kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Nhà Sư Và 218 "đứa Con"

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nhà Sư Và 218 "đứa Con"

    Nhà sư và 218 “đứa con”

    [04.02.2008 22:01]

    Thầy Thiện Chiếu cùng vui với trẻ em khuyết tật (hình đâu mất tiêu rồi!)

    Biết chùa hay làm phước cứu người, nên cứ vài ba tháng lại nghe tiếng “oe oe” trước cửa chùa và thầy lại có thêm một "đứa con"...



    Lung linh một trái tim


    Thấy tôi loanh quanh trước chùa, nhưng lại không cầm nhang, không có trái cây lễ Phật, bà bán hàng rong trước chùa Kỳ Quang II hỏi: "Có phải chú định vào chùa để mát-xa Nhật? Vào đi! Các con thầy Thiện Chiếu sẽ bấm huyệt, châm cứu cho chú. Hay lắm".

    Mát-xa kiểu Nhật, do ông Sasaki - một người mù ở Kobe-Nhật Bản truyền dạy và đang được áp dụng tại đây, tôi có nghe nói. Nhưng chuyện thầy Thích Thiện Chiếu (trụ trì chùa Kỳ Quang II - P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) có... "các con" thì nay mới nghe.

    Hôm gặp thầy Thiện Chiếu, tôi mạo muội hỏi thầy chuyện này. Thầy nói: "Thầy hay thức sớm để tụng kinh, thỉnh thoảng lại nghe có tiếng “oe oe” trước cửa chùa. Lúc thì người ta bỏ đứa bé vào trong cái thùng các-tông, lúc thì quấn trong cái chăn. Thầy biết có ai đó đã từ chối một sinh linh vừa chào đời, thầy mang vào chùa nuôi".

    Vài ba tháng, thầy lại có thêm một "đứa con". Biết chùa hay làm phước cứu người, thỉnh thoảng các bệnh viện điện thoại đến nhờ thầy nuôi hộ một đứa bé bị sản phụ bỏ lại bệnh viện. Nghe chuyện, thầy lại xếp kinh kệ, chạy đi...

    Trong chùa hiện có tổng cộng 218 "đứa con" như vậy. Tất cả đều cất tiếng khóc chào đời mà không có cha có mẹ, đang được thầy và các môn đệ bảo bọc, chở che.

    Thầy Thiện Chiếu luôn tất bật, luôn xê dịch. Tôi có cảm giác thầy "nhập thế" phần lớn thời gian tu hành cho tha nhân, "bể khổ" hơn là cho kinh kệ. Nhiều lần điện thoại đến chùa, tôi luôn nghe đầu dây bên kia trả lời "Thầy đi rồi" - "Đi đâu?" - "Đi làm từ thiện".

    Hôm gặp tôi, trời gần tắt nắng nhưng thầy cho biết bà con nghèo ở đâu đó đang chờ thầy, nên thầy đề nghị chỉ trao đổi 15 phút thôi, nhưng cũng không trọn vẹn. Thay vì "trao đổi", thầy tranh thủ dắt tôi đi thăm các cháu. Gian nhà phía sau chùa khá rộng, có nhiều phòng dành nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tật nguyền. Gặp các cháu, thầy gọi "con, con".

    Dường như đã thành thói quen, các em rất thích mân mê cái đầu... không tóc của thầy. Không nề hà, thầy cúi đầu thật thấp để các em tự do nghịch ngợm, miệng vẫn cười tươi. Chỉ được một lúc, thầy bảo lúc này ngoài miền Trung nhiều tin chẳng lành, lòng thầy không yên được. Thầy lại đi.

    Thượng tọa Thích Thiện Chiếu kể rằng: "Cuối năm 1994, có đôi trẻ tật nguyền lang thang đến trước sân chùa; một bé trai mù vai cõng một bé trai khác què lệch đôi chân, dắt dìu nhau tìm phương sinh sống khiến lòng tôi thấy bồi hồi xúc động, cảm thương nên tiếp nhận vào chùa chia sẻ bữa cơm thanh đạm. Từ đó bổn tự nảy ra ý định kêu gọi từ tâm của thập phương phật tử xây dựng mái ấm tình thương ngay trong khuôn viên chùa để cưu mang, giúp đỡ những trẻ em tật nguyền, khiếm thị lang thang kiếm sống".a

    Trong khuôn viên chùa Kỳ Quang II có Tuệ Tĩnh đường khá lớn chuyên khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn người bệnh. Chùa còn có một trung tâm tư vấn người có HIV và một CLB võ thuật cổ truyền; cả hai loại hình hoạt động này đều miễn phí. Ngoài ra, thầy Thiện Chiếu còn là vị "cứu nhân độ thế" của hàng vạn đồng bào nghèo, đồng bào bị thiên tai.


    Các "con" thầy, trừ một số khiếm thị, nghễnh ngãng, bại não... được nuôi dạy theo phương pháp riêng, còn lại đều được thầy cho đi học lớp "tình thương". Số lớn hơn thì vừa học, vừa làm nhang hoặc theo thầy Sasaki châm cứu, bấm huyệt cho bá tính. Việc mát-xa, bấm huyệt là hoàn toàn miễn phí. Nếu khách thành tâm thì cúng dường cho chùa, tùy hỷ.

    Tiếp xúc với các em, nghe cô bảo mẫu kể chuyện đạo - đời "sắc sắc, không không", lòng tôi nhẹ nhõm. Một cô bảo mẫu (xin không nêu tên) cho biết: quê ở Tây Nam bộ, thi rớt đại học lên Sài Gòn kiếm sống, nhưng chưa tìm được việc làm, cuối cùng về chùa này nương nhờ cửa Phật. Những công việc ở đây là tự nguyện; không ai là chủ, không ai là tớ. Thu nhập của bảo mẫu (khoảng 500-600 ngàn đồng/tháng) tùy vào lòng hảo tâm của thí chủ.

    Quanh quẩn trong chùa, tôi gặp nhiều người cũng đang nương nhờ cửa Phật như các cô bảo mẫu. Hoàn cảnh của họ trước khi vào chùa đều éo le, bi kịch như nhau. Nhiều người nói với tôi rằng, nếu không có thầy Thiện Chiếu ra tay cứu độ thì họ cũng không biết rồi sẽ sống ra sao...

    Ngôi chùa “4 không”

    Kiến trúc chùa Kỳ Quang II do chính thầy Thiện Chiếu phác họa, trông rất lạ mắt. Nhìn tổng thể, nó như một cái hang động; dựa theo mô-típ văn hóa "5 non, 7 núi", "9 phương trời, 10 phương Phật". Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, đó là không gian của Đức Phật Thích Ca ngồi thiền để tìm một cõi vĩnh hằng cho nhân loại sau khi Ngài ngộ ra rằng cuộc đời chỉ là một vòng luân hồi "sinh, lão, bệnh, tử"; là bể khổ tham, sân, si. Người Sài Gòn gặp chuyện phiền muộn thường tìm đến đây trút gánh ưu tư. Hôm đến chùa, tôi thấy nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Nhật, Hàn Quốc tỏ ra rất thích kiểu kiến trúc độc đáo này.

    Chùa xây dựng theo nguyên tắc "4 không": không tường, không cửa, không cột và không đà. Nói đúng hơn là cũng có cột, có đà nhưng được biến hóa và che giấu rất kín. Tại sao lại phải như vậy? Thầy Thiện Chiếu giải thích: đã là chùa thì phải luôn rộng mở (không cửa) và không bị ngăn cách giữa người với người (không tường). Phật tử vào đây sẽ thảnh thơi, an nhiên, tự tại, không bị trói buộc vì điều gì (không cột). Cái đà trên trần nhà dễ làm cho người ta có cảm giác bị đè nặng, dồn nén, không giải thoát được (không đà). Đại ý là vậy...

    Làm phước là "chuyện thường ngày" của thầy Thiện Chiếu. Ấy vậy mà thầy lại không chịu cho ai gọi mình là "ân nhân". Thầy bảo, thầy chỉ là người tu hành, nhưng chưa thể xa lánh trần tục. Tiền bạc giúp đỡ người nghèo, làm từ thiện là do bá tính đóng góp thành, thầy không có gì. Dân mình còn nhiều người khổ, thầy muốn se mối nhân duyên, kết nối những tấm lòng từ bi lại với nhau giúp đồng bào ruột thịt. Vậy thôi.

    Nguyên Thủy( Phật việt)

  2. #2

    Mặc định

    Mục đích chúng ta có mặt trong cuộc đời này ?

    [12.03.2008 12:01]


    PTVN - Trong xã hội hiện tại có rất nhiều người Tu Hành, nhưng chân chánh để biết thế nào là Tu Hành, hiểu rõ mục đích của việc tu hành thì lại rất ít. Rốt cuộc, vì sao chúng ta phải Tu Hành? Nên Tu như thế nào? Mọi người suy nghĩ xem. Hôm nay chúng ta có mặt trong cuộc đời này, là từ đâu mà đến? Là vì muốn làm Đại Quan, thành Đại Sự, phát Đại Tài, hay là lại đây để làm thành tựu cái đại nguyện của quá khứ? Nếu như chúng ta không suy nghĩ thấu đáo, thì rất khó hiểu rõ ý nghĩa chơn chánh của việc Tu Hành.




    Rất nhiều người trong quá khứ, khi Đức Phật còn tại thế, đều nương theo Ngài mà tu hành và cũng phát nguyện muốn thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Nhưng vì không cố gắng tu hành để đạt đến quả vị cứu cánh của cảnh giới Chư Phật. Bởi vậy, trong đời này lại tiếp tục đến cảnh giới Ta Bà để tu tập, thì đây cũng có thể nói là: Chúng ta trở lại với cuộc đời này là để hoàn thành túc nguyện của quá khứ. Và cũng có thể nói là trong quá khứ chúng ta đã thành tựu quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, thậm chí cả Bồ tát, nhưng vẫn chưa phải là cứu cánh rốt ráo. Bởi vậy, mới phát nguyện trở lại cuộc đời này tiếp tục tu tập, thì đây gọi là:「Sự Trở Lại Của Con Người」nói khác hơn là tái sanh. Tuy nhiên, cũng có người là vì có duyên với Phật, nên đời nay, kiếp này có thể tu hành theo chánh pháp, mong được giải thoát tâm tánh, rồi mới trở lại cảnh giới của Chư Phật.

    Do đó có thể biết, chúng ta trong cuộc đời này là phải giải quyết vị lai muôn ngàn ức kiếp không còn phải luân hồi tái sanh, mà phải vĩnh viễn sanh về cảnh giới của chư Phật, đây là mấu chốt cực kỳ quan trọng. Và cũng có thể nói việc tu hành của đời này là: Tâm tánh tiếp tục lưu chuyển trong lục đạo hay có thể giải thoát tự tại. Bởi vậy, nó được coi rất là quan trọng.

    Tuy nhiên, mục đích của chúng ta có mặt trong cuộc đời này là để tu tập, để thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Thế thì, chúng ta cần Tu như thế nào, mới là viên mãn tu hành, mới là thành tựu cứu cánh? Tức là phải tu hành chánh pháp. Thế nào gọi là chánh pháp? Chánh pháp là chúng ta có thể thành tựu Pháp của đức Phật. Bởi vây, chúng ta cần phải nương tựa vào lời nói của Đức Phật trong kinh điển「Như Pháp Khai Thị」Không phải chỉ có đọc tụng bằng văn tự, mà phải suy ngẫm.

    Lấy ví dụ lại nói, mỗi ngay chúng ta cúng dường thức ăn cơm cho sắc thân này, thì phải dùng gạo để nấu thành cơm. Nếu như gạo không nấu thành cơm, thì thứ gạo ấy không thể duy trì được sinh mạng của chúng ta. Phật pháp cũng như thế, Phật nói chánh pháp thì cũng giống như là thứ gạo ấy, nhất định phải trãi qua quá trình khai ngộ, biến thành cơm chín, mới biến thành tâm tánh, đó gọi là trí tuệ. Như thế, chúng ta rất giống đức Phật, có thể trong đời này, kiếp này thành tựu được Vô Thượng Bồ Đề.

    Sau khi「Như Pháp Khai Ngộ」, tiếp theo là phải「Như Thị Thiền Hành」là phải nương vào Trí Tuệ của sự Khai Ngộ mà Thiền Định, mà hành Bồ Tát Đạo. Cuối cùng là「Như Thật Kiến Chứng」nghĩa là khi chúng ta hành Bồ Tát Đạo, đạt được tất cả các thứ, trong lúc đi vào Thiền định thấy chứng Phật đạo. Do đó có thể biết,「Như Pháp Khai Ngộ,Như Thị Thiền Hành, Như Thật Kiến Chứng」là lúc chúng ta đang nghe chánh pháp hoặc nương vào bộ kinh nào đó để tu tập, thì cần phải y cứ vào những quá trình này.

    Mục đích của việc tu hành là muốn thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, cũng có nghĩa là phải Minh Tâm Kiến Tánh, Kiến Phật Thành Phật. Nếu như không vì mục đích này, thì một chút ý nghĩa cũng không có.

    Lấy hình ảnh của đức Thế Tôn ra mà nói, tuy Ngài là một thái tử sống trong nhung lụa quyền uy của một quốc gia. Nhưng Ngài xả bỏ hết tất cả những vinh hoa phú qúy. Lúc Ngài vừa tròn 19 tuổi thi lìa xa hoàng cung, vào rừng sâu tìm thầy khai Ngộ mà tu hành (ở đây không thể nói Đức Phật「Xuất Gia」tu hành, bởi vì「Xuất Gia」hiện tại đã biến thành một danh từ chuyên môn, nhưng lúc đức Phật tu hành khổ hạnh thì lại chưa có Tăng đoàn. Bởi vậy, không thể nói là「Xuất Gia」được)Ngài đã lảng phí trong sáu năm Tu khổ hạnh với pháp tu Tiên. Cuối cùng, một ngày chỉ ăn một hạt Gạo hoặc một hạt Mè để duy trì Sắc Thân. Bởi vì, đương thời đức Thế Tôn và một vài vị Tiên Nhân tu khổ hạnh đều cho rằng trong thân thể có một Phật tánh rất là tôn quý, hy vọng rằng Phật tánh từ trong xác thân ấy có thể được Giải Thoát. Bởi vậy, phải vứt bỏ hết các Trần Cảnh bên ngoài của cuộc sống này, nên phải dùng các phương pháp để tự giày vò, xem Phật tánh có trở lại hay không. Đây là một vài pháp tu khổ hạnh thật sự rất vất vả, rất cực nhọc. Nhưng chỉ có tinh thần kiên nhẫn như thế này mới có thể giải trừ tứ tướng của con người(Nhân Tướng, Ngã Tướng, Chúng Sanh Tuớng, Thọ Giả Tướng)mới có thể đoạn trừ tâm Ích kỉ, tâm Tham, tâm Sân, tâm Si, tâm Mạn và tâm Nghi của con người. Nên họ có thể vứt bỏ tất cả những nhu cầu thiết yếu của con người. Đến một lúc không cần những thứ ấy, thì mới có thể làm cho tâm tánh thanh tịnh, thành tựu được Thanh Văn, Duyên Giác Giới và cũng có thể là Bích Chi Phật. Tuy nhiên, lúc Thế Tôn đã thành tựu Bích Chi Phật rồi, nhưng Ngài vẫn chưa mãn nguyện. Bởi vì, Bích Chi Phật vẫn chưa cứu cánh rốt ráo, tuy đã nhập vào thánh vị, nhưng vẫn chưa được tối viên mãn. Bởi vậy, Ngài lìa bỏ các vị tiên nhân tu khổ hạnh, tìm đến dưới cội Bồ Đề mà ngồi thiền định.

    Trong thời gian đức Phật tu hành, tuy phung phí với thời gian 6 năm, nhưng Ngài giải thoát được những chướng ngại của thân tâm. Mọi người không thể tưởng tượng rằng ngài phải tự đối đầu với Ngã Chấp, Pháp Chấp, Tam Độc, Nhị Tà...Nhưng rốt cuộc Giải Thoát được bao nhiêu?

    Vậy thế nào mới có thể thành tựu được Phật Đạo? chúng ta có thể suy nghĩ như thế này: Gần nhất với quả vị Phật là gì? Đương nhiên là Bồ Tát. Bởi vậy, Người tu hành phải bắt đầu từ Bồ Tát mà khởi Tu, cần phải Hành Bồ Tát Đạo. Thế nào là Bồ Tát? Trong Kinh Kim Cang có nói:「Nếu còn có Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng, tức chẳng phải Bồ Tát若有我相 人相 眾生相 壽者相 即非菩薩」Bởi vây, là một vị Bồ Tát, thì không cần có các tướng trên và cũng không nên Chấp Trước những Danh Lợi, Địa Vị, Quyền Lực, thậm chí đến Ái Tình.v v... của thế gian. Tất cả đều là Tùy Duyên, mới có thể làm cho Tâm đầy đủ An Lạc.

    Người Tu Hành cần phải giải thoát tất cả những chướng ngại về thân thể, về tâm lý. Thế nào gọi là chướng ngại về thân thể? Tức là những thứ bệnh tật của Thân Thể. Thế nào gọi là chướng ngại về tâm lý? Tức là phiền não, thống khổ, gian ngại, bất bình.v.v...Đức Phật đã lợi dụng trong 6 năm ấy để giải thoát thân tâm, không những độ tận xác thân của chúng sanh, mà còn tịnh hóa được cả nội tâm, không còn trở lại phiền não địa ngục. Bởi vậy, khi chúng ta tu hành cũng cần phải làm giống đức Phật như vậy. Tức là xác Thân của chúng sanh phải hoàn toàn độ hóa và tâm lý cũng phải dứt trừ hết mọi phiền não, mới có thể tự tại, pháp hỷ sung mãn. Đây mới đích thật là Chân Chánh Tu Hành.

    Nhưng kỳ thật, tất cả những sinh hoạt trong đời thường cũng đều là tu tập, trong mọi lúc, mọi nơi đều phải chuyên tâm gìn giữ, thống nhất tinh thần và lòng Từ bi. Nếu như trong lúc làm công việc mà chúng ta vẫn giữ được chuyên tâm, thì đó cũng chính là đang tu tập. Nếu chúng ta có thể chân chánh hiểu rõ ý nghĩa của sự tu hành, bất luận là trong sinh hoạt, trong công tác, hay là về phương diện tinh thần, đều không bị tán loạn, cũng không bị phiền não. Chúng Ta biết chiến đấu và giữ mình, không những thành tựu trong công việc mà trong cuộc sống luôn mang lại An Lạc và Hạnh Phúc.

    Do đó có thể biết, tu hành không phải là ngồi một chỗ, hoặc là xem Kinh, tụng Kinh, niệm Phật, Trì Chú.v v.... mà việc đầu tiên là ccần phải làm cho thân tâm an lạc, sau đó mới mong được giải thoát Tâm Tánh. Bởi vì, bản lai diện mục của tâm tánh là thanh tịnh. Trong Lục Tổ Đàn Kinh, Ngài Huệ Năng có nói:「Tự Tánh vốn tự Thanh Tịnh」. Nếu chúng ta có thể giữ gìn cái Tự Tánh ban đầu ấy được thanh tịnh, không có sự nhiễm ô của cảnh trần, thì tự nhiên có thể thấy được cảnh giới của quang minh. Hôm nay, chúng ta xem không thấy cảnh giới của quang minh, thì cũng giống như ánh mặt trời đã bị mây mù che phủ. Những áng mây mù đó là gì? Đó là những căn tánh, tập khí xấu của chúng sanh, là phiền não của chúng sanh, là nhu cầu và dục vọng của chúng sanh... Bởi vậy, chân chánh tu hành là cần phải đạt được Vô Dục, Vô Niệm.

    Thiền Định cũng giống như vậy, cần phải Vô Niệm, không được vọng niệm loạn tưởng. Cần phải nhập vào cảnh giới Không, chư Pháp giai không. Bởi vậy, duyên sanh duyên diệt, tất cả Pháp đều là không. Bao gồm cả Sắc Thân của chúng ta cũng đều là Tánh không. Tại sao Sắc Thân gọi là Tánh không? Bởi vì, sắc thân cuối cùng rồi cũng diệt vong

    Phàm là cảnh giới của hiện tượng cũng đều là sanh diệt, không phải là chân thật. Duy nhất không bị sanh diệt thì chỉ có tâm tánh. Bởi vậy, nhất định không để cho tâm tánh tạo nghiệp lực mà bị ảnh hưởng đến luân hồi. Trong đời này, kiếp này cần phải giải thoát tự tại, trở về cảnh giới của Chư Phật.

    Ngộ Giác Diệu Thiên Thiền Sư
    Chúc Tiếp dịch

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •