Đều là người nên lắm chuyện


http://www.thethaovanhoa.vn/475N2011...lam-chuyen.htm

(TT&VH) - Hớp ngụm trà xong, ông Ban nói:

“Trong ngụ ngôn của Aesop có chuyện “con cáo và con ngỗng” đại khái như sau - ông hắng giọng, nói chậm lại - con cáo tham ăn, một hôm bị hóc xương. Hóc xương rất trầm trọng, khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào. Cổ họng sưng tấy, không ăn uống gì được. Cáo mới năn nỉ chú ngỗng rằng, cổ và mỏ anh dài có thể thọc vào cổ họng tôi mà gắp xương ra. Anh giúp tôi, anh sẽ được hậu tạ. Ngỗng nhà ta giúp ngay. Sau khi ngỗng gắp khúc xương bị hóc ra khỏi miệng cáo, cáo liền bỏ đi mà không hậu tạ, thậm chí cũng không lời cảm ơn. Ngỗng chạy theo đòi hỏi. Cáo quát: “Thưởng như thế chưa đủ sao? Mày thọc đầu vào miệng tao, tao không nhai mày, thưởng như thế chưa đủ sao? Còn đòi hậu tạ cái gì nữa?”. Tuy là chuyện ngụ ngôn, nhưng hoàn toàn có khả năng xảy ra. Bởi vì đối với cáo, việc ăn thịt ngỗng là việc thường xảy ra, trong khi ngỗng lại quên sự thật bi đát đã sờ sờ ấy từ xưa”.

Nghe chuyện này, chú Bảy nóng nảy nói:

- Tôi mà làm con ngỗng, tôi không bao giờ gắp hộ khúc xương hóc cho thằng cáo. Cho nó chết. Cho chết bớt cái giống xấu xa ác độc.

Nghe chuyện này, bác Thám nói, cũng hăng hái không kém.

- Tôi mà làm con cáo, tôi xơi ngay chú ngỗng. Cho nó chết. Thứ ngu cho nó chết. Nếu để nó sống, nó sẽ rêu rao rằng cáo bất nghĩa, bội bạc vong ân.

Cụ Phiệt ôn tồn nói:

- Hai người đều sai cả. Trong chuyện kể của Aesop, con cáo không ăn con ngỗng, tại sao như thế? Tại vì cổ họng cáo còn bị sưng tấy và đau. Trong chuyện kể của Aesop, con ngỗng vẫn gắp xương hóc cho cáo, tại vì ngỗng nuôi ảo tưởng làm ân nhân và tham của hậu tạ. Chuyện của Aesop rất hay.

Đột ngột, ông Ban nhận xét:

- Tôi xét thấy, bác Thám là con cáo. Chú Bảy là con ngỗng. Còn cụ Phiệt lại là ông Aesop”.

Nghe thế, bác Thám trừng mắt:

- Thế, còn ông là gì?

Ông Ban trả lời:

- Khúc xương hóc.

Tất cả đều nín thinh. Câu trả lời của ông Ban thật khó hiểu. Một khoảng im lặng kéo dài.

Cụ Phiệt lên tiếng:

- Nếu là khúc xương hóc thì ông đích thị là đã chết rồi. Ông chết vì con cáo đã xơi ông.

Ông Ban nhìn trừng trừng vào bác Thám, cùng lúc chú Bảy cũng nhìn trừng trừng vào bác Thám. Trong ánh mắt của họ ánh lên nhiều căm ghét. Tại sao lại như thế? Tại sao câu chuyện ngụ ngôn lại chuyển hướng như thế?

Như nhận ra sự việc đang biến chuyển kỳ lạ, cụ Phiệt lại lên tiếng:

- Bác Thám này, tôi thấy ông Ban và cả chú Bảy đều cay cú bác rồi đấy.

Bác Thám gay gắt hỏi lại:

- Tại sao họ cay cú?

Cụ Phiệt giải thích:

- Tại vì ban nãy bác muốn tự nhận mình là con cáo. Ban nãy bác nói: “Nếu tôi mà làm cáo...” Do thế, ngỗng và xương hóc đều ghét bác. Đơn giản thế thôi.

Bác Thám gay gắt hỏi lại:

- Nhưng tôi có phải là cáo đâu cơ chứ?

Cụ Phiệt cũng hỏi lại:

- Đành vậy, nhưng ông Ban đâu phải là xương hóc? Chú Bảy đâu phải là ngỗng? Họ, bác và tôi và cả ngài Aesop cũng đều là người nên mới sinh lắm chuyện thế chứ!

Ông Ban đã lấy lại bình tĩnh, nói:

- Đừng có chuyện ngụ ngôn lại hơn.

Chú Bảy nói:

- Nhưng chuyện ngụ ngôn đã có rồi và không bao giờ mất.

Cụ Phiệt cười:

- Đúng, vì con người ưa chuyện ngụ ngôn. Mà ngụ ngôn lại ưa dùng con vật để dạy con người, thế nên mới rắc rối. Còn dùng người dạy người, ai mà thèm nghe và không còn là chuyện ngụ ngôn nữa.

Nhà văn Ngô Phan Lưu.