Họ Ngô và những chặng đường tìm nguồn cội (kỳ 1)
Cập nhật lúc 21 AM, 18/08/2010

Bằng phương pháp ngoại cảm, mộ Tổ của
dòng họ Ngô tại nhiều địa phương đã được định vị chính xác. Đặc biệt, mộ Hán Quốc công Ngô Lan, có niên đại xa nhất của dòng họ này, được về đúng huyệt.




Kỳ 1: Ly kỳ chuyện đưa mộ Hán Quốc công Ngô Lan về đúng huyệt

Thời gian gần đây, câu chuyện tìm mộ danh tướng Lý Thường Kiệt (có tên sinh thời là Ngô Tuấn) của dòng họ Ngô đã nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận. Những người đứng đầu dòng họ này tin rằng, một ngôi mộ cổ không ghi danh tính người mất ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên chính là mộ của vị tướng này.

"Đối với những người trong họ Ngô, niềm tin này là hoàn toàn có cơ sở. Trước khi đi tìm mộ cụ Lý Thường Kiệt, mộ Tổ của dòng họ Ngô tại nhiều địa phương đã được định vị chính xác bằng phương pháp ngoại cảm", ông Ngô Vui, trưởng ban liên lạc của dòng họ Ngô Việt Nam cho biết.

Ngôi mộ có niên đại xa nhất của dòng họ Ngô được biết đến, cho đến thời điểm này, là mộ của Hán Quốc công Ngô Lan, một vị công thần, sống ở thế kỷ 15, sau thời Lý Thường Kiệt khoảng 400 năm. Cụ Ngô Lan là em trai của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, là cậu ruột vua Lê Thánh Tông. Cụ cũng là người có công biên soạn bản phả họ Ngô đầu tiên năm vào 1477.


Khu mộ cũ của Hán Quốc công Ngô Lan. Ảnh: Ngô Mạnh Thường.

Mộ Hán Quốc công Ngô Lan đặt tại đất tổ họ Ngô là thôn Đồng Phang, xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong quá khứ, do điều kiện lịch sử mà mộ đã bị phá hủy. Năm 1996, ban liên lạc họ Ngô tỉnh Thanh Hóa đã xây lại mộ Hán Quốc công. Cho đến năm 2009, khu mộ này đã xuống cấp khá nhiều.

Ông Ngô Gia Biểu, phó ban liên lạc của dòng họ Ngô Việt Nam kể lại, những năm gần đây một số con cháu họ Ngô làm ăn, công tác và học hành chưa được thành đạt, còn gặp nhiều trắc trở, không thuận lợi như một số họ khác. Một số nhà ngoại cảm thân quen của dòng họ dòng cho rằng, điều có thể này là do phần mộ tiên tổ bị thất lạc hoặc đặt không đúng vị trí chôn cất.

Theo đề nghị của một người trong họ Ngô là thiếu tướng, Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Tiến Qu‎ý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã tiến hành khảo sát khu mộ Hán Quốc công Ngô Lan. Nhà ngoại cảm đã đưa ra kết luận: Ngôi mộ Hán Quốc công hiện tại không đúng vị trí huyệt, tường vây bên phải đè ngang lên hài cốt. Vì vậy, phải xây lại mộ.

Sáng sớm 12/10/2009, việc khai quật mộ Hán Quốc công bắt đầu được tiến hành. Dưới sự hướng dẫn từ xa của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, buối trưa, đoàn khai quật đã xăm thấy nơi nghi là phần mộ cũ. Chiều cùng ngày tìm thấy ván quan quách cùng lớp than đen lót đáy quan.


Khat quật mộ Hán Quốc công.

Việc khai quật tiến hành đến đêm thì hài cốt Hán Quốc công xuất lộ. Tuy đã qua 5 thế kỷ nhưng hài cốt vẫn còn đầy đủ từng bộ phận như xương đòn, xương tay, xương ống chân… Phía tay phải của cụ có một đốc kiếm làm bằng chất liệu giống như sừng, nhưng thanh kiếm đã bị tiêu hủy theo thời gian.

Sáng hôm sau, đông đảo con cháu đồng tộc họ Ngô đã tiến hành lễ mai táng di cốt Hán Quốc công Ngô Lan vào đúng vị trí và hướng cũ, nơi cụ đã yên nghỉ 500 năm.

Trong tháng 11/2009, lăng mộ mới của Hán Quốc công Ngô Lan đã được khởi công xây dựng. Lễ khánh thành lăng mộ mới và lễ kính cáo tổ tiên được dòng họ Ngô tiến hành ngày cuối tháng 12/2009. Việc đưa mộ Hán Quốc công Ngô Lan về đúng huyệt đã hoàn thành.


Lăng mộ mới của Hán Quốc công Ngô Lan.

Theo lời kể ông Ngô Sỹ Phan, thành viên ban liên lạc họ Ngô, tối trước ngày tổ chức lễ khánh thành lăng, một chuyện lạ lùng đã xảy ra. Đó là lúc bà con trung vùng mang lễ vật đến "cầu yên", "xin quẻ” rất đông. Mọi người đang xì xụp khấn vái thì một cô gái ngoài 20 tuổi đến trước mộ Hán Quốc công kêu khóc thảm thiết rằng "cha mẹ ơi con khổ lắm"… Ai khuyên gì cô cũng không nghe.

Thấy vậy, bà Ngô Thị Mại nâng khí phát công, ấn quyết ... Cô bé đang gào khóc bỗng giật mình tỉnh khô và không nhớ việc gì đã xảy ra. Về sau, bà Mại giải thích: “Có một vong lang thang nhập vào cô bé... Tôi cho nó 'thăng' để khỏi quậy phá”.

Trước đó ít lâu, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư đã "nhìn" thấy gần mộ hán Quốc công còn có một vong bé vô chủ. Giữa sự việc “nhập hồn” ở trên với cái vong lang thang vô chủ có mối liên quan gì không, điều này là một ẩn số…

Theo tiến sĩ Ngô Tiến Qu‎ý, có nhiều hiện tượng tâm linh mà khoa học hiện đại chưa thể lý giải. Trong việc xác định mộ, các phương pháp tâm linh - ngoại cảm cũng đem lại những chứng cứ phi vật chất quan trọng, bổ sung cho những chứng cứ vật chất thông thường...

Hán Quốc công Ngô Lan là con trai thứ Diên Ý Dụ Vương Ngô Từ và là em Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Ngài văn võ song toàn phò vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc, định yên bờ cõi. Do có công lớn nên được phong Bình nhung Thượng tướng quân, Điện tiền Đô kiểm điểm, vinh phong Thái bảo hán Quốc công, tham dự triều chính. Khi mất được ban Thụy Phúc Khê thượng sĩ.



Hồng Quân