Cầu... tự tử
Thứ ba, 19/2/2008, 09:40 GMT+7

Nằm trên quốc lộ 1 A, nối hai bờ sông thuộc địa phận hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, mỗi năm cầu Bến Thủy đều trở thành điểm đến để một số học sinh, sinh viên gieo mình kết thúc cuộc đời. Mới đây, sau ngày lễ Valentine, một nữ sinh lớp 11 vì thất tình lại tiếp tục nhảy cầu tự tử...

Những cái chết mang tên “hận tình”

Cầu Bến Thủy dài chừng 500 mét, hai bên có hai hành lang nhỏ khá kín đáo dành cho người đi bộ, được ngăn cách với con đường chính phía lòng cầu bởi những thanh sắt lớn.

Gió thổi, mặt nước sông Lam hắt lên phấn khích thêm sự thơ mộng, tình cảm cho những đôi trai gái tỏ tình, nhưng cũng làm tăng thêm sự nông nổi, bồng bột, bất cần với cuộc sống hiện tại của những cô gái, chàng trai đang bế tắc điều gì đó, nhất là tình yêu và việc thi cử, học hành. Rồi thần chết đón họ chỉ đơn giản bằng động tác cúi người xuống, buông tay ra…


Nhiều nữ sinh tìm đến cái chết vì thất tình

Vào khoảng 3h sáng ngày 15/2/2008, em Phan Thị Hoài T (học sinh lớp 11C9, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Vinh, Nghệ An) đã bỏ nhà đi đến cầu Bến Thuỷ rồi nhảy xuống sông Lam tự tử. Đến 15 giờ cùng ngày, gia đình đã thấy thi thể của em T trôi dạt dưới chân cầu Bến Thuỷ. Một người thân phát hiện trên bàn học của T. có 1 bức thư tuyệt mệnh kèm 1 tấm ảnh chân dung.

Nội dung lá thư cho thấy, trước đây T. đã quen và yêu một sinh viên học âm nhạc tại Hà Nội. Gần đây, sinh viên này đã yêu một cô gái khác và không hề quan tâm đến T nhân ngày Valentine (14/2). Chính vì thế T thấy thất vọng và tìm đến cái chết.

Cầu Bến Thuỷ được xem là chiếc cầu “tử thần”. Tại đây, đã có không ít sinh viên trường ĐH Vinh và những bạn trẻ ở tuổi yêu đương tìm đến gieo mình xuống dòng sông Lam để kết liễu cuộc đời khi gặp bế tắc trong cuộc sống.

Ngày 12/5/2007, nữ sinh viên Phạm Thị Thu H (1988) ở Mường Xén (Kỳ Sơn - Nghệ An) đã nhảy cầu Bến Thuỷ (TP Vinh) tử tử khi đang là sinh viên khoá 47A Toán, trường Đại học Vinh. Trước khi quyên sinh, H đã để lại hai bức thư vĩnh biệt: Một gửi cho bố mẹ với những lời lẽ thống thiết và một gửi cho người yêu với những lời lẽ yêu thương.

Trung, sinh viên trường ĐH Vinh kể lại: “Vài tháng trước, hôm đó khoảng 12 giờ đêm, vì quá căng thẳng chuẩn bị cho việc thi nên em ra cầu Bến Thủy hóng mát. Cách chỗ em đứng không xa có một người con gái đứng lặng cả tiếng đồng hồ nhìn xuống dòng sông. Em sinh nghi và chuẩn bị đến để nói vài lời khuyên thì bỗng thấy cô ta cởi bỏ túi đồ, áo khoác ngoài rồi vịn tay leo lên lan can cầu. Em chạy nhanh đến và kịp nắm tay cô ta lôi mạnh xuống, rồi cô khóc òa lên nức nở và trút hết nỗi lòng. Thì ra người yêu của cô ngày mai cưới vợ mà cô thì đã trót mang mang thai trong khi đang đi học…”

Rồi Trung man mác buồn kết thúc câu chuyện với chúng tôi: “Em chưa vơi được sự ân hận bởi mình đã không cứu được cô gái đó. Sau khi thấy cô ấy bớt căng thẳng bởi lời khuyên của em nên quay bước, nhưng vừa được vài bước chân thì nghe tiếng “ùm” – cô ấy mất hút dưới dòng sông, em chạy đi gọi thuyền nhưng không kịp”.


Bến Thuỷ được xem là chiếc cầu “tử thần”

Rất nhiều người chưa thể quên được cái chết của một đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Chỉ vì anh (quê ở Nghi Lộc, Nghệ An) làm nghề lái xe ôm, còn chị (quê ở Ninh Bình) làm ở một cơ quan nhà nước (tại Tp. Vinh) nên gia đình cô gái cấm đoán, nặng lời với họ. Rồi một buổi tối hai người đã lên cây cầu này, dựa lưng vào nhau và cột chặt dây lại rồi cùng lao mình xuống dòng nước như để “trả lời” với gia đình là không ai chia lìa họ được.

