếu chỉ dạy người cầu sinh một cõi, các cõi Phật khác há chẳng lạnh lẽo vắng lặng ư?”. Ông ấy đâu biết rằng, hết thảy chúng sinh nhiều như vi trần đều sinh ở một cõi cũng chẳng thấy tăng thêm, tất cả chúng sinh nhiều như vi trần không một ai sinh ở cõi đó cũng chẳng giảm bớt, làm gì có chuyện lạnh lẽo hay ấm cúng, làm gì có chuyện vắng vẻ hay náo nhiệt. Sao lại có cái nhìn trẻ con và luận thuyết lệch lạc như vậy? Đó là sai lầm thứ mười hai.

Ngàn kinh muôn luận khen ngợi Tây Phương, ngàn Thánh muôn Hiền nguyện về Tịnh độ, chỉ riêng một mình ông ấy ra sức phỉ báng, sao chẳng sợ khẩu nghiệp? Cư sĩ Bảo lúc đầu tin tưởng thành kính, tôi rất quý. Nay như vậy, tôi rất lo cho ông!

*

ĐẠI HIẾU

XUẤT THẾ GIAN

Đại hiếu của thế gian có ba, đạo hiếu xuất thế gian có một. Đạo hiếu của thế gian gồm: một là hầu hạ khiến cha mẹ vui lòng và dùng món ngon vật lạ để phụng dưỡng. Hai là đỗ đạt làm quan và có tước lộc làm vẻ vang cha mẹ. Ba là tu dưỡng đạo đức, gắng sức thực hành trở thành Thánh Hiền để cha mẹ được hiển vinh. Làm được ba điều này, thế gian gọi là người con hiếu thảo.

Đạo hiếu xuất thế gian là khuyên cha mẹ trai giới tu hành, nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sinh, lìa hẳn bốn loài, ra khỏi sáu đường, hóa sinh hoa sen, thân cận Di-đà, được Bất thối chuyển. Người con biết đền đáp công ơn cha mẹ bằng cách này, đó gọi là sự báo hiếu to lớn xuất thế gian.

Xưa, lúc tôi mới nhập đạo, cha mẹ đã qua đời, tôi có làm bài văn Tự Đau Buồn Vì Bất Hiếu (Tự Thương Bất Hiếu Văn) để giải bày nỗi buồn thương ân hận. Nay, nhìn thấy trong hai chúng tại gia và xuất gia, có người được mừng về cha mẹ song toàn, thế là tôi lại càng thêm xót xa, lệ chảy đầm đìa. Xin cúi mình khuyên bảo mọi người nên hiếu thảo với cha mẹ!

BA CÂU HỎI KHÓ

VỀ TỊNH ĐỘ

Có người hỏi: “Đức Phật Thích-ca lấy chân ấn xuống đất liền thành thế giới Kim Sắc. Phật có đủ thần lực như vậy, sao chẳng biến cõi Ta-bà đầy dẫy núi non đất đá nhơ bẩn này làm thành ngay cõi nước Cực Lạc, bảy báu trang nghiêm, lại phải khiến chúng sinh rong ruổi tới nơi xa xôi ở ngoài mười muôn ức cõi Phật!”.

Ôi! Phật chẳng thể độ kẻ không có nhân duyên, ông có biết điều đó chăng? Tịnh duyên cảm Tịnh độ, chúng sinh tâm chẳng thanh tịnh, tuy có Tịnh độ nhưng làm sao được sinh về đó? Ví như tu Thập thiện được sinh cõi trời, lập tức địa ngục trở thành Thiên đường.

Còn chúng sinh Thập ác kia, đức Phật dù có đưa tay Kim Sắc mà kéo lên, cuối cùng họ vẫn chẳng thể lên đến cửa. Bởi vậy, thế giới Kim Sắc trong một Sát-na, hễ Phật thu thần lực lại thì vẫn còn là cõi Ta-bà như cũ.

Lại có người hỏi rằng: “Trong kinh nói, chí tâm niệm một câu A-di-đà Phật, diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp. Câu này bàn về Sự hay bàn về Lý?”.

Ôi! Trong kinh nói: “Vừa xưng Nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo”. Còn nói: “Lễ Phật một lạy thì từ gót chân đến Kim Cang Tế, mỗi một hạt bụi là một ngôi vị Chuyển Luân Vương”. Nay, chẳng cần bàn về Lý hay Sự của câu đó, chủ yếu ở hai chữ “chí tâm”. Chỉ lo tâm không chí thành, chẳng lo tội chẳng tiêu diệt, có gì phải nghi ngờ?

