Kính gởi BBT và Độc Giả binhgia.net

Tôi có một người quen theo đạo Phật, muốn về Việt Nam lấy cháu gái của tôi, người ấy muốn làm lễ cưới theo phép tha “đạo ai nấy giữ” thì có được không? Theo tôi được biết ở nước ngoài các linh mục được phép làm phép tha.

Xin hỏi là ở Việt Nam, các linh mục có được phép làm phép tha hay không?

Một người đồng huơng.
Giải Đáp của LM Ngô Sĩ Đình

Hôn nhân khác đạo, tức hôn nhân giữa một người công giáo và một người chưa rửa tội (khác với trường hợp hôn nhân giữa một người công giáo với một người đã rửa tội trong một hệ phái khác của Kitô giáo mà không phải là công giáo).

Giáo luật số 1086 nói rằng hôn nhân giữa một người công giáo với một người chưa rửa tội thì không thành.

Mục đích của luật cấm này là nhằm bảo vệ đức tin cho người công giáo. Vì sống đời sống hôn nhân với một người khác đạo sẽ có nguy hiểm cho niềm tin và cho việc giữ đạo của người công giáo, nhất là việc rửa tội cho con cái...

Nhưng đây là một ngăn trở có thể miễn chuẩn. Cha xứ nơi tiến hành thủ tục kết hôn sẽ xin đức giám mục miễn chuẩn (các linh mục không có quyền miễn chuẩn này). Ở Việt Nam tùy giáo phận, như giáo phận Sàigòn, khá dễ dàng xin miễn chuẩn này. Dựa theo điều 1125 thì điều kiện để được miễn chuẩn là:

* Phía người công giáo, phải cam kết hai điều: Cố gắng tránh những điều nguy hiểm cho niềm tin của mình, và phải cho con cái được rửa tội.
* Phía người không công giáo cũng được thông báo những cam kết này (không buộc người không công giáo cam kết, vì Giáo luật chỉ có giá trị với người công giáo).
* Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn phối, không bên nào được loại bỏ.

Một trường hợp khác, là hôn nhân giữa một người công giáo với một người Kitô hữu (đã được rửa tội) nhưng thuộc một hệ phái hoặc giáo phái khác, chẳng hạn Chính Thống hoặc Tin Lành... Trường hợp này trong giáo luật thường gọi là Hôn nhân Hỗn hợp. (Thiết tưởng ý kiến trong mục Giao lưu xứ Bình gọi hôn nhân giữa người công giáo với người phật giáo là hôn nhân hỗn hợp là không chính xác! phải gọi là hôn nhân khác đạo, hoặc hôn nhân khác biệt tôn giáo.)

Đây cũng là một ngăn trở của hôn nhân công giáo, nhưng không phải là ngăn trở khiến cho việc kết hôn bất thành (invalid, giáo luật gọi là ngăn trở tiêu hôn) như trường hợp hôn nhân khác đạo (giữa người công giáo với người chưa rửa tội), mà là bất hợp pháp (illicit). Nói rõ ra, nếu một người công giáo kết hôn với một người Tin lành, Chính thống, mà trước đó chưa xin phép chuẩn, thì hôn nhân vẫn hiệu lực, tức là có bí tích, nhưng bất hợp pháp, vì đã không giữ đúng luật định về việc xin miễn chuẩn. Nếu muốn điều chỉnh, chỉ cần xin phép mà không cần phải cử hành lại bí tích hôn phối.

Trước khi cử hành hôn nhân hỗn hợp, cũng cần xin phép chuẩn của Giám mục sở tại như trường hợp kết với một người chưa rửa tội, vì cùng những lý do tương tự. Về việc xin miễn chuẩn, cũng giống như trường hợp hôn nhân khác đạo.

Về việc cử hành hôn nhân hỗn hợp, vẫn có các nghi thức đầy đủ như giữa hai người công giáo, nghĩa là có thể cử hành trong thánh lễ theo các nghi thức qui định. Dĩ nhiên, vẫn phải giữ những qui định về việc rước lễ.

Giáo luật số 1127 còn cẩn thận qui định không được cử hành hai nghi thức tôn giáo khác nhau hoặc hai đại diện của hai tôn giáo cùng chứng hôn.

Tóm lại, làm lễ cưới theo kiểu "đạo ai nấy giữ" có thể được với điệu kiện phải giữ đúng Giáo luật, và khi đã là Giáo luật thì bất cứ ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều được áp dụng giống nhau. Để được hướng dẩn các thủ tục một cách cụ thể và có sự chuẩn bị cần thiết về mặt tôn giáo, các trường hợp trên nên gặp các linh mục quản xứ càng sớm càng tốt.

Hy vọng tôi đã trả lời thắc mắc của Người Đồng Hương.

Mến chào,
Lm Ngô Sĩ Đình
nguồn: http://www.binhgia.net/site/thieng-l...228-o-ai-ny-gi