Thế giới những thầy mo nhập hồn chữa bệnh

Ở dãy núi Himalaya, các nghi lễ chữa bệnh sởn tóc gáy diễn ra hàng ngày khi người ốm mưu cầu quyền năng của các thầy mo địa phương. Trong những nghi lễ thỉnh thoảng dữ dội này, thầy mo hút chất gây bệnh ra khỏi cơ thể bệnh nhân của họ.

"Nhập hồn" và chữa bệnh


Thầy mo Ayu Lha-mo đang thực hiện nghi lễ chữa bệnh. Cơ thể của bà đang bị "một linh hồn kiểm soát" để "nói chuyện" với một người mắc bệnh gan.

Tại một ngôi nhà nhỏ bằng đá ở Ladakh, một vùng thuộc Himalaya ở bang Jamu của Ấn Độ và vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir, nghi lễ chữa bệnh sởn tóc gáy đang diễn ra. Một tín đồ Phật giáo mắc bệnh gan, một phụ nữ trầm uất và một khách du lịch New Zealand cần sự hướng dẫn về tinh thần, tất cả đều tới vùng này tìm kiếm khả năng chữa bệnh của một Iha-mo (người phụ nữ siêu phàm hay nữ thầy mo). Đằng trước họ, Ayu Lha-mo - còn được gọi là thầy mo của Sabu, theo tên làng của bà - mặc một chiếc áo choàng sặc sỡ và đội một chiếc mũ có gờ sắc.
Trong không gian phủ đầy khói hương trầm, bà cầu khấn, hát ầm ĩ, ngả nghiêng trên hai đầu gối rồi vẫy tay ra hiệu cho một "linh hồn" nhập vào cơ thể bà để nó có thể chữa lành bệnh cho các bệnh nhân thông qua bàn tay của bà. Frank Kressing, nhà nhân loại học văn hoá thuộc ĐH Ausgburg ở Đức, cho biết: ''Ayu Lha-mo có lẽ là thầy mo nổi tiếng nhất ở Ladakh. Bà nổi tiếng về hành động cầm dao được nung trong lửa và làm bỏng lưỡi bằng đầu dao để chỉ cho bệnh nhân thấy quyền năng của mình cũng như khả năng không thể bị thương".
Kressing đã phỏng vấn hơn 20 thầy mo ở Ladakh. Thế giới bên ngoài biết rất ít về nghi lễ chữa bệnh của các thầy mo Ladakh, ngay cả khi có tới 200 thầy mo đang hành nghề trong vùng.
Những nghi lễ này có lẽ bắt nguồn từ các nền văn hoá của các bộ tộc theo thuyết duy linh và các pháp sư ở Trung Á, Trung Quốc, Tây Tạng và Mông Cổ. Ngày nay, phần lớn thầy mo là tín đồ Phật giáo Tây Tạng - một trong những tôn giáo chính ở Ladakh. Thầy mo thường tiếp bệnh nhân tại nhà của họ, đưa bệnh nhân tới trước bàn thờ đặt trong bếp. Thường thì thầy mo làm việc cùng lúc với nhiều bệnh nhân và nói chuyện với mỗi người về bệnh tật trước khi bị "nhập hồn". Người ta nói rằng phải mất khoảng 15 phút hát, rung chuông, cầu khấn và đánh trống để một "linh hồn" nhập vào thân thể của thầy mo.

Thầy mo thường mời các "linh hồn" kiểm soát bản thân họ. Tuy nhiên, một số thầy mo thông báo rằng họ "bị "linh hồn" chiếm hữu ngay cả khi không muốn". Các "linh hồn" chiếm hữu thầy mo trong suốt thời gian nhập định. Ngay khi bị "nhập hồn", thầy mo chữa bệnh bằng cách hút các chất gây bệnh ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Theo Kressing, sau đó thầy mo chỉ cho bệnh nhân và người xung quanh xem những chất đó, thường là chất dịch màu đen hoặc các mẩu nhỏ giống hắc ín. Cuối cùng, thầy mo nhổ chúng vào một chiếc bát hoặc xuống nền nhà. Ngoài ra, thầy mo cũng đặt trực tiếp rơm hoặc ống vào các vùng cơ thể đau yếu để hút các chất gây bệnh, chẳng hạn như ngực của bệnh nhân bị hen. Trợ giúp cho nghi lễ chữa bệnh là hạt, cốc nước thánh (thỉnh thoảng là rượu), nhang và các dụng cụ khác

Thầy mo còn đóng vai trò là người xua đuổi hoặc kiểm soát "tà ma" trong cơ thể người bệnh. Người mới tới thường giật mình khi thấy thầy mo cầm vũ khí trong trạng thái bị "nhập hồn". Trong một số trường hợp, thầy mo ho, la hét và tự đánh đập cơ thể của chính họ cho tới khi những vết bầm tím xuất hiện nhằm giành quyền kiểm soát một "linh hồn". Trong một số trường hợp dữ dội hơn, nam thầy mo tự dùng gươm để cắt da thịt họ cho tới khi chảy máu. Thầy mo cũng có thể điều trị cho bệnh nhân theo cách bạo lực. Một người đàn ông bị bệnh gan do uống quá nhiều rượu có thể bị mắng mỏ hoặc thậm chí bị đánh.
Có sự khác biệt lớn trong cách cử hành nghi lễ giữa các thầy mo. Ngoài việc chữa bệnh, thầy mo còn bói toán, phụ thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân.

Học nghề


Ngoài việc chữa bệnh, Ayu sống một cuộc sống bình thường, có các cháu và đã kết hôn một lần.

Elan Golomb, nhà tâm lý ở New York, Mỹ, nói: ''Thỉnh thoảng, các thầy mo nổi cơn thịnh nộ và đánh bệnh nhân trong khi thầy mo ở trạng thái bị "nhập hồn". Việc thầy mo đổ lỗi cho bệnh nhân gây ra các căn bệnh của họ và mắng mỏ bệnh nhân không theo lời dạy của Phật là hoàn toàn phổ biến''.
Sự quan tâm của Golomb tới các phương pháp chữa bệnh truyền thống đã dẫn bà tới một phiên chữa bệnh của thầy mo Choglamsar Lha-mo ở làng Choglamsar, Ladakh. Theo truyền thống, các thầy mo Ladakh phải được sự chuẩn y của một thầy tu cấp cao ở Tây Tạng. Ngay khi được chuẩn y, một khoá đào tạo kéo dài từ ba tới sáu năm bắt đầu. Trong các tu viện và những ngôi làng hẻo lánh, thường là dưới sự dẫn dắt của một thầy mo cao cấp, học viên phải học kinh Phật, thiền định và các phương pháp trở thành một phương tiện cho các "linh hồn" và "thần thánh".

Thầy mo Ayu Lha-mo, hiện đã lục tuần, cho biết: ''Khi tôi 18 tuổi, đức Dalai Lama đã dẫn dắt tôi trở thành một Iha-mo. Tôi học và luyện tập những quyền năng này nhiều năm trong núi...".
Bệnh nhân khỏi bệnh?
Trong một ngày, Ayu Lha-mo tiếp đón đủ loại bệnh nhân. Họ là người Thiên chúa giáo, Hindu, Phật giáo và Hồi giáo. Những người này chiếm hơn 50% tổng dân số trong vùng và tới chỗ bà thường xuyên. Giáo sư tôn giáo David Pinault thuộc ĐH Santa Clara cho biết: ''Tại Ladakh, nơi đạo Hồi truyền thống vẫn được thực hành, người Hồi giáo thỉnh thoảng tiến qua các biên giới tôn giáo để tới chỗ thầy mo Phật giáo chữa bệnh. Phản ứng với các nghi lễ chữa bệnh của thầy mo cũng khác nhau. Một số bệnh nhân khẳng định họ lành bệnh ngay lập tức, trong khi những người khác cho rằng bệnh của họ thuyên giảm chút ít. Một số người tới chỉ để ở gần một Iha-mo hay Iha-pa mà có thể dịch là ''người phụ nữ siêu phàm'' và ''nam giới siêu phàm''.

Tsewang Dorjey, một người dẫn đường cho khách du lịch, nói: ''Tôi nghĩ là nghi lễ chữa bệnh có hiệu quả đối với phần lớn mọi người. Dạ dày của tôi có vấn đề hai lần và nghi lễ chữa bệnh làm tôi cảm thấy khoẻ hơn''.
Nếu có đủ khả năng, bệnh nhân trả tiền cho thầy tu song số tiền này chẳng đáng là bao. Với một vài bệnh nhân mỗi ngày, thu nhập của Ayu Lha-mo chẳng khấm khá hơn so với một nông dân trung bình ở Ladakh (tương đương khoảng một vài USD mỗi ngày).
Ayu Lha-mo, dường như vẫn lắc lư sau khi bà nói "linh hồn" đã rời khỏi cơ thể, cho biết: ''Tôi thường cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc. Tuy nhiên, đó là con đường của tôi và tôi thoả mãn khi chữa bệnh cho mọi người''.
Ánh sáng khoa học vẫn chưa thể rọi vào thế giới của những thầy mo này, trong khi một số thầy mo như Hundar Lha-pa, ở làng Hundar, thung lũng Nubra, Ladakh, đã chấp thuận hợp tác với các bác sĩ Tây y để kết hợp y học truyền thống với hiện đại.

Minh Sơn (Theo National Geographic