Lại có người hỏi: “Có người suốt đời tinh tấn siêng năng niệm Phật, lúc lâm chung chỉ một niệm thối lui liền chẳng được vãng sinh Tịnh độ. Có người suốt đời làm ác nhưng sắp chết phát tâm niệm Phật, liền được vãng sinh. Vậy thì người thiện cớ sao lại bị thiệt thòi, còn kẻ ác cớ sao lại được lợi ích?”.

Ôi! Kẻ ác mà lúc lâm chung chánh niệm, trong ngàn vạn người chỉ có một mà thôi.

Nếu chẳng phải là căn lành từ nhiều đời, lúc sắp chết bị đau đớn bức bách, hôn mê rối loạn, làm sao có thể phát khởi chánh niệm được?

Người thiện lúc lâm chung có một niệm thối lui thì trong ngàn vạn người chỉ có một người. Dù có đi nữa, chắc chắn đó là loại người tuy cả đời niệm Phật nhưng rất lơ là, chớ chẳng phải người siêng năng tinh tấn. Tinh tấn thì tâm chẳng tạp loạn, siêng năng thì tâm chẳng gián đoạn, do đâu mà sinh khởi niệm thối lui được?

Vậy thì, những kẻ làm điều ác phải nên mau chóng tu tỉnh, chớ vọng tưởng lúc lâm chung sẽ có sự may mắn đó. Người chân thật cầu sinh Tịnh độ, chỉ cần tinh tấn siêng năng, hơn nữa chớ lo lắng lúc lâm chung sinh tâm thối lui!

*

NIỆM PHẬT CHỈ CẦN

NHẤT TÂM KHÔNG LOẠN

Có người hỏi: “Ngài Diệu Hỉ nói rằng: Người ngu suốt đời lần chuỗi cầu Tịnh nghiệp”. Niệm Phật quả thật là việc của người ngu sao?

Ôi! Xưa tôi đã từng nói rõ về điều này rồi. Ngài Diệu Hỉ chỉ nói người ngu suốt ngày lần chuỗi cầu Tịnh nghiệp, nhưng chẳng nói người ngu suốt ngày nhất tâm không loạn cầu Tịnh nghiệp.

Lại hỏi: “Bài kệ của bậc Cao đức ngày xưa nói rằng:

Người niệm Phật nhiều thành Phật ít

Niệm mãi lâu năm lại thành ma

Ông nay muốn được dễ thành Phật

Cần tâm vô niệm, chẳng kể nhiều.

Vô niệm niệm Phật, sao lại đem hữu niệm mà niệm Phật?

Đáp: Đây là lời khuyên bảo những người tán tâm niệm Phật, chẳng biết quán xét tâm, chớ chẳng nói người niệm Phật lâu năm nhất tâm không loạn sẽ thành ma. Chưa từng niệm Phật mà đã trước lo về hữu niệm, thì giống như người đói muốn được cơm, nhưng lại lo sợ sẽ quá no mà chẳng dám ăn.

Lại hỏi: “Lục Tổ nói rằng: Người phương Đông làm việc ác, niệm Phật cầu sinh ở Tây Phương. Ý nghĩa thế nào?”.

Đáp: Kẻ ác niệm Phật cầu vãng sinh, nhưng chẳng nói người thiện niệm Phật nhất tâm không loạn cầu vãng sinh.

Vả lại, kẻ ác ắt chẳng niệm Phật, họ dù có niệm Phật cũng chỉ là giả dối, chẳng phải chân thật trì niệm. Ví như kẻ ác tu Thập thiện cầu sinh về cõi trời, thế nhưng kẻ ác ấy ắt chẳng tu Thập thiện. Cho dù có tu hành cũng chỉ là giả dối, chẳng phải chân thật, chưa từng có chuyện người thiện nhất tâm niệm Phật mà chẳng được sinh về Tây Phương.

Lại hỏi: “Bậc Cao đức ngày xưa nói rằng: Bỏ uế lấy tịnh là nghiệp sinh tử. Sao lại bỏ cõi Ta-bà cầu sinh Cực Lạc?”.

Đáp: Nói bỏ uế lấy tịnh là nghiệp sinh tử, nhưng chẳng nói nhất tâm không loạn cầu lấy Tịnh độ là nghiệp sinh tử. Ông chưa bỏ uế mà trước đã lo về việc lấy tịnh, cũng giống như cái lo hữu niệm ở trước.

