NHỮNG PHẨM HẠNH CỦA CHODEN RINPOCHE
Qualities of Choden Rinpoche

by Lama Zopa Rinpoche
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên


Kể từ lần đầu tiên chúng ta mời Choden Rinpoche (1) tới Vajrapani, những người học đạo đã từng nhận các giáo lý từ Rinpoche trong quá khứ sẽ có một vài ý niệm và nhận thức về các phẩm hạnh của Rinpoche. Dĩ nhiên là chỉ khi nào chúng ta trở nên giác ngộ, ta mới có thể nhận ra từng phẩm hạnh mà Rinpoche đã có – những phẩm hạnh bí mật, bao la và không thể nghĩ bàn của Đức Phật là đối tượng của sự hiểu biết mà chỉ chư Phật mới có, ngay cả các A La Hán và các Bồ Tát Thập địa cũng không thể nhận thức được các phẩm hạnh này. Tuy nhiên, những người trước đây đã từng thọ nhận các giáo lý sẽ có thể thấy rằng Rinpoche có sự am hiểu và kinh nghiệm thật bao la. Không những Rinpoche có sự hiểu biết rộng lớn mà tâm linh thánh của ngài cũng là một biển chứng ngộ mênh mông và vĩ đại như không gian, tràn đầy từ ái, đã hoàn tất việc tu hành tâm thức tốt lành, thanh tịnh và có mọi phẩm hạnh của những học giả uyên bác. Chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận điều này thật rõ ràng. Hình trên: Choden Rinpoche tại Trung tâm Kurukulla tháng Mười một 2004

Thực ra, mọi phẩm hạnh của Guru (Đạo sư) mà Rinpoche đã đề cập tới trong ít ngày qua trong giáo lý Lam Rim là những phẩm hạnh mà bản thân ngài sở hữu. Bản thân Rinpoche có mười phẩm hạnh (2) được đề cập tới trong giáo lý Pháp Bảo của các Kinh điển của Đức Phật Maitreya (Di Lặc). Ngài là một thiện tri thức đã an định tâm thức nhờ sống trong sự tu tập giới hạnh đạo đức, đã an định tâm thức nhờ tu tập thiền định, và cực kỳ an bình nhờ tu tập nội quán vĩ đại. Như thế, Rinpoche có những phẩm hạnh vĩ đại hơn các đệ tử, có sự nhẫn nại – quý vị có thể nhận thấy là ngài không có chút dấu vết nào của sự lười biếng – và uyên thâm mọi dòng truyền thừa của Tam Tạng giáo lý (Kinh, Luật, Luận) kể cả tantra (Mật điển). Ngài cũng có sự chứng ngộ tối thượng về tánh Không theo trường phái Prasangika, không chỉ là một quan điểm về tánh Không của một trường phái thấp kém như svatantrika hay duy tâm, là quan điểm có thể được hàm ý bởi phẩm hạnh “nội quán vĩ đại”. Như thế Rinpoche hết sức thiện xảo trong phương pháp giảng dạy – có thể làm cho giáo lý trở nên vô cùng hiệu quả, có lòng bi mẫn và không lúng túng trong việc hướng dẫn đệ tử, trong việc hiển lộ các giáo lý.

Rinpoche cũng có tất cả những phẩm hạnh được đề cập tới trong Guru Puja. (3) Ngài có mười phẩm hạnh, tuân giữ giới hạnh của ba cửa (thân, ngữ và tâm) thật tinh nghiêm, có trí tuệ, sự nhẫn nại to lớn, một tấm lòng chân thành, và không bị trói buộc bởi sự tự phụ hay xảo trá – không che dấu những lỗi lầm của chính mình. Và Rinpoche hoàn toàn thấu suốt bốn bậc tantra, kể cả pháp tối thượng là mahaanuttaratantra. Ngài không chỉ thông suốt về mặt trí thức mà còn thực sự chứng ngộ chân nghĩa của mantra hay ngag – tịnh quang, trí tuệ siêu việt của lạc và Không bất nhị của mahaanuttaratantra. Rinpoche có mười phẩm hạnh bên ngoài (4) của các tantra thấp và mười phẩm hạnh bên trong (5) của tantra tối thượng.

