kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Nghi án về sự mất tích của ngọc tỷ truyền quốc thời cổ đại Trung Hoa

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nghi án về sự mất tích của ngọc tỷ truyền quốc thời cổ đại Trung Hoa

    Nghi án về sự mất tích của ngọc tỷ truyền quốc thời cổ đại Trung Hoa (P1)

    Thứ Hai, 29/10/2012 --- cập nhật 03:01 GMT+7


    Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, các bậc đế vương truyền nhau chiếc ngọc tỷ này, coi đó là bảo vật của quốc gia. Những người có được ngọc tỷ được coi là “thụ mệnh ở trời”, còn những người đánh mất ngọc tỷ được coi là biểu hiện của việc “khí số đã tận”.

    Nếu như hoàng đế đăng cơ mà không có ngọc tỷ thì bị coi là không chính danh, bị người dân trăm họ coi thường. Điều này khiến ngọc tỷ trở thành vật bị các đế vương trong lịch sử tranh đoạt không ngừng. Tuy nhiên, sau hơn 1.000 năm tồn tại, ngọc tỷ truyền quốc quý giá này không biết tông tích nơi đâu. Hơn mt ngàn năm qua, những câu chuyện về chiếc ngọc tỷ truyền quốc lúc nào cũng nhuốm màu huyền thoại…

    “Tỷ” trong ngọc tỷ ban đầu có nghĩa là ấn triện (con dấu). Trước khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc, chữ “tỷ” vốn được khá thông dụng, không có sự phân biệt về đẳng cấp, dù là ấn của quan hay dân cũng đều gọi là “tỷ”. Sái Ung trong cuốn sách “Độc Đoán” có viết rằng: “Tỷ tức là ấn triện. Ấn triện tức là cái dùng để làm tin”. Như vậy, thời bấy giờ việc sử dụng ấn triện khá phổ biến, như một hình thức ký tên để đảm bảo độ tin cậy và tất cả những ấn triện này đều được gọi chung là “tỷ”. Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc đã đặt ra những quy định chặt chẽ về việc chế tạo, tên gọi cũng như cách thức sử dụng các con dấu. Theo đó, Tần Thủy Hoàng cho rằng, chỉ có ấn triện của hoàng đế mới được gọi là “tỷ”, tượng trưng cho thiên mệnh. “Tỷ” phải được chế và khắc trên ngọc, vì thế nên được gọi là “ngọc tỷ”. Ngoài ra, theo quy định của Tần Thủy Hoàng, ấn của quan lại (cả văn lẫn võ) đều được chế bằng đồng.

    Sau khi thống nhất Trung Quốc, làm chủ một lãnh thổ rộng chưa từng có trong các triều đại trước đó, để chứng tỏ quyền uy tối cao của mình, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho người thợ ngọc là Tôn Thọ dùng một loại ngọc quý nổi danh đương thời là loại ngọc họ Hòa để tạo cho ông một “ngọc tỷ” làm bảo vật tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế và triều đại mình. Ngọc tỷ lớn khoảng 4 tấc, bên trên có chạm khắc hình 5 con rồng, ở phía chính diện là 8 chữ “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” (nghĩa là nhận mệnh của trời, tồn tại mãi mãi). Sau đó, ngọc tỷ này trở thành chiếc ấn ngọc được truyền qua rất nhiều các vị đế vương của các triều đại khác nhau trong lịch sử Trung Quốc, vì vậy mới gọi là “Ngọc tỷ truyền quốc”.





    Về lai lịch của viên ngọc được sử dụng để làm nên chiếc ngọc tỷ truyền quốc này cũng là một câu chuyện thú vị. Chuyện kể rằng, vào thời Xuân Thu của Trung Quốc, có một người nước Sở tên là Biện Hòa đào được trong núi một khối đá ngọc, biết rằng, bên trong là một viên ngọc quý nên đem dâng vua Lệ vương của nước Sở. Lệ vương thấy trong tay Biện Hòa là một tảng đá, có ý xem thường nhưng vẫn sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc tới xem một lúc rồi nói đây chỉ là một cục đá. Lệ vương cho rằng Biện Hòa là nói láo, ra lệnh chặt chân trái ông ta. Khi Lệ vương mất, Võ vương nối ngôi, Biện Hòa lại dâng ngọc lên. Võ vương lại sai thợ ngọc xem, thợ ngọc lại bảo chỉ là đá.

    Võ vương lại cho là Biện Hòa nói láo, ra lệnh chặt chân phải ông ta. Võ vương chết, Văn vương lên nối ngôi, Biện Hòa ôm khối ngọc mà khóc ở chân núi Sở ba ngày ba đêm, hết nước mắt thì khóc ra máu. Văn vương hay tin, sai người hỏi nguyên do: “Trong thiên hạ có nhiều người bị chặt chân, sao mà riêng ông khóc lóc bi thảm đến vậy?” Biện Hòa đáp: “Tôi không đau xót vì bị chặt chân mà vì nỗi ngọc thật mà lại bảo là đá, kẻ sĩ ngay thẳng mà lại bảo là nói láo, tôi đau xót vì lẽ đó”. Văn Vương nghe vậy liền sai người bổ tảng đá ngọc ra xem, quả nhiên bên trong là một viên ngọc quý, bèn đặt tên là Ngọc họ Hòa. Tới thời Sở Uy Vương, tướng quốc là Thiệu Dương có công tiêu diệt nước Việt, Uy Vương bèn đem viên ngọc thưởng cho ông ta. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Thiệu Dương đánh mất viên ngọc quý này. Nhiều người nghi ngờ rằng chính người khách có tên là Trương Nghi mà Thiệu Dương nuôi trong nhà mình đã đánh cắp viên ngọc vì thế đã bắt Trương Nghi tới thẩm vấn. Trương Nghi bị nghi ngờ, giận dữ bỏ nước Sở sang nước Ngụy cuối cùng tới nước Tần và được bái làm tướng.

    Tới thời Chiến Quốc, Huệ Văn Vương của nước Triệu lấy được viên ngọc Hòa thị ở chỗ của thái giám Anh Hiền. Tần Chiêu Vương sau khi biết được, định cướp nhưng nhờ Lan Tương Như tài trí mang ngọc quý đi sứ nước Tần song vẫn mang viên ngọc trở về. Tới năm Tần Vương Chính thứ 19, tức năm 228 trước Công nguyên, Tần Vương Doanh Chính phá nước Triệu, cướp được ngọc Hòa thị. Sau khi Doanh Chính thống nhất thiên hạ, xưng làm Thủy Hoàng Đế đã lệnh Tôn Thọ một thợ ngọc nổi tiếng ở thành Hàm Dương cắt ngọc và khắc chạm thành một chiếc ấn. Tiếp đó, lại lệnh cho quan tể tướng nước Tần lúc đó là Lý Tư khắc 8 chữ “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” bằng chữ triện lên trên. Viên ngọc Hòa thị nổi tiếng trước nay chính thức “thoát thai hoán cốt” trở thành chiếc ngọc tỷ truyền quốc.

    Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, các bậc đế vương truyền nhau chiếc ngọc tỷ này, coi đó là bảo vật của quốc gia. Những người có được ngọc tỷ được coi là “thụ mệnh ở trời” còn những người đánh mất ngọc tỷ được coi là biểu hiện của việc “khí số đã tận”. Nếu như hoàng đế đăng cơ mà không có ngọc tỷ thì bị coi là không chính danh, bị người dân trăm họ coi thường. Điều này khiến ngọc tỷ trở thành vật bị các bậc đế trong lịch sử tranh đoạt không ngừng. Tuy nhiên, sau hơn 1.000 năm tồn tại, ngọc tỷ truyền quốc quý giá này không biết tông tích nơi đâu. Hơn một ngàn năm qua, những câu chuyện về chiếc ngọc tỷ truyền quốc lúc nào cũng nhuốm màu huyền thoại.

    2. Ngay từ thời nhà Tần, ngọc tỷ truyền quốc cũng đã một lần mất tích. Vào năm Tần Doanh Chính thứ 28, tức năm 219 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng ra Động Đình Hồ chơi gặp gió bão quá to khiến thuyền bị lật, ngọc tỷ truyền quốc đã bị chìm vào đáy hò. Tuy nhiên, 8 năm sau đó, có một người dân sống ở vùng Hoa Âm lại mang ngọc tỷ dâng lên. Từ đó cho tới nay, ngọc tỷ truyền quốc trải qua rất nhiều thăng trầm lưu ly do sự thay triều đổi chủ hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trong lịch sử Trung Quốc.

    Mùa đông năm Tần Tử Anh thứ nhất, tức năm 206 trước Công nguyên, Lưu Bang dẫn quân tấn công vào thành Hàm Dương Tử Anh dùng dây đeo ấn của mình buộc vào cổ, niêm phong ngọc tỷ và phù tiết, đứng ở quỹ đạo chờ dâng cho Lưu Bang để xin hàng. Ngọc tỷ truyền quốc từ nhà Tần chuyển sang nhà Hán. Tới cuối thời Tây Hán, khoảng năm thứ 8 sau Công nguyên, quyền thần Vương Mãng chuyên quyền. Lúc bấy giờ, Hoàng đế Nhũ tử chỉ mới 2 tuổi, ngọc tỷ truyền quốc được để ở Trường Lạc Cung do Vương thái hậu, vợ của Nguyên Đế và là cô của Vương Mãng cất giữ. Vương Mãng soán ngôi, lập nên vương triều mới, phái em trai của mình là An Dương Hầu Vương Thuấn tới đòi ngọc tỷ ở chỗ của Vương thái hậu. Vương thái hậu vừa nghe thấy đã tức giận mắng Thuấn rồi cầm ngọc tỷ ném xuống đất. Ngọc tỷ vì thế bị sứt mất một góc. Sau đó, Vương Mãng đã sai người dùng vàng để trám lại chỗ bị sứt đó.

    Tháng 10 năm 23 sau Công nguyên, Vương Mãng bị giết bởi quân khởi nghĩa Lục Lâm. Trước khi chết, Vương Mãng đeo ngọc tỷ trên cổ. Một viên tướng của quân Lục Lâm giết Vương Mãng, đem dâng ngọc tỷ cho chủ tướng của quân Lục Lâm là Lý Tùng. Sau đó, Lý Tùng lại mang ngọc tỷ tới dâng cho Canh Thủy Đế Lưu Vân. Lưu Vân bị quân Xích My bắt, ngọc tỷ truyền quốc trở về tay Lưu Bồn Tử, vị hoàng đế do quân Xích My lập nên. Sau đó, Lưu Bồn Tử cùng quân Xích My bị đánh bại ở Nghi Dương, ngọc tỷ truyền quốc rơi vào tay Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, quay trở lại với nhà Hán. Cuối thời Đông Hán, hoạn quan chuyên quyền, ngoại thích là Hà Tiến lập mưu giết bọn hoạn quan nhưng không thành, ngược lại bị bọn hoạn quan giết hại. Viên Thiệu dẫn quân vào cung đuổi giết bọn hoạn quan, trong cung đại loạn, Hán Thiếu Đế phải chạy ra ngoài tránh nạn. Trong lúc vội vã chạy trốn Hán Thiếu Đế không kịp mang theo ngọc tỷ, tới khi trở lại cung thì ngọc tỷ không biết ở nơi nào.

    (Còn nữa)

    Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Nghi án về sự mất tích của ngọc tỷ truyền quốc thời cổ đại Trung Hoa (P2)

    Thứ Tư, 31/10/2012 --- cập nhật 01:58 GMT+7


    Viên Thiệu mời Đổng Trác vào cung, không ngờ Đổng Trác phản loạn, chuyên quyền, không coi hoàng đế ra gì. Các quân phiệt trong thiên hạ dưới sự lãnh đạo của hai anh em Viên Thiệu và Viên Thuật thảo phạt Đổng Trác.



    Thành Lạc Dương trở thành một đống hỗn loạn, Đổng Trác bỏ thành chạy về Lạc Dương. Tôn Kiên dẫn binh đuổi tới cung điện phía nam của Lạc Dương thì phát hiện một miệng giếng trong cung phát ra ánh sáng rất lạ. Tôn Kiên cảm thấy kỳ lạ mới lệnh cho thuộc hạ xuống dưới giếng tìm xem vật gì đang phát sáng. Sau khi binh sĩ lặn xuống giếng đã lôi lên xác một cung nữ. Trên cổ của người cung nữ này vẫn đeo một bọc vải bên trong có một chiếc hộp màu son nhỏ nhưng rất tinh xảo. Khi chiếc hộp được mở ra, tất cả mọi người đều giật mình, bên trong chính là ngọc tỷ truyền quốc, bên trên khắc 8 chữ “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” và khuyết một góc nhỏ. Tôn Kiên biết rằng, đây chính là ngọc tỷ truyền quốc mà Tần Thủy Hoàng đã tạo ra vô cùng vui mừng, cho rằng ý trời đã định để ông ta trở thành hoàng đế.

    Tôn Kiên đem ngọc tỷ cất giấu ở chỗ vợ mình là Ngô thị. Không ngờ, một binh sĩ dưới quyền Tôn Kiên vốn là đồng hương của Viên Thiệu đã đem chuyện