Lại hỏi: “Thiền Tông nói: Một chữ Phật ta chẳng thích nghe. Còn nói: Phật đến cũng giết, ma đến cũng giết. Thế thì niệm Phật làm gì?”.

Ôi! Thiền Tông nói: “Một chữ Phật ta chẳng thích nghe”, nhưng chẳng nói “bốn chữ nhất tâm không loạn ta chẳng thích nghe”. Còn câu: “Phật đến cũng giết, ma đến cũng giết”, mà chẳng bảo rằng: “Nhất tâm không loạn đến cũng giết”.

Xét ra, về nguồn vốn không hai lối, phương tiện thì có nhiều môn. Cho nên, về nhà chỉ một, thuyền xe đều được. Người dùng thuyền chê xe, dùng xe chê thuyền, đều thành lời luận bàn vô ích. Lý này tự rõ, không cần nhiều lời!

Lại hỏi: “Gần đây có người nói: Tôi chẳng niệm Phật, bởi do bên trong có tâm hay niệm, bên ngoài có Phật được niệm, đối đãi chưa quên, sao có thể gọi là đạo?”. Ôi! Họ cho rằng chỉ giữ chỗ rỗng rang lặng lẽ là đạo sao? Bên trong có tâm lặng lẽ, bên ngoài có cảnh lặng lẽ, như thế vẫn còn năng sở rõ ràng! Sao chẳng nói: “Nhất tâm không loạn thì cái gì là năng, cái gì là sở; đâu là trong, đâu là ngoài?”.

Tôi và bạn đã tu Tịnh độ, chỉ buồn vì chưa đạt được trình độ nhất tâm không loạn. Nếu được nhất tâm không loạn thì mặc cho kẻ khác tha hồ chê cười phỉ báng cũng vẫn trơ trơ bất động như Thái Sơn. Còn gì phải nghi ngờ nữa!

Hỏi: “Phóng sinh các loài chim cá… Niệm Phật trì chú nguyện chúng vãng sinh. Chúng có vãng sinh được chăng?”.

Đáp: Những loài tội nhẹ, duyên lành chín mùi thì nương nơi sức mạnh của giáo pháp cũng được vãng sinh. Những loài tội nặng, duyên lành cạn mỏng thì chỉ diệt trừ tội lỗi, thay đổi hình dạng, sinh vào đường lành. Người phóng sinh chú nguyện, phước báo chẳng mất. Tiền thân ngài Mục-kiền-liên làm tiều phu vào rừng đốn củi, phá nhằm tổ ong. Ngài bèn chú nguyện sau khi đắc đạo sẽ độ thoát bầy ong này. Đời sau, chúng được làm người. Ngài đến giáo hóa, ai nấy đều được đạo quả. Đây chính là chứng cớ rõ ràng vậy!

Thiền sư Thọ Quang có nói bài kệ:

“Phóng sinh chuộc mạng việc tuy thường

Công đức không lường ở nơi đây

Một năm tích lũy ngàn thứ phước

Mười năm nuôi lớn vạn công ơn.

Đã sa vào lưới gặp nguy ách

Sắp vào nước lửa lòng hãi kinh

Ân đức vô cùng miễn tử tội

Kia được sống lâu, ta sống lâu!”.

*

CẢNH TỈNH VÔ THƯỜNG

Ngài Thiện Đạo nói:

“Da mồi tóc bạc lần lần

Lụm cụm bước run mấy chốc

Dù sang vàng ngọc đầy nhà

Vẫn khổ suy già bệnh tật.

Ví hưởng khoái lạc nghìn muôn

Đâu khỏi vô thường chết mất?

Duy có đường tắt thoát ly

Chỉ niệm A-di-đà Phật!”.

Lời nói ấy của ngài Thiện Đạo thật đúng là: “Muôn thứ không đem được, chỉ có nghiệp theo mình”.

Thế nào là muôn thứ không đem được?

Trong đời người, tất cả quan tước, vàng bạc, nhà cửa, ruộng vườn, ẩm thực, y phục, vật quý báu, cho đến vợ đẹp con yêu nhưng vô thường đến rồi thì đem theo được vật gì?

Thế nào là chỉ có nghiệp theo mình?