Như thế, trong Năm mươi Bài Kệ Lòng Sùng mộ Đạo sư có nhắc tới năm phẩm hạnh: có lòng sùng mộ không thể lay chuyển đối với giáo lý Đại thừa – những giáo lý Kinh điển thông thường và đặc biệt là những giáo lý Mật thừa, toàn bộ con đường dẫn tới Giác ngộ - có lòng đại bi, lão luyện trong việc hướng dẫn đệ tử, và tuân giữ giới luật thuộc thân, ngữ và tâm thật nghiêm mật. Rinpoche đầy đủ phẩm tính trong tất cả những lãnh vực này.

Vì thế tôi đã suy nghĩ để kể ra tất cả những phẩm hạnh này cho những người mới tới, những người có một ít quan tâm tới con đường tâm linh, nhưng không có chút ý niệm nào về Guru (Đạo sư) và làm thế nào mọi sự tùy thuộc vào việc khảo sát, tìm kiếm, và sau đó hiến mình cho một Guru toàn hảo. Đây là điều quan trọng nhất đối với thực hành tâm linh và Choden Rinpoche là một Lạt ma Tây Tạng đích thực, Guru đích thực cho những ai có thể hiến mình nếu họ thực sự muốn thực hành một con đường tâm linh. Dĩ nhiên là đối với tất cả các Guru khác của tôi thì cũng thế, chẳng gì phải bàn cãi, ngoại trừ tôi, tôi là Chuột Mickey. Tôi nói tới điều này để bạn biết rằng đây không phải là một niềm tin mù quáng hay dính mắc vào điều gì đó mà sau này có thể lừa dối bạn, một ảo giác to lớn nào đó.

Một điều khác tôi muốn nói là tôi có cảm tưởng rằng mỗi lời Rinpoche nói ra đều phát xuất từ sự chứng ngộ của riêng ngài và đó là lý do tại sao mỗi lời ngài nói thì rất, rất hiệu quả - như một quả bom nguyên tử làm nguôi dịu sự mê lầm. Đặc biệt hơn nữa là bởi samaya (cam kết, hứa nguyện) của ngài đối với các Guru của ngài hết sức thanh tịnh nên từng lời giảng dạy của ngài có thể đem lại lợi lạc bởi nó mang rất nhiều sự gia trì. Đây là điều quan trọng nhất. Việc đệ tử nhanh chóng có được các chứng ngộ và thành tựu giác ngộ tới mức độ nào thì tùy thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp, samaya, với các Guru. Khi samaya tốt đẹp thì đệ tử có thể thành tựu chứng ngộ hết sức nhanh chóng và đạt được Giác ngộ, nếu không như thế, một lần nữa họ trở nên tăm tối và sẽ có những chướng ngại.

Bởi từng lời dạy của Rinpoche xuất phát từ những chứng ngộ và samaya thanh tịnh của ngài với các Guru, nếu quý vị liên tục thiền định như Rinpoche giảng dạy và tiếp tục thiền định về nền tảng đó thì tôi nghĩ rằng nhất định là quý vị sẽ thành tựu chứng ngộ. Ví dụ như Rinpoche sắp hoàn tất mục Lòng Sùng mộ Đạo sư, vì thế nếu quý vị tiếp tục thiền định về những điều ngài đã dạy mỗi ngày thì dứt khoát là quý vị sẽ thành tựu chứng ngộ. Với những chủ đề khác mà Rinpoche giảng dạy thì cũng thế, khi Rinpoche bắt đầu giảng dạy, cũng trong thời gian đó nếu quý vị tiếp tục thiền định thì tôi nghĩ rằng bởi những sự gia trì (ban phước) của Rinpoche xuất phát từ những chứng ngộ cũng như samaya thanh tịnh với các Guru, chắc chắn là những lời dạy ấy sẽ chuyển hóa tâm thức. Nếu quý vị nỗ lực thiền định đồng thời với việc ngài giảng dạy thì chắc chắn là quý vị sẽ chứng ngộ. Đây là lời khuyên dạy nói chung mà tôi muốn nhấn mạnh cho đệ tử mới, những đệ tử cũ, cho mọi người. Có nhiều người thành tựu các chứng ngộ trong các khóa giảng – trong khi Lạt ma đang giảng dạy, tâm thức những người này bị lay động và họ đạt được chứng ngộ.

Vì thế, dĩ nhiên là ở nhà có nhiều ràng buộc và đối với những người ở xa thì khó có thể đến mỗi ngày, tôi cũng hiểu rằng đã từng có nhiều đại Lạt ma và những guru khác giảng dạy trong vùng nhưng ta không nên nghĩ rằng sẽ luôn luôn có một cơ hội như thế này. Cơ hội này có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào. Vì thế tôi muốn nhấn mạnh để những đệ tử cũ tham dự các giáo lý Lam Rim càng nhiều càng tốt. Trước tiên, chính Ribur Rinpoche khuyên nên thỉnh mời một Lạt ma tràn đầy năng lực ban các giáo lý Lam Rim Chen Mo tại LMB (Land of Medicine Buddha, Xứ Đức Phật Dược Sư), vì thế điều này xảy ra là nhờ thiện tâm của Ribur Rinpoche. Vì thế mặc dù có nhiều ràng buộc tại nhà, trong gia đình, nhưng nếu có thể sắp xếp thời gian thì tôi khuyên quý vị cố gắng tham sự các khóa giảng Lam Rim của Rinpoche càng nhiều càng tốt. Kết quả chắc chắn là sau này quý vị sẽ không có gì để hối tiếc. Sau này quý vị sẽ không hối tiếc – tương lai sẽ là sự giác ngộ, những chứng ngộ của con đường dẫn tới giác ngộ. Nếu quý vị tiếp tục thiền định về Lam Rim như Rinpoche giảng dạy – dĩ nhiên là điều này tùy thuộc vào nghiệp của mỗi cá nhân – nhưng tôi nghĩ rằng dứt khoát là có thể có sự chứng ngộ. Và Rinpoche là người mà tâm thức luôn luôn ở trong sự thực hành, trong Pháp thanh tịnh, không ngơi nghỉ ngay cả một giây. Đây là bình luận mà tôi luôn luôn nói về Choden Rinpoche. Vì thế nếu ta thực sự thiền định như Rinpoche gỉảng dạy về Lam Rim và thực sự nỗ lực, thì có thể có một sự chuyển hóa nào đó, ta có thể thực sự có một vài kinh nghiệm, sự phát triển trong trái tim nhờ sự gia trì của Rinpoche – những chứng ngộ và samaya thanh tịnh của ngài với các Guru của ngài.

Tôi nghĩ là phải nói ra điều này, bởi mặc dù tôi đã nhận lãnh nhiều giáo lý Lam Rim, nhưng dĩ nhiên là tâm tôi vẫn hoàn toàn trống rỗng. Bởi tâm tôi trống rỗng, tôi cần phải nhận giáo lý nhiều hơn nữa để điều phục tâm. Tôi đã thọ nhận giáo lý rất nhiều lần, ngay cả từ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng tâm tôi vẫn trống rỗng, vì thế tôi cảm thấy tốt lành khi được nhận thêm các giáo lý Lam Rim, nó thực sự không thể tin nổi, hết sức phi thường. Trong đời này, không có gì đáng làm hơn điều đó. Không có cuộc đời nào hạnh phúc hơn cuộc đời này. Cũng thế, trong các giáo lý của Rinpoche có nhiều minh giảng đặc biệt mà quý vị không thường được nghe.

Rinpoche không chỉ là một đại học giả hiểu biết nhiều ngôn từ nhưng đồng thời lại rất khiêm tốn, vô ngã, nội tâm cực kỳ mềm mại – có sự hiểu biết bao la nhưng đồng thời vô cùng dịu dàng, đa cảm. Đó là cách thức thực hành và đó là cách chúng ta cũng trở thành như ngài. Chúng ta nên trở thành giống như Rinpoche.

Vì thế vào lúc này, điều hết sức quan trọng là tham dự những khóa giảng Lam Rim này. Chúng ta được may mắn không thể tin nổi là có thể gặp Rinpoche và nghe các giáo lý, một sự may mắn khó tin. Còn cần điều gì khác để có được những chứng ngộ? Nhân loại đang đau khổ rất nhiều bởi tham, sân, si hỗn loạn và càng lúc càng có nhiều vụ tàn sát và ném bom. Điều này cho ta thấy chúng ta may mắn khó có thể tin nổi ra sao. Hoàn cảnh của thế giới khiến ta hứng khởi thực hành để có thể mang lại hòa bình cho thế giới nhiều hơn nữa và cho tất cả chúng sinh. Cuối cùng tôi nghĩ là cần có thêm các Tăng đoàn tham dự các khóa giảng. Tôi cho rằng đặc biệt là Tăng đoàn thực sự cần học tập cách Rinpoche hiểu biết và trở nên giống như Rinpoche. Đó là mục đích của chúng ta. Cảm ơn quý vị rất nhiều!


Lama Zopa Rinpoche giảng tại Xứ Đức Phật Dược sư ngày 13 Tháng Mười, 2002. Đại Đức Tsomo ghi lại và Đại Đức Sarah biên tập.

Nguyên tác: “Qualities of Choden Rinpoche”
by Lama Zopa Rinpoche
http://www.landofmedicinebuddha.org


Chú thích:

(1) Xin đọc “Choden Rinpoche, một Thiền giả Ẩn dật” http://thuvienhoasen.org/cuocdoicuachodenrinpoche.htm

(2) Mười phẩm hạnh của một Guru Đại thừa:

1. Nghiêm trì Giới luật nhờ thông suốt việc tu tập cao cấp điều phục đạo đức bản thân;
2. Tâm thức an tĩnh nhờ tu tập thiền định cao cấp;
3. An định mọi mê lầm và chướng ngại nhờ tu tập trí tuệ cao cấp;
4. Hiểu biết hơn đệ tử về chủ đề giảng dạy;
5. Hết sức nhẫn nại và hoan hỉ trong việc giảng dạy;
6. Là một kho tàng hiểu biết Kinh điển;
7. Có nội quán và thấu suốt tánh Không;
8. Thiện xảo trong việc trình bày giáo lý;
9. Có lòng đại bi; và
10. Không giảng dạy miễn cưỡng và làm việc cho các đệ tử dù họ ở mức độ thông tuệ nào.

(xin đọc “When the Guru Is Ill”,
http://www.lamayeshe.com/lamazopa/ad...rim/guru.shtml)

(3) Guru Puja (hay Lama Chöpa) là một thực hành bao gồm việc cúng dường và khẩn cầu nguồn cảm hứng từ Đạo sư Tâm linh. Những giới nguyện và hứa nguyện tâm linh có thể đã bị hư hoại cũng được phục hồi nhờ thực hành cúng dường tsog (cúng dường tiệc). Trong thực hành này, ta hợp nhất tâm ta với tâm linh thánh của Đạo sư Tâm linh, là người được coi là cội gốc và sinh lực của con đường tâm linh để nhận được những gia trì và phát triển các chứng ngộ trên con đường đi tới Giác ngộ.

Chúng ta cần có công đức, hay năng lực tích cực, để tiềm năng giác ngộ của ta phát triển và trở nên viên mãn. Phương cách tốt nhất để làm điều đó là thực hiện lễ cúng dường long trọng và những lời cầu nguyện Tam Bảo và các Đạo sư Tâm linh của ta. Đây là những gì xảy ra trong Guru Puja. Một loại cúng dường đặc biệt được gọi là tsog được thực hiện. Trong lễ này, ta cúng dường các đĩa trái cây và bánh bích quy và sau buổi lễ, những món này được phân phát cho những người tham dự. Họ có thể dùng những món cúng dường tsog hay chia sẻ cho các Đạo hữu có niềm tin nơi Tam Bảo, nhưng không nên cho các thú vật hay ném vào một nơi dơ bẩn.

(Đại Đức Sangye Khadro biên soạn
http://www.kadampa-center.org/program/pujas_guru.php)

(4) Mười phẩm hạnh bên ngoài được đòi hỏi để giảng dạy các bậc tantra kriya và charya của Mật điển, là những cấp bậc nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tịnh hóa chủ yếu là những hoạt động bên ngoài trong việc nối kết với các tiến trình tâm linh bên trong. Một Đạo sư cần thông suốt:

1. Vẽ, tạo lập và quán tưởng những trụ xứ mạn đà la của các Bổn Tôn thiền định;
2. Duy trì những trạng thái khác nhau của thiền định nhất tâm;
3. Thực hiện những thủ ấn (mudras);
4. Thực hiện những vũ điệu nghi lễ;
5. Tọa thiền trong tư thế kiết già;
6. Trì tụng những điều thích hợp với hai cấp bậc tantra này;
7. Thực hiện các lễ cúng dường lửa;
8. Thực hiện các lễ cúng dường khác nhau;
9. Cử hành các nghi lễ:
a) Làm an dịu các cuộc tranh cãi, nạn đói và bệnh tật.
b) Tăng trưởng thọ mạng, trí tuệ và của cải,
c) Có năng lực tác động tới người khác và
d) Có năng lực mang hình tướng phẫn nộ giải trừ các thế lực quỷ ma và những nhiễu loạn; và

10. Khẩn cầu các Bổn Tôn thiền định và giải tan các ngài trở về những nơi chốn thích hợp của các ngài.
(5) Mười phẩm hạnh bên trong cần thiết để giảng dạy bậc tantra yoga và mahaanuttara yoga của tantra (Mật điển), là những cấp bậc nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tịnh hóa chủ yếu là những hoạt động tâm linh bên trong. Một Đạo sư cần thông suốt:
1. Quán tưởng các luân xa bảo vệ và giải trừ các chướng ngại;
2. Chuẩn bị và hiến cúng các nút bảo vệ và giây hộ mạng đeo quanh cổ;
3. Ban các nhập môn tịnh bình và bí mật, gieo trồng các chủng tử để đạt được các thân sắc tướng của một vị Phật;
4. Ban các nhập môn trí tuệ và ngôn từ, gieo trồng các chủng tử để đạt được các thân trí tuệ của một vị Phật;
5. Tách lìa những kẻ thù của Pháp khỏi các vị bảo trợ của họ;
6. Thực hiện những lễ cúng dường, chẳng hạn như những torma được chạm trổ;
7. Trì tụng các thần chú bằng miệng hay trong tâm, đó là quán tưởng các thần chú xoay tròn quanh trái tim mình;
8. Thực hiện các thủ tục nghi lễ phẫn nộ để thu hút mạnh mẽ sự chú ý của các Bổn Tôn thiền định và các vị bảo trợ.
9. Hiến cúng các hình ảnh và pho tượng; và
10. Thực hiện các lễ cúng dường mạn đà la, thực hiện các thực hành thiền định (sadhana) và nhận những tự-nhập môn.
(xin đọc “When the Guru Is Ill”,

http://www.lamayeshe.com/lamazopa/ad...rim/guru.shtml)
Thanh Liên biên dịch