Chuyện bà lão 20 năm tiết kiệm tiền làm từ thiện


Bà Trương Thị Thảo
Chứng kiến việc làm từ thiện của bà, ban đầu nhiều người không hiểu đã cho rằng bà là người khoe khoang, thích "chơi trội". Bà cũng chẳng mấy bận tâm đến điều đó. Bà tâm sự, với bà, điều quan trọng nhất là góp được một phần sức lực, của cải đi giúp đời. Bà là Trương Thị Thảo (SN 1928, ngụ phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội).



Niềm đồng cảm từ ngày xưa khốn khó

Từng trải qua cuộc sống khó khăn, thậm chí có thể nói là nghèo khổ trong quá khứ, hơn ai hết bà Thảo thấu hiểu nỗi cơ cực của những người lao động nghèo trong xã hội, đặc biệt là những người buôn bán rong trong khu chợ gần nhà bà. "Trước đây nhà tôi cũng nghèo lắm. Nhà đông con (bà Thảo có 5 người con - PV). Để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học, chúng tôi phải làm bánh gối bán. Đêm nào cũng phải thức làm bánh. Sáng ra 5 giờ đã phải lục đục kéo nhau dậy bày hàng, nhóm lò rán bánh. Mỗi cái bánh bán 5 xu. Ngồi từ sáng đến trưa cũng kiếm được đủ tiền đong gạo, mua mớ rau. Chồng tôi là cán bộ về hưu. Ngoài thời gian giúp vợ làm bánh, ông ấy làm thêm một nghề nữa là hoạ sĩ sơn mài nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Cả nhà trông vào hàng bánh gối. Vất vả lắm", bà Thảo nhớ lại.

Khi con cái phương trưởng, bà Thảo bắt đầu công việc làm từ thiện từ năm 1990. Bà nhớ khi đó vợ chồng bà tiết kiệm được 3 triệu đồng. Tiền để không thì uổng phí, thế là bà bàn với chồng con, quyết định đem số tiền ấy cho những người buôn bán rong tại khu chợ gần nhà vay. "Tôi nghĩ đến điều này từ nhiều năm trước đó nhưng vì khi đấy chưa có điều kiện để làm. Khu chợ gần nhà tôi có nhiều chị em buôn bán nhỏ. Họ vốn ít, lãi nhỏ. Muốn có vốn xoay vòng thì phải đi vay với lãi suất cao. Bao nhiêu lợi nhuận thu được phải đổ vào trả tiền lãi hết. Vất lắm. Sau khi được sự nhất trí của chồng tôi và các cháu, tôi đem 3 triệu, chia đều cho 10 người, mỗi người vay 300 ngàn đồng. Tôi sẽ trừ dần tiền vay bằng cách mỗi ngày ra mua của họ 10 ngàn đồng tiền hàng. Sau 1 tháng coi như họ trả hết nợ và tôi lại cho vay tiếp", bà Thảo kể.

Nghĩa cử dung dị mà cao đẹp của bà Thảo đã nhận được sự động viên và ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương. Được sự ủng hộ và động viên của gia đình và chính quyền địa phương, bà Thảo tiếp tục mở rộng phạm vi và những địa chỉ làm từ thiện. Những địa chỉ từ thiện như làng trẻ mồ côi, những trung tâm bảo trợ xã hội, những ngôi làng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà bà biết, bà đều đem quà và tiền đến giúp đỡ. Bà đặc biệt quan tâm đến những người thuộc gia đình chính sách, có công với cách mạng. Bà Thảo nhẩm tính, trong 20 năm làm từ thiện của mình, bà đã tặng hơn 60 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 500 ngàn đồng) cho các bà mẹ liệt sĩ ở Hà Nội. "Tôi cũng là mẹ liệt sĩ. Nhưng tôi mắn mắn có đông con, cháu, nhờ trời các cháu có công việc ổn định, gia đình khấm khá. Số tiền các cháu chu cấp hàng tháng cũng được một khoản, tiền ăn uống của chúng tôi cũng chẳng đáng là bao. Tôi quyết định dành số tiền còn lại gửi sổ tiết kiệm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng nó là tấm lòng của chúng tôi", bà Thảo nói.

"Nhịn" du lịch lấy tiền làm việc thiện

Một kỷ niệm đáng nhớ với bà Thảo và người thân trong gia đình là năm 1992, con gái bà khi đó biếu bà số tiền hơn 10 triệu đồng để bố mẹ đi du lịch. Tuy nhiên, bà đã đề nghị với con dùng số tiền ấy để làm từ thiện thay vì đi du lịch vì: "Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định không đi nữa. Tôi bàn với ông nhà tôi không đi mà để tiền làm từ thiện. Chứng kiến việc làm của tôi, cũng có người trong phố bĩu môi cho rằng tôi "gàn dở" thích khoe khoang, thích chơi trội. Tôi cũng không bận tâm. Mình làm việc thiện là vì cái tâm thì sợ gì người đời dị nghị".

Không chỉ năm 1992 mà nhiều năm sau đó, các con bà Thảo còn nhiều lần biếu tiền cho bố mẹ đi du lịch nhưng lần nào bà cũng từ chối đi và dành tiền làm từ thiện. Đầu năm 2010, chồng bà bệnh nặng và mất, phần vì buồn, phần vì sức khoẻ suy giảm bà Thảo không phải tạm rời xa những chuyến đi từ thiện nữa. Mọi công việc từ thiện, bà nhường cho người cháu ngoại của mình đi thay. Ngoài việc đi đến các địa chỉ từ thiện phát quà, phát tiền, người cháu còn mở một xưởng may từ thiện ở phố Trần Nhật Duật. Xưởng may đã trở thành nơi ăn ở và làm việc cho hàng chục trẻ khuyết tật, mồ côi.

Bà Thảo kể lại, chuyện đi làm từ thiện không phải chỉ đến đời bà mới bắt đầu làm mà đã có tiền lệ từ thời các cụ thân sinh của bà, dù khi đó gia đình bà cũng không khá giả gì. Từ lúc bà Thảo còn là một cô bé, hàng năm cứ đến ngày lễ, tết, bố mẹ bà vẫn thường xuyên chia gạo, lá gói bánh chưng, vải may quần áo... đem cho những người nghèo hơn mình trong làng. "Bố mẹ tôi luôn dặn dò chúng tôi sống trên đời phải có tấm lòng nhân ái, "lá lành đùm lá rách"", bà Thảo tâm sự.

Cảm hóa những người một thời lầm lỗi

Không chỉ nhận được sự hiếu thuận của con cháu trong nhà mà bà Thảo còn có rất nhiều người con nuôi, là những người được bà giúp đỡ trước kia. Đến nay, nhiều người trong họ đã thành đạt, cuộc sống êm ấm nhưng hàng năm vẫn không quên đến thăm nom, chăm sóc "mẹ nuôi". Trong số những người con nuôi ấy có anh Hoàng Văn Đức và Nguyễn Văn Hoà là những người thường xuyên ghé thăm bà nhất. Bà kể, vào đầu những năm 1990, khi bắt đầu làm từ thiện, bà đặc biệt quan tâm đến những người không may lầm lỡ, vướng vào vòng lao lí. Đối với những người ấy, bà vừa giúp đỡ về mặt tiền bạc, công việc, vừa khuyên nhủ, giáo dục hướng họ đến cái thiện. Anh Đức và anh Hoà là hai trong số những người được bà giúp như thế.

Bà Thảo nhớ lại: "Hồi đó gia đình tôi mở được một xưởng đúc sản phẩm cho điện cơ Thống Nhất ở gần nhà. Một lần tôi vô tình biết được hai trường hợp là cậu Đức và cậu Hoà phạm tội lấy trộm nhôm của Hợp tác xã và bị kết án 2 năm rưỡi tù giam. Tôi đã lên phường, lên quận xin giảm án cho hai cậu ấy từ án tù giam xuống còn 1 năm án treo, đồng thời bảo lãnh cho hai người về làm công nhân trong xưởng đúc. Khi mẹ cậu Đức mất, tôi cũng đứng ra lo ma chay. Hai cậu ấy đã xin nhận tôi làm mẹ đỡ đầu. Hiện nay cả hai đã có gia đình, cuộc sống đã ổn định. Tết năm nào cũng dẫn vợ con đến thăm tôi, các cháu đều gọi tôi là bà nội".

Bà Thảo cho biết, sắp tới đợi sức khoẻ hồi phục, bà sẽ lại tiếp tục với những chuyến đi làm từ thiện của mình. "Mỗi lần đến một nơi nào đó, phát quà rồi chứng kiến niềm vui của mọi người, lòng tôi vui và phấn khởi lắm. Những món quà của mình chẳng đáng là bao, nhưng quan trọng nó là tấm lòng, là cái tâm thực của tôi. Con người sống với nhau quan trọng nhất là tình cảm. Tấm lòng nhân ái sẽ xoa dịu nỗi đau và gắn kết mọi người đến gần nhau hơn", bà Thảo tổng kết.

Hồng Quý