Hỏi:

Chúng tôi có cảm tưởng (Cựu ước) là lịch sử đầy máu nước mắt của dân tộc Do thái (.) mà những nhà yêu nước muốn kêu gọi sự hưởng ứng của dân nên họ phải ‘tạo dựng’ nên 1 Ðấng Thần Linh và đưa vào vấn đề này để khích động tự ái dân tộc, lòng yêu nước ..(tương tự như dân Việt Nam ta với huyền thoại ‘con rồng cháu tiên’. v.v.) (.) Do đó dân luôn trông chờ một đấng anh hùng giải thoát.

Cũng chính trong hoàn cảnh lịch sử đó, đấng Jesus đã xuất hiện. Ngài là một ‘nhà cách mạng tôn giáo’. (.) Như thế, đức Jesus chịu đóng đanh là do ngài bị chụp mũ chính trị, vì ngài đã dám ‘xúc phạm’ đến giai cấp quyền thế, tăng sĩ tôn giáo lúc bấy giờ. Tại sao chúng ta nói ngài hiến tế mạng sống của Ngài để làm giá cứu chuộc linh hồn của nhân loại. Tại sao chúng ta phải tin ngài là thượng đế?

(Nhóm Bạn Già Tìm Hiểu Ðức Tin)

Ðáp:

Chúng tôi nhận thấy rằng trong thời đại khoa học thực nghiệm ngày nay, với thói quen phân tích, sưu tra tính xác thực của những trào lưu, biến cố, tài liệu hoặc những nhân vật lịch sử, người ta thường có khuynh hướng đọc Kinh thánh đơn thuần như một cuốn sử ký, hoặc tài liệu khoa học. Từ đó, những giáo lý mang ý nghĩa và giá trị tiên vàn tâm linh của Kitô giáo sẽ được ghi nhận và phê phán dưới khía cạnh hoàn toàn nhân bản, theo một ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa nào đó. Trong hoàn cảnh này, dĩ nhiên con người và sứ mạng của Ðức Giêsu Kitô cũng sẽ được hiểu một cách rất khác lạ với cách hiểu của người Kitô hữu.

Chúng tôi nhận định rằng Kinh thánh, tuy là cuốn sách bằng ngôn ngữ loài người, đề cập đến vài sự kiện lịch sử loài người, sách ấy không bao giờ nhằm mục đích khảo cứu lịch sử, hay minh chứng gì về khoa học. Có thể nói mục đích của sách ấy ‘siêu lịch sử’. Nhằm trình bày những suy tư và lời đáp giải cho những vấn đề muôn thuở của nhân loại (tội/phúc; đau khổ/hạnh phúc; sống/chết, v.v.), và nhất là nhằm mạc khải chân lý cứu rỗi (rằng Thiên Chúa đã yêu thương, sáng tạo và cứu độ con người), Kinh thánh mang một giá trị và ý nghĩa thiêng liêng. Sứ điệp của Sách ấy thuộc về phạm trù tâm linh hơn là chính trị, lịch sử trần thế. Chính trong ý nghĩa ấy mà ta phải đọc và tìm hiểu Kinh thánh.

Từ căn bản ấy, chúng tôi xác tín rằng Thiên Chúa không phải là 1 ‘Ðấng Thần Linh’ huyền thoại do dân Do thái ‘tạo dựng’ nên. Yavê Thiên Chúa trong Cựu ước mạc khải rằng "Ta là Ðấng tự hữu" (Xuất hành 3:14). Ngài là Ðấng Toàn năng, tự có. Chính Ngài là Ðấng đã tạo dựng nên nhân loại và lịch sử của họ chứ không phải ngược lại. Ðây là điểm then chốt trong niềm tin Kitô giáo, và cũng là điểm phân định rõ ràng sự khác biệt giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác: Kitô giáo là đạo mạc khải, đạo Thiên Chúa đến với con người để chỉ cho họ biết về Ngài, và chương trình yêu thương của Ngài. Kitô giáo không phải là đạo ‘nhân tạo’ (con người dựng nên) để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của họ.

Cũng vậy, Ðức Giêsu Kitô trong Tân ước không phải là 1 thứ ‘anh hùng dân tộc’, hay ‘nhà cách mạng tôn giáo’ nào đó. Mặc dầu, về sự kiện lịch sử thì quả thật giới cầm quyền đạo Do thái thời ấy đã lập mưu giết Ngài vì những đạo lý tôn giáo của Ngài. Tuy nhiên, sự kiện ấy ‘siêu lịch sử’. Vì biến cố ấy đã xảy ra để ứng nghiệm những gì Kinh thánh Cựu ước đã nói về Ðấng Cứu Chuộc và sứ mạng thống khổ của Ngài (xem Isaia các chương 49-52). Sứ mạng đó được định trước từ lâu trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa chứ không phải là một biến cố bất trắc xảy ra trong lúc Chúa Giêsu tại thế. Sứ mạng đó nhắm đến sự hy sinh mạng sống của Chúa Giêsu như là một việc dâng hiến tự nguyện chứ không phải là một việc xui xẻo chẳng đặng đừng. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận với các môn đệ mình điều đó: "Mạng sống ta, không ai lấy được, nhưng chính ta tự ý hy sinh; (.) ta cũng có quyền giữ lại mạng sống ấy" (Yn 10:18). Như vậy, sự chết của Chúa Giêsu mang giá trị thiêng liêng là cứu chuộc linh hồn nhân loại chứ không phải thuần túy vì lý do chính trị. Vì thế, Ðức Kitô không phải là một nhà cách mạng xã hội, tôn giáo, mà chính là Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, điều xác tín trên không phải ai cũng chấp nhận và hiểu được nếu không có Ðức Tin. Pascal nói "Hãy tin! rồi thì bạn sẽ thấu suốt" (Pensée). Cho nên, câu hỏi "Tại sao chúng ta phải tin ngài là Thượng đế?" có thể được đặt lại cách căn bản, vắn gọn hơn: "Tại sao chúng ta phải tin?" Nhưng, Ðức Tin luôn là một hồng ân chứ không chỉ đơn thuần là kết quả của sự suy lý, cho dù lý luận có đúng đến đâu. Vì thế, đọc xong câu giải đáp này, nên cầu nguyện cùng Thiên Chúa để xin ơn Ðức Tin là điều cần thiết hơn nhiều.

Lm Trần Quốc Bảo
báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp