Chiếc giếng gỗ với cấu trúc đặc biệt hình khối trụ vuông, nằm ở độ sâu chừng 4 mét, bốn góc đóng 4 cọc gỗ lim, cạnh giếng có gò miếu cổ thờ Hưng Đạo Đại Vương. Những chiếc giếng khác được tìm thấy đều trong trạng thái được đào và đặt theo đường thẳng chạy dọc làng.

Nạo vét đáy giếng cổ, người ta tìm thấy những đồng tiền thời Trần.

Tương truyền, những chiếc giếng ấy xưa kia được đào để dành riêng cho vua, hoàng thất và tướng lĩnh quan trọng thời Trần sử dụng khi ở hành cung bí mật…

Hành cung bí mật của nhà Trần?

Sự xuất hiện của cuốn sách cổ xưa là “Thần phả ký Lưu Đồn” ở xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã gây xôn xao dư luận bởi sự khẳng định của thần phả về một hành cung của Vua nhà Trần nơi đây - điều mà chưa một sử sách nào ghi lại được. Cuốn thần phả này được viết đầu tiên và cất giữ bí mật bởi Trần Triều Nguyễn Quý Công tự Phúc Hiền Tướng quân.


Giếng cổ từ thời nhà Trần ở Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.


Đến thời cuối của Hậu Lê có quan Trưởng thái giám Chân Thức viết tiếp. Rồi đến nhà Nguyễn có hai cụ đồ nho Nguyễn Sĩ Đức và Nguyễn Huy Trung gìn giữ rồi truyền cho con cháu đến ngày nay. Hiện cuốn thần phả do nhà giáo Nguyễn Duy Cuông ở Thụy Hồng, Thái Thụy gìn giữ và tiếp nối.

Ngay đầu trang thần phả ký đã ghi: "Tối mật cẩn tích, ngôn thệ tiền nhân" nghĩa là: Lời người trước có nói "dặn" phải giữ bí mật cuốn thần phả này. Cuốn thần phả chép tương đối rõ và đầy đủ về lịch sử thời Trần trong những cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, đặc biệt tiết lộ bí mật về một hành cung được vua tôi nhà Trần lập ở Lưu Đồn (Thái Thụy, Thái Bình ngày nay).

Những bí mật về hành cung này lần đầu tiên được tiết lộ, trước đó chưa từng có sử sách nào chép lại. Theo thần phả thì hành cung của hoàng tộc nhà Trần được lập ở vùng biển Lưu Đồn là bởi theo hiến kế của tướng quân Bùi Công Bình khi nhà Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Khi xảy ra chiến sự ác liệt, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng lĩnh đã bí mật đưa các vua Trần về xây dựng căn cứ tại Lưu Đồn ở khu vực trên đảo Phượng Hoàng (nay là động Tam Khê, Thái Bình).

Đảo Phượng Hoàng ngày ấy có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, nhiều hoang đảo nổi lên mặt biển, dân cư thưa thớt, rất thuận tiện cho lập hành cung bí mật. Hành cung của vua Trần ngày ấy có 3 dinh, 5 điểm gác, có 2 lần hào luỹ tre, sú vẹt và xung quanh là sông nước, biển cả mênh mông. Các thuyền chiến ẩn mình trong ngòi nước, cây cối rậm rạp um tùm.

Trong và ngoài hành cung tổng cộng có 15 án tấu là nơi để nhận biểu báo, tấu quân sự ở các mặt trận. Ông Nguyễn Duy Cuông cho hay, cuốn thần phả quý còn chép rõ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai vào năm 1285, Hưng Đạo Đại Vương đã làm lễ xuất quân ở Bồ Đề Môn rồi quân ta từ căn cứ Lưu Đồn tiến ra đánh các trận ở A Lỗ, Hàm Tử, Vạn Kiếp...

Năm 1288, trước sự tấn công ồ ạt của quân Nguyên, vua quan nhà Trần lại bí mật rút về hành cung Lưu Đồn ở đảo Phượng Hoàng rồi đánh chặn Ô Mã Nhi ở cửa biển Đại Bàng, cách hành cung khoảng 6 km. Đề phòng quân Nguyên tiếp tục xâm lược nên hành cung này được giữ bí mật ngay cả với những người chép sử ngày ấy. Sự biến mất đột ngột của vua Trần ở vùng đất ấy được sử sách ta (Đại Việt sử ký toàn thư) ghi lại như sau: "Vua Trần từ Thiên Trường ra cửa Giao Hải... quân giặc đuổi đến cửa Giao Hải thì bị mất hút không biết vua Trần đi đâu". Hoặc: "Nhật Huyễn (vua Trần Thánh Tông) cự chiến, thua bỏ chạy về Thiên Trường. Đại quân đuổi theo Nhật Huyễn đến sông A Lỗ, sông Đức Cương nơi nào cũng phá được. Tiến đến phủ Thiên Trường, Nhật Huyễn lại thua chạy...

Đuổi đến cửa Giao Hải không biết Nhật Huyễn đi đâu". Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng phân tích, vua nhà Trần đã theo cửa biển Giao Hải rồi theo đường biển về Lưu Đồn, vì Lưu Đồn cũng gần cửa biển Đại Toàn (cửa sông Diêm ngày nay).

Chính vì giữ được bí mật của hành cung Lưu Đồn và các đồn canh, các kho lương, nơi sản xuất vũ khí, xưởng đóng thuyền, nơi ở của hoàng hậu, công chúa và hoàng cung của hai vua, dinh chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nên biết bao lần Ô Mã Nhi, Thoát Hoan truy đuổi triều đình nhà Trần mà không bắt được.


Nhà nghiên cứu sử học Đặng Hưng bên đền thờ Tượng Voi của Trần Hưng Đạo ở Thái Bình.

Giếng gỗ của vua…

Dấu tích của hành cung vua nhà Trần xưa không chỉ là những dòng lưu dấu trong cuốn thần phả cổ mới được tiết lộ gần đây, mà dựa cả vào những di vật khảo cổ được tìm thấy. Một giếng gỗ đã được phát hiện ở cánh đồng làng Tu Trình, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy. Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng khẳng định, cấu trúc của giếng gỗ rất đặc biệt, giếng hình khối trụ vuông, mỗi cạnh dài 1,6 mét, nằm ở độ sâu 3,5 - 4 mét. Bốn mặt giếng được ghép bằng những tấm gỗ dài 1,697 mét, dày 0,10 mét.

Bốn góc còn đóng 4 cọc gỗ có đường kính 0,35 mét, dài 4 đến 5 mét. Đáy giếng được lát bằng những phiến gỗ dày. Cạnh giếng còn có gò miếu thờ Hưng Đạo Đại Vương. Rồi 5, 6 giếng gỗ khác ở cũng được tìm thấy ở Thụy Hồng, nơi là hành cung nhà Trần xưa. Đa phần giếng đều được phát hiện đào ở gần các chân gò cao có miếu thờ các danh tướng nhà Trần. "Đối chiếu với những giếng gỗ được phát hiện ở Tức Mặc, Nam Định thì khẳng định được niên đại của giếng gỗ này vào thời nhà Trần", ông Hùng cho hay. Cũng ở Thụy Hồng còn có ngôi chùa trước đây tên là Bần Xuân Tự, khi vua Trần Thái Tông đến thăm chùa đã đổi tên thành Phúc Xuân Tự.

Làng Cau Dương, xã Thụy Hồng ngày nay còn có đình thờ Dã Tượng, một vị gia tướng của Hưng Đạo Đại Vương. Những người thợ rèn Cau Dương nổi danh xưa dưới sự chỉ huy của Dã Tượng đã rèn rất nhiều vũ khí cho quân đội nhà Trần. Ở đình làng Thụy Dũng, gần sát với hành cung của vua nhà Trần xưa, vẫn còn thờ các vị tổ đã có công xây dựng hành cung, căn cứ cho nhà Trần. Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng cho hay, hiện ở các làng, các xã thuộc Thụy Hồng, Thụy Quỳnh, Thụy Dũng... vẫn còn lưu giữ nhiều địa danh liên quan tới hành cung của vua. Địa danh Cửa Kiệt "Tân dịch môn kiệt" là nơi đón những người đầu quân giết giặc; đồng Cánh Tượng bạt ngàn tương truyền là nơi thả voi; đồng Mã là nơi chăn ngựa. Cánh đồng do các công chúa, quận chúa cày cấy được nhân dân địa phương gọi là đồng Công chúa. Vùng đất thiêng ngày nay vẫn còn nhiều gò mang tên gò Trống, gò Lá Cờ, gò Cái Chiêng, gò Voi... là nơi mà quân sĩ luyện tập hàng ngày. Đặc biệt, con đường chính của Thụy Hồng ngày nay, xưa kia các cụ già vẫn gọi là đường Đức Vua.

Bát Đụn Trang là nơi có kho lương thực, làng Diêm Tỉnh xưa (nay là xã Thụy Dũng) tương truyền là nơi cất giấu kho muối của nhà Trần. Những tiết lộ đầu tiên về một hành cung bí mật xưa của vua nhà Trần, mà trước đó chưa từng được ghi lại trong chính sử, là những tư liệu vô cùng quý giá, nhất là trong bối cảnh tư liệu về thời Trần còn rất hạn chế. Điều đặc biệt là những chiếc giếng ấy đều được đào và đặt theo đường thẳng chạy dọc làng.

Có giếng phần đáy được đặt bằng gỗ dày hoặc bằng đá. Khi nạo vét một số giếng, người ta tìm được những đồng tiền triều đại nhà Trần nằm ở đáy giếng. Tương truyền, những chiếc giếng này được đào để phục vụ cho vua, hoàng thất và tướng lĩnh quân đội thời Trần khi về hành cung này ẩn náu, tránh thế quân ban đầu mạnh như vũ bão của quân Nguyên. Ngày nay nơi đây vẫn còn lưu dấu tích một ngôi chùa cổ Nam Triều Tự được cho là xưa kia vua Trần Thái Tông thường tới tụng kinh.

Hạnh Vân(Giadinhxahoi)