Hỏi: Thưa cha, con có một việc thật khó giải quyết xin cha giúp đỡ ý kiến. Con có quen một bạn gái. Chúng con đã thương nhau nhiều và có dự định làm đám cưới. Khi con nói chuyện với ba má con. Ba má con hỏi han, điều tra về tông tích người ‘bồ’ gái đó thì mới nói với con rằng ...đó là em họ của con. Con buồn lắm và chắc có lẽ không nên lấy người ấy. Nhưng lại cũng lo không biết người ấy họ hàng thế nào, vì nếu bỏ lầm người mình thương và tốt tính như cô ta thì cũng... uổng. Vậy xin cha cho con biết, luật công giáo về việc cấm lấy người họ hàng như thế nào?

(Xin dấu tên)

Ðáp:

Chúng tôi rất thông cảm cho tâm trạng buồn của anh. Và chúng tôi cũng hiểu và đồng ý với nỗi âu lo của anh nữa. Như anh nói, ‘bỏ lầm’ một ‘người tốt tính’ thì quả thật là điều ...phí phạm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để biết là ‘lầm’ hay ‘không lầm’. Nói cách khác làm sao để biết rằng theo luật giáo hội công giáo, anh phải tránh hoặc được phép lấy một người trong họ hàng.

Theo giáo luật công giáo số 1091 chúng ta ghi nhận hai nguyên tắc căn bản liên quan đến việc hôn nhân với những người trong họ như sau:

a- Cấm kết hôn giữa những người liên hệ họ máu hàng dọc, bất kể là mấy đời. (Họ máu là bà con họ hàng do một dòng máu, một ông bà tổ sinh ra. Họ máu hàng dọc (trực hệ) là cha sinh ra con, con sinh ra cháu, cháu sinh ra chắt, v.v. Còn họ máu hàng ngang (bàng hệ) là anh chị em, con của anh chị em, cháu của anh chị em, chắt của anh chị em, v.v.).

b- Cấm kết hôn giữa những người liên hệ họ máu hàng ngang trong vòng 4 đời (generation).

Cũng nên ghi nhận rằng, cách tính đời theo giáo luật công giáo là: không kể ông bà tổ, có bao nhiêu cấp (vai) thì có bấy nhiêu đời.

Ðể minh họa khoản giáo luật trên đây, chúng ta có thể lấy 2 ví dụ sau:

a- Ông A sinh ra ông B, ông B sinh ra ông C, ông C sinh ra ông D, ông D sinh ra ông E, ông E sinh ra cô F. Từ ông tổ phụ A cho đến cô F tất cả đều liên hệ theo họ hàng dọc (direct line). Cho dù bao nhiêu đời cách biệt, không ai trong những người này được phép lấy nhau, vì họ là bà con hàng dọc.

b- Ông A sinh ra ông B và bà C là hai anh em. Một đàng, ông B sinh ra ông B1. Ông B1 sinh ra ông B2. Ông B2 sinh ra bà B3. Một đàng, bà C sinh ra ông C1. Ông C 1 sinh ra bà C2. Vậy bà C2 có thể lấy từ đời ông B1 về sau. Lý do: Ông B1 là một đời, lên ông B là đời thứ 2, qua bà C là đời thứ ba, xuống ông C1 là đời thứ tư, xuống bà C2 là đời thứ năm. Họ hàng ngang cách biệt 5 đời có thể lấy nhau.

Tóm lại, thay vì lo âu hoặc buồn phiền, anh hãy cẩn thận tìm hiểu chính xác xem giữa anh và cô bạn của anh liên hệ họ hàng với nhau thế nào, hàng dọc hay hàng ngang. Nếu là họ hàng ngang thì giữa anh và cô cách biệt nhau mấy đời.

Lm Trần Quốc Bảo
báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp