Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Vào cuối năm 1949, một vị bác sĩ quen thân với cha Padre Pio nhận được lá thư của một bà mẹ có con gái đau nặng. Bà mẹ xin cha Padre Pio cầu nguyện cho con gái của bà sớm bình phục. Vị bác sĩ thông cảm nỗi lòng người mẹ nên ông vội đi tìm cha Pio. Ông nói:

-Thưa cha Pio, con có môt lá thư mà người ta xin cha cầu nguyện. Con đọc thư cho cha nhé?

Cha Pio đáp:

-Bác sĩ có thể đọc cho tôi sau được không? Bây giờ tôi rất bận.

Tuy nhiên, lá thư ấy không được đọc sớm. Vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ phải rời San Giovanni Rotondo bởi có chuyện gấp trong gia đình. Khi trở lại, vị bác sĩ thấy lá thư ấy vẫn còn nằm trên chiếc bàn của phòng giải phẫu. Ông tự nhủ:

-Tội nghiệp cho bà mẹ này, tôi phải nói chuyện cho cha Pio vào tối nay thôi!

Thế là chiều hôm đó, vị bác sĩ vào phòng của cha Pio và đọc thư cho cha nghe. Đọc xong, ông ta hỏi cha Pio:

-Thưa cha, bây giờ con phải nói thế nào đây?

Cha Pio đáp:

-Hãy nói: “Xin vâng!”

-Cha nói cái gì?

-Tôi nói: “Hãy xin vâng!”

Lúc ấy, cô bé bịnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, vị bác sĩ biết rằng thời gian đã trôi qua từ lâu, có lẽ chậm mất rồi, nếu có cầu nguyện bây giờ thì cũng vô ích thôi. Nhưng cha Pio hiểu ông ta nghĩ gì nên cha nói tiếp:

-Có lẽ ông không hiểu rằng: bây giờ, tôi có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi có một cái chết hạnh phúc.

-Nhưng ông cố nội của cha đã chết từ nhiều năm về trước rồi mà!

-Tôi biết chứ, nhưng bây giờ, tôi vẫn có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi chết trong hạnh phúc. Để tôi giải thích cho ông rõ hơn. Ví dụ ông và tôi cùng chết, qua sự may mắn, và qua lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ, chúng ta phải đền tội trong luyện ngục 100 năm. Trong những năm này, không ai còn nhớ đến chúng ta để mà xin Thánh lễ cầu nguyện cho chúng ta hay đọc kinh đền tội cho ta. Ai cũng nghĩ rằng cha Padre Pio và ông bác sĩ đã chết lâu lắm rồi, họ đã xin lễ cho chúng ta rồi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì quá khứ và tương lai không hiện hữu. Tất cả đều là hiện tại vĩnh cửu. Các lời cầu nguyện được nhậm lời. Vậy tôi xin lập lại, bây giờ tôi vẫn có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố nội tôi!

Câu chuyện ngừng lại ở đó, rồi vị bác sĩ ra về. Đến nhà, vợ bác sĩ trao cho chồng một lá thư khác của bà mẹ cô bé bị bịnh. Bà cám ơn bác sĩ và cha Padre Pio vì con bà đã có dấu hiệu bình phục.

Hôm sau, bác sĩ lại đưa lá thư cho cha Padre Pio, cha mỉm cười:

- Hãy xin vâng nhé. Ông tưởng Thiên Chúa cần đến các thủ tục hành chánh như loài người ư? Chẳng lẽ người ta cần phải viết thư trên giấy để nhờ cha Pio xin ơn Chúa sao?

Trên đây quả thật là một câu chuyện làm cho mọi người phấn chấn tinh thần. Môt điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, cho dù họ đã chết rất lâu rồi, bởi vì với Thiên Chúa sẽ không có quá khứ hay tương lai, mà tất cả chỉ là hiện tại vĩnh cửu mà thôi.


Lời Chúc Bình An

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một người bạn của LM Alessio Parente là ông Vincenzo Mercurio đã kể cho cha Parente câu chuyện về người cha của ông ta như sau:

“Lúc tôi còn thơ ấu thì ba tôi thường làm công tác đạo đức. Ông hay rủ tôi cùng đi với ông, và tôi rất hân hoan được đi với ba tôi. Cha con tôi thường cùng nhau thức dậy sớm để đến nghĩa địa cầu nguyện cho người chết. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông dành ra 2 tiếng đồng hồ để thăm viếng mộ phần của người chết. Mỗi ngày Chúa nhật, ba tôi thường đọc kinh Cầu hồn trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa.

Trong các buổi sáng ấy, chúng tôi dậy rất sớm bởi vì ba tôi phải về nhà để đi làm trước 8 giờ sáng. Ba tôi có thói quen ở trong nhà thờ khoảng 1 tiếng rưỡi để cầu nguyện. Chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 40 phút. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được tại sao ba tôi lại dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho các linh hồn nơi nghĩa địa như thế. Rất nhiều lần, ba tôi phải đánh thức người gác cửa nghĩa địa để ông ta mở cửa sớm. Ba tôi thường đến viếng mộ của ba má ông, của thân nhân và bạn bè ông. Thế rồi ông đến nhà nguyện để cầu hồn cho người chết cùng với các người khác, rồi ông phụ giúp lễ buổi sáng. Ba tôi luôn chăm sóc cho các linh hồn và thăm hỏi họ rất ân cần.

Một hôm, vào ngày Tết Dương lịch, ba tôi cảm thấy thoải mái khi đi thăm mộ vì ông không phải vội vàng về đi làm. Thế là cha con tôi đến nhà nguyện dành cho Đức Me. Sau khi cầu nguyện xong, ông chào các linh hồn: “Chúc qúy vị bình an!” Ngay tức khắc, tôi nghe một giọng nói của trẻ thơ vọng trả lời:

“Chúc ba bình an!”

Tôi tò mò hỏi ba tôi xem giọng nói ấy là của ai vậy? Ba tôi đáp:

-Đó là tiếng của em trai con thay mặt cho các linh hồn để trả lời ba. Con có biết rằng các thân nhân của chúng ta đều được chôn ở trong nhà nguyện ấy không?

Lúc đó, tôi mới biết rằng đại gia đình tôi được chôn trong nhà nguyện. Tôi có thể kể cách chính xác nơi phát xuất ra giọng nói đáp lời ba của tôi, dù rằng nơi ấy giờ chỉ còn xương người chết mà thôi. Sau đó, chúng tôi đến các mộ phần khác ở trong nhà nguyện chính. Tôi không còn nghĩ đến giọng nói của trẻ thơ kia. Nhưng khi ba tôi nói lời chúc bình an thì tôi lại nghe một giọng nói của bà cụ già đáp lại:

“Chúc ông bình an!”

Tôi nói với ba tôi là tôi vừa nghe lời chúc của một bà cụ già, ba tôi nói chuyện một cách thản nhiên:

-Ồ, đó là giọng nói của một người nghèo trong gia tộc mình. Các người này nghèo nên họ không thể mua nổi một nấm mộ riêng, vì thế họ được chôn chung ở chỗ này. Câu chuyên này được xem như bình thường, vì thế ba tôi và tôi không kể lại cho gia đình nghe. Câu chuyện này chỉ trở lại trong ký ức của tôi khi mà tôi trở lại với niềm tin Công giáo để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, và qua sự hướng dẫn của cha Thánh Padre Pio.

Các linh hồn Thánh thiện cho phép ba tôi chăm sóc cho họ, và họ cũng bảo vệ ba tôi. Ba tôi biết điều ấy, và ông rất mang ơn các linh hồn. Ông đối xử với các linh hồn như họ là người thân trong gia đình ông. Ba tôi mong ước được trở thành người canh cửa nghĩa địa.

Với niềm tin tưởng, tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng sớm kia, khi ba tôi đang chờ đợi người canh cửa nghĩa địa mở cửa cho ông vào, vì cửa còn đóng kín. Ông thấy nhà nguyện chính được thắp sáng bởi một luồng ánh sáng tuyệt vời. Vì ba tôi siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn nên ông không hỏi người canh cửa nghĩa địa về bất cứ điều gì. Trong thâm tâm, ba nghĩ rằng ông kia đến nhà nguyện trước để chuẩn bị cho Thánh lễ và cho việc cầu hồn.

Thế rồi ba tôi đến thăm từng mộ phần, và các phần mộ chôn chung khác. Nhưng khi ba tôi đến nhà nguyện chính thì nơi đây vẫn còn đóng kín cửa. Ba tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nguyện chính chưa hề được mở cửa. Thế mà ba tôi đã chính mắt nhìn thấy vào nửa giờ trước đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng như là đã có một Thánh lễ vĩ đại xẩy ra ở nơi ấy.

Thân Phụ Của Cha Thánh Padre Pio Nhìn Thấy Hai Linh Hồn Về
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Linh mục Francesco Napolitano kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây:

Vào năm 1928, cha của Cha Thánh Padre Pio là Ông Orazio thường đến thăm con trai ở vùng San Giovanni Rotondo trong một vài ngày. Một buổi tối kia, sau bữa cơm tối, ông Orazio chào con và các tu sĩ khác để lên lầu ngủ. Căn phòng đựơc giao cho ông nằm trên lầu 1, và là phòng số 10. Lên đến nơi, ông Orazio ngạc nhiên khi thấy hai tu sĩ đứng ngay trước cửa phòng của ông và không cho ông vào phòng.

Ông Orazio thấy đó là hai tu sĩ lạ mặt, và có lẽ họ đi lộn phòng. Lúc ấy, các tu sĩ thường đến thăm viếng cha Padre Pio để xin ngài ban phép lành cho. Ông lịch sự giải thích rằng đây là phòng được dành riêng cho ông, xin họ cho phép ông đi vào. Nhưng vô ích, ông lập lại câu nói vài lần nữa nhưng hai người kia không trả lời. Cảm thấy khó chịu, ông dùng hết sức lực để bước vào phòng. Ông còn cho họ biết rằng đây chỉ cómột giường, chứ không có hai giường.

Khi ông cố gắng vượt qua hai tu sĩ thì họ bổng biến mất. Quá hoảng sợ, ông vội chạy đi tìm con là cha Thánh Padre Pio để kể cho con nghe. Cha Padre Pio hiểu ngay câu chuyện. Ngài bèn quàng tay qua vai cha mình và dùng lời lẽ để trấn an và khuyến khích cha đi ngủ.

Khi thấy cha lấy lại sự bình tĩnh, cha Pio nói với cha mình:

-Thưa ba, đó là hai vị tu sĩ đang ở luyện ngục. Họ phải làm việc đền tội ở chỗ mà họ đã phạm lề luật của thánh Phanxico. Xin ba yên tâm và đi ngủ trong sự bình an, bởi vì họ sẽ không đến làm phiền ba nữa đâu!

Thế rồi, cha Padre Pio đưa cha mình lên phòng số 10 và ngồi đợi cho đến khi người cha lên giường. Ngài chào cha và trở lại phòng mình.

Có lẽ người đọc tưởng rằng bất cứ linh hồn nào cũng có thể hiện về với người sống phải không? Không phải như thế đâu. Một người chết không thể trở về, nếu như Chúa không cho phép, bởi vì người chết không có quyền trên thân xác vật chất của mình nữa. “Chúa có thể cho phép linh hồn của người tín hữu trở về với người sống vì một mục đích hữu ích, và chủ yếu là biểu lộ sự thật.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, linh hồn người chết, qua lòng thương xót vô biên và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, thì có thể hiện về với người sống. Chúng ta có lời của cha Padre Pio, của các thánh, và những người đạo đức khác.