Mới đây thôi, trong lúc chập choạng tối thứ Bảy ngày 16/12/2007, một anh thanh niên trên đường đi từ Giá Lách (Hà Tĩnh) về phường Bến Thủy (Tp. Vinh) thấy một người con gái có cử chỉ rất khả nghi. Anh cho xe chậm lại quan sát thêm và khẳng định đây là sự chuẩn bị cho cuộc tự vẫn khi cô gái này có ý định rời lan can cầu. Anh hét to rồi lách qua những thanh sắt cầu lao đến chỗ cô gái. Cô òa khóc nức nở, trở về ký túc xá để rồi hai hôm sau tìm đến gặp anh để cám ơn…

Và còn rất nhiều nữa những người trẻ tuổi đã tìm đến cầu này để kết thúc cuộc đời. Một công nhân ở trạm thu phí cầu Bến Thủy cho biết: “Điều đó đã trở thành phổ biến, đại đa số họ là nữ…”.

Tự tử vì trầm cảm


Trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tự tử. (Ảnh minh hoạ)

Thời gian gần đây, ở các trường học trên địa bàn thành Vinh (Nghệ An) xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp tương tự khiến không ít người giật mình.

Ngày giữa tháng 11/2006, sinh viên Đ.T.H.Y. (quê ở Ninh Bình) lớp 44B khoa Sử trường ĐH Vinh lại ra cầu này để tự tử. Cô gái hiền dịu nết na này học lực vào loại “tốp ten” của khoá học và từng đoạt giải nhất cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” nhà trường. Cô có để lại cho bố mẹ một lá thư tuyệt mệnh, trong thư cô nói sự “ra đi” là để thoát khỏi cuộc tình ngang trái vì đã bị người yêu “để pa”, chạy theo bóng hồng khác.

Một trường hợp tương tự cũng tự tìm đến cái chết. Quản Thị Tr, (1986), quê Thanh Hoá, là SV năm thứ 2 lớp K30, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nghệ An, khiến không ít người chứng kiến đau xót. Nhiều bạn học quen biết Tr. đều Không thể tin và hình dung nổi chuyện Tr. có thể đủ “bản lĩnh” nhảy cầu tự sát. Nhưng điều đó đã xảy ra.

Lúc trước, Tr. nói nhiều nhưng có một thời gian sau này tâm tính Tr. trái hẳn. Nét mặt hồn nhiên bị khỏa lấp bởi đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn, lầm lì. Từ chỗ sống hòa đồng, Tr. tự khép mình với bạn bè, và điều khó hiểu là trong cách nói chuyện, Tr. luôn trả lời nhát gừng. Có lần, Tr. từng thổ lộ với bạn bè là do quá buồn với bệnh tật nên mình không thiết sống nữa.

Những biểu hiện khác thường của Tr. đã được một số bạn bí mật trao đổi với lớp và bàn cách giúp đỡ. Ngoài ra, Chủ nhiệm khoa cũng bí mật phân công giảng viên phụ trách giúp đỡ Trâm. Và, về mặt tinh thần, Tr. có phần nào đó dần ổn định, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của lớp. Thế nhưng, Tr. vẫn tự tìm đến cái chết.

Trường hợp của N.T.V, một SV khác của ĐH Vinh khi tìm cái chết khiến không ít chúng ta phải giật mình. Mối tình đầu tiên, V. đã dành trọn và dâng hiến tất cả. Đáp lại, bạn trai của V. cũng quan tâm, chăm sóc, hết lời yêu thương chiều chuộng. Nhưng rồi chuyện tình yêu đổ vỡ, V. vẫn chưa kịp thích ứng với sự hụt hẫng đó nên trong lúc nghĩ quẩn, V. tự tìm đến cầu Bến Thuỷ quyên sinh.

Một số bạn bè của V. nhớ lại: “V. có lần đã nói trống không: Chỉ có con đường tự tìm đến cái chết mới quên hết tất cả. Cho là V. nói nhảm nhí, đến khi chuyện đã rồi, mới thấy hối hận. Vì có thời điềm gần cuối, V. luôn có biểu hiện rụt rè, ngại giao tiếp, không ai nghĩ đó là bệnh trầm cảm nên không có biện pháp giúp đỡ.

Bế tắc trong học tập: Tìm đến… cầu

Hàng năm, sau những kỳ thi, ở cầu Bến Thủy thường xẩy ra “sự cố”. Gần đây nhất, học sinh Phan Thị D. (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), học hành chăm chỉ, tiến bộ, được nhiều kỳ vọng của gia đình thế nhưng D đã không thi đỗ vào ĐH. Quá căng thẳng, chán nản, tuyệt vọng dù đã được người thân, bạn bè an ủi. Hai ngày sau khi biết kết quả thi, em nhờ bố chở ra cầu Bến Thuỷ để “khuây khỏa”, và khi xe vừa dừng, em chạy ngay ra thành cầu, chào bố rồi lao mình xuống dòng nước dữ.

Kỳ thi ĐH năm 2006 vừa qua Lê Thị Tr. từ Đô Lương xuống TP. Vinh thi năm thứ hai. Trong một môn thi, Tr. phải ra khỏi phòng thi giữa chừng vì không làm được bài, trở về Tr. đi mua thuốc ngủ nhưng có người phát hiện và can ngăn. Nhưng khi kỳ thi kết thúc, quá tuyệt vọng và đã ra cầu này và nhảy xuống.

Thật may mắn, hồi bé Tr. từng là “kiện tướng” trong những lần bơi thi với đám trẻ trong làng. Nước sông Lam đưa Tr. sang bờ của xã Xuân An (Nghi Xuân- Hà Tĩnh), cuộc tự tử bất thành.


Áp lực học tập khiến nhiều sinh viên gõ cửa "thần chết". (Ảnh minh hoạ)

Trường hợp khác là Trần Duy H, (Quảng Bình) học ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinh cũng tìm đường ra cầu này khi bị thi lại tới 5 môn học. H thực hiện không thành vì bị các bạn trong phòng chạy đến kịp.

Buổi sáng 23/6/2006, khi mặt trời vừa ló dạng, một người lái xe ôm phát hiện một người nhảy từ trên cầu Bến Thủy xuống dòng sông Lam. Sau khi trục vớt mới biết được đó là nữ sinh Nguyễn Thị L (19 tuổi), thường trú xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Nguyên nhân của cái chết này do áp lực từ gia đình và bản thân trước mùa thi làm cho em quá căng thẳng.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã hơn 20 năm gắn bó với nghiệp tham gia vớt xác ở khu vực cầu Bến Thủy đã từng chứng kiến không ít cảnh tượng đau lòng trên dòng sông Lam.

Chị cho biết những năm gần đây ngày càng nhiều người tự tử trên cầu Bến Thuỷ. Mỗi năm, sau kỳ thi đại học lại có thí sinh nhảy cầu; hoặc tự vẫn vì tình yêu dang dở; chuyện gia đình; rồi người thì thi đỗ mà không có tiền đi học, người thì thi cùng trường với người yêu, người yêu đỗ còn mình thì không…

Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của các hiện tượng trên là do công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, gia đình và xã hội chưa đạt hiệu quả mong muốn. Một chuyên gia khẳng định: Nhiều trẻ đang bị “bỏ đói” về tư vấn tâm lý và cô đơn!

Thầy Nguyễn Bá Minh, T.S Tâm lý học, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Vinh cho biết: ”Cách nhìn bệnh trầm cảm dường như đối với chúng ta còn khá mới lạ. Nhiều người khi mắc phải chứng bệnh này thường có những hành vi sai lệch trong cuộc sống. Nguyên nhân chính vẫn là do thất bại trong quan hệ, trong cuộc sống".

"Căn bệnh này nếu phát hiện sớm, có tác động tích cực từ phía người thân, bạn bè, hoặc chuyên gia tâm lý tư vấn giúp đỡ thì người mắc bệnh nhanh chóng được chữa trị. Chúng tôi mong rằng các SV, bạn trẻ hãy mạnh dạn đến với các nhà tâm lý học để được tư vấn, giúp đỡ...”.

Theo Emill Durpseim – nhà xã hội học người Pháp, có nhiều lý do dẫn đến việc tự tử chứ không phải bản thân sự thất vọng. Khi sợi dây liên hệ của cá nhân với gia đình, xã hội, bạn bè lỏng lẻo, không được chia sẻ, cảm thông mới dễ dẫn tới suy nghĩ tự tử.

Vì vậy, không phải ai thất vọng lớn cũng tự tử, họ sẽ vượt qua dễ dàng khi mối dây liên hệ cá nhân với gia đình, xã hội bền chặt, có sự sẻ chia, thông cảm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử đã trở thành vấn đề đáng báo động ở châu Á: trung bình mỗi ngày có tới 1.100 người chết vì tự tử. Đáng sợ hơn, tổng số người tự tìm đến cái chết cao gấp 20 lần con số này, song thất bại.


Theo Hải Châu An