o khùng” làm tang miễn phí cho người dưng

(VTC News) - Có một người đàn ông gầy gò, bệnh tật, làm nghề lái xe ba gác, lại làm tang ma miễn phí cho người chết đường chết chợ. Người ta gọi ông là ông Oanh “khùng”, vì ông làm cái việc khùng điên, chả giống ai.

Nỗi đau khi người cha chết thảm

Nhà ông Oanh “khùng” nằm trong một con hẻm nhỏ, trên đường Đoàn Văn Bơ (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh). Phải năm lần bẩy lượt quẹo mới tìm thấy.

Tôi ngồi trước hiên chờ đến chiều, mới thấy ông về. Chiếc xe ba gác nổ phành phạch đầu ngõ.

Ông Ba Oanh dáng người cao lêu nghêu, gầy gò, lòng khòng như cây sậy. Ông bảo: “Chú vừa đi làm cho một đám tang về. Làm từ sáng sớm đến giờ mới xong. Họ mồ yên mả đẹp rồi”.



“Lão khùng” làm tang miễn phí cho người dưng
Ông Ba Oanh.

Ông ba Oanh là con thứ 3 trong một gia đình rất nghèo. Cha ông làm nghề đạp xe ba gác, đến đời ông cũng lại đạp ba gác kiếm sống. Anh chị em nhà ông cũng toàn làm nghề bán mồ hôi.

Năm 1978, cha ông mắc trọng bệnh, nằm liệt giường chiếu ở bệnh viện. Năm 1979, sau khi tiêu sạch bách tiền bạc của gia đình, thì qua đời.

Cha tắt thở, ông chạy đôn chạy đáo, mà không mượn được đồng nào. Tiền nợ ngập đầu chưa trả, nên chẳng ai dám cho vay.

Ông Ba Oanh quỳ gối trước mặt một chủ trại hòm và hứa rằng sẽ gom tiền phúng viếng để trả nợ ngay sau khi chôn cha, chủ trại hòm mới đồng ý bán nợ cho chiếc áo quan.



“Lão khùng” làm tang miễn phí cho người dưng
Ông Ba Oanh và người hàng xóm là ông Long (bên phải), là đội phó của đội mai táng miễn phí.

Vừa đắp xong mộ cha, chủ trại hòm đã tới đòi tiền. Nhưng ông chẳng có đồng nào cả. Anh em, họ hàng, bạn bè đều nghèo kiết xác, nên chỉ phúng viếng bằng tiếng khóc và nước mắt. Chôn xong cha, ông cũng chẳng có được chén rượu để cảm ơn.

Không có tiền trả, chủ trại hòm báo công an. Ông bị công an gọi lên đồn nhắc nhở. Ông khóc giữa đồn vì thấy đau đớn, tủi nhục quá thể.

Quyết tâm trả nợ bằng mọi giá, ông hùng hục đạp ba gác kiếm tiền. Vậy mà, phải sau 3 năm mới trả hết được 50 đồng tiền mua hòm.



Đội mai táng miễn phí của ông Oanh đang làm nhiệm vụ.

Rồi ông đạp ba gác, làm cửu vạn thêm 10 năm nữa, mới trả hết món nợ cả gốc lẫn lãi vay mượn chữa bệnh cho cha. Ông Ba Oanh nghĩ rằng, chỉ trả xong nợ, cha ông mới được an nghỉ nơi vĩnh hằng.

Những ngày đạp xe kiếm sống, ông gặp nhiều cảnh tang thương. Những xác chết bên đường không có ai nhận. Người con ôm cha gào khóc, chẳng biết phải làm sao. Xác chết trôi sông thối rữa…

Những hình ảnh đau buồn đó ông gặp liên tục và những lúc đó, hình ảnh cha ông lại hiện về, làm lòng ông đau nhói.

Nhiều đêm, ông nằm mà không ngủ được, vì nghĩ đến những linh hồn bất hạnh, bơ vơ. Thế là, trong ông hình thành ý tưởng thành lập đội mai táng từ thiện.

Sau 10 năm tích góp bằng cách bỏ ống, năm 1997, ông Ba Oanh mua được 5 bộ quần áo, bộ kèn trống, hàng loạt cờ xí làm phương tiện phục vụ tang ma.


Mặc quần áo lễ để làm tang ma.

Hôm đạp ba gác chở đồ tang ma về nhà, vợ ông vác cán chổi xua đuổi. Ông đành phải mang sang hàng xóm, cũng làm nghề đạp xe ba gác như ông để gửi.

Sắm đồ rồi, ông thuyết phục bạn bè tham gia đội mai táng từ thiện. Sau 3 năm trời, thuyết phục cả trăm người, thì được 20 người tham gia. Tất cả trong số họ là những người đạp ba gác, cửu vạn, thợ hồ, móc lon, lượm rác…

Năm 1999, đội mai táng thiện nguyện có tên Phước Thiện ra đời, do ông Ba Oanh đứng đầu. Tiêu chí làm việc của đội là tự nguyện và lợi ích là tích đức để con cháu đời sau không phải làm những cái nghề mạt hạng như bố mẹ, tổ tiên.

Bán sạch đất cát vì người chết

Ông Ba Oanh kể, có lần, đang mai táng cho người chết vô thừa nhận, ông gọi vợ: “Em ơi, đến lấy tiền về đi chợ”. Bà đến mới biết ông lừa. Nhưng chứng kiến việc ông làm thật nhân nghĩa, ai cũng ca ngợi, bà thấy tự hào. Thế là đồng ý với việc làm của ông.

Sau, hai chàng trai muốn làm con rể, ông bắt hứa sẽ phục vụ bố làm việc mai táng cho người dưng, ông mới đồng ý. Giờ hai chàng rể là nhân lực chính của đội mai táng.


Công việc khó khăn nhất là đi xin hòm.

Ông Ba Oanh quan niệm, dù người chết có là kẻ nghiện ngập, bạc ác, bị gia đình ruồng bỏ, ông cũng làm tang ma cẩn thận, đúng thủ tục, để linh hồn họ đỡ tủi thân. Họ sống trên trần thế không tốt, nhưng kiếp sau họ cũng phải trả nợ đầy đủ. Con người thiện ác cũng là do hoàn cảnh tạo ra, chứ đứa trẻ nào sinh ra vốn cũng thiện.

Bình thường, những thành viên trong đội mai táng đều đi làm kiếm sống, nhưng khi nhận tin báo có người chết vô thừa nhận, ông Ba Oanh lập tức tập hợp các thành viên lên đường.

Mỗi người một việc cụ thể đã phân công trước. Tùy theo khả năng mà mang đến nén nhang, nải chuối, bát gạo… để linh hồn người quá cố bớt tủi thân.


Chưa có người chết nào phải chịu cảnh bó chiếu.

Nhiệm vụ khó khăn nhất do ông Ba Oanh đảm nhiệm là đi xin áo quan. Ông tìm đến tất cả các địa chỉ trại hòm ở khắp thành phố để xin cho được một chiếc hòm.

Có chủ trại hòm làm ăn được, thì tặng ông để ông làm việc thiện, còn họ hưởng lộc, nhưng trại hòm bán hàng ế ẩm, nhìn thấy ông là xua như xua hủi. Có kẻ ác mồm còn vu vạ ông đi xin trại hòm để… bán.

Có những lần đi khắp thành phố, đến mấy chục trại hòm không xin được cái nào, vừa tủi, vừa mệt, nhưng nghĩ đến người chết bó chiếu nằm đó, ông lại quyết tâm xin bằng được.

Cho đến nay, dù đã mai táng hơn ngàn xác chết vô thừa nhận, xong lạ ở chỗ, chưa bao giờ ông xin hòm thất bại, chưa người chết nào phải chịu cảnh bó chiếu.


Ngoài việc mai táng miễn phí cho người chết đường, chết chợ, ông Ba Oanh còn bốc mộ giúp người đời.

Khổ nhất là những ngày Tết. Ngày Tết người dưng vẫn chết đầu đường xó chợ, đội mai táng của ông vẫn tình nguyện đi làm tang ma, nhưng không dám đi xin hòm. Xin vào những ngày Tết khác gì đổ xui cả năm cho họ.

Thế nên, nếu làm ma cho người dưng vào ngày Tết, ông phải bỏ tiền túi, rồi quyên góp từ anh em trong đội mai táng để mua hòm.

Cũng vì cái nghiệp mai táng miễn phí cho người dưng chết đường chết chợ, mà ông liên tục phải xén miếng đất nhà mình ra bán để trả nợ.

Miếng đất cha mẹ để lại cho vợ chồng ông vốn rộng 200 mét vuông, nhưng bị ông xén ra bán mấy lần liền, nên giờ chỉ còn chưa đầy 20 mét vuông. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ xíu, với cái gác xép 10 mét vuông, là nơi đại gia đình ông trú ngụ.

Tổng cộng có 17 con người chui rúc trong ngôi nhà bé xíu ấy. Ngoài vợ chồng ông, con cái, dâu rể, cháu nội, cháu ngoại, còn có một cậu bé mồ côi cả cha lẫn má, được ông đưa về nuôi dưỡng.


Chiếc ba gác của ông Oanh là phương tiện kiếm sống kiêm xe chở hòm và người chết về nơi an nghỉ.

Ban ngày, con cháu ông đi làm hết, toàn đạp ba gác, phu hồ, xe ôm. Đêm kéo về đông như kiến, nên phải chuyển đồ ra ngõ mới có chỗ ngủ. Ông Oanh nói vui, 17 người nằm trong nhà như kiểu xếp cá vào nồi.

“Ngẫm ra, chú không bằng ba chú. Ba chú chết đi, còn để lại miếng đất lớn và chiếc ba gác cho con. Chú chết rồi, khéo để lại khoản nợ cho con cháu. Nhưng được cái chú và đám con cháu đều vui, vì đã giúp được nhiều linh hồn bất hạnh” – ông Ba Oanh bùi ngùi chia sẻ.

Còn mỗi căn nhà bé xíu, nhưng hiện ông Ba Oanh đang rao bán nốt để lấy tiền sắm chiếc ba gác đời mới, vì chiếc ba gác ông vẫn kiếm sống cũ quá rồi, sửa suốt ngày. Số tiền bán nhà, ông trả nợ một phần, một phần chia cho các con làm vốn, còn vợ chồng ông đi thuê nhà ở riêng. Nhưng rao mãi chả ai mua vì nhà bé quá, sát nghĩa địa, lại chẳng có giấy tờ gì.

Ông Ba Oanh đã 67 tuổi, đôi mắt đã đục mờ, dáng lòng khòng vất vả. Tôi cứ thắc mắc rằng, sao trên đời lại có người kỳ lạ như ông?

Ông Ba Oanh kể chuyện lạ thế này: “Bình thường chú yếu lắm, nhiều bệnh, có cả khối u to trong người. Thế nhưng, mỗi khi có người chết đường chết chợ, như thể trong người chú có một sức mạnh kỳ lạ, sự mệt tan biến đâu hết. Làm tang ma xong cho người ta, chú thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm”.

Vị Thủy