Chầu văn mơ... vươn ra thế giới

(Dân Việt) - Một học giả thế giới đã nhận xét rằng, chỉ riêng về âm nhạc, hát chầu văn đã có thể được coi là một di sản văn hóa phi vật thể chứ chưa nói đến lối hát này còn được đặt trong một nghi lễ dân gian.





Nghệ thuật thuần Việt

Nghệ thuật chầu văn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt đã gắn bó chặt chẽ và trở thành một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ hầu thánh (hầu đồng, hầu bóng) của văn hóa thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian phổ biến và đặc sắc của Việt Nam.

Giá đồng Chầu Bé tại Liên hoan diễn xướng hầu đồng Lảnh Giang, Hà Nam.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Chung, hát chầu văn có thể coi là một loại hình nghệ thuật thuần Việt nhất, nó không bị ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài từ làn điệu, ca từ, cho đến cách múa, biểu diễn, quần áo, nhạc cụ…
Nhằm tôn vinh nghệ thuật chầu văn, hầu đồng và vận động sự công nhận của quốc tế về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam kết hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật này trong 2 đêm 6 và 7.11 tại Hà Nội.

Hát chầu văn bao gồm 4 hình thức biểu diễn, là hát thờ, hát thi, hát hầu (hát phục vụ hầu đồng, lên đồng), và hát văn nơi cửa đền. Hát thờ: Được hát vào các ngày lễ tết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa...) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng. Hát hầu, trong hát hầu theo tín ngưỡng tứ phủ thì ba giá tam tòa Thánh Mẫu là bắt buộc và hầu tráng bóng chứ không tung khăn. Hát văn nơi cửa đền thường gặp tại các đền phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền và hát theo yêu cầu của khách hành hương.

Bảo tồn và phát huy

Trong niềm mong mỏi, GS-TS Ngô Đức Thịnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam cho rằng, hát chầu văn là một giá trị nghệ thuật cần được phổ cập rộng rãi hơn nữa với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế để mọi người hiểu biết về di sản cũng như có ý thức bảo tồn và phát huy.

Theo Giáo sư Thịnh, những đêm biểu diễn về hát chầu văn cần được nhân rộng hơn nữa. “Tôi rất vui mừng và thích thú khi đây là lần thứ 2 nghệ thuật hát chầu văn được tổ chức bài bản. Mục đích chính của Câu lạc bộ kết hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp là phổ cập rộng rãi cho quần chúng hiểu về lối hát, cũng như tính chuyên nghiệp của nghệ thuật hát chầu văn” - Giáo sư Thịnh chia sẻ.

Tại chương trình, các nghệ nhân sẽ trình bày và giới thiệu các lối hát văn, diễn xướng hầu đồng, các giá đồng dự kiến như Quan Tam Phủ, Quan Tuần Tranh, Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị, Chầu Bé Bắc Lệ, Ông Hoàng Bơ, Chầu Bát, Ông Hoàng Mười…

Cũng theo Giáo sư Thịnh, nghệ thuật hát chầu văn của Việt Nam hay và chuyên nghiệp hơn ở các nước khác. Ở nước ngoài, hát chầu văn về phần âm nhạc và người biểu diễn là một thì ở Việt Nam ban nhạc riêng, người biểu diễn riêng, thậm chí mỗi địa phương, mỗi triều đại lại có một ban bệ riêng.Vì thế có thể thấy tính chuyên nghiệp hóa của nghệ thuật hát chầu văn của Việt Nam là rất cao.

“Có một học giả thế giới sau khi được xem hát chầu văn đã nhận xét rằng, chỉ riêng về âm nhạc của hát chầu văn đã có thể được coi là một di sản văn hóa phi vật thể chứ chưa nói đến lối hát này còn được đặt trong một nghi lễ dân gian” - Giáo sư Thịnh nói.

Còn với nghệ nhân Nguyễn Văn Chung – Chủ nhiệm chương trình 2 đêm hát chầu văn tới đây cho rằng: “Mục đích lớn nhất của chương trình lần này là muốn quảng bá hát chầu văn và những nét đẹp của hầu đồng cho không chỉ khán giả trong nước mà cả với bạn bè thế giới”.
Thanh Hà