"Thành phố ma" ở Việt Nam

“Thành phố lăng”, “thành phố ma” An Bằng bây giờ đã trở thành một điểm đến của khách du lịch dù đang trong cảnh “chập choạng”.

Thật ra, ý tưởng biến “thành phố ma” An Bằng thành một điểm đến du lịch đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ở Huế, đặc biệt là nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - Giám đốc Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại miền Trung - đề xuất từ cách đây nhiều năm. Ông Thông cho rằng, “thành phố ma” rất xứng đáng để chính quyền địa phương quan tâm xây dựng thành một điểm đến.


“Thành phố ma” An Bằng rộng 40 ha, với những lăng mộ từ vài trăm triệu cho tới vài tỉ đồng nằm sát nhau như thế này, đang là
một điểm đến du lịch.


Ngoài sự độc đáo về văn hoá, kiến trúc khi ở đây hội đủ các phong cách từ Phật, Lão, Thiên chúa giáo, triều Nguyễn, Trung Quốc, thậm chí cả Trung Đông và châu Âu cổ điển ở gần nhau và đan xen nhau. An Bằng còn gần như là một bản sao của tư tưởng, kiến trúc kinh thành và lăng mộ các vua Nguyễn.

Không chỉ có vậy, nhờ “thành phố ma” phát triển, mà những nghề truyền thống độc đáo của Việt Nam tưởng chừng đã lụi tàn sau khi triều Nguyễn thoái trào như nghề kép (làm rồng, phượng, sư tử... bằng những mảnh sành, sứ... trên tường, trụ biểu...) không những được hồi sinh, mà còn phát triển rất mạnh mẽ không chỉ ở trong nước.
Và rồi ý tưởng biến “thành phố ma” thành một điểm đến cũng trở thành hiện thực khi mới đây, sau nhiều lần cùng với Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khảo sát, Công ty Cổ phần Du lịch Huế (Hue Travel) đã xây dựng một tour du lịch về “thành phố ma”, gắn liền với tham quan hệ đầm phá Tam Giang. “Thật ra, “thành phố ma” chỉ là một trong những điểm đến của tour này, nhưng là điểm đến quan trọng nhất” - Bà Phan Thị Thoại Khanh - Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hue Travel - nói.

Tour du lịch mà bà Khanh nói có tên là “Khám phá đầm phá Tam Giang” với 3 ngày rất lý thú: Ngày đầu tiên đi tham quan lăng tẩm, nghe ca Huế; ngày thứ hai đi phá Tam Giang ở miệt Quảng Điền; ngày thứ ba cũng đi dọc phá Tam Giang, nhưng lại về miệt Phú Vang với các điểm đến là tháp Chăm Mỹ Khánh bên bờ biển và cuối cùng là “thành phố ma” An Bằng.

“Chúng tôi đã đưa tour này khai thác hơn một năm nay, chủ yếu là khách nội địa đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Và trái hẳn với sự rón rén, lo sợ của những ngày đầu, bây giờ có thể khẳng định tour này bước đầu thành công ngoài mong đợi vì các điểm đến - đặc biệt là “thành phố ma” An Bằng - đã tạo cho du khách những bất ngờ rất thú vị” - Bà Khanh tâm sự.

Chị Lâm Vũ Trà My - Du khách vừa trở về từ “thành phố ma” - nói vội với tôi trước khi lên xe về TP Hồ Chí Minh: “Mình đã đọc rất nhiều thông tin trên báo chí trước khi về An Bằng, nhưng đến nơi mới thấy, lâu nay báo chí mới chỉ nhắc, nếu không muốn nói là lên án mỗi một khía cạnh lãng phí.

Mình thấy còn rất nhiều yếu tố tốt đẹp khác ở đây mà trong đoàn của mình ai cũng ngỡ ngàng trầm trồ, nhưng chưa thấy ai nhắc đến là tính báo hiếu với tổ tiên ông bà tuyệt vời đến mức cực đoan của người Huế; là những nét độc đáo về kiến trúc của nhiều trường phái mà không thể một lúc là nói hết được...”.

Tuy vậy, theo quan điểm của bà Khanh cũng như nhiều du khách, thì hiện “thành phố ma” còn thiếu rất nhiều điều để trở thành một điểm đến hấp dẫn và bền vững, đó là vệ sinh môi trường, đường sá xuống cấp, không có trạm dừng chân cũng như dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, không có hướng dẫn viên là người địa phương để phục vụ khách lẻ...

Và tệ hơn cả, là ngay cả chủ trương đưa khách du lịch về tham quan “thành phố ma”, đến thời điểm tôi thực hiện bài viết này, ông Đỗ Xuân Hoàn - Bí thư Đảng uỷ xã Vinh An - cho biết: “Sở VHTTDL mới chỉ nói miệng chớ chưa thông báo chính thức với địa phương bằng văn bản!".

Theo Hoàng Văn Minh
NLĐ