Đi Sứ Không Làm Nhục Mệnh Nước



Năm 1637 Giang Văn Minh cùng với hơn 50 người nhận lệnh vua đi sứ sang Trung Quốc. Họ đến kinh đô nhà Minh vào một buổi chiều tà. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, Giang Văn Minh vội vào yết kiến vua Minh. Ông ung dung bước vào sân rồng dõng dạc tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Thần sứ giả Nam bang xin bái kiến.

Vua Minh thấy dáng điệu uy nghi và có vẻ ngạo mạn của ông, liền quát lớn:

- Ngươi là sứ giả man di, vào sân rồng của ta chưa đúng lễ.

- Thưa bệ hạ, thần là sứ giả Nam bang, một nước có nền văn hiến đã lâu, chứ đâu có phải sứ giả man...

Vua Minh gạt:

- Lẽ ra ngươi phải chịu tội nặng, nhưng ta ra một vế câu đối, để ngươi đối chuộc tội, nếu không đối được thì đầu lìa khỏi cổ: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (Cột đồng trụ nay rêu đã phủ xanh).

Câu đối của vua Minh ám chỉ việc xưa: Sau khi Mã Viện dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, y kéo quân trở về. Khi qua vùng Lạng Sơn. Mã Viện dựng một cột đồng, trên có khắc dòng chữ:

"Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy, đất Giao Chỉ sẽ bị hủy diệt) để uy hiếp tinh thần quật khởi của dân tộc Giao Chỉ.

Lòng tự cường dân tộc trỗi dậy trong lòng, không do dự, Giang Văn Minh khảng khái đối lại:

"Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn tươi).

Nghe xong câu đó, vua Minh giận tái mặt. Trận Bạch Đằng, một thất bại nhục nhã của quân Nam Hán, quân Tống và cả đế quốc Nguyên Mông năm xưa, nay được nhắc lại rất dõng dạc giữa sân rồng nhà Minh. Câu đối tỏ ý chí bất khuất của dân tộc. Vua Minh bực tức quát:

- Quân bay! Đem tên này mổ bụng cho ta.

- Dạ!

- À thôi! Dẫu sao y cũng tỏ ra là kẻ có tiết tháo. Ta tha tội mổ bụng, nhưng đem ướp xác, trả về triều đình Nam bang, làm gương cho kẻ khác.

Bực dọc trước câu đối trả ấy, vua Minh hèn hạ đã giết Giang Văn Minh. Đoàn người đi sứ đưa chiếc quan tài sơn son về đến cổng thành Thăng Long, vua Lê thân hành ra đón. Trước linh cữu Giang Văn Minh, vua Lê than thở:

- Đi sứ không làm nhục mệnh nước, mệnh vua, thực là anh hùng thiên cổ.

:::Sưu Tầm:::