Danh từ Ðịnh Mệnh sẽ không cần thiết có trong Bách-khoa tự điển nếu như mỗi người trong chúng ta đều mang những nét đặt tính như nhau từ trong ra ngoài, một đời sống như nhau trong không gian cũng như thời gian. Sự khác biệt giữa hai người như giàu-nghèo, thiện-ác, sang-hèn, thành công-thất bại, chính-tà, tàn tật-lành lặn, hạnh phúc-bất hạnh, thông minh-đần độn, ...là những yếu tố tất yếu để danh từ Định mệnh được định nghĩa.Trong ý nghĩa đó, Tử vi được sử dụng để giải đoán định mệnh.

Nếu có Thượng đế hay Ðấng tạo hoá thì dựa vào đâu để xác định, áp đặt khi trẻ sơ sinh kia đã phải mang tật nguyền vào thân mà cho đến khi lớn khôn, hắn vẫn không hiểu tại sao hắn ta mang tàn tật vào thân ? và hắn ta cũng chẳng bao giờ được nghe qua bản phúc trình luận tội, bản kết án tật nguyền cho hắn. Chúng ta chẳng thể giải thích được hiện tượng bất công trên nếu không dựa vào một giáo lý nào đó. Khoa học nhìn qua DNA và xác xuất để giải thích hiện tượng bẩm sinh. Nhưng tại sao hắn lại rơi vào cái xác xuất không may đó? Chẳng phải ngẫu nhiên mà hắn ta rơi vào cái không may đó, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà ta lại rơi vào cái hiện tượng không vừa ý nào đó. Mọi hiện tượng xảy ra đều có nguyên nhân của nó ví như hạt giống là nhân của cây cối, cây cối lại là nhân cho ra hạt giống, quá trình này chẳng phải tự nhiên sinh sôi nẩy nỡ mà còn tùy vào điều kiện môi trường như mưa, gío, phân bón, hay sự chăm sóc... Điều kiện tất yếu này, theo Phật Giáo thì gọi là Duyên. Con người cũng thế, theo Phật giáo thì con người kiếp hiện tại là qủa của qúa khứ và là nhân cuả kiếp tương lai.

Con người, theo Phật giáo, khi chết thì Tứ đại, ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) và Lục căn (Mắt, Mũi, Tai, Lưỡi, Thân, Ý) đều bỏ lại chỉ còn A-Lại-Da-Thức (Linh Hồn) sẽ tái sinh. A-Lại-Da-Thức mang toàn bộ bản sao chép sáu thức kia hay Nghiệp (tốt và xấu) từ kiếp trước sang kiếp sau. Tùy vào dòng Nghiệp Lực đó mà ta sẽ có sự tái sinh phù hợp với cái Nhân ta đã gieo trong qúa khứ. Và cũng chính dòng Nghiệp lực đó mà Tứ đại, ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) và Lục căn (Mắt, Mũi, Tai, Lưỡi, Thân, Ý) được tái tạo, tùy dòng nghiệp lực mà hình hài tái sinh sẽ mang trạng tướng như thế nào. Tuy nhiên Phật giáo còn chia Nghiệp ra làm 4 loại : Hiện nghiệp, Hậu nghiệp, Vô hạn định nghiệp, Vô hiệu lực nghiệp vì vậy không nhất thiết một Nhân trong qúa khứ phải là qủa trong hiện tại. (Xin tìm đọc “The Buddha and His teachings”: Ðức Phật và Phật Pháp do Phạm Kim Khách chuyển dịch - 1988).

Như vậy qua giáo lý nhà Phật, cái Định Mệnh kia thật sự chỉ là dòng Nghiệp Lực dẫn dắt ta ví như chiếc thuyền không người lái trên ghềnh thác, trên dòng sông hay trên mặt hồ yên tỉnh. Tử vi dưới mắt Nghiệp Qủa không nhìn Số Mệnh con người như là một sư việc đã được an bài, mà nhìn qua thuyết Nhân-Duyên-Qủa vì vậy cho rằng : Không một Định Mệnh nào được gọi là An Bài mà con người được dẫn dắt bởi dòng Nghiệp Lực; Nghiệp chỉ phát khi hội đủ những yếu tố Nhân duyên, như vậy Con người có thể thay đổi đươc cái định mệnh đó bằng cách gieo một Duyên Khởi để khởi động một Nghiệp tốt trong qúa khứ thay vì phải hứng chịu một Nghiệp xấu trong qúa khứ, hay là làm dịu lại Nghiệp nặng đã gieo trong những chu trình sống chết đã qua. Tuy nhiên chúng ta chẳng thể thay đổi hẳn dòng Nghiệp Lực kia mà chúng ta chỉ có thể tìm được một đời sống khả dĩ tốt nhất cho cho một dòng Nghiệp Lực nhất định. Làm thế nào để phát khởi một Nhân Duyên tốt trong qúa khứ, làm thế nào để biết dòng Nghiệp Lực kia dẫn ta về đâu ? Làm thế nào để tìm được một cuộc sống hiện tại bình an trong một Định Nghiệp hẩm hiu ?

Theo Tử Vi dưới mắt Nghiệp Qủa thì Sao Lộc Tồn là Ruộng phước và người chăm sóc thửa ruộng ấy là Sao Bác Sĩ. Sao Lộc Tồn đâu thì Sao Bác Sĩ ở đó, "Ruộng phước luôn đi theo người cho".

1- Bác Sĩ được định nghĩa là người cứu nhân độ thế, dưới một góc độ nào đó, Bác Sĩ có thể được xem là Bố Thí độ trong Phật giáo. Con người chính là con bệnh, con bệnh của dòng nghiêp lực.

Bố Thí là gì ? Trong ý niệm mộc mạc nhất là cho không, biếu không, cúng dường, tặng không.

Để thực hiện được sự Bố Thí thì phải có người cho (Ta), người nhận (Ruộng phước vì chính ở nơi họ mà ta gieo hạt giống phước đức nên gọi là ruộng phước) và vật cho (Vật bố thí).

Có hai loại ruộng phước:

1) Ruộng phước nhỏ: Vì lòng thương hại người nhận nên ta phát tâm bố thí. Những hạt giống thương hại sẽ cho ra những cây lúa nhỏ, nên gọi là ruộng phước nhỏ.

2) Ruộng phước lớn: Vì có tâm kính trọng người nhận nên ta phát tâm bố thí. Những hạt giống kính trọng sẽ cho ra những cây lúa lớn, nên gọi là ruộng phước lớn.

Có ba loại Vật bố thí: Tài thí, Pháp thí và Vô-úy thí

1- Tài thí : Của cải , tiền bạc và hiến tặng thân thể. Hiến tặng thân thể là một hành động cao quý nhất của Tài thí, như một chiến sĩ hy sinh một phần thân thể cho Tổ Quốc, hiến tặng một cơ quan trong cơ thể cho bênh nhân nan y…

2-Pháp thí : Đem giáo lý giảng giải cho người khác nhằm tu thân hướng thiện với mục đích tối hậu là giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thiếu mục đích tối hậu là giải thoát thì Pháp thí mất ý nghĩa rất nhiều.

3-Vô-Úy thí : Trấn an tinh thần, xoa dịu tinh thần cho những ai bị khủng hoảng, lo sợ trong mọi tình huống như sa thải, tai nạn, mất thân nhân…

Theo Lục tổ Huệ Năng, trong Kinh Kim Cang Chư Gia :

Tuy có ăn mặc mà tánh ngu mê, là kiếp trước bố thí cúng dường mà không thọ trì kinh điển.

Còn thông minh trí huệ nhưng lại nghèo hèn, thiếu ăn, thiếu mặc là kiếp trước trì kinh nghe pháp mà không bố thí cúng dường.

"Bố thí là một kho tàng phước đức luôn luôn đi theo người chủ (tức người cho) đời này sang đời khác; bố thí xây dựng hạnh phúc và tiêu trừ đau khổ; người biết bố thí thì ai cũng thương mến; bố thí làm cho tâm (người cho) được an vui, khi gần chết tâm không sợ hãi; bố thí tiêu trừ lòng tham lam bỏn xẻn; người biết bố thí thì chư Thiên ủng hộ; bố thí là con đường trong sạch mà tất cả Thánh nhân đều đã đi qua; bố thí là một thiện nghiệp sẽ cho ra quả báo tốt; bố thí là hành động của những người hùng; bố thí sẽ tiêu trừ sự nghèo và đóng cửa dẫn đến ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh); bố thí giữ gìn công đức; bố thí là điều kiện đầu tiên của con đường dẫn đến Niết Bàn; bố thí là gốc rễ của tất cả thiện pháp; bố thí là nhà ở của những người cao quý, là thú vui của những bậc Thánh và Vĩ nhân; bố thí là một cái gương sáng đáng để cho những người thiếu phước đức và trí huệ noi theo"

Để thay đổi Dòng Định Mệnh, một trong những hạnh đầu tiên, theo Tử vi là thực hiện hạnh Bác Sĩ, Giúp đỡ cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, nòi giống, màu da, và tín ngưỡng, không phân biệt lối sống và giàu nghèo, hy sinh một số thời gian để chăm sóc cho người nghèo, kẻ vô gia cư, người bất hạnh và người cô đơn.

Hạnh Bố thí (Bác Sĩ) gìn giữ công đức qua Thiên quan, Thiên phúc, chuyển nghiệp Song Hao thành dòng Thiên nghiêp tiêu trừ chướng ngại và sự nghèo khó, đốc thúc Tướng Quân quẵng Kinh Dương, thu hôi Đà La mở kho Lộc tồn. Mười hai cung, mười hai tương quan, chỉ một Hạnh Bố Thí đủ để thay đổi những gì tưởng đã An Bài.



-------------------------------------------------------
Thành tâm tưởng nhớ một người bạn đã ra đi.