Em có một vấn đề gửi đến mọi người, hôm gần đây em đi học vào giờ của thầy dạy môn "Trí Tuệ Nhân Tạo" thì được biết thêm một thông tin mới. Nghe tin này xong em toát cả mồ hôi hột, lạnh run cả chân tay. Sự việc là như sau:

Thầy em nói rằng Khoa học ngày nay đã chứng minh đươc sự tồn tại của linh hồn. Ngoài thể xác trần tục này ra chúng ta còn tồn tại dưới một hình thái khác là linh hồn (cái này có vẻ hơi xa lạ với những người khác, nhưng em là người Công Giáo nên cũng không có gì là lạ). Nếu sự việc chỉ nằm ở đây thì không có gì để nói, nhưng thầy em lại tiếp tục: Linh hồn là một dạng vật chất và mổi con người chúng ta la một máy tính noron (máy tính siêu máy tinh còn gọi là máy tính sinh học). Thế gian này có một máy tính lớn hơn nữa để quản lý những máy tính noron (con người của chúng ta).

Gần giống như một mô hình mạng chằng chịt rất phát triển ngày nay, đây chỉ là một ánh xạ nói cho các bạn dễ hình dung (thầy em giải thích như thế), và trên máy tính Noron lớn đó mỗi con người của chúng ta sẽ có một file lưu trử tất cả thông tin về chúng ta, những gì chúng ta suy nghĩ những việc chúng ta làm, mặc dù suy nghĩ đó chỉ là thoáng qua thì thông tin ấy sẽ được ghi vào ngay file của chúng ta trên máy. Theo quy luật Nhân-quả thì những gì mà chúng ta gặp phải ở thế giới này là sự tổng hợp của những suy nghĩ và hành động trên cái file đó. Giải thích cho việc tại sao người xấu đôi khi lại gặp đươc những chuyện may mắn, giống như việc tái tạo vậy các bạn ạ, đôi khi cũng có đột biến, có tính trội, tính lặn. Nếu ai hiểu chút về sinh học sẽ hình dung ra vấn đề này ngay.

Thêm một chi tiết nữa là có một số người có khả năng đọc được cái file đó, các người đó chính là những nhà ngoại cảm học, họ có thể nhìn thấy được quá khứ và một chút về tương lai của một ai đó nhưng không thể thay đổi được có nghiã là chỉ có quyền read mà không có quyền write, và rồi thầy lại nói khoa học đã chứng minh được rằng ngoài lý trí và tinh thần ra còn có tồn tại một dạng mới nữa chính là thông tin, thông tin lại là một dạng vật chất mới, cho nên Triết Học từ trước tới giờ mà chúng ta biết trong một ngày gần đây sẽ phải viết lại hoàn toàn. Cái gì là vật chất có trước ý chí có sau (Duy vật) hay ngược lai là Duy tâm thì cũng đều sẽ phải viết lại hết.

Giống như sự ra đi của Diêm Vương Tinh vậy thôi, xã hội ngày nay ngày càng đổi mới và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển con người càng chứng minh đươc nhiều việc lạ lùng, họ nói rằng cái chết không phải là hết mà là bước sang một cuộc sống hoàn toàn mới.

Tới đây vì lý do hết giờ thầy nhà em không nói nữa!

Theo em thì trên một khía cạnh nào đó nó cũng có một vài điểm tương đồng với niềm tin Công Giáo của chúng ta, nhưng nó lại đi theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Nhà em rất lo lắng và hoang mang không biết cái ngày mà Triết học phải làm viếc ấy lại thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin Kitô giáo của chúng ta đây

Nhờ BBT đem bài viết này của em gửi đến một Linh Mục hay một người nào có thể giải thích dùm em không? Em rất hoang mang trước vấn đề này, không biết nên suy nghĩ như thế nào cho đúng, làm gì cho phải để khỏi lạc hướng trong niềm tin của mình, em cũng không biết đây có phải là một tin vịt hay không? Ước gì nó là một tin vịt để em khỏi nghĩ về nó, nói thật với mọi người là gần đây đêm nào em cũng gặp ác mộng cả, ngủ không ngon tí nào hết. Mong nhận được hồi âm sớm sớm để em yên tâm an giấc.

Cám ơn nhiều! Chào thân ái!

Shadow





Bạn Shadow thân mến,

Trước tiên tôi thấy bạn có một niềm tin sống động, bạn đã biết đối chứng niềm tin của mình với những điều bạn học hỏi. Điều đó chứng tỏ bạn thiết tha với việc tìm hiểu giáo lý Công giáo. Là người công giáo, bạn chẳng lạ gì với ý tưởng sự tồn tại của linh hồn, trong khi đối với người khác thì điều đó làm cho họ ngạc nhiên.

Tuy vậy, bạn lại “rất hoang mang” khi nghe Thầy giải thích “linh hồn là một dạng vật chất….” Tôi thông cảm với nỗi lo lắng của bạn, và xin khẳng định với bạn rằng chẳng có gì phải lo lắng cả khi nghe Thầy của bạn giải thích như thế. Trong ý Thầy bạn nói, theo tôi, có hai điểm chính :

Linh hồn có dạng vật chất và mỗi người là một “máy tính nơ-ron”.

“Thế gian này có một máy tinh lớn hơn nữa để quản lý những máy tính nơ-ron”.

Tôi xin lần lượt trình bày hai ý đó.

1. Linh hồn là một dạng vật chất.

Ở điểm này, câu trả lời đơn giản vì giữa bạn và Thầy của bạn đã không có cùng một cách hiểu về linh hồn. Nếu hỏi linh hồn là gì, thì giữa bạn và Thầy của bạn sẽ có hai định nghĩa khác nhau. Thực vậy, Thầy nói rằng “linh hồn là một dạng vật chất.” Điều này hoàn toàn trái ngược với niềm tin của người Công giáo. Sách Giáo lý Công giáo dạy rằng linh hồn có bản chất thiêng liêng, nghĩa là vô hình, vô chất. “Trong Thánh Kinh, từ “linh hồn” thường chỉ sự sống con người, hoặc tất cả nhân vị con người. Nhưng từ này cũng chỉ cái thâm sâu nhất trong con người, cái giá trị nhất trong con người, cái làm cho con người là hình ảnh Thiên Chúa; “linh hồn” có nghĩa là nguyên lý thiêng liêng trong con người” (Sách Giáo Lý Công giáo, số 363). “mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo, chứ không phải do cha mẹ “sản xuất” ra. Giáo Hội cũng dạy rằng linh hồn thì bất tử. Linh hồn không bị hủy diệt khi lìa thân xác, lúc người ta chết, và sẽ hiệp nhất với thân xác trong cuộc sống lại sau cùng” (số 364).

Nói như thế, không có nghĩa là Giáo lý Công giáo không phù hợp với khoa học. Giáo lý Công giáo không phủ nhận những kiến thức khoa học, và càng không đi ngược lại với khoa học. Nhưng có những thực tại không thuộc lãnh vực nghiên cứu của khoa học thực nghiệm, chẳng hạn như vấn đề linh hồn. Mặc dù Thầy em nói rằng “khoa học ngày nay”, mà không xác định là khoa nào, khoa học vật lý hay tâm linh. Nhưng qua cách giải thích của Thầy: “mỗi người chúng ta là một máy tính nơ-ron” có thể hiểu khoa học đó là ngành Vật lý và cụ thể hơn là sử dụng nguyên tắc của ngành Tin học. Cho nên không có chuyện các ngành khoa học thực nghiệm chứng minh được sự tồn tại của linh hồn, hay giải thích linh hồn tồn tại theo dạng nào.

Tuy vậy, chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao có cách giải thích về linh hồn như Thầy bạn đã trình bày.

Theo quan niệm thông thường, ai cũng nhìn nhận một con người từ bé đến lớn vẫn là một. Ngày bạn vào lớp 1 cho đến hôm nay ngồi trong giảng đường Đại học vẫn là một con người, chứ không phải là người khác. Cựu Tổng thống Sadam Hussein hôm nay ngồi trước vành móng ngựa và người cách đây 24 năm (1982) chủ mưu trong việc tiêu diệt người Kurd cũng là một người, nếu không thì Tòa án không thể kết án Ông được. Điểu đó có vẻ hiển nhiên, nhưng một vấn nạn đặt ra cho chúng ta : cái gì làm nền tảng để mỗi con người, trải qua thời gian nhiều năm tháng, vẫn là một người ? Trong khi bên ngoài ai cũng thấy đã có rất nhiều thay đổi, từ vóc dáng, trọng lượng, tình cảm, kiến thức… thì yếu tố nào khẳng định tính duy nhất nơi người đó ? Khoa sinh học xác nhận rắng sau vài năm là các tế bào trong con người đều thay đổi hết, trừ tế bào trong não.

Đây là một vấn nạn Triết học đã đặt ra từ lâu. Để giải thích sự tồn tại của một con người trải qua những thay đổi của thời gian, người ta cho rằng nơi mỗi người có một bản ngã, hay ngôi vị.

Nhưng bản ngã hay ngôi vị đó là gì ? Các nhà triết học lại theo hai hướng khác nhau. Có người cho rằng đó là một chủ thể phi vật lý, có người lại cho là một chủ thể vật lý.

a. Những người chủ trương chủ thể phi vật lý lại chia làm hai ý kiến :

Theo niềm tin Công giáo, đó là linh hồn thiêng liêng, làm nền tảng cho những thay đổi như tình cảm, kiến thức….

Một chủ trương khác cũng nhìn nhận một chủ thể phi vật lý, nhưng không phải là một thực thể tinh thần (hay linh hồn, do Thiên Chúa sáng tạo), mà là một khả năng tinh thần. Khả năng được nhấn mạnh nhất đó là trí nhớ. Người ta giải thích thế này. Theo lý thuyết, yếu tố làm cho tôi vẫn là một người trải qua thời gian năm tháng là “bộ nhớ” hay “tổng hợp ký ức”. Càng sống lâu, tôi càng gia tăng số lượng ký ức của mình, và bộ ký ức đó là của riêng tôi, làm nên bản ngã tôi. Mỗi người có một bộ ký ức riêng làm cho mình khác với những người khác. Thêm vào đó, tôi lại có khả năng kể lại cuộc đời của tôi cho bạn, và cho chính tôi. Như thế, chính khả năng nhớ lịch sử của mình và hành vi kể lại cuộc đời của mình làm nên bản ngã của tôi. Người ta gọi bản ngã đó là “linh hồn” (khác với cách hiểu của người công giáo về linh hồn).

b. Những người ngả theo thuyết duy vật lại khẳng định yếu tố nền tảng cho sự duy nhất của một con người là một chủ thể vật lý, đó chính là thân xác con người. Họ cho rằng sự tồn tại của bản ngã chỉ là sự kế tục liền nhau của thân xác con người. Thực vậy, thân xác con người mặc dù thay đổi qua dòng thời gian, nhưng trải qua từng giây phút ngắn ngủi thì sự thay đổi đó không bao nhiêu, và dường như vẫn là một. Tôi của giây phút trước đây khi gõ hàng chữ trên và tôi của bây giờ đang gõ hàng chữ này không khác nhau bao nhiêu. Sự rất giống nhau như thế làm cho tôi vẫn là tôi. Như vậy, theo họ, bản ngã không có nghĩa là “tuyệt đối đồng nhất” mà chỉ là “rất giống nhau từ lúc này sang lúc khác”.

Thiết tưởng qua cách trình bày của Thầy bạn, chúng ta có thể hiểu đó là chủ trương cho rằng bản ngã con người là một bộ tổng hợp ký ức. Nhưng cách trình bày lại theo ngôn ngữ của thời đại vi tính. Vì thế mới có chuyện giải thích linh hồn như một “bộ máy nơ-ron”, nghĩa là bộ máy ghi lại những dữ kiện của kinh nghiệm. Nhưng nếu bản ngã con người chỉ là thân xác hoặc chỉ là một khả năng hoài niệm thì lấy gì bảo đảm cho sự tồn tại của con người sau khi chết ! Điều này hoàn toàn khác với quan niệm về linh hồn của người Công giáo vốn cho rằng con người có linh hồn bất tử.

2. “thế gian này có một máy tinh lớn hơn nữa để quản lý những máy tính nơ-ron”… “giống như một mô hình mạng chằng chịt… ”

Vấn nạn thứ hai có vẻ tinh tế và mang tính “thế giới đại đồng hơn”. Thầy bạn nói rằng thế giới này giống như một máy vi tính lớn, quản lý từng tập tin là từng cá nhân. Điều này thật hấp dẫn, mặc dù cũng chẳng mới lạ gì. Từ thời Đức Khổng Tử, người ta đã tin “vạn vật đồng nhất thể”. Con người không phải chỉ có liên lạc với người khác mà thôi, mà cả vũ trụ nữa. Trực giác là như vậy, nhưng chưa có một giải thích nào thỏa đáng, và chưa chứng minh được hai điều căn bản là ai điều khiển “bộ máy” đó, và bộ máy này có mục đích gì. Điểm quan trọng là có nhìn nhận thế giới này có một mục đích hay ý hướng tính hay không. Cách trình bày của Thầy em cũng cho thấy thế giới dường như là một bộ máy tuân theo một định luật, mặc dù cũng có những “đột biến”, nhưng chưa cho biết định luật đó do ai qui định và vận động với mục đích nào. Tóm lại, đó cũng chỉ là một giả thuyết đang cần được kiểm chứng. Điểm chúng ta cần nhận định là giả thuyết này có hợp với giáo lý Công giáo hay không. Dĩ nhiên, bạn hiểu rằng, theo giáo lý Công giáo, thế giới này là do Thiên Chúa tạo dựng, và có mục đích là hướng về chính Thiên Chúa như nguồn hạnh phúc của mình. Nói cách khác thế giới phát xuầt từ Thiên Chúa và đang qui hồi về Thiên Chúa. Thiên Chúa điều hành thế giới này trong trật tự và hợp lý, mặc dù còn nhiều điều con người chưa khám phá ra hết, và mầu nhiệm cuộc đời vẫn là đối tượng của một niềm tin.

Riêng chi tiết Thầy bạn nói, một số người có khả năng đọc được các file trên máy vi tính lớn … đó là trường hợp các nhà ngoại cảm. Tưởng cần nói thêm các nhà ngoại cảm là những người có khả năng tiếp xúc được với thế giới vô hình, với “cõi âm.” Chẳng hạn ở Việt Nam hiện nay, xuất hiện những người có thể tập trung tinh thần để nghe được tiếng nói của những người đã chết cách đây nhiều năm, và có thể xác định nơi chôn cất của những người cách xa về thời gian và không gian. Hoặc gần đây, ở Việt Nam, có một phụ nữ có thể đọc sách báo từ phía sau gáy, thậm chí khi bị bịt mắt chị vẫn đọc được. Điều đó được kiểm chứng bởi nhiều nhà khoa học. Người ta tạm giải thích rằng chị có “con mắt thứ ba”, một khả năng tinh thần mà ai cũng có, tuy nơi một số ít người khả năng này trổi vượt hơn, và nơi nhiều người khác, khả năng này chưa được “khai mở”. Xưa nay người ta vẫn nói tới linh tính, hoặc thần giao cách cảm. Đây là điểm khoa học gần với thực tại tâm linh. Các nhà thần học cũng cố gắng giải thích những mối tương quan giữa con người với nhau và với thế giới. Trong số các tư tưởng thần học, có cách trình bày của Cha Teihard de Chardin, rất được con người thời nay lưu ý.

Cha Teilhard de Chardin là một linh mục dòng Tên, người Pháp. Ngài là một nhà khoa học, một nhà khảo cổ, một triết gia và là một thần học gia xuất sắc. Năm 1929 đã tìm ra mẫu người nguyên thuỷ Sianthrope tại Trung quốc. Kết hợp với khoa khảo cổ, nhân học và thần học, Ngài giải thích rằng thế giới này có từng giai đoạn. Khởi đầu là giai đoạn phân tán, rồi sau đó đến hội tụ, và càng hội tụ thì càng lên cao. Trong quá trình tiến hóa cũng vậy, thế giới phát triển thành muôn loài, nhưng đỉnh cao hội tụ là con người. Có người đã tổng hợp tư tưởng của Ngài qua ba từ : “Tán, Tụ, Thăng” (phân tán, hội tụ, thăng tiến). Theo cách giải thích này, vũ trụ càng ngày càng mở rộng, nhưng lại có những điểm hội tụ, chẳng hạn bộ não con người là điểm hội tụ của vật chất, nhờ sự hội tụ đông đặc hàng tỉ tế bào đó, con người mới có khả năng đón nhận linh hồn, và phát xuất tư tưởng vượt lên trên vật chất (thăng). Ở cấp độ toàn thể nhân loại, con người càng ngày càng mở rộng biên cương, nhưng con người cũng càng ngày càng trở nên gần nhau. Điểm này được chứng minh khi ngày nay, với các phương tiện truyền thông, nhất là kỹ thuật internet, con người càng trở nên gần nhau hơn bao giờ hết. Và cũng với các phương tiện hiện đại, con người không chỉ gần trở nên gần nhau, nhưng còn có vẻ chung nhau một ý tưởng, hay nói theo Thầy bạn, có người “có thể nhìn thấy được quá khứ và một chút về tương lai của một ai đó…”. Tức là họ đã hòa nhập vào được cái “đại đồng” của vũ trụ vượt qua thời gian và không gian. Cũng theo cha Teihard de Chardin, điểm hội tụ của con người là Đức Kitô, để rồi trong Đức Kitô, Đấng là Alpha (khởi đầu) và là Omega (cùng đích) của thế giới, thế giới sẽ được đưa vào vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thời đại mà cha Teihard nói tới, có phải là hiện nay không ? Không ai biết, mặc dù theo lý thuyết của cha Teihard de Chardin, có vẻ như ngày nay con người đang càng ngày càng qui tụ lại, nhưng mới chỉ một phần thôi, còn lịch sử cũng đang chứng minh sự phân tán trầm trọng nơi con người, trong mỗi người cũng như trong toàn thể thế giới. Lý thuyết của cha Teihard de Chardin tràn đầy hy vọng, vì vừa mang tính cách “đại đồng” của toàn thể nhân loại và của vũ trụ, vừa qui hướng về Đức Kitô như là Cùng đích của thế giới, Đấng thu hồi toàn thể vũ trụ trong chính bản thân Ngài, và đưa vũ trụ này đến mầu nhiệm Phục sinh.

Tóm lại, có vẻ lý thuyết về vũ trụ như Thầy bạn trình bày giống với thuyết của cha Teihard de Chardin vào đầu thế kỷ 20. Là người Công giáo, chúng ta vẫn trân trọng những nỗ lực của con người trong việc giải thích thế giới, nhưng cần nhận định giả thuyết đó đã đủ kiểm chứng chưa, và nhất là không được tách rời khỏi niềm tin vào đức Kitô là Căn nguyên và Cùng đích duy nhất của con người.

Hy vọng được tiếp tục trao đổi với các bạn về chủ đề này trên trang BG.

Chúc bạn luôn hăng say và nhiều niềm vui trong việc tìm kiếm.

Thân mến.
Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP