VĂN HỌC THỜI HÙNG VƯƠNG – MỴ CHẬU TRỌNG THUỶ



Mỵ Châu Trọng Thủy
Tác phẩm văn học của một thời đại nối tiếp văn minh Văn Lang


Mỵ Châu - Trọng Thủy là một tác phẩm văn học hay truyền thuyét lịch sử?

Cuối thời đại Hùng Vương là những cuộc chiến tranh tàn khốc, liên miên ở nước láng giềng. Đó là thời Xuân thu Chiến quốc ở Trung Hoa. Những cuộc chiến đẫm máu vì tham vọng của con người đã dẫn đến sự thu hẹp lãnh thổ Văn Lang lần thứ hai, bởi sự chinh phục mở rộng lãnh thổ của nhà Tần, Sở. Đây là lúc Âu Lạc thay thế thời Hùng Vương thứ XVIII – chi tộc cuối cùng lãnh đạo một nước Văn Lang tôn trọng những giá trị nhân bản. Sự thay thế trong hòa bình này, đã tạo ra một sự tiếp nối văn hóa và để lại một tác phẩm văn học bất hủ còn truyền lại đến tận bây giờ. Đó là chuyện tình “Mỵ Châu - Trọng Thủy”. Đây là một tác phẩm văn học được hư cấu dựa trên bối cảnh lịch sử về cuộc chiến Nam Việt - Âu Lạc.

Từ trước đến nay, chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy vẫn được coi là truyền thuyết lịch sử đã thần thoại hóa. Vì vậy, câu chuyện này vẫn được các sử gia quan tâm khai thác về những đề tài lịch sử liên quan đến thời kỳ An Dương Vương – Nam Việt. Đó là nguyên nhân dẫn đến một số sai lầm lịch sử thời kỳ này. Xin thí dụ như sau: trong “Đại Việt sử lược” (tức Việt sử lược, dịch giả Nguyễn Gia Tường, hiệu đính Nguyễn Khắc Thuần - sách đã dẫn) trong phần chú thích 37 được ghi như sau:
"Triệu Văn Vương: con của Trọng Thủy lên ngôi năm Ất Tỵ (136 trước Công nguyên), ở ngôi 12 năm, hưởng thọ 52 tuổi".
Nhưng cũng trong cuốn sách này phần chú thích 26 lại ghi:
Đại Việt sử ký toàn thư” cùng nhiều tư liệu khác chép rằng Thục An Dương Vương lên ngôi năm Giáp Thìn và đến năm Quý Tỵ thì dứt (257 - 208 trước Công nguyên) ở ngôi 50 năm. Nhưng có nhiều chuyên gia sử học hiện đại cho rằng Thục An Dương Vương chỉ trị vì từ năm 208 đến năm 179 trước Công nguyên. Như vậy chỉ ở ngôi được 30 năm.
So sánh tuổi thọ của Triệu Văn Vương lên ngôi từ năm 136 trước Công nguyên, ở ngôi 12 năm, thọ 52 tuổi tức là ngài sinh vào năm 176 trước Công nguyên. Trong khi đó nếu cho rằng các chuyên gia sử học hiện đại đã đúng về niên đại Âu Lạc mất nước, tức là vào năm 179, thì Mỵ Châu và Trọng Thủy không thể sống để sinh Triệu Văn Vương (theo truyền thuyết thì đã chết khi kết thúc trận chiến, tức là chết trước khi sanh Triệu Văn Vương 3 năm?). Chưa nói đến thời điểm của sử cũ thì Mỵ Châu – Trọng Thủy chết trước khi sinh Triệu Văn Vương là 32 năm (?). Sai lầm này không phải chỉ ở phần chú thích trong sách nói trên, mà còn được lặp lại ở một số sách khác. Đương nhiên không thể coi đây là sự nhầm lẫn vì lỗi chính tả.
Hoặc cũng trong cuốn "Việt sử lược” này, tác giả khuyết danh đã viết:

Lúc bấy giờ An Dương Vương có thần nhân là Cao Lỗ chế tạo được cái nỏ liễu bắn một phát ra mười mũi tên, dạy quân lính muôn người.
Võ Hoàng biết vậy bèn sai con là Thủy xin sang làm con tin để thông hiếu.
Sau nhà vua đãi Cao Lỗ hơi bạc bẽo.
Cao Lỗ bỏ đi, con gái là Mỵ Châu lại cùng với Thủy tư thông. Thủy phỉnh Mỵ Châu mong được xem cái nỏ thần, nhân phá hư cái lẫy nỏ rồi sai người trình báo với Võ Hoàng. Võ Hoàng lại cất binh sang đánh. Quân kéo đến, vua An Dương Vương lại như xưa là dùng nỏ thần thì nó đã hư gãy, quân lính đều tan rã. Võ Hoàng nhân đó mà đánh phá, nhà vua ngậm cái sừng tê đi xuống nước. Mặt nước cũng vì ngài mà rẽ ra.
Đất nước vì thế mà thuộc nhà Triệu.


Điều này đã chứng tỏ rằng tác giả “Đại Việt sử lược” (Việt sử lược) cũng đã coi chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” như là một truyền thuyết lịch sử, thể hiện ở yếu tố nỏ thần. Nhưng rất tiếc câu chuyện này đã bị tác giả “Việt sử lược” cắt xén thô bạo, có tính hạ thấp giá trị của Mỵ Châu, nên cố tình bỏ đi đoạn đầu và đoạn cuối của truyền thuyết: đó là việc cầu hôn của Triệu Đà cho Trọng Thủy lấy Mỵ Châu và hình ảnh Trọng Thủy ôm xác Mỵ Châu tự tử.
May mắn thay, tri kiến của tác giả Việt sử lược không qua được sự hiểu biết bậc thầy của tác gia Lạc Việt khi kiến tạo câu chuyện. Cho nên sự cắt xén thô bạo và xuyên tạc sự thật đã tạo nên một sự gán ghép khiên cưỡng, trong việc đưa hình ảnh nỏ thần bên cạnh sự ngây thơ của công chúa Mỵ Châu (bởi vì làm gì có nỏ thần trên thực tế). Nếu bạn đọc chú ý một chút thì ở trên: "Thần nhân Cao Lỗ chế tạo được cái nỏ liễu bắn một phát ra mười mũi tên”; ở dưới thì đã biến thành cái “nỏ thần”. Nhưng từ một cách nhìn với thời gian hình thành tính bằng thiên niên kỷ, cho rằng: Chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” là một truyền thuyết lịch sử, đã tạo ra những mâu thuẫn không thể lý giải. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự tam sao thất bản cho một tác phẩm văn học nổi tiếng, do những mâu thuẫn giữa tính hư cấu trong văn học và thực tế lịch sử. Do đó, trước khi phân tích chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” với tư cách là tác phẩm văn học, việc đầu tiên là phải minh chứng truyền thuyết “Mỵ Châu – Trọng Thủy” không phải là truyền thuyết lịch sử.
Tính hư cấu đầu tiên tất cả mọi người đều nhận thấy là chiếc nỏ thần không thể có thật. Hay nói một cách khác, hình tượng trọng tâm trong cấu trúc của câu chuyện là “nỏ thần” vốn không có thật. Do đó, cũng không thể có móng rùa thần để Trọng Thủy lấy cắp. Nhưng vì coi là một truyền thuyết lịch sử, cho nên đã có sử gia cho rằng: việc Trọng Thủy ăn cắp nỏ thần là một hình tượng của việc ăn cắp bí mật quốc phòng của Âu Lạc; qua cấu tạo của cái nỏ bắn được một lúc nhiều phát tên, nên Nam Việt đã biết cách hạn chế tác dụng của nó. Đây chỉ là một cách suy diễn khiên cưỡng cho một tình tiết trong nội dung, so với kết cấu toàn bộ câu chuyện. Vì để làm được việc này không cần phải có thái tử đi làm con tin, mà chỉ cần một toán quân phục kích cảm tử cũng đủ thực hiện. Do đó, cũng không thể có việc Mỵ Nương rắc lông ngỗng rải đường cho Trọng Thủy trên thực tế. Công chúa Mỵ Châu – người phụ nữ có địa vị tôn quý nhất của Âu Lạc – đâu có thể ngớ ngẩn đến mức độ: quân Nam Việt do chính Trọng Thủy cầm đầu đang tấn công tàn phá Âu lạc (theo cách hiểu từ trước đến nay), thì lại rắc lông ngỗng chỉ đường cho quân giặc đuổi theo tàn quân của cha mình. Hoặc Trọng Thủy – vị thái tử si tình đi tìm người yêu – được gán cho là người cầm đầu đạo quân Nam Việt tấn công Âu Lạc, lại tin vào sự chỉ đường của công chúa một quốc gia đối địch để hành quân truy kích (xin lưu ý độc giả là thời điểm lịch sử của cuộc chiến Nam Việt – Âu Lạc xảy ra sau khi binh pháp Tôn Tử ra đời hơn 400 năm, và kinh nghiệm chiến trường đẫm máu kéo dài hơn 600 năm của thời Xuân Thu Chiến quốc trước đó).
Sự mâu thuẫn nói trên, chỉ mới so sánh về khả năng thực tế với nội dung câu chuyện. Nhưng cũng chính vì sự sai lầm từ căn bản cho rằng “Mỵ Châu – Trọng Thủy” là một truyền thuyết lịch sử, làm cho những nội dung văn học tạo nên diễn biến câu chuyện bị thất thoát. Điều này đã khiến cho tính cách Trọng Thủy trong câu chuyện, đoạn đầu và đoạn cuối không thống nhất. Ở đoạn đầu, Trọng Thủy như một kẻ lừa tình bỉ ổi. Nhưng ở đoạn cuối thì vị thái tử đầy quyền uy, võ công hiển hách, người kế vị ngai vàng thống trị hai vương quốc, lại nhảy xuống giếng tự tử chết theo người yêu – một hành động của người giàu tình cảm và chung thủy. Do đó, dựa vào một tác phẩm văn học đầy tính hư cấu – ngay từ hình tượng trọng tâm của tác phẩm – để tìm hiểu về tính cách lịch sử của những nhân vật không thật, quả là gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng tương tự như việc phân tích tâm lý của vợ chồng thần Dớt trong thần thoại Hy Lạp, gây ảnh hưởng đến cuộc chiến của thành Troa.
Tính hư cấu - một đặc trưng của tác phẩm văn học - rất rõ nét và cũng là tình tiết phủ nhận việc coi “Mỵ Châu – Trọng Thủy” là một truyền thuyết lịch sử, được chứng tỏ ở đoạn cuối của câu chuyện. Đó là: với lời nguyền của Mỵ Châu, nên sau khi chết nàng đã hóa thân vào ngọc trai ở biển Nam Hải. Vì vậy, sau này khi lấy nước giếng thành Cổ Loa, rửa ngọc trai Nam Hải thì viên ngọc lại sáng lên rực rỡ. Linh hồn nàng công chúa Âu Lạc – quốc gia kế tiếp triều đại Hùng Vương – đã minh chứng cho chính câu chuyện tình bi tráng là một tác phẩm văn học của nền văn học truyền thống, kế tục nền văn hiến nhân bản của Văn Lang.

Giả thuyết về sự thật lịch sử của cuộc chiến Nam Việt - Âu Lạc
Việc Triệu Đà cho Trọng Thủy làm con tin rất có khả năng thực tế. Đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở những quốc gia đối kháng ở phần lục địa của Trung Quốc và Việt Nam vào thời kỳ này. Theo truyền thuyết Trung Hoa, chính Tần Thủy Hoàng cũng là một kết quả của mối tình con tin nổi tiếng. Hoặc sau đó, chính Triệu Văn Vương – người kế vị Triệu Vũ Vương (Triệu Đà) – cũng phải cho con mình đi làm con tin ở nhà Hán.
Như vậy, sự thực lịch sử của cuộc chiến này có thể giải thích theo một giả thuyết như sau:
Nam Việt bị sức ép từ hai phía là nhà Hán ở phương Bắc và Âu Lạc ở phương Nam. Khi mới lập quốc thế nước còn yếu, buộc Triệu Vũ Vương (Triệu Đà) phải hòa hoãn với Âu Lạc để củng cố quốc gia. Ngài chứng tỏ thiện chí của mình bằng cách đưa thái tử làm con tin. An Dương Vương – người kế tục Hùng Vương – về nguyên tắc không thể công nhận vương quốc của Triệu Đà xây dựng trên vùng đất cũ của Văn Lang. Nhưng ngài cũng chưa đủ sức để phục hồi lãnh thổ, nên đã chấp nhận hòa hoãn. Đây cũng là lý do khiến một số triều thần của ngài phản đối cuộc hòa hoãn này và bỏ đi. Như trường hợp của tướng quân Cao Lỗ.

Khi Triệu Vũ Vương (Triệu Đà) củng cố quốc gia vững mạnh, đã cất quân đánh úp Âu lạc. An Dương Vương vì thiếu cảnh giác nên bị mất nước. Trọng Thủy đã bị chết trong cuộc chiến, do đang làm con tin ở Âu Lạc. Việc ngọc trai sáng lên khi được rửa trong nước giếng Cổ Loa, chỉ là một yếu tố thực đã được phát hiện từ lâu trong một xứ sở giàu ngọc trai như Văn Lang. Đây là một thực tế được đưa vào để tăng yếu tố lãng mạn của câu chuyện, ca ngợi tình yêu, phủ nhận chiến tranh.

Chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ“
- Tác phẩm văn học bi tráng, phủ nhận chiến tranh, ca ngợi tình yêu con người.

“Lịch sử là gì? Đó chỉ là những cái đinh để tôi treo bức họa của tôi thôi!”
Alexandre Dumas.

Chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy là một bức tranh hoành tráng ca ngợi tình yêu con người, phủ nhận chiến tranh. Nếu bạn đọc tìm thấy ý tưởng nhân bản này ở Romeo – Juliette, thì bạn cũng nhận thấy ngay giá trị nhân bản sâu sắc này ở chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy”.
Câu chuyện miêu tả một mối tình thủy chung son sắt của công chúa Mỵ Châu và thái tử Trọng Thủy. Một tình yêu được hình thành trong nền hòa bình của hai quốc gia láng giềng.
Trọng Thủy là người ủng hộ sự liên minh giữa hai quốc gia, đã trở về nước để tham gia cuộc chiến chống lại sự xâm lược nhà Hán theo lời cha chàng. Mỵ Châu đã đưa nỏ thần cho Trọng Thủy để giúp quân đội Nam Việt chống xâm lược. Nhưng Trọng Thủy đã bị chính cha chàng lừa dối. Khi lấy được nỏ thần, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc. Trọng Thủy đuổi theo quân viễn chinh để cứu người yêu. Nhưng khi chàng đến nơi thì tất cả đã tan hoang.
(Đoạn văn trên do người viết phục chế lại, xin được các bậc trí giả bổ khuyết).
Trong Thuỷ đem quân bản bộ đi tìm Mỵ Châu theo đường lông ngỗng trắng ước hẹn. Đến nơi thì người yêu đã chết. Thất vọng và đau khổ vì đã góp phần gây nên cái chết của nàng và sự tàn phá đối với quốc gia mà chàng yêu mến. Trọng Thủy đã ôm xác Mỵ Châu tự tử trong giếng nước Cổ Loa đầy kỷ niệm của mối tình.
Cái chết của thái tử Trọng Thủy vì tình yêu, để lại đằng sau chàng một ngai vàng – biểu tượng của quyền lực tối cao và phú quý tột đỉnh – đã khẳng định: tình yêu con người vượt lên mọi sự phù hoa và phủ nhận chiến tranh, nguyên nhân của sự đau khổ mà loài người tự gây ra cho mình.
Nếu như chuyện tình Romeo – Juliette của đại văn hào Shakespeare cùng với đề tài này, chỉ giới hạn hận thù của hai dòng tộc. Bằng những thủ pháp nghệ thuật, Shakespeare đã chứng minh công lý và luật pháp có thể ngăn chặn, nhưng không thể xóa bỏ được hận thù (hình ảnh của quân triều đình can thiệp vào những cuộc trả thù của hai dòng tộc) và chỉ có tình yêu đích thực của con người mới là nguyên nhân của một cuộc sống thanh bình, được minh chứng sau cái chết kết thúc thiên bi diễm tình của Romeo – Juliette. Nhưng ở chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” có nội dung sâu sắc hơn nhiều. Ở đây, cuộc chiến giữa Nam Việt và Âu Lạc đã vượt ra ngoài phạm vi công lý của một quốc gia. Ngoài quyền năng của thượng đế thì chính tình yêu con người – qua thiên bi diễm tình “ Mỵ Châu –Trọng Thuỷ“ – đã chứng minh chỉ có tình yêu là vĩnh cửu.
Khi cả Nam Việt – Triệu Đà lẫn Âu Lạc đều thuộc về tay nhà Hán... Hàng ngàn năm đã trôi qua, thành Cổ Loa – bãi chiến trường xưa – nay chỉ còn là những doi đất ngổn ngang. Thời hoàng kim của Nam Việt với những võ công và những âm mưu đen tối, đã chìm vào quá khứ. Nước Nam Việt chỉ còn là một hiện tượng trong lịch sử của cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng viên ngọc miền Nam Hải hóa thân của Mỵ Châu vẫn rực sáng khi gặp nước giếng Cổ Loa pha hồn Trọng Thủy. Hình tượng viên ngọc trai rực sáng như muốn minh chứng cho tình yêu bất diệt của con người, phủ nhận những cuộc chiến tranh vô nghĩa.
Cùng với đề tài về tình yêu và chiến tranh đạt đến đỉnh cao văn học nghệ thuật, còn có Iliad & Odissey của Homer. Nhưng tiếc thay, đây lại là một thiên anh hùng ca bi tráng của con người. Tình yêu trong Iliad & Odissey lại chính là nguyên nhân bi thảm của cuộc chiến, khi nữ thần tình yêu Aphorodite cho nàng Helen xinh đẹp làm vợ hoàng tử si tình Panis của thành Troa.
Có thể khẳng định rằng: ngay cả vào thời kỳ suy tàn của nền văn minh Văn Lang; nền văn minh này cũng còn để lại một tác phẩm văn học với đề tài tình yêu và chiến tranh, rất giàu chất nhân bản hay nhất trong thể loại chuyện này của nền văn minh nhân loại; kể từ thời cổ đại cho đến tận bây giờ.

Giả thuyết về thời điểm xuất xứ của chuyện tình “ Mỵ Châu – Trọng Thuỷ“
Với nội dung câu chuyện đã phục chế và trình bày với bạn đọc như trên, thì chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” không thể hình thành trong thời đại của Nam Việt. Như vậy, chỉ có khả năng thời điểm xuất hiện câu chuyện này vào đầu thời Bắc thuộc đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Đây là một thời kỳ chưa có chủ trương hủy diệt văn hóa và sự đồng hóa khốc liệt. Có thể chuyện tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” xuất hiện vào thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa của Hai Bà, hoặc khi Hai Bà lên trị vì vương quốc Văn Lang cũ. Theo sử cũ thì cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được sự ủng hộ của nhân dân ở các vùng Nam Việt cũ. Cho nên nội dung câu chuyện có tác dụng đoàn kết các lực lượng ủng hộ Hai Bà thuộc những miền đất này, vốn gốc xưa là của Văn Lang. Mỵ Châu rải lông ngỗng trắng – hay xuất xứ nguyên thủy của câu chuyện là rải lông chim Lạc (Hạc)? Một hình tượng kêu gọi người Lạc Việt tìm về nguồn cội, giành lại đất nước của tổ tiên, vốn đầy tình yêu thương của con người.
Nhưng cũng chính vì vậy mà các triều đại phong kiến Bắc thuộc không thể chấp nhận mối tình “Mỵ Châu – Trọng Thủy” và góp phần làm sai lệch nội dung tác phẩm văn học này (có thể ngoại trừ nhà Nam Tống khi sắp mất nước với Mông Cỗ).
Những tác phẩm văn học thuộc nền văn minh Văn Lang, dù dưới mọi hình thức với nội dung khác nhau: truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết văn học hoặc thần thoại cổ tích, đều có nét tương đồng ở tính nhân bản và đề cao sự hòa nhập tình yêu con người. Đây là một nét đặc thù, khó có thể tìm thấy ở nội dung những câu chuyện dị bản khác. Giá trị nhân bản được thể hiện trong những tác phẩm văn học của các tác giả Lạc Việt là một trong những yếu tố chứng tỏ rằng: để có được những tác phẩm trác tuyệt đó, thì nền tảng xã hội của nó phải có một nền văn hiến đạt tới đỉnh cao của giá trị nhân bản và một tổ chức xã hội với một nền văn minh tương xứng, tạo ra sự ổn định cho cuộc sống và con người.

Những giá trị nhân bản đầy tình yêu thương con người của thời Văn Lang không tạo cho đất nước này những võ công hiển hách của Alexander đại đế hoặc vinh quang của Thành Cát Tư Hãn. Nền văn minh Lạc Việt cũng không hề để lại những kỳ quan đồ sộ đầy máu, mồ hôi và nước mắt như Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành... Nhưng chính những giá trị nhân bản và tình yêu con người trong nền văn hiến Văn Lang là nguyên nhân cho sự tồn tại gần 3000 năm của đất nước này. Lòng nhân ái và tình yêu con người, tuy không phải là nguyên nhân thắng lợi của một cuộc chiến, nhưng là mơ ước của con người. Những võ công hiển hách của cha ông – quốc gia duy nhất chiến thắng quân Mông Cổ – ngoài sự lãnh đạo sáng suốt đã góp phần làm nên chiến thắng đó, phải chăng chính là sự hy sinh vì tình yêu cuộc sống, vốn là một truyền thống có tự ngàn xưa?
Hàng ngàn năm sau, nước Việt hưng quốc, truyền thống nhân nghĩa đó đã được tiếp nối trong lời mở đầu của “Bình Ngô đại cáo” – bản tuyên ngôn độc lập thuộc vào hàng thiên cổ hùng văn của dân Lạc Việt.
Từng nghe,
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt vì nhân trừ bạo.
Cho đến tận ngày nay, hùng khí của người Lạc Việt hòa chất lãng mạn, chan chứa tình yêu con người với những truyền thống nhân bản được tiếp nối từ thời Hùng Vương, vẫn còn thể hiện trong thi ca Việt Nam với những vần thơ trác tuyệt:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa.
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá.
Trăng chếch, ngôi trời bóng lẻ soi.
Trích bài thơ “Trưng Nữ Vương”
Nữ sĩ Ngân Giang

Linh hồn của đoạn thơ trác tuyệt của nữ sĩ Ngân Giang, như hòa nhập với sự diễm lệ bi tráng và đầy nhân bản của truyện tình Mỵ Châu Trọng Thủy và những câu truyện từ thời lập quốc. Có rất nhiều liệt nữ anh hùng trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ có Hai Bà mới có nét đặc trưng, được miêu tả tài tình, đầy hình tượng trong ngôn từ, cô đọng tất cả sự bi phẫn và hùng khí Lạc Việt về nội dung chỉ trong một câu thơ:”Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi”. Với 4 câu thơ trong khổ thơ cuối của bài thơ bất hủ, nữ sĩ đã miêu tả một cách thiên tài bằng hình tượng gián tiếp, thể hiện sự bi tráng và tình yêu con người của vị nữ Vương đầu tiên của người Lạc Việt. Như tất cả câu truyện có từ thời Hùng Vương, mà chất nhân bản và tình người đã tạo nên sự linh diệu đến mức huyền vi của nội dung. Trong thơ của nữ sĩ Ngân Giang, sự sáng tạo nghệ thuật đạt đến sự vi diệu sâu lắng của tâm linh, cũng từ chất nhân bản và tình yêu con người. Trong bi phẫn với nỗi đau nhân thế vì sự tham bạo của con người, Hai Bà đã lập bao võ công hiển hách và đạt tới tột đỉnh vinh quang. Ở nơi lầu son, gác tía đầy phú quí vinh hoa; nhưng ở đấy tình người và những giá trị nhân bản vẫn vượt lên trên tất cả. Hai câu thơ cuối đầy chất lãng mạn với hình tượng nghệ thuật tương phản đạt đến tuyệt kỹ – giữa trạng thái nội tâm cô đơn tận cùng và sự phù hoa cao nhất. Chính từ sự tương phản này đã khẳng định những giá trị của tình yêu con người vượt lên trên tất cả. Hồn thơ mang tình người như vút lên không gian vô tận, tràn ngập trong nỗi cô đơn tận cùng, bỏ lại đằng sau đỉnh cao những mơ ước phù vân của thế nhân. Cả bài thơ, cả hồn thơ, cả cõi tâm linh con người như đã hòa vào vũ trụ, đi tìm trong hư vô, trong thời gian vô tận với sự khao khát một tình yêu con người. Câu thơ cuối như chỉ còn đọng lại trong thế nhân một nỗi buồn sâu lắng, khi hồn người cô đơn trong ảo ảnh vàng son:
Chàng ơi!Điện ngọc bơ vơ quá.
Trăng chếch, ngôi trời bóng lẻ soi.

Trải qua bao nỗi đau thương, thăng trầm theo dòng lịch sử của giống nòi Lạc Việt. Những áng văn chương tiếp nối nền văn hiến Văn lang không chỉ còn chất lãng mạn trữ tình, mà còn pha chất bi tráng – dấu ấn của những cuộc chiến giữ nước đầy gian khổ. Nhưng từ trong sâu thẳm của tâm linh, người Lạc Việt vẫn khẳng định chất nhân bản và tình yêu con người, chống lại nhưng cuộc chiến tranh phi nghĩa. Một trong những bài thơ hay nhất có nội dung trên trong văn học Việt Nam hiện đại, phải kể đến bài “Màu tím hoa sim”của nhà thơ Hữu Loan.
*
* *
Thời đại Hùng Vương – một thời đại đã được minh chứng về tầm vóc đồ sộ của một nền văn hiến – trong đó có những tác phẩm văn xuôi còn lại đã được trình bày ở trên. Một giá trị tự nhiên của tư duy và rung cảm nghệ thuật khác, đó là: âm nhạc, thi ca và hội họa của thời đại này phải được chứng tỏ. Những thanh âm trác tuyệt của tiếng sáo Trương Chi, tiếng đàn Thạch Sanh đã hòa vào hồn sông núi. Nhưng những vần thơ, phải chăng còn lại đâu đó trong ca dao dân gian Việt Nam. Và còn ở những truyện Nôm khuyết danh còn lưu truyền cách đây vài thập kỷ, khi thể thơ lục bát là thể thơ duy nhất có ở Việt Nam (*); hoặc còn ẩn mình dưới cái tên khác trong những cổ thư tìm thấy ở những vùng đất thuộc Văn Lang cũ. Về vấn đề nghệ thuật thời Hùng Vương còn khoảng trống lớn là âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc... Nhưng do khả năng có hạn và điều kiện thời gian hiện nay chưa thể tìm hiểu sâu hơn, nên xin đặt vấn đề để các bậc trí giả quan tâm xem xét.
Chân thành cảm ơn sự quan tâm của quí vị.

Thiên Sứ--------
*Chú thích : Trong kinh Trung Dung của Nho giáo, phần mở đầu cũng có hai câu có kết cấu giống thơ lục bát (theo “Lều chõng” - Ngô Tất Tố).