kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Tịnh Độ Hoặc Vấn

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Đai Nâu Avatar của ngoc.khanh198
    Gia nhập
    Nov 2007
    Nơi cư ngụ
    Đâu đó ở Ta Bà
    Bài gởi
    341

    Mặc định Tịnh Độ Hoặc Vấn

    Tịnh Độ Hoặc Vấn

    Đời Nguyên, Thiên Như Duy Tắc Thiền Sư thuật
    Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm


    Đề Từ:

    Ngoài song non xanh giăng màn hoa
    Triền non thanh tuyền buông cầm ca
    Trong song kìa ai im như mơ
    Ngồi xem Thiên Như câu Di Đà
    Người đời đều ưa cơ Thiền sâu
    Hành nhơn ai vào tâm vương mầu
    Đèn sương trơ vơ ngoài trời thu
    Non Tu vi trần đều gồm thâu
    Mà trong A Di hồng danh thâm
    Ngàn muôn khôn tìm ra tri âm!
    Thiên Như lòng từ soi chân đăng
    Đưa người mau ra vòng mê lầm
    Hư không chim bay dường như tranh
    Lưu tuyền quanh co triền non xanh
    Người đi xa xa làn mây trôi
    Di Đà chân như nầy tâm lành
    Ôi câu hồng danh mầu thâm xa
    Sâu cùng chư tông làng thiền na
    Buông ra thâu vào đều như như
    Tương tư tâm đầy trời Liên Hoa
    Thuật ý Thành Thời Đại Sư.
    Liên Du


    Thiên Như lão nhơn đang tĩnh tọa nơi thất Ngọa Vân, bổng có người đẩy cửa bước vào, tự xưng là Thiền khách. Lão nhơn im lặng gật đầu chào, đưa tay ra ý mời ngồi. Đối tọa đã lâu, ánh tịch dương tà tà xuyên qua song trúc, lò hương thiền khói sắp muốn tan, khách từ từ đứng dậy, sửa y phục nghiêm trang, thư thả mở lời thưa thỉnh:

    1. Hỏi rằng:- Trộm nghe Vĩnh Minh Hòa Thượng ẩm thọ môn học đơn truyền nơi Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai, mà cũng chính là đích tôn của ngài Pháp Nhãn. Khi Hòa Thượng trụ trì chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, đã khai thị cho học chúng rất nhiều, biện tài cơ trí dường như gió cuốn sấm vang, hải nội thiền lâm đều kỉnh xưng là bậc đại tông tượng. Tại sao ngoài sự nói Thiền, ngài lại tự tu Tịnh Độ, khuyên người niệm Phật, viết sách rộng truyền môn ấy nơi đời. Hơn nữa, ngài lại làm kệ Tứ Liệu Giản, đại ý nói: 'Có Thiền không Tịnh Độ, mười người chín ngại đường, không Thiền có Tịnh Độ, muôn tu muôn người sanh.' Qua mấy câu ấy, có phải ngài đã chủ trương Tịnh Độ, tự hạ môn Thiền của mình, lời nói dường như quá đáng chăng? Ngu ý nghi ngờ việc nầy rất nhiều, mong Đại Sư chỉ thị.

    Đáp:- Lời hỏi ấy rất thích đáng! Tuy nhiên, Vĩnh Minh Đại Sư không phải quá khen Tịnh yểm Thiền, mà thật ra lời nói của ngài rất có công với bên Tông cũng như bên Giáo. Tiếc vì trong Tứ Liệu Giản, ngài chỉ nói lược qua đại cương, chưa phát minh hết ý thú, nên chưa đánh tan được mối nghi hoặc của nhà Thiền. Tôi học tập theo Thiền Tông, chưa tinh tường về Tịnh Độ, nhưng cũng thường qua những kinh sách của môn đó, nên cũng biết phần đại khái.

    Tịnh Độ là pháp dễ tu dễ chứng, song cũng là môn khó nói khó tin. Cho nên khi còn tại thế, Đức Thích Ca Từ Phụ vì hàng đệ tử nói Kinh A Di Đà đã dự biết chúng sanh đời mạt pháp khó sanh lòng tin tưởng, mới dẫn lời thành thật của sáu phương chư Phật để phá mối nghi và phát khởi tín tâm cho người sau. Lúc thuyết kinh gần xong, nhân nói đến chư Phật khen ngợi mình, Đức Bổn Sư lại bảo: 'Nên biết ta ở nơi đời ác năm trược làm việc khó nầy đắc quả Vô Thượng Bồ Đề vì tất cả thế gian nói pháp khó tin đây, thật là một điều rất khó!' Ấy đều là những lời tha thiết cặn kẽ, dặn dò để khuyên người tin tưởng vậy. Vã Đấng Thế Tôn đã rủ lòng đại bi, cứu đời trong kiếp mạt, khi kim khẩu nói ra một câu một kệ, hàng nhơn phi nhơn đều tín thọ phụng hành, nhưng riêng về thuyết Tịnh Độ, thế gian có xen lẫn lòng nghi, là tại sao? Bởi giáo môn Tịnh Độ cực rộng lớn, mà pháp tu Tịnh Độ lại quá giản dị, hai điểm ấy dường như cách biệt, khiến cho người nghe khó nén lòng nghi. Nói rộng lớn, là môn nầy thâu nhiếp tất cả căn cơ: trên từ bậc Đẳng Giác Bồ Tát, vị Nhứt Sanh Bổ Xứ đều cầu về Tịnh Độ, dưới cho đến hàng ngu phu ngu phụ, kẻ tạo ngũ nghịch, thập ác, nếu quyết tâm tín hướng đều được vãng sanh. Nói giản dị, là người tu không phải quá gian nan lao khổ, không trải qua cảnh giới sai biệt mê lầm, chỉ trì niệm sáu chữ hồng danh, mà được thoát Ta Bà, được sanh Cực Lạc, được bất thối chuyển, cho đến khi thành Phật mới thôi. Bởi có sự rộng lớn mà lại giản dị như thế nên dù cho người trí cũng sanh mối nghi ngờ. Nếu ông nhận thức rõ được điểm nầy, tất sẽ biết lời khen của ngài Vĩnh Minh rất có ý thâm, mà không phải là quá đáng.

    2. Hỏi:- Sự rộng lớn và giản dị, tôi đã nghe lời chỉ dạy. Nhưng bậc ngộ đạt trong Thiền Tông, đã gọi thấy tánh thành Phật, há lại khứng chịu cầu sanh về Tây Phương ư?

    Đáp:- Thật ra ông chưa biết đó thôi. Chính những bậc ngộ đạt càng cấp thiết cầu sanh. Cổ đức đã bảo: 'Không cầu về Tịnh Độ, còn nguyện sanh cõi nào?' Nay ông chưa ngộ đạo, giả sử khi được tỏ ngộ rồi, e cho tâm niệm cầu sanh Cực Lạc của ông, muôn trâu cũng không thể kéo lại!

    3. Hỏi:- Sở dĩ Phật, Tổ ra đời vì độ chúng sanh; học giả chỉ lo việc lớn chưa xong, nếu đã phát minh đại sự (tức ngộ đạo), nên theo gương đấng Đại Giác hiện thân vào nơi khốn khổ, không hiềm đường sanh tử, mà độ khắp hàm linh. Nếu bậc đã ngộ đạt mà còn cầu sanh Tịnh Độ, đó chẳng qua là tâm niệm chán khổ tìm vui, không đoái đến kẻ đang ở trong vòng chìm đắm? Tôi dù ngu hèn, vẫn không thích làm như vậy!

    Đáp:- Thấy chiếc trứng mà muốn cho nó nở liền, tâm niệm ấy sao đà vội gấp! Ông cho rằng sau một phen tỏ ngộ, thì nghiệp tập đã dứt sạch, được ngay vị bất thối chuyển ư? Và cũng không còn học khắp Phật Pháp, không cần phải tu hành thêm để chứng những quả vị từ thấp đến cao ư? Hay là ông lại nghĩ: sau một phen ngộ đạo, tất đã đồng hàng với chư Phật, có thể vào sanh ra tử không bị chướng duyên nhiễu loạn ư? Nếu quả như thế thì chư Đại Bồ Tát trải qua hằng hà sa kiếp tu sáu độ muôn hạnh, cũng đều phải hổ thẹn với ông vậy! Cổ giáo đã có lời răn nhắc: 'Hàng Thanh Văn còn muội lúc ra thai, bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm!' Hai hạng ấy mà còn như thế, huống chi người ngộ giải non kém, tự cứu chưa xong giữa đời nay ư? Dù cho chỗ tỏ ngộ có sâu xa, trí thông hiểu có cao sáng, hạnh cùng giải hợp nhau, chí quyết muốn độ người; nhưng vì chưa lên hàng bất thối, lực dụng chưa đầy đủ, mà muốn ở cõi đời ác nầy hóa độ kẻ cang cường, điều ấy bậc Tiên Thánh cũng chưa hứa nhận. Ví như đem chiếc thuyền đóng trám chưa kỹ, để vớt người nơi biển dậy ba đào, cái họa trầm nịch cả đoàn tất không tránh khỏi. Cho nên Luận Vãng Sanh nói: 'Muốn du hành nơi địa ngục, muốn cứu độ chúng hữu tình mê khổ, trước phải cầu sanh về cõi kia, đợi khi chứng được Vô Sanh Nhẫn rồi sẽ trở lại đường sanh tử mà thật hành bản nguyện. Do nhân duyên ấy nên người tu mới cầu về Tịnh Độ.' Lại Tiên Thánh cũng đã bảo: 'Chưa được vị Bất Thối Chuyển, chưa chứng Vô Sanh Nhẫn, cần phải thường không rời Phật. Ví như trẻ thơ không nên xa mẹ, như chim non chỉ có thể bay chuyền theo cành cây.'

    Nay ở cõi Ta Bà nầy Đức Thích Ca đã diệt, Phật Di Lặc chưa sanh. Huống nữa, bốn đường khổ thú, nhân quả dây dưa, trăm mối ngoại tà, thị phi rối loạn; sắc tốt tiếng dâm hằng quyến dụ, cảnh hư duyên ác mãi vây quanh. Trong hiện trạng ấy, đã không có Phật để nương nhờ, lại bị cảnh duyên làm khuấy động, hàng sơ tâm ngộ đạo hỏi mấy ai không bị thối lui? Cho nên Đấng Thế Tôn ân cần chỉ về Cực Lạc là bởi lý do ấy. Phương chi ở cõi kia, Đức Di Đà hiện đang nói pháp, cảnh diệu độ muôn thứ thuận duyên; đã nương nhờ hải chúng, nhẫn lực mau thành, lại gần Đấng Pháp Vương, Phật Thừa dễ đạt. Chừng ấy muốn ra ứng hoá độ sanh, còn chi trở ngại? Cũng vì lẽ ấy, nên bậc thượng căn lợi trí còn nguyện thác sanh, huống chi ông là hạng trung hạ mới được đôi chút giải ngộ đó ư?

    Ông há không thấy trong kinh Quán Phật Tam Muội, Ngài Văn Thù tự bày tỏ túc nhân, bảo mình đã chứng môn Niệm Phật Tam Muội, thường sanh ở Tịnh Độ ư? Do bởi đó, Đức Thế Tôn mới thọ ký cho ngài rằng: 'Ông sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc.'

    Lại chẳng thấy trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đem mười đại nguyện vương khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng nơi hải hội, nên dùng công đức đó cầu sanh về Cực Lạc ư? Trong ấy có đoạn nói: 'Tôi nguyện khi đến lúc lâm chung. Dứt trừ tất cả điều chướng ngại. Diện kiến Đức Phật A Di Đà, liền được sanh về cõi Cực Lạc.'

    Lại chẳng thấy trong Kinh Lăng Già, Đức Thế Tôn đã huyền ký: 'Sau xứ Nam Thiên Trúc, có danh đức Tỳ Khưu, tôn hiệu là Long Thọ. Hay phá hữu, vô tông. Trong thế gian hiển ngã. Pháp Vô Thượng đại thừa. Chứng Sơ Hoan Hỷ Địa. Sanh về cõi Cực Lạc' ư?

    Và chẳng thấy trong Luận Khởi Tín, Mã Minh Bồ Tát, khen ngợi sự vãng sanh; trong Kinh Đại Bảo Tích, Phật hứa khả cho Tịnh Phạn Vương và bảy muôn Thích chủng đồng về An Dưỡng; trong Kinh Thập Lục Quán, Đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp cho bà Vi Đề Hy cùng năm trăm thị nữ được lễ cẩn Đức A Di Đà ư?

    Trong mấy vị trên, như Vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy hiện tiền đều đã chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Ở Tây Trúc những hạng ấy cầu vãng sanh rất nhiều. Bên đông độ thì có Viễn Công ở Lô Sơn cùng các bậc cao nhơn trong Liên Xã, những vị tôn túc ở hai tông Thiên Thai, Hiền Thủ, tất cả đều dùng môn niệm Phật tự tu và độ người khuyến hóa hàng tăng tục đồng cầu sanh về Tịnh Độ. Nói chung những bậc cao đức tu tịnh nghiệp số lượng không biết bao nhiêu mà kể! Đến như hai ngài Văn Thù, Phổ Hiền là bậc Đại Bồ Tát, Thiện Tài Đồng Tử và hải chúng Hoa Tạng đều là bậc đại nhơn trong bốn mươi mốt vị. Mã Minh, Long Thọ là hàng Bồ Tát, mà cũng là bậc Đại Tổ Sư.

    Những thánh nhơn ấy chỗ ngộ và chứng siêu xuất hơn người ngộ đạt ngày nay như trời với vực, mà còn nguyện sanh về Tây Phương, ông bảo rằng đã tỏ ngộ không cầu về Cực Lạc, lại bác sự cầu sanh, thì các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, chắc là không bằng ông rồi! Ông thử tự lượng xem chổ tu chứng có bằng hai bậc Đại Sĩ, và hai vị Tổ Sư; sự tham ngộ có bằng ngài Thiện Tài cùng hải chúng, cảnh giới sở đắc và được Phật hứa khả có bằng vua Tịnh Phạn và bà Vi Đề Hy chăng? Vã Tịnh Phạn Vương là thân sanh của Phật, bảy muôn Thích chủng là tộc thuộc của Ngài, nếu sự về Tịnh Độ không có lợi ích thì Đức Thế Tôn đâu nỡ khiến phụ vương và hàng thân thuộc cầu vãng sanh? Trước kia đã nói bậc chứng được Vô Sanh Nhẫn có thể vào tục độ sanh, nay vua Tịnh Phạn và người thân thuộc của Phật đã đắc quả ấy mà Đức Như Lai còn khuyên và thọ ký cho vãng sanh, thì tấm lòng hộ trì bảo dưỡng của Ngài há chẳng là thân thiết và sâu xa ư?

    Tôi thấy hàng thiền giả đời nay phần nhiều không xét liễu nghĩa của Như Lai, chẳng rõ huyền cơ của Đạt Ma, bụng rỗng lòng cao, tập quen thành bệnh cuồng vọng. Khi thấy người tu Tịnh Độ, họ khinh thường và cười bảo: 'Đó là việc làm thấp kém của hàng ngu phu ngu phụ!' Tôi thường cho đó không phải khinh hạng ngu phụ ngu phu, mà chính là khinh các Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ; đó chẳng những tự mê chánh đạo, tự làm mất căn lành mà còn tự bỏ quên huệ thân và tự để tiêu Phật chủng. Đó cũng là tự gây ra tội báng Chánh Pháp, tự kết thành nghiệp khinh Thánh Tăng. Chư Phật, Tổ xem những kẻ ấy là hạng người đáng thương xót! Vì lẽ ấy nên Ngài Vĩnh Minh động mối bi tâm đem hết tâm can chủ trương Tịnh Độ, đã tự tu lại khuyên đời. Nên khi lâm chung, Đại Sư biết trước ngày giờ, có các điềm lành ứng hiện; lúc trà tỳ xá lợi tuôn ra vô số. Về sau có một vị tăng ở Phủ Châu thường cung kính đi nhiễu xung quanh tháp của ngài, nhiều người hỏi lý do thì vị tăng ấy đáp: 'Nhân lúc tôi bị bịnh nặng thần thức đi vào minh giới, Diêm Vương xét thấy thọ số chưa mãn, cho đưa trở về. Khi ấy tôi thấy bên phía tả đại điện có thiết bàn thờ di tượng một vị Đại Đức, Diêm Vương lễ bái ân cần. Hỏi ra thì Quan Chủ lại bảo đó là chân dung của Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư, vì ngài tu hành tinh tấn, được sanh về Thượng Phẩm ở Cực Lạc, nên Diêm Vương họa tượng để thờ.' Vĩnh Minh Đại Sư là bậc đã ngộ suốt môn thiền trực chỉ của tổ Đạt Ma, mà lại gởi chất nơi phẩm sen thượng thượng bên trời An Dưỡng; những sự kiện ấy đủ giải thích mối tình chấp của người tu thiền, còn làm duyên khuyến tấn cho chúng sanh đời mạt pháp. Cho nên tôi nói ngài rất có công đối với bên tông cũng như bên giáo là ở điểm nầy.

    Song chẳng những chỉ có Vĩnh Minh Đại Sư mới như thế mà thôi. Ngoài ra, còn có Tử Tâm Tân Thiền Sư đã ngộ bên Thiền, lại khuyên tu bên Tịnh. Ngài đã bảo: Di Đà rất dễ niệm, Tịnh Độ rất dễ sanh. Người tham thiền niệm Phật rất tốt. Nếu kẻ căn cơ hơi kém, sợ e đời nay chưa được đại ngộ, kiếp sau dễ lạc bến mê, thì nên nhờ sức bi nguyện của Đức A Di Đà để sớm vãng sanh về Cực Lạc. Nếu vị nào chí tâm niệm Phật mà không được sanh về Tịnh Độ, lão tăng xin chịu đọa vào địa ngục Bạt Thiệt (ngục rút lưỡi). Lại như Chân Yết Liễu Thiền Sư, trong bài văn khuyên tu Tịnh Độ, có nói: 'Tại sao người trong tông Tào Động, ngoài sự tập thiền, còn mật tu Tịnh Độ? Sở dĩ có việc ấy, vì pháp môn niệm Phật là con đường tắt trong các lối tu hành. Xét trong Đại Tạng môn nầy ngoài sự tiếp dẫn bậc thượng thượng căn còn thâu nhiếp hạng người trung hạ... Bậc đại tượng trong tông môn đã ngộ pháp phi không phi hữu, lại chăm chú tu tịnh nghiệp, có phải sự thấy Phật cửa Tịnh Độ còn giản dị hơn tông môn chăng? Cho nên dù Phật dù Tổ, hoặc Giáo hoặc Thiền, đều do nơi cửa Tịnh Độ đồng về nơi chân nguyên. Vào được môn nầy, tức có thể vào được vô lượng pháp môn khác...'

    Đến như các ngài: Thiên Y Hoài Thiền Sư, Viên Chiếu Bản Thiền Sư, Từ Thọ Thâm Thiền Sư, Nam Nhạc Tư Thiền Sư, Pháp Chiếu Thiền Sư, Tịnh Yết Thiền Sư, Tịnh Từ Đại Thông Thiền Sư, Thiên Thai Hoài Ngọc Thiền Sư, Lương Đạo Trân Thiền Sư, Đường Đạo Xước Thiền Sư, Tỳ Lăng Pháp Chân Thiền Sư, Cô Tô Thủ Nạp Thiền Sư, Bắc Nhàn Giản Thiền Sư, Thiên Mục Lễ Thiền Sư, những đại lão ấy là bậc tông tượng trong thiền môn, song xét ra chỗ mật tu và hiển hóa đều phát dương ý chỉ Tịnh Độ, tuy không ước hẹn mà ngẫu nhĩ đồng đường. Chẳng những các vị đại lão ấy như thế mà thôi, tôi lại thường nghe một vị kỳ túc bên tông môn nói: 'Hầu hết ngũ gia tông phái và những thiền tăng trong thiên hạ, đã tỏ ngộ cùng chưa tỏ ngộ, đều quy hướng về Tịnh Độ.' Hỏi lý do thì vị đó đáp: 'Ngài Bá Trượng Trí Hải Thiền Sư là đích tử của Giang Tây Mã Tổ, những tòng lâm trong thiên hạ đều y theo cách thức của ngài mà kiến lập và thanh quy ở khắp thiền môn đều y theo pháp chế của ngài mà cử hành. Từ xưa đến nay không ai dám có lời thị phi và trái với pháp chế ấy. Theo thanh quy của ngài, thì nghi thức tụng cầu cho những vị tăng bệnh nặng có lời văn như sau: 'Phải nhóm chúng lại, tất cả đồng tụng bài kệ tán Phật A Di Đà, rồi cao tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc trăm câu, ngàn câu. Khi niệm xong, hồi hướng phục nguyện rằng: Nếu các duyên chưa mãn, sớm được an lành. Như hạn lớn đến kỳ, sanh về A Dưỡng.' Đó chẳng phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Lại trong nghi thức đưa những vị tăng đã tịch có đoạn nói: 'Đại chúng đồng niệm A Di Đà Phật hồi hướng phục nguyện rằng: Thần siêu cõi tịnh, nghiệp dứt đường trần, thượng phẩm sen nở hiện kim thân, nhứt sanh Phật trao phần quả ký.' Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Đến như lúc trà tỳ, trong thanh quy lại dạy: Vị Duy Na chỉ dẫn khánh niệm Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật mười lần, đại chúng đồng xướng họa theo.

    Khi xướng xong, lại hồi hướng rằng: 'Trước đây xưng dương mười niệm, phụ giúp vãng sanh...' Đó không phải là bằng chứng chỉ quy Tịnh Độ hay sao? Cho nên lão tăng nói: 'Các thiền gia trong thiên hạ đều quy hướng Tịnh Độ, là bởi nguyên nhân đó.' Tôi nghe những lời dẫn chứng của vị kỳ túc ấy đều có y cứ, nên không biện bác ra sao được. Nhân đó tôi lại chợt hiểu chỗ lập pháp của ngài Bá Trượng tất có thâm ý nhiệm mầu.

    Nay ông ở tòng lâm, thân đã đưa không biết bao nhiêu vị tăng quy tịch, tai cùng miệng đã nghe và xướng không biết bao nhiêu lần mười niệm, ý đã chuyên chú hồi hướng về Tịnh Độ lại không biết bao nhiêu lần nữa! Thế mà ông đã không hiểu ý Tổ Sư, đã không phát lòng thức tỉnh, lại lầm bảo: những bậc ngộ đạt không nguyện vãng sanh. Quả thật cái bệnh chấp thiền trong thiên hạ, không còn ai hơn ông được.

    4. Hỏi:- Sự nhiếp cơ của Tịnh Độ quả thật là rộng, ngu giả không còn dám luận bàn. Nhưng tôi thường nghe nói: 'Di Đà bản tánh, Tịnh Độ duy tâm,' trong ý cũng có trộm mừng! Đến chừng xem qua các kinh luận về tông nầy, thì Tịnh Độ là miền Cực Lạc ngoài muôn ức cõi. Di Đà là vị giáo chủ ở Liên Bang. Như vậy thì kia đây cách xa, ngoài nghĩa lý duy tâm bản tánh rồi! Thế là ý chỉ gì?

    Đáp:- Chỗ hiểu ấy còn nông cạn hẹp hòi. Ông không biết rằng chân tâm của ông rộng rãi và sáng suốt vô cùng? Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Những non sông đất liền cho đến hư không ở ngoài sắc thân ta, đều là cảnh vật trong chân tâm mầu sáng.' Lại nói: 'Các pháp sanh hóa, đều là hiện cảnh của duy tâm.' Thế thì đâu có cõi Phật nào ngoài tâm ta ư? Cho nên ý nghĩa của Tịnh Độ duy tâm là nói cõi Tịnh Độ ở trong chân tâm của ta, như biển cả nổi lên vô lượng bóng bọt, mà không có bóng bọt nào ở ngoài biển cả. Lại như những hạt bụi nơi đất liền, không có hạt bụi nào chẳng phải là đất; cũng như không có cõi Phật nào chẳng phải là tâm. Nên Tiên Thánh đã nói: 'Chỉ một tâm nầy có đủ bốn cõi là: Phàm Thánh Đồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Vô Chướng Ngại, và Thường Tịch Quang.'

    Cõi Phàm Thánh Đồng Cư có hai: Đồng Cư Tịnh Độ và Đồng Cư Uế Độ. Đồng Cư Uế Độ là như cõi Ta Bà trong quốc độ nầy có phàm có thánh ở chung lẫn, mà phàm và thánh đều có hai hạng. Hai hạng của phàm là ác chúng sanh, tức bốn thú, và thiện chúng sanh, tức trời người. Hai hạng của thánh là thật thánh và quyền thánh. Thật thánh là các thánh nhơn thuộc bốn đạo quả, bậc Bích Chi Phật, bậc thất địa trong Thông giáo, thập trụ trong Biệt giáo, thập tín hậu tâm trong Viên giáo. Những vị nầy phần thông hoặc tuy dứt song sắc thân quả báo hãy còn, nên đều gọi là thật. Quyền thánh là các vị Bồ Tát trụ ở những cõi Phương Tiện, Thật Báo, Tịch Quang cùng bậc Diệu Giác (Phật) vì làm lợi lạc cho kẻ hữu duyên nên ứng sanh vào cõi Đồng Cư. Bởi tùy cơ thị hiện nên gọi là quyền. Những vị trên đây cùng với phàm phu đồng ở, nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư, và cảnh cư trú về phần khí thế giới, có hầm hố, gai gốc, bùn đất, cùng các tướng nhơ nhớp, về phần hữu tình giới có bốn ác thú, nên gọi là Uế Độ. Đồng Cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc, tuy y báo chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song cũng gọi Phàm Thánh Đồng Cư vì chúng sanh sanh về cõi nầy không phải đều là bậc đắc đạo. Như trong kinh nói: 'Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm sám hối và niệm Phật, đều được vãng sanh.' Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng sanh còn hoặc nhiễm cũng có thể được ở. Thế Giới Cực Lạc cũng có hai hạng Thánh Cư và bởi y báo chánh báo đều sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ. Để nói rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không đồng. Như thế giới Diệu Hỉ tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di, và Tịnh Độ đã như thế, uế độ cũng như vậy.

    Cõi Phương Tiện Hữu Dư là chỗ ở của bậc Nhị Thừa và ba hạng Bồ Tát đã chứng Phương Tiện Đạo. Những vị nầy do tu hai môn quán, dứt phần thông hoặc, phá hết trần sa, bỏ thân phân đoạn thọ thân pháp tánh, tự tại ở ngoài ba cõi; nhưng vì họ chưa đoạn được biệt hoặc vô minh nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi phương tiện vì đó là cảnh giới của hành nhơn tu chứng Phương Tiện Đạo. Gọi hữu dư là bởi họ chưa đoạn được vô minh. Cho nên trong Thích Luận nói: 'Ngoài tam giới có cõi Tịnh Độ, đây là chỗ của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật cư trú, thọ Pháp Tánh thân, không còn sự phân đoạn sanh tử.'

    Cõi Thật Báo Vô Chướng Ngại là nơi không có hàng Nhị Thừa, chỉ thuần là bậc pháp thân Bồ Tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp tánh, được quả báo chân thật. Song vì họ chưa đoạn hết vô minh nên còn nhuận vô lậu nghiệp, thọ báo thân pháp tánh, và cảnh giới nầy cũng gọi là Quả Báo Độ. Kinh Nhân Vương nói: 'Ba hiền mười thánh trụ quả báo' là chỉ cho sự việc trên đây. Sở dĩ gọi Thật Báo, vì các Đại Sĩ ấy do quán thật tướng, phát được chân vô lậu thọ hưởng quả báo chân thật. Gọi Vô Chướng Ngại là bởi chư Bồ Tát đây, tu chân không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm thuyết minh thế giới Nhân Đà La Võng, chính là cảnh nầy.

    Cõi Thường Tịch Quang là chân lý pháp giới như như, sáng suốt cùng cực của bậc Diệu Giác. Đây là Phật Tánh Chân Như, tức độ là thân, tức thân là độ, thân và độ không hai, là trụ xứ của Đức Tỳ Lô Giá Na, cũng gọi là Pháp Tánh Độ. Thường chính là đức pháp thân. Tịch là đức giải thoát. Quang là đức bát nhã , như chữ Y (() có ba điểm, không thể cách lìa, một tức là ba, ba nguyên vẫn một. Đây cũng gọi là Bí Mật Tạng, là cảnh giới du hóa của Như Lai, cứu cánh chân thường, thanh tịnh cùng cực.

    Hai cõi trước là chỗ ở của Ứng Thân Phật. Cõi thứ ba cũng thuộc về Ứng cũng thuộc về Báo, mà chánh thức là chỗ ở của Báo Thân Phật. Cõi thứ tư không phải Ứng và Báo mà kiêm cả Ứng, Báo, là chỗ ở của Pháp Thân Phật.

    Bốn cõi trên đây tùy theo chỗ tu chứng mà phân chia, song kỳ thật vẫn là một. Cho nên chân tâm bao trùm muôn tượng, vô biên quốc độ như vi trần ở khắp mười phương, chính là cảnh giới trong tâm ta, hằng sa chư Phật trong ba đời, cũng là các Đức Phật trong tâm ta; tất cả không ngoài bản tâm mà có. Hiểu được lý nầy thì biết không có cõi nào chẳng nương nơi tâm ta mà kiến lập, không có vị Phật nào chẳng nương nơi tánh ta mà xuất sanh. Thế thì miền Cực Lạc ngoài mười muôn ức cõi há chẳng phải là cảnh Tịnh Độ của duy tâm ư?

    Thế Giới Cực Lạc đã như thế, thì vị giáo chủ ở cõi ấy cũng là Đức Di Đà của bản tánh. Nên biết chỉ một tâm nầy bao trùm đủ mười giới, thân và độ dung thông, trùng trùng không ngại. Lại nên biết tâm, Phật, chúng sanh, ba chính là một, đồng thể không khác nhau, chúng sanh và Phật hỗ hiện, mỗi niệm giao tham. Cho nên cổ đức nói: 'Chúng sanh trong tâm chư Phật, mỗi trần đều là Cực Lạc, chư Phật trong tâm chúng sanh, mỗi niệm chính thật Di Đà. Mười phương tịnh uế gom về trong khoảng sát na. Một niệm sắc tâm, bủa khắp gồm thâu pháp giới.' Xem thế thì biết tất cả đều sẵn đủ trong thể thiên chân, không phải do duyên khởi mới thành lập. Một tâm niệm đã như thế, một điểm trần lại khác chi? Vì vậy nên mới có thể: 'Trong mỗi mỗi trần tất cả cõi. Trong mỗi mỗi tâm tất cả tâm. Mỗi mỗi tâm trần lại khắp nhau. Trùng trùng không tận không chướng ngại. Đồng thời hiện rõ không ẩn hiển. Tất cả viên thành chẳng kém hơn.' Cảnh giới chân tâm bao hàm vô biên quốc độ trên đây, như lưới báu Thiên Châu của trời Đế Thích, bóng và ánh sáng của bao nhiêu hạt châu đều gom hiện vào một hạt châu, bóng và ánh sáng của một hạt châu lại hiện khắp vào tất cả các hạt châu khác. Tuy mỗi mỗi hạt châu giao hiện lẫn nhau, nhưng hạt châu nầy không thể là hạt châu kia, hạt châu kia không thể là hạt châu nầy, xen mà không tạp, lìa mà chẳng phân, mỗi mỗi khắp bày, vẫn không sở tại! Thế giới Cực Lạc cho đến mười muôn ức cõi mỗi miền cũng như một trong các hạt châu. Nói tinh tế hơn khắp mỗi cõi từ tam thừa thánh nhơn cho đến trời, người, tu la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục, mỗi mỗi lại cũng như một trong các hạt châu. Và Đức A Di Đà cũng là một trong các hạt châu. Cho nên, thấy một vị Phật, tức thấy mười phương chư Phật, mà cũng là thấy chín giới chúng sanh ở khắp mười phương. Cõi Phật vô biên, mười phương kim cổ toàn thể là một hải ấn đốn viên, không còn pháp chi khác nữa!

    Như thế thì, thần trải qua mười muôn ức cõi, chính hóa sanh trong bản tâm ta; chất gởi nơi chín phẩm hoa sen, há cách biệt ngoài chân như Phật? Những lời dẫn giải trên đây đều là những minh huấn của Phật, Tổ, Thánh, Hiền đã tuyên dương vậy. Hiểu được lý này tất sẽ thấy thế giới Cực Lạc là duy tâm, mỗi cõi Phật mỗi điểm trần đều là duy tâm; Đức Di Đà là bản tánh, mỗi vị Phật mỗi chúng sanh cũng đều là bản tánh. Như thế lại còn chi phải nghi ngờ?

    Lời phụ:

    Pháp giới chân tâm là một thể rộng rãi vô biên, bao hàm vi trần thế giới, chư Phật và chúng sanh. Trong thể nhất chơn ấy, phần thế giới chúng sanh luôn luôn biến đổi, thuộc về sanh diệt môn; phần tịch quang lặng mầu sáng suốt và thường hằng, gọi là chân như môn. Chân tâm là một thật thể chung, gồm hai môn hữu vi và vô vi đó. Tất cả những danh từ: Chân Tâm, Bản Tánh, Bản Thể, Phật Tánh, Như Lai Tạng, Pháp Giới, Pháp Tánh, Thật Tướng, Niết Bàn, Pháp Thân, Vô Cấu Bạch Tịnh Thức, Như Lai A Lại Da Thức, Bản Lai Diện Mục, Bát Nhã, Chân Không, đều là chỉ cho thật thể ấy. Để trở về thật thể nầy, giáo môn của Phật chia làm hai. Các tông như: Thành Thật, Tam Luận, Thiên Thai, Thiền, Thai Tạng Bộ của Mật Giáo, từ nơi không môn mà đi vào. Còn các tông: Câu Xá, Pháp Tướng, Luật, Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, và Kim Cang Bộ của Mật Giáo, lại do nơi hữu môn mà thể nhập. Cho nên những vị hiểu sâu về lý Bát Nhã của Thiền, hay lý huyền môn của Hoa Nghiêm, đều nhận rõ sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Trái lại, các vị học chưa thấu đáo, nếu không chấp có tất cũng chấp không. Nhưng chấp có thì còn biết kiêng sợ nhân quả, lánh dữ làm lành, đời sau hưởng phước nhân thiên, hoặc chuyên niệm Phật lại có thể sanh về Tịnh Độ. Đến như chấp không tất sẽ đi đến chỗ bài nhân quả, bác Phật Thánh, tương lai bị đọa xuống tam đồ. Cho nên tiên đức đã răn bảo: 'Thà chấp có như non Tu, chớ chấp không như hạt cải!'

    Vị thiền giả trên, vì chưa nhận rõ chân tâm, nên nghe nói 'duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà', vội hiểu lầm rằng tâm mình thanh tịnh đó là Tịnh Độ là Di Đà rồi, chớ không có cõi Cực Lạc hay Đức Di Đà nào khác nữa. Phật Pháp dù ở xứ nào, Trung Hoa hay Việt Nam cũng có hạng người tà kiến chấp không ấy. Đại khái họ bác không có Di Đà, Cực Lạc, không có địa ngục, thiên cung, hoặc như nói Địa Tạng là tâm địa tánh tạng, chớ không có Đức Địa Tạng nào cả. Như người đeo cặp kiến đen thì thấy nơi nào cũng tối tăm, những kẻ ấy dù có giảng thuyết bao nhiêu lời, diễn dịch bao nhiêu kinh sách, kết cuộc cũng lạc vào bịnh không chấp. Những kẻ chấp không thường tự cao tự mãn, cho mình là cao siêu, bác người là chấp tướng. Xét ra khi diễn dịch kinh, họ cũng có tâm muốn hoằng dương Phật Pháp, không dè ngược lại thành ra kết quả hủy báng Tam Bảo; tự mình đã sai lầm, khiến cho bao nhiêu người khác bị lầm lạc theo. Ví như kẻ dung y đem tâm muốn cứu đời, chẳng ngờ sự học hiểu về y dược không rành, trở lại làm cho nhiều người thêm bịnh.

    Cho nên sự dịch kinh, thuyết pháp, vị tất là có phước, là hoằng dương Phật Giáo nếu hành giả lạc vào tà kiến, không hiểu ý kinh.

    5. Hỏi:- Đã gọi tịnh uế dung thông, mỗi điểm trần đều là Cực Lạc, tại sao cõi Ta Bà lại thành uế độ?

    Đáp:- Do nghiệp cảm của phàm phu, chính nơi tịnh mà thành uế. Còn Phật nhãn nhìn xem tất cả uế đều thành tịnh. Báo cảnh của Đức Thích Ca, há phải thật là uế ư?

    6. Hỏi:- Lý duy tâm bao gồm tất cả, viên dung không ngại, tôi đã tin là rộng lớn, là nhiệm mầu. Nhưng kẻ còn trệ nơi tình mê, chưa lìa nghiệp uế, làm sao mà được thanh tịnh?

    Đáp:- Tâm nhơ thì cõi nhơ, tâm sạch thì cõi sạch. Kinh Duy Ma nói: 'Muốn được Tịnh Độ, trước phải tịnh tâm; tùy tâm thanh tịnh, cõi Phật thanh tịnh.' Pháp tu Tịnh Độ là một môn huyền diệu để đi đến chỗ tịnh tâm, không còn phương tiện nào đặc biệt hơn nữa!

    7. Hỏi:- Về phần đại khái của pháp môn Tịnh Độ, tôi có thể nghe được chăng?

    Đáp:- Tịnh Độ nguyên không chi tu, tu nhân bởi mê lầm mới có; pháp môn vẫn không cao thấp, cao thấp do căn lành mà phân. Vì chúng sanh căn cơ sai biệt nhau, nên pháp tu cũng có nhiều cách. Tuy nhiên, nếu tóm lại, có thể chia thành ba môn là: quán tưởng, ức niệm, và chúng hạnh.

    Môn thứ nhất, nói quán tưởng là như trong Quán Kinh dạy: 'Chư Phật Như Lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Cho nên khi tâm các ông tưởng Phật, thì tâm ấy chính là 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp tùy hình, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh. Vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân Đức Phật kia.'

    Thiên Thai Sớ nói: Mấy chữ chư Phật Như Lai sắp xuống, là thuyết minh tất cả chư Phật; mấy chữ phải nhớ nghĩ sắp xuống, là chỉ cho quán tưởng riêng Đức A Di Đà. Pháp giới thân là pháp thân của Báo Phật. Tâm chúng sanh tịnh, pháp thân tự hiện, nên gọi là vào; như khi vầng hồng nhật mọc lên tất bóng hiện xuống trăm sông. Đây là chỉ cho Phật thân tự tại, có thể tùy vật hiện hình vậy. Lại pháp giới thân là chỉ cho thân Phật, khắp tất cả chỗ, lấy pháp giới làm thể. Khi hành giả chứng được môn quán Phật Tam Muội nầy, giải nhập tương ưng, nên nói vào trong tâm tưởng. Tâm nầy làm Phật là Phật nguyên vẫn không, nhân chúng sanh tâm tịnh mới có. Tâm nầy là Phật, ý nói trước nghe bảo: Phật nguyên vẫn không, nhân chúng sanh tâm tịnh mới có, sợ e người hiểu lầm cho rằng bổng nhiên mà có, nên mới nói là Phật. Mới khởi tu quán nên nói làm, sự tu đã thành nên gọi là.

    Diệu Tông Thích nói: 'Muốn tưởng thân Phật, phải hiểu rõ quán thể. Thể đó là bản giác, từ nơi đây mà khởi thành pháp quán. Bản giác là thân pháp giới của chư Phật, vì chư Phật không sở chứng chi khác, toàn chứng bản tánh của chúng sanh. Nếu thỉ giác có công, bản giác mới hiển, nên nói 'pháp thân từ nơi tâm tưởng mà sanh.' Lại Đức Di Đà cùng tất cả chư Phật đồng một Pháp thân một trí huệ, sự ứng dụng cũng như vậy. Hiển được thân Đức Di Đà tức là hiển được thân chư Phật, tỏ được thân chư Phật tức là lộ được thể Di Đà. Cho nên trong văn kinh nói rộng qua chư Phật để kết về sự quán tưởng Đức A Di Đà. Từ mấy chữ thân pháp giới trở xuống là nói về sự giao cảm của đạo cảm ứng và ước về lý giải nhập tương ưng.

    Phê bình về hai lời giải trên, ngài Dung Tâm đã nói: 'Nếu không có lời giải trước, thì môn quán tưởng ấy không phải là quán Phật; như không có lời giải sau, e học giả hiểu lầm rằng thể của chúng sanh và Phật, khác nhau. Hai lối giải đã tác thành cho nhau mà thuyết minh quán pháp vậy.'

    Môn thứ hai, nói ức niệm là hành giả hoặc duyên theo tướng tốt, hoặc trì danh hiệu của Phật, đều gọi là ức niệm. Môn nầy có lý có sự. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Giải Thoát trưởng giả nói: 'Nếu tôi muốn thấy Đức Vô Lượng Thọ Như Lai và thế giới An Lạc, thì tùy ý liền được thấy. Tôi có thể biết rõ tất cả chư Phật, quốc độ tùy thuộc, cùng những việc thần thông của các Ngài. Bao nhiêu cảnh tướng trên đây, không từ đâu mà đến, không đi về đâu, không có xứ sở và không chỗ trụ; cũng như thân tôi không thật có đi, đứng, tới lui. Các Đức Như Lai kia không đến chỗ tôi, tôi cũng không đi đến chỗ của các Ngài. Sở dĩ như thế, vì tôi hiểu rõ tất cả chư Phật cùng với tâm mình, đều như mộng. Lại hiểu tự tâm như nước trong chum, các pháp như hình bóng hiện trong nước. Tôi đã ngộ tâm mình như nhà huyễn thuật, tất cả chư Phật như cảnh huyễn hóa. Lại biết chư Phật Bồ Tát trong tự tâm, đều như tiếng vang, như hang trống tùy theo âm thanh mà phát ra tiếng dội lại. Vì tôi ngộ giải tâm mình như thế nên có thể tùy niệm thấy Phật.'

    Về đoạn kinh trên, ngài Trinh Nguyên giải rằng: 'Từ câu đầu đến mấy chữ chỗ của các ngài chính là thuyết minh lý duy tâm, nếu ngộ tức tâm mà vô tâm liền vào chân như Tam Muội. Khi hành giả hiểu rõ các cảnh tướng đều hư huyễn, duy tâm hiện ra, đã ngộ duy tâm và tức tâm là Phật, thì tùy chỗ tưởng niệm, không đâu chẳng là Phật. Đoạn sau nêu ra bốn điều thí dụ: cảnh mộng là dụ cho lý không đến không đi, hình bóng trong nước là dụ cho lý không ra không vào, tướng huyễn hóa là dụ cho lý chẳng có chẳng không, tiếng vang là dụ cho lý chẳng tan chẳng hợp. Và dụ thứ nhất là nói toàn thể đều duy tâm, dụ thứ hai nói vì duy tâm nên không, dụ thứ ba nói vì duy tâm nên giả dụ, thứ tư nói vì duy tâm nên trung. Bốn dụ đều đủ bốn quán gồm thông và biệt để hiển lý duy tâm, tất cả vẫn viên dung không ngại, đó là ý Kinh Hoa Nghiêm.'

    Nếu hành giả hiểu rõ lý trên đây, rồi chấp trì bốn chữ A Di Đà Phật, không dùng tâm có, tâm không, tâm cũng có cũng không, tâm chẳng phải có chẳng phải không, dứt cả quá khứ hiện tại vị lai mà niệm, đó gọi là lý ức niệm. Và ngày đêm sáu thời cứ như thế mà nhiếp tâm trì niệm không cho gián đoạn, không sanh một niệm thì chẳng cần vượt giai tầng mà đi thẳng vào cõi Phật. Đây cũng gọi là lý nhất tâm.

    Về sự ức niệm, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Nhớ Phật niệm Phật, hiện đời hoặc đương lai nhất định sẽ thấy Phật, cách Phật không xa, không cần mượn phương tiện chi khác mà tâm tự được khai ngộ.' Hay như các kinh sách khác đã chỉ dạy, hoặc hệ niệm suốt một đời, hoặc trì niệm trong ba tháng, bốn mươi chín ngày, một ngày đêm, cho đến bảy ngày đêm, hoặc mỗi buổi sớm mai giữ mười niệm. Nếu hành giả dùng lòng tin sâu, nguyện thiết, chấp trì câu niệm Phật như rồng gặp nước, như cọp dựa non, thì được sức Phật gia bị đều vãng sanh về Cực Lạc. Theo trong kinh, cho đến hạng phàm phu tạo tội ngũ nghịch thập ác, nếu khi lâm chung chí tâm xưng danh hiệu Phật mười niệm, cũng được vãng sanh. Và đây gọi là sự nhất tâm.

    Nói tóm lại, lý nhất tâm là người thông đạt bốn lý quán trên, dùng tâm ấy mà niệm Phật, tương ưng với không huệ, đi đến chỗ thuần chơn. Sự nhất tâm là hành giả tâm còn giữ niệm, mỗi niệm không cho xen hở, đi đến chỗ không còn tạp niệm. Lý nhất tâm là hành môn của bậc thượng căn, sự nhất tâm thông về hàng trung hạ.

    Môn thứ ba, nói chúng hạnh là hành giả dùng nhiều hạnh để vãng sanh về Cực Lạc. Như trong Kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng nơi hải hội dùng mười đại nguyện vương cầu sanh Tịnh Độ. Mười đại nguyện ấy là: lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai, rộng tu sự cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ các công đức, thỉnh Phật chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ ở đời, thường theo Phật tu học, hằng tùy thuận chúng sanh, và hồi hướng khắp tất cả. Trong mỗi nguyện ấy đều có nói: khi nào cõi hư không, cõi chúng sanh, nghiệp chúng sanh, phiền não của chúng sanh hết, thì nguyện tôi mới hết. Và hành giả phải dùng ba nghiệp thân, khẩu, ý, thật hành nguyện đó không gián đoạn, không chán mỏi. Đến khi lâm chung, tất cả mọi thứ tùy thân đều để lại, cho đến các căn đều tan rã, duy đại nguyện ấy hằng theo bên mình trong khoảng sát na hành giả liền được sanh về Cực Lạc. Đây là nói về dùng nguyện lực để vãng sanh.

    Lại như trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Thế Tôn bảo ngài Di Lặc: 'Mười thứ tâm nầy, không phải hạng phàm ngu, bất thiện, kẻ nhiều phiền não có thể phát được. Mười thứ tâm ấy là gì?

    1- Đối với chúng sanh khởi lòng đại từ, không làm tổn hại.
    2- Đối với chúng sanh khởi lòng đại bi, không làm bức não.
    3- Với chánh pháp của Phật, hết lòng hộ trì, không tiếc thân mạng.
    4- Với chánh pháp sanh lòng thắng nhẫn, không chấp trước.
    5- Tâm điềm tĩnh an vui, không tham sự lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng.
    6- Tâm cầu chủng trí của Phật trong tất cả thời không quên lảng.
    7- Đối với chúng sanh khởi lòng tôn trọng cung kính, không cho là hạ liệt.
    8- Không tham trước thế luận, với phần Bồ Đề sanh lòng quyết định.
    9- Tâm thanh tịnh không tạp nhiễm, siêng trồng các căn lành.
    10- Đối với chư Phật, xả ly các tướng, khởi lòng tùy niệm.

    Đây là mười thứ phát tâm của Bồ Tát, do tâm nầy nên được vãng sanh. Nếu có kẻ nào thành tựu một trong mười tâm trên, muốn sanh về thế giới Cực Lạc mà không được như nguyện, đó là điều không khi nào có.' Đoạn kinh trên là nói về dùng tâm lực để vãng sanh.

    Lại nữa, như trong Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật: 'Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào tụng trì thần chú Đại Bi, mà còn bị đọa vào ba đường ác, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được sanh về các cõi Phật, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được vô lượng Tam Muội biện tài, tôi thề không thành chánh giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại, nếu không được như nguyện, thì chú nầy không được gọi là Đại Bi Tâm Đà La Ni; duy trừ cầu những việc bất thiện, trừ kẻ tâm không chí thành.' Ngoài ra, những kẻ chí tâm trì tụng các chú như: Bạch Táng Cái, Chuẩn Đề, Vãng Sanh, đều có thể sanh về Cực Lạc hoặc các Tịnh Độ khác. Đây là nói về dùng thần lực để vãng sanh.

    Và, như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: 'Muốn sanh về Cực Lạc, phải tu ba thứ phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. 2. Thọ trì tam quy, giữ kỹ các giới, không phạm oai nghi. 3. Phát lòng Bồ Đề, tin lý nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến tấn người tu hành. Ba thứ phước nầy là chánh nhân tịnh nghiệp của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.' Đây là nói về dùng phước lực để vãng sanh.

    Ngoài ra những kẻ cất chùa, xây tháp, tạo tượng, lễ bái tán tụng, giữ gìn trai giới, đốt hương, rải hoa, cúng dường tràng phang bảo cái, trai tăng bố thí, nếu hạnh lành thuần thục, dùng lòng tín nguyện hồi hướng, đều có thể vãng sanh. Các điều dẫn ra trên đây gọi là chúng hạnh. Nhưng nguyện hạnh đã có lớn nhỏ không đồng, lý sự sai biệt, thì việc thấy Phật, nghe pháp, cảm thọ y chánh tất cũng có hơn kém khác nhau, đây là chỉ nói phần đại lược.

    Lời phụ:

    Muốn sanh về Cực Lạc, hành giả có thể dùng một trong các hạnh: nguyện lực, tâm lực, thần lực, phước lực để hồi hướng, không phải chỉ đặc biệt có môn quán tưởng hay trì danh. Tuy nhiên, trong bốn phương pháp ấy, người tu phải thật hành cho đến độ công đức tinh thuần, hạnh lành thành tựu mới có hy vọng. Mà kẻ dung thường thì nghiệp chướng nặng không dễ gì đoạn, hạnh lành khó không dễ gì thành, duy có hạnh trì danh nương cầu nơi tha lực, là chắc chắn nhất. Cho nên, Ấn Quang Pháp Sư đã nói: 'Hạng phàm phu kém cỏi mà được vãng sanh, toàn là nhờ từ lực của Như Lai.' Vậy người niệm Phật đời nay muốn cho phần vãng sanh được đảm bảo, nên lấy sự trì danh làm phần chánh, còn các công đức như: tụng kinh, trì chú, bố thí và những hạnh lành khác, để vào phần trợ, mới là đường lối an toàn.

    Trong ba môn của ngài Thiên Như trình bày, đại khác môn thứ nhất nói về Thật Tướng Niệm Phật, hạng trung hạ khó hành trì. Môn thứ ba, thì hạng dung thường, nhiều nghiệp duyên, cũng ít có hy vọng, chỉ nên dùng làm phần trợ. Duy phương pháp sự trì danh thuộc môn thứ hai là mọi người đều có thể thật hành và có hy vọng thành tựu. Tuy nhiên, vì căn tánh của chúng sanh khác nhau, ngài phải nói cho đủ để mọi người tùy sở thích mà lựa chọn. Về phần dịch giả chỉ căn cứ theo phần đông hạng dung thường đời nay mà biện minh sự lợi hại thế thôi.
    Last edited by ngoc.khanh198; 13-03-2008 at 08:39 PM.
    Hôm nay là ngày đầu tiên của quãng đời còn lại :ciao:

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •