Chân dung "Vua" bói đất Bắc

Ở Bắc Ninh hiện có rất nhiều “thầy” bói đã được thiên hạ phong “Vua”, phần vì có chút tiếng, phần vì những khối tài sản kếch xù mà các “thầy” này có được nhờ công nghệ buôn Thần, bán Thánh.

Và trong số các “Vua” này không thể không nhắc tới “thầy” Nghị hay còn gọi là Nghị “Pê đê”...
Dựng “cung” giữa làng

Nghị “Pê đê” tên đầy đủ là Lê Xuân Nghị, sinh năm 1964, ngụ tại thôn Hà Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), là một trong số ít “thầy” bói sinh sau, đẻ muộn nhưng lại sớm thành công trên con đường “hoạn lộ”. Tuy là kẻ đi sau, nhưng Nghị đã nhanh chóng gây dựng được tên tuổi của mình trong giới bói toán. Chẳng thế mà, mới đến đầu thị trấn Phố Mới, hỏi thăm “thầy” Nghị, không ai không biết tiếng. Nhà Nghị nằm ngay cạnh con mương đầu làng Hà Liễu, nhìn từ xa không khác gì cung Vua, phủ Chúa ngày xưa, đối lập hoàn toàn với những ngôi nhà khác trong thôn. Theo dân làng ở đây, cung điện của Nghị mới được xây lên từ năm ngoái, dù nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, song khi mới bước chân vào đây, “du khách” ai nấy đều có cảm tưởng như lạc vào một hoàng cung của ông Vua nào đó.


Một góc “điện” của thầy bói Lê Xuân Nghị.



Cung điện của Nghị được xây dựng trên một khuôn viên rộng chừng 400m2, phía trước được thiết kế gồm 3 toà bảo tháp cao 4 tầng, chính điện của Nghị cao 5 tầng, phần mái được xây dựng theo kiểu mái đình uốn cong hướng về bốn phía như muốn tỏ rõ cái “uy” của Nghị. Cung điện được chia thành 10 phòng khác nhau, trong đó có các phòng chính như đền, cung thờ, nơi hành lễ và cả một căn phòng riêng rộng rãi để Nghị “toạ”. Ngay từ cổng chính đi vào, Nghị đã bố trí các điểm chỉ dẫn như “lối lên điện”, “lối đi vệ sinh”, “lối ra, vào, thoát hiểm”... Một “nhân viên” phục vụ của Nghị cho biết, sở dĩ phải bố trí các biển chỉ dẫn như vậy là sợ khi khách đi vào bên trọng bị... lạc, do điện quá rộng. Phòng hành lễ của Nghị hoành tráng nhất. Tại đây Nghị bố trí đủ loại tượng Phật, chỉ đếm sơ sơ có chừng tới... 200 pho, được chia thành 7 ban thờ khác nhau. Theo một lãnh đạo thôn, chỉ riêng tiền xây thô, cung điện của Nghị cũng “ăn” hết cả chục tỷ đồng. Ngày Nghị động thổ xây dựng cung điện này, hầu hết người dân trong thôn đều lên tiếng phản đối, song bất chấp, Nghị vẫn cứ cho khởi công.

Lật mặt kẻ đội lốt Thánh Thần

Ngay sau khi tiếp cận được “mục tiêu”, chúng tôi đã dành ra hơn 1 ngày để thâm nhập vào “hang ổ” của Nghị. Để yên tâm “tác nghiệp”, Nghị thuê hẳn hai thanh niên vạm vỡ làm vệ sỹ, những người này luôn có nhiệm vụ dẫn khách lên đền và quan sát nhất cử, nhất động của khách, bởi khi làm cái nghề này Nghị, chỉ sợ nhất hai giới là công an và... phóng viên. Ngay sau khi chiếm được niềm tin của Nghị, chúng tôi được một vệ sỹ dẫn lên đền, đợi đến lượt thầy “ban” cho vài lời vàng ngọc.

Đền của Nghị rộng chừng 40m2 lúc nào cũng lố nhố kẻ đứng, người ngồi. Khi chúng tôi bước chân lên đền, tuy đã là 11 giờ, nhưng trong đền vẫn còn tới hơn 20 “con nhang” ngồi xếp hàng đợi được Nghị xem. Phần lớn những người đến đây xem bói đều là phụ nữ, lẫn vào đó là một... vài người đàn ông đưa vợ đi xem bói. Ngồi trước mặt đám khách lộn xộn là một con người, sở dĩ phải gọi như thế vì nếu không ngồi lâu, chúng tôi cũng chẳng biết Nghị là đàn ông hay đàn bà. Giọng the thé, cộng với khuôn mặt mang vẻ nữ tính, lúc nào Nghị cũng vận một bộ quần áo vải nâu sẫm theo kiểu nhà sư, đầu đội một chiếc mũ len cũ nát. Phải mất rất lâu sau, chúng tôi mới phát hiện ra Nghị là đàn ông nhờ mấy sợi ria mép lún phún.


“Vua” bói Lê Văn Nghị (phải) đang hành nghề.



Dụng cụ để Nghị hành nghề rất đơn giản, chỉ là 3 bộ bài tú lơ khơ. Bàn tay Nghị lúc nào cũng thoăn thoắt chia bài, còn nhanh hơn cả những tay cờ bạc chuyên nghiệp. Ba bộ bài luôn được Nghị xếp rất ngay ngắn. Một bộ gồm 16 quân gồm J, Q, K, A được ép plastic cẩn thận chuyên dùng để xem cung điền trạch, một bộ bài có kích thước nhỏ hơn, mặt sau in hình Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln với 32 quân bài từ 2 đến 9, chuyên dùng để xem cung vận hạn, làm ăn, đi lại. Còn bộ thứ 3 gồm 36 quân từ 2 đến 10, được Nghị dùng xem cung nhân duyên. Khách đến xem bói chỉ việc ngồi đợi theo thứ tự, ai đến lượt, tự động nộp cho Nghị tối thiểu 50.000 đồng vào chiếc khay đặt trên bàn.

Lúc chúng tôi có mặt, một người phụ nữ trạc 40 đang được Nghị xem bói. Sau một hồi hỏi tên tuổi, quê quán, Nghị bắt đầu thực hiện “công đoạn” cháo bài rồi phán một lèo, nào là đất nhà chị năm nay rất đẹp, có thể sửa sang trước ngõ, trồng rau sau nhà, cầu danh đắc danh, cầu lợi đắc lợi. Thỉnh thoảng, Nghị lại xen vào một vài câu thơ Đường. Cứ như thế, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, Nghị “đai” đi “đai” lại những từ đó như một cái máy nói. Nhận thấy khách đã bắt đầu “thấm mồi”, Nghị mới phán: Nhà chị năm nay có động đất ở phía Đông do hàng xóm mới đào đất xây nhà.

Nghe phán, mặt người phụ nữ tái xanh, khấn lấy khấn để nhờ thầy... trừ hạn. Một “chiêu” được Nghị sử dụng nhiều nhất là phán về gia đình của khách, theo đó hầu hết ai đến xem, Nghị cũng phán những câu đại loại như nhà chị có bà cô chết trẻ, ông chú ở nhà không đi bộ đội vì tật nguyền, còn mộ cụ Tứ Đại thì nằm ở vị trí Đông Nam, phía trước có con mương chảy qua. Về con đường vận hạn, Nghị luôn “đai” bài nào là tháng 2, tháng 3 đi lại cẩn thận, tháng 9, tháng 10 có thể sinh bệnh tật, ốm đau. Con cái thì mang mệnh kim đàn thiết toả (rắn cắn), 10 đứa thì chết 9. Tóm lại, mọi con đường Nghị đều đưa khách đến chỗ phải mua lễ tạ để cúng giải hạn.
Thường mỗi lễ tạ như thế Nghị bắt khách phải sắm từ 3-4 triệu đồng/lễ/người, có người phụ nữ con bị bệnh thận nhiều năm không khỏi, Nghị cũng phán bừa là cả nhà phải cúng sao giải hạn với số tiền sắm lễ lên đến 15 triệu đồng. Với số lượng khoảng 100 khách, mỗi ngày riêng tiền lễ Nghị đã “ăn” được không dưới 5 triệu đồng, nhưng thực ra đây mới là khoản “rau dưa”, còn khoản chính là Nghị “ăn” từ tiền cúng và tiền làm lễ của khách, chưa kể nhiều người theo hầu Nghị hàng tháng cũng phải “cống”. Điều đó lý giải vì sao Nghị lại giàu đến thế.

Thầy nào trò đó

Theo một cán bộ thôn Hà Liễu trước khi trở thành “thầy” bói, Nghị chỉ là một kẻ du thử du thực suốt ngày lang thang hết chợ này, đến chợ khác trong huyện. Vốn là một công nhân cơ khí, do bản tính lười lao động, nên Nghị đã bị cho về nghỉ “một cục”. Sau nhiều ngày lang thang, Nghị gặp được một người đàn bà chuyên đi bán hương ở chợ Nội Roi, từ đó Nghị đã bắt đầu “tích luỹ” kinh nghiệm phục vụ cho nghề bói toán của mình sau này. Hồi đó, hễ người đàn bà bán hương kia đi đâu, Nghị đều đi theo đến đấy, rồi học lỏm vài ba câu tiếng Hán, câu cúng lễ từ những người bán hàng, những ông thầy cúng ở chợ.

Song người đầu tiên dìu dắt Nghị vào nghề phải kể đến ông “thầy” Nguyễn Văn Lại (biệt danh Lại “dở”) ở cạnh làng Nghị. Lại cũng là một kẻ chỉ muốn ăn, mà không muốn làm. Từ năm 1983 sau một hồi phát cơn động kinh, Lại bất ngờ được Thánh cho “ăn lộc”, thiên hạ đồn là nói đâu đúng đó. Từ đó, Lại đã dỡ cả bàn thờ của tổ tiên xuống để nhường chỗ cho hai bát hương thờ cúng Thánh Thần và cũng là nơi để bói toán, kiếm ăn. Mỗi khi có khách vào xem bói, Lại thường ra cúng mấy câu, để cho Thánh “nhập cung” vào người rồi phán. Thủ đoạn của Lại là lấy tà ma ra để dọa khách. Nói chuyện với chúng tôi, Lại tự hào khoe: “Thằng Nghị trước kia nó đến đây học tôi đấy. Được cái nó nhanh nhẹn, nên phất nhanh hơn tôi”. Cũng vì “mối tình” này, mà bây giờ khi nào thấy nhà Lại vắng khách, Nghị thường “san hàng’ cho thầy cũ.

Kỳ 2: Mảnh đất "nghìn thầy"

Theo Nông Thôn Ngày Nay