Một Thoáng Suy Tư


Tầm Xuân, CMC

Chết là Cuộc Sống Mới
Phải chăng đời người chỉ gói trọn trong hai chữ "Sống và Chết." Thật vậy, con người sinh ra ở đời này không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Vì đã có sinh thì lại có tử, không trước thì sau, không sớm thì muộn, thần chết sẽ đến với ta một cách bất ngờ, đó là định luật của con người. Lối đi một chiều không có ngày trở lại.
Kinh nghiệm cho thấy, từ xa xưa đến nay, không có ai được sống mãi. Vào năm 2002, ông Yukichi Chuganji, người Nhật bản đã mừng ngày sinh nhật thứ 113th; và năm 2003, bà Kamato Hongo cũng ở nhật bản đã được toàn thế giới cho là người sống lâu nhất là 116th tuổi. Hai ông bà này được coi là người đã sống lâu nhất thế giới. Tuy đã được xem là sống lâu nhất, nhưng không thể nói là được sống mãi không bao giờ chết. Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu ai cũng sống mãi mà không chết đi, thì thế giới ngày nay có chỗ đâu cho người ta ở. Chắc gia đình bạn phải xây thêm mấy cái nhà nữa mới đủ. Nhưng thật tế đâu có vậy, từ lúc ông bà tổ Adong Eva phạm tội, con người đã đánh mất đi ơn bất tử trên dương thế. Chính tội đã làm cho bạn và tôi cùng chung một số phận phải chết.
Vào thời cựu ước, Ông Adam sống được 930 tuổi (St 5:5); Sét, con Adam, sống được 912 tuổi (St 5:80); rồi Abraham sống được một trăm bảy mươi lăm tuổi (St 25;7); Bà Sara vợ ông sống được một trăm hai bảy tuổi (St 23:1). Chúng ta không được biết sao những người thời xưa sống được lâu như thế, có lẽ họ tính chu kỳ thời gian một năm hoặc một tháng ít hơn chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, dù sống được bao nhiêu năm đi nữa, rồi cuối cùng cũng lãnh lấy cái chết.
Nhiều người quan niệm rằng, "chết là hết." Thật vậy, khi nhắm xuôi tay, chúng ta không còn gì khác ngoài trừ một cái xác không hồn bất động, một bộ xương khô, rồi cuối cùng trở thành một nắm tro tàn cuốn theo chiều gió. "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro (Kn 3:19)." Cái chết là hết sự đời. Bao nhiêu thành công tiền của, đã một thời vất vả gom góp đều tan theo mây khói. Muốn đem theo cũng chẳng được, nuối tiếc cũng đã muộn màng. Những ý định cho hiện tại, những mộng ước cho tương lại đều trở nên ảo tưởng. Mọi sự ở đời này trở nên vô ích khi thần chết đến viếng thăm.
Vì cùng một quan niệm "chết là hết", nên nhiều người đã không muốn nhắc đến cái chết, không muốn đối diện với thực tại của sự chết. Lúc còn nhỏ, mỗi khi các trẻ con đề cập đến cái chết, thì bố mẹ đều ngăn cấm không được nói. Cách đây khoảng mấy năm về trước, tôi nói đùa với bà cô tôi rằng, "Cháu có một linh tính là chỉ sống đến ba mươi tuổi là hết đời." Bà liền trách thương tôi, "Cháu đừng nói vậy, xuôi xẻo lắm." Tuy là nói vậy, chứ bạn đâu biết là bạn có thể sống đến ngày mai hay không? Có người ra đi rất trẻ mới chỉ có đôi mươi hoặc ba mươi xuân xanh. Lại có người sống đến răng long tóc bạc. Nhưng không ai có thể bảo đảm và biết chắc được cái chết của riêng mình. Chúng ta chỉ biết là một con người sức khõe dồi dào, thì có thể sống lâu hơn một con người đau yếu bệnh tật. Đây là chúng ta không kể đến những tai ương bất ngờ xảy đến.
Lý do người ta không muốn nhắc đến hoặc đối diện với cái chết là vì họ chưa sẵn sàng để ra đi. Họ sợ bỏ lại những người thân yêu, bỏ lại của cải vật chất, sự giàu sang đang được hưởng dùng. Nói cách khác, họ còn lưu luyến những cái tạm bợ ở đời này. Họ ví cái chết như một con dao hai lưỡi vô tình cắt đứt sự quan hệ giữa người với người, giữa người thân yêu đã một thời chung sống. Hơn nữa, sự chết sẽ tướt đoạt đi tất cả những gì họ yêu quý nhất, những gì họ đã bao năm lăn lộn với mồ hôi nước mắt, dầm mưa dãi nắng mà nay chưa được một lần tận hưởng. Nhưng thần chết đâu có thương xót một ai, miễn trừ cho kẻ nào. Từ một ông vua quyền quí cho đến một bác thợ mộc nghèo nàn đều phải bước qua ngưỡng cửa của sự chết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sợ và xa lánh cái chết. Vì có lắm kẻ đã tìm đến cái chết để thoát ly nợ đời; khi phải đối điện với chán chường thất vọng, đau khổ, khó khăn hoặc khủng hoảng tinh thần trong cuộc sống. Cùng đường bí lối, u sầu tuyệt vọng. Họ nghỉ rằng chỉ có cái chết mới là phương dược tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề ngang trái. Chết đi thì còn đâu mà đau khổ, còn đâu mà nợ nần. Mọi đau khổ, lo lắng, phiền não, vương vấn của kiếp người đều tiêu tan theo bụi trần.
Nhưng họ đã lầm to, vì chết chưa phải là hết, vì theo phương diện tôn giáo, thì "chết đi là để bắt đầu một cuộc sống mới."
Đạo Phật quan niệm rằng, "Sau khi chết, nếu khi còn sống ở đời này, người ta ăn ở ngay lành, sống từ bi xã hỷ với mọi người, thì hồn thiêng của họ sẽ được đi về cõi cực lạc." Có thể gọi là Thiên Đàng như đạo Công Giáo. Vì thế, chúng ta thường thấy sau khi người thân chết, người ta hay tung hoặc đốt giấy bạc, vì họ nghĩ rằng, giấy bạc đó có thể trở thành phương tiện sống cho người chết trong cuộc sống mới. Còn những ai sống trong tội lỗi, phụ bạc xa hoa, thì họ sẽ đầu thai thành một con vật hoặc một người khác, để tiếp tục đền tội của mình. Tội nặng thì được đầu thai trong bậc sống thấp hơn, chẳng hạn như con giun con dế; còn tội nhẹ thì được liệt kê vào bậc cao hơn. Ác qủa ác báo. Mọi sự đều được sử phạt tùy theo cách sống của mỗi người.
Riêng đạo Công Giáo, "Mỗi người lãnh nhận một linh hồn bất tử, phần trả công muôn đời cho mình, ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời" (GLCG #1022)
Điều mà nhiều người đang sợ hãi là bốn điều sau cùng của đời người, quen được gọi là "Tứ Chung", Chết, Phán xét, Thiên Đàng, và Hỏa Ngục. Cuộc phán xét sẽ được phân rẻ ra hai loại "Chiên và Dê." Chiên được phân biệt ra hai loại nữa; những người sạch tội, không còn vướng mắc một tí vết nào, thì sẽ được lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời. Theo Giáo Lý Công Giáo, "Thiên đàng dành cho những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa, vì họ thấy Ngài "đúng như Ngài là, mặt giáp mặt" (#1023).
Còn "những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng" (GLCG 1030). Vì thế, ngày nay, nhiều ông bà cha mẹ của chúng ta thường hay xin lễ để cầu nguyện cho những người qúa cố. Nhờ những thánh lễ Misa, để xin Chúa nhân từ xóa hết mọi tội và đưa họ về hưởng phúc trường sinh.
Riêng về Hoả Ngục là nơi dành riêng cho "những ai chết trong tội trọng mà không sám hối và không đón nhận tình thương đầy từ bi của Thiên Chúa. Có nghĩa là sẽ mãi mãi lìa xa Chúa do sự tự do lựa chọn của họ. Họ phạm tội cách nặng nề chống lại Ngài, chống lại tha nhân hoặc chống lại bản thân họ: 'Ai không yêu mến thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình thì nó là tên sát nhân, mà anh chị em biết không một kẻ sát nhân nào có sự sống vĩnh cửu ở trong mình' (1 Ga 3:14-15). Và danh từ "Hoả Ngục" được dùng để chỉ tình trạng ly khai cách chung cuộc khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa và với các thánh trên trời" (GLCG # 1033).
Nếu tin rằng, chết là đi vào một cuộc sống mới, thì cuộc sống ở dương thế này chỉ mới bắt đầu nối tiếp hành trình cho kiếp sau. Vì thế, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình một gói hành trang thật đầy đủ cho cuộc sống mai hậu. Chắc chắn không phải chúng ta sẽ tích lũy cho mình một kho tàng vật chất, như xây nhà lầu sắm xe hơi, hoặc tìm cách xây thêm phòng chứa để dự trữ của cải lương thực. Vì tích lũy mà không dùng được cho cuộc hành trình thì qúa uổng phí. Nhưng chúng ta hãy tích lũy cho mình một kho tàng trên trời, nơi mà mối mọt không thể đục khoét, phong ba bão táp không thể xô gã. Vậy làm sao để sắm cho mình được một kho tàng quí giá thiêng liêng đó?
Thưởng hay phạt là do cách thức sống của chúng ta đối với Thiên Chúa và cư sử với tha nhân khi còn ở tại dương thế này. Theo quyên tắc luân lý, "con người có khuynh hướng thích làm điều thiện, và tránh xa mọi điều xấu." Điều tốt dẫn con người đến sự thiện, và điều xấu đưa con người đến tội lỗi. Sự thiện là phương tiện đưa con người đến sự sống vĩnh cữu để họ hưởng được niềm hạnh phúc cùng với Thiên Chúa. Còn tội đẩy họ đến gần sự chết và bị án phạt đời đời. Vì thế, hãy ăn ngay ở lành, xa tránh các thứ tội lỗi làm mất lòng Chúa, gạt bỏ đi nếp sống bạc bẽo tình người, sống trong xa đoạ ngoan cố không chịu hối cải, khinh thường bỏ bê lệ luật đạo thánh Chúa. Thiên Đàng sẽ có sẵn sàng một chỗ tốt lành ấm áp cho bạn, nếu bạn tôn thờ một Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Trong cuộc sống thường ngày, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét mình, biết lấy ơn báo oán. Được như vậy, bạn sẽ không còn sợ khi thần chết đến hỏi thăm, vì bạn đã sẵn sàng gói hành trang cho cuộc hành trình kế tiếp.
Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Roma, "Không ai được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa" (Rm 14:7-8).