PHÁP TU "THIỀN BIẾT VỌNG"

Hỏi: Kính bạch Hòa Thượng, chúng con thấy những người tu Thiền theo ngoại đạo hay bị những bệnh lạ, hay là bệnh thần kinh. Vậy pháp tu Thiền Biết Vọng có sanh bệnh không? tại sao? Xin thầy giải thích cho chúng đệ tử yên lòng.

Đáp: Sờ dĩ tu Thiền mà loạn thần kinh hoặc có bệnh lạ là tại khi mình tu có vọng cầu. Đó là những mong muốn, đồi hỏi ở bên ngoài. Nói thí dụ, người tu Thiền để xuất hồn thì họ cố tình mở khiếu huyệt trên đầu để họ được xuất hồn. Mà khi mở trúng thì xuất hồn được, mở trật thì phát cuồng. Còn có những người ngồi Thiền, mơ ước được cái điển bên ngoài về với họ để cho họ có những sáng suốt, hay có những vị nào đó tới điểm đạo cho họ. Thì những vị đó tu dễ lạc về bệnh hoạn điên cuồng.

Tại sao vậy? Tại vì tất cả bên ngoài đến với mình, mình không bao giờ kiểm chứng được. Thí dụ, người đó đến nói "tôi là Phật" thì mình lấy đâu kiểm chứng đâu là Phật, đâu là không phải Phật? Mà mình nghe lời tất nhiên dễ bị lạc. Rồi nó làm cho mình cuồng loạn. Cho nên người tu thiền chân chính là không chấp nhận ma mà cũng không chấp nhận Phật. Cho nên nói:" gặp ma giết ma, gặp Phật giết Phật" là vậy.

Trọng tâm tu Thiền là định tâm, tức là cái tâm vọng tưởng lặng thì trí tuệ sáng của mình sẳn có, gọi là VÔ SƯ TRÍ. Mà chính chổ đó đức Phật Thích Ca đã thực hành. Bốn mươi chín ngày đêm Ngài ngối dưới cội bồ đề không co nghiên cứu gì cả, mà chỉ định tâm. Sau khi định tâm rồi Ngài giác ngộ. Như vậy, giác ngộ là cái sẵn có trong người tu Thiền gọi là tánh sẵn có nhưng bị nghiệp thức che đậy. Hễ nghiệp thức lặng rồi thì tự nó sáng lại

Chúng ta tu không nên trông vào bên ngoài cái gì hết mà chỉ thẳng về mình. Mà thẳng về mình nếu có vọng tưởng thì mình buông có gì đâu mình điên? Thần kinh đâu có căng thẳng, còn nhiều khi mình cứ trông cái gì, mình tưởng cái gì, ỷ lại vào bên ngoài, có khi mình mong mỏi cũng thành bệnh hay kềm cọng quá cũng thành bệnh rồi có khi bị cái gì bên ngoài nó đến thì cũng thành bệnh. Rốt cuộc bị bệnh điên cuồng cũng tại như vậy.

Ở đây mình chỉ ngồi rất là thư thái, vừa có niệm dấy lên là mình biết nó hư dối, liền buông thôi. Buông là cái lối gần như thư giãn đầu óc mình nó rất thảnh thơi. Mà đầu óc thảnh thơi thì làm sao cuồng loạn được. Cho nên cách tu Thiền này rất là thích hợp với thời khoa học, nhất là người đang nặng nề vật chất đang chạy đua với vật chất, đâu óc nặng nề, tu như vậy là tâm mình nhẹ đi không còn bận rộn. Một ngày bận rộn đến 8, 9 tiếng đồng hồ mà được nửa giờ ngồi thiền thư giãn cho nhẹ nhàng đó là rất tốt, rất thích hợp với thời văn minh này.


Thiền sư Thích Thanh Từ
(trích trong " Chinh Phục Sanh Tử" của Thiền viện Thường Chiếu 1996)