Con người tạo ra những nghiệp tham, sân si, gian dâm trái với lễ giáo, mặc tình sát sinh, làm con trái nghịch với cha mẹ, làm tôi lừa dối vua, thầm hạ độc hại người vật, biết bao nhiêu nghiệp ác. Khi vô thường đến rồi, những thứ ấy đều khắn chặt theo ông. Đã vậy, nếu không mạnh mẽ tỉnh giác xoay đầu sửa ác làm lành, rửa lòng niệm Phật, há chẳng phải được thân người suông mà hoang phế một đời sao? Thật khổ thay! Thật khổ thay!

Một là người hoàn toàn rảnh rỗi, phải nên bất kể ngày đêm nhất tâm niệm Phật.

Hai là người không bận lắm, thì làm việc xong rồi nên lập tức niệm Phật.

Ba là người rất bận rộn, cần phải tranh thủ thời giờ niệm Phật mười niệm.

Lại nữa, người giàu sang, tiện nghi đầy đủ chính là lúc niệm Phật. Người bần cùng, giữ phận an bần, chính là lúc niệm Phật.

Người có con cháu được chúng thay thế làm việc, chính là lúc niệm Phật. Người không con cháu, tâm không ràng buộc chính là lúc niệm Phật.

Người không bệnh thân thể khỏe mạnh, chính là lúc niệm Phật. Người có bệnh, biết mình không lâu sẽ chết, chính là lúc niệm Phật.

Người thông minh thấu hiểu kinh điển đạo lý, chính phải nên niệm Phật. Người ngu độn không có hiểu biết tạp nhạp, chính phải nên niệm Phật.

Tóm lại, dù ở cõi trời hay tại nhân gian, chúng sinh trong bốn loài chín cõi, đều nên niệm Phật. Kính khuyên người đời sao chẳng thừa lúc tứ đại chưa tan rã mà mau chóng niệm Phật. Đợi đến khi “muôn thứ không đem được, chỉ có nghiệp theo mình”, chừng ấy, áo não hối hận đâu còn kịp nữa!

*

KHUYÊN MỌI NGƯỜI

NÊN TU TỊNH ĐỘ

Tịnh Độ Hoặc Vấn của ngài Thiên Như nói: “Hiện nay, người tu Thiền thấy người tu Tịnh độ thì xem thường cho là ngu phu ngu phụ. Đó không phải xem thường hạng ngu phu ngu phụ mà chính là xem thường Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ”.

Lời nói ấy thống thiết như thế còn có người chưa tin. Do đó, tôi khảo cứu và dẫn chứng để chứng minh là không sai.

1. Kinh Quán Phật tam-muội, Bồ-tát Văn-thù nói kệ rằng:

“Nguyện lúc tôi lâm chung,

Diệt trừ mọi chướng ngại

Diện kiến Phật Di-đà

Vãng sinh cõi An Lạc”.

2. Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hạnh Nguyện, Bồ-tát Phổ Hiền nói kệ rằng:

“Nguyện khi tôi sắp lâm chung

Diệt trừ tất cả các chướng ngại

Tận mặt gặp Phật A-di-đà

Liền được vãng sinh cõi An Lạc”.

3. Luận Khởi Tín, Bồ-tát Mã Minh dạy phương tiện tối thắng, bảo rằng: “Chuyên ý niệm Phật liền được vãng sinh, trọn không lui sụt”.

4. Kinh Lăng-già, đức Phật bảo ngài Đại Huệ:

“Tỷ-kheo Đại danh đức

Tôn hiệu là Long Thọ

Được Sơ hoan hỷ địa

Vãng sinh cõi An Lạc”.

Trên, lược nêu bốn vị Đại Bồ-tát, còn những Bồ-tát khác tu về Tịnh độ không thể tính kể.

1. Pháp sư Huệ Viễn ở Lô Sơn, tỏ ngộ ý chỉ sâu xa của Ma-ha Bát-nhã, được tôn xưng là Bồ-tát Hộ Pháp Phương Đông mà sáu thời niệm Phật, ba lần thấy Thánh tướng, được vãng sinh Tịnh độ.

2. Đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai, ngộ lý vi diệu trong kinh Pháp Hoa, là một bậc siêu việt về Giải Quán, là Tổ sư khai sáng Tông phái muôn đời mà khi còn sống, mặt hướng về phương Tây, biện giải mười điều nghi, chú sớ kinh Quán Vô Lượng Thọ, cực lực bàn về Tịnh độ.

3. Đại sư Bách Trượng là đích tử truyền đạo của ngài Mã Tổ, chốn Tòng lâm khắp thiên hạ đều tôn sùng, mà khi cầu nguyện cho vị Tăng bệnh, tống táng vị Tăng mất, thảy đều quy hướng Tịnh độ.

4. Quốc Sư Thanh Lương tiếp nối địa vị Tổ của Tông Hoa Nghiêm, được tôn xưng hậu thân của ngài Văn-thù, còn chỉ bảo Phật Di-đà là Lô-xá-na, cũng chú sớ kinh Quán Vô Lượng Thọ hoằng dương Tịnh độ.

5. Thiền sư Diên Thọ ở chùa Vĩnh Minh
được tài hùng biện vô ngại, là rường cột trong Tông môn mà sáng tác Tứ Liệu Giản khen ngợi Tây Phương, sinh về phẩm Thượng Thượng, được tận nơi U Minh kính ngưỡng đức hạnh.

6. Thiền sư Tử Tâm Ngộ Tân nối pháp ngài Hoàng Long, Tông phong rất thịnh mà tha thiết về Tịnh nghiệp, trước tác Văn Khuyên Niệm Phật khiến nhiều người phát lòng tin.

7. Thiền sư Chân Hiết Liễu nối pháp Truân Công ở Đơn Hà, Tông Tào Động đến Sư thì tỏa sáng. Thế mà, Sư dựng am ở Phổ Đà, chuyên ý Tây Phương, có soạn Tịnh Độ Tập lưu hành ở đời.

8. Thiền sư Thọ Thâm, chỉ trong một bài kệ mà dung thông ngũ giáo, còn bảo rằng: “Lối tắt tu hành không vượt khỏi pháp môn Tịnh độ”. Ngài lập đạo tràng Tây Phương, đắng miệng hết lời khuyên đại chúng.

9. Thiền sư Viên Chiếu Bản tiếp nối đạo pháp ngài Thiên Y, hoằng truyền pháp của ngài Tuyết Đậu, tiếng sấm pháp vang rền, làm bậc thầy mô phạm của hai triều đại mà kiêm tu Tịnh nghiệp, nêu danh Thượng phẩm.

10. Thiền sư Trung Phong Bổn, được pháp nơi lão nhân Cao Phong, người học ngưỡng mộ như Thái Sơn Bắc Đẩu, còn nói:

“Thiền là Thiền của Tịnh độ;

Tịnh độ là Tịnh độ của Thiền”.

Có làm một trăm bài thơ Nhớ Tịnh Độ, khuyên người niệm Phật.

Trên, nêu sơ lược về mười vị Đại Tôn túc, còn những bậc Tôn túc khác và Pháp sư, Luật sư tu Tịnh độ không thể ghi hết.

*

1. Kinh A-di-đà.

2. Kinh Vô lượng Thọ.

3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

4. Kinh Cổ Âm Vương.

5. Luận Vãng Sinh của Bồ-tát Thế Thân.

Trên, nêu sơ lược các kinh luận chuyên nói về Tịnh độ. Ngoài ra, các kinh luận khác có đề cập về Tịnh độ không thể ghi hết được.

*

1. Luận Vãng Sinh của ngài Đạo An.

2. Luận Quần Nghi của Ngài Hoài Cảm.

3. Thông Tán của Ngài Từ Ân.

4. Di-đà Sớ của Ngài Hải Đông.

5. Diệu Tông Sao của Tứ Minh.

6. Sám Nguyện Nghi của Từ Ân.

7. Luận Bảo Vương của Thảo Đường.

8. San Chánh Ký, Tây Tư Sao của Cô Sơn

9. Quán kinh sớ của Đại Trí.

10. Liên Tông Bảo Giám của Ưu Đàm.

11. Lạc Bang Văn Loại của Thạch Tư.

12. Tịnh Độ Hoặc Vấn của Thiên Như.

13. Tịnh Độ Chỉ Qui của Đại Hữu.

14. Niệm Phật Cảnh của Đạo Cảnh và Thiện Đạo.

15. Thiện Nhân Vịnh của Đạo Diễn.

16. Tịnh Độ Thi của Tây Trai.

Trên, nêu sơ lược về các nhà nổi tiếng và cuộc đời của các vị ấy. Đọc lời nói của các Ngài mà suy tư về nghĩa lý, đoạn dứt nghi ngờ, quyết chí tu hành. Rất mong! Rất mong!
Trích Tịnh Độ Vựng Ngữ