Chân dung các cao thủ võ lâm miền Trung

Kỳ 1: Truyền nhân võ phái được chọn bảo vệ vua


Võ sư Trương Quang Kim.
Miền Trung là nơi đất cằn sỏi đá, nơi con người suốt bao đời phải chịu nhiều gian khổ, vất vả một nắng hai sương, cũng chính miền đất khó khăn, khắc nghiệt này đã là cái nôi sản sinh ra những cao thủ võ lâm xuất chúng. Và rồi, chính họ đã làm rạng danh và sáng rực lên tinh thần võ Việt, góp phần đưa võ Việt vươn xa.



Bởi một lời trăn trối của cha trước khi qua đời: "Võ Việt là di sản vô giá của người Việt, con phải cố gắng giữ gìn và phát huy, làm sao cho mọi người dân Việt Nam sau này ai cũng được học võ Việt!", mà suốt bao nhiêu năm qua, võ sư Trương Quang Kim đã luôn cố gắng hết mình để gầy dựng, và phát triển phong trào luyện tập võ cổ truyền Việt Nam.

Hào hùng võ kinh cấm quân thị vệ

Men theo con đường Hải Triều (TP Huế), chúng tôi rẽ vào một lối đi nhỏ tìm đến nhà riêng của võ sư Trương Quang Kim, trưởng môn phái Võ Kinh Vạn An, truyền nhân của võ kinh cấm quân thị vệ đại nội vương triều Nguyễn. Tiếp chuyện chúng tôi, ông trầm ngâm nhớ lại một thời đã xa Võ kinh Vạn An trước kia là một dòng võ chính tông do cụ tổ Trương Ngọc Giai sáng lập. Cụ đương thời là một cao thủ võ lâm xuất chúng, được vua Tự Đức sắc phong làm đội trưởng cấm quân thị vệ đại nội, chuyên ngày đêm túc trực bảo vệ vua. Trải qua bốn đời, đến thời cố võ sư Trương Thăng (thân sinh của võ sư Trương Quang Kim) thì môn phái Võ Kinh Vạn Anh mới chính thức được khai lập và có tên trong danh vị các võ phái Việt Nam.

Võ sư Trương Quang Kim sinh năm 1955. Năm lên 7 tuổi, cậu bé Kim đã bắt đầu theo cha học võ thuật. ông kể lại: "Ban đầu tôi học võ không phải vì yêu thích đâu, mà vì cha bắt phải tập. Thế nhưng càng tập, tôi càng say mê với từng thế võ, rồi cái niềm đam mê ấy nó dính vào máu khi nào không biết". ông kể tiếp: "Vào thời đó, học võ chưa có đầy đủ dụng cụ như bây giờ. Để có thể luyện thành công phu Thiết Sa Chưởng, hàng ngày tôi phải miệt mài ngồi một mình trong động rồi dùng chưởng tay (lòng bàn tay sấp- ngửa) đánh từ nhẹ đến mạnh khoảng 4000 cái xuống cái bao cát trộn lẫn với đá sỏi".

Cứ như vậy trong vòng suốt 10 năm không ngừng nghỉ, đến lúc công phu thành, ông có thể dùng chưởng tay làm nát vụn cả một chồng ngói 50 viên xếp lên nhau. Tài năng, sự khổ luyện miệt mài, cộng thêm sự chỉ dạy khắt khe của người cha - cố võ sư Trương Thăng, đến năm 17 tuổi, chàng thanh niên Trương Quang Kim đã trở thành một võ sư lôi đài nổi tiếng ở dải đất miền Trung, bách chiến bách thắng và được giới võ lâm đương thời gọi là "hùm xám đất Huế".

Thời bấy giờ, có một võ sư người Pháp tên là Luis Philips, cũng là một cao thủ danh tiếng của môn võ Savate (môn võ cổ truyền của Pháp), nghe tiếng chàng trai Quang Kim võ nghệ cao cường nên đã tìm đến võ đường môn phái Vạn An để thách đấu. Philips có lợi thế về thể hình, cao to hơn hẳn võ sư Trương Quang Kim nên tỏ ra rất hung hăng, thế nhưng ngay khi mới vào trận, vừa tung ra một cú đấm dạo đầu thì ngay lập tức cú đấm của Philips đã bị võ sư Quang Kim dùng bàn tay chặn lại và nắm chặt. Dù cố gắng xoay xở hết sức nhưng Philips không tài nào nhúc nhích cử động được nắm đấm để thoát ra và cuối cùng anh đành xin thua ngay sau chiêu đầu tiên.

Khi nhắc đến võ sư Trương Quang Kim, giới võ lâm ai ai cũng đều phải bái phục ông, bởi bản lĩnh nội công vô cùng thâm hậu. Tại Festivan Tây Sơn 2007 ở Bình Định, với tuyệt kỹ công phu Thiết hầu công, ông đã làm ngỡ ngàng nhiều khách du lịch cũng như giới mộ điệu võ thuật trong và ngoài nước. ông dùng một sợi dây dài siết chặt phần giữa dây vào cổ, sau đó cột chặt 2 đầu dây vào đuôi 2 chiếc xe mô tô 125 phân khối. Tiếp đó cho 2 chiếc xe vô ga hết công suất di chuyển về 2 hướng đối ngược nhau để nhằm thắt vòng dây siết chặt cổ ông, thế nhưng dù đã vô ga hết công suất nhưng 2 chiếc mô tô vẫn không thể nào di chuyển được.

ông nói: "Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, khí công là tinh hoa của võ thuật, là nguồn cội của sức mạnh, luyện khí công không chỉ giúp người học có được sức khoẻ tốt mà còn giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh tật. Nếu phát huy được tinh hoa khí công trong võ thuật, võ cổ truyền Việt Nam sẽ có chỗ đứng cao hơn trong làng võ thế giới".

Truyền bá võ kinh

Nói về quá trình truyền bá võ kinh, võ sư Trương Quang Kim kể lại: "Trước đây, khi cụ thân sinh (cố võ sư Trương Thăng) còn sống, ông rất trăn trở với việc truyền bá Võ Kinh Vạn An nói riêng, võ cổ truyền Việt Nam nói chung. Nhìn thấy phong trào luyện tập võ cổ truyền Việt Nam ngày càng đi xuống, ông buồn lắm. Trước tình hình võ nước ngoài truyền bá vào nước ta ngày càng rộng rãi, trong khi đó võ cổ truyền dân tộc lại ngày càng mai một dần, võ sư Trương Thăng đã quyết định thành lập môn phái Võ Kinh Vạn An nhằm khôi phục và chấn hưng võ phái.




Năm 2002, võ sư Trương Thăng qua đời, trước khi nhắm mắt, ông vẫn còn nhắn nhủ lại người con trai: "Võ Việt là di sản vô giá của người Việt, con phải cố gắng giữ gìn và phát huy, làm sao cho mọi người dân Việt Nam sau này ai cũng được học võ Việt". Cũng chính từ lời trăn trối cuối cùng của người cha mà suốt bao năm qua, võ sư Trương Quang Kim với tâm huyết của mình đã luôn cố gắng không ngừng nghỉ đế truyền bá võ cổ truyền Việt Nam.

Quay ngược lại 20 năm về trước, lúc đó, hoàn cảnh gia đình võ sư Quang Kim còn đang rất khó khăn, thế nhưng mỗi khi đi đường, cứ thấy những em nhỏ nào mồ côi, đói khổ, không nơi nương tựa là ông lại thương cảm đưa về nhận làm con nuôi. Và rồi ông lại hết lòng truyền bá võ nghiệp cho chúng. Chính những người con ấy đã chung tay góp sức cùng cha mình đưa Võ Kinh Vạn An truyền bá sâu rộng như hôm nay. Khác với những bậc cao thủ võ lâm khác thường có tâm lý chung là giấu nghề, chỉ truyền tinh hoa võ công bản môn cho những người thân thích trong gia đình, thì với võ sư Trương Quang Kim, ông luôn dạy học trò mình bằng tất cả tấm lòng nhiệt huyết và vốn sở học mà ông có được. "Chính tâm lý giấu nghề đó đã làm mai một dần đi những tinh hoa của võ Việt", ông bộc bạch chia sẻ.

Trò chuyện với phóng viên, võ sư Trương Quang Kim tự hào cho biết, hiện nay tại khuôn viên tư gia, có hơn 100 võ sinh đang theo học Võ Kinh Vạn An. Còn trên địa bàn toàn TP Huế, Võ phái Vạn An có 13 câu lạc bộ với hơn 2000 võ sinh, một con số rất lớn. Mở rộng ra khắp các tỉnh miền Trung còn có hàng trăm câu lạc bộ lớn nhỏ khác. Hiện nay, Võ kinh Vạn An cũng là nơi cung cấp phần lớn vận động viên cho đội tuyển võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia các giải đấu lớn cấp quốc gia. Trong số các học trò của võ sư Trương Quang Kim, có thể kể đến những cái tên nổi bật như võ sĩ Nguyễn Danh Hiếu, vô địch đối kháng ở hạng cân 57- 60kg, võ sĩ Châu Phong Lộc, vô địch hạng cân 55-57kg tại giải võ cổ truyền quốc gia cúp Bảo Long năm 2007.

Không chỉ là môn phái có số lượng võ sinh vào loại lớn nhất ở miền Trung, Võ Kinh Vạn An là một trong những môn phái võ cổ truyền đầu tiên của Việt Nam áp dụng phương thức quảng bá hình ảnh bằng du lịch. Hiện tại môn phái đang kết hợp với ngành du lịch Huế mở các tour du lịch võ thuật, nhằm phục vụ cho du khách khắp nơi đến thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng tinh hoa võ Việt. Ngoài ra, môn phái còn tham gia vào các hoạt động của Festivan Huế cũng như các lễ hội lớn trong và ngoài nước khác. ông Kim cho biết: "Điều này góp phần quảng bá hình ảnh của môn phái nói riêng và võ cổ truyền Việt Nam nói chung ra phạm vi thế giới.

Sau nhiều năm chấn hưng và truyền bá Võ Kinh Vạn An, thành quả lớn nhất của võ sư Trương Quang Kim giờ đây là Võ Kinh Vạn An đã có mặt ở 30 nước trên thế giới. Hiện võ sư Trương Quang Kim đang là Uỷ viên Ban chấp hành Hội võ thuật cổ truyền Huế, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Hội võ thuật thế giới TLKF. Khi được hỏi về những mong ước trong tương lai của ông là gì, nhấp một ngụm trà, võ sư Trương Quang Kim nói: Mong muốn lớn nhất của tôi là võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, có chỗ đứng trên làng võ thuật thế giới. Người Việt Nam ai ai cũng hiểu và học võ của dân tộc mình!..

Nguyên Phi - Phong Hàn

Kỳ 2: "Con đại bàng" bên dòng Thạch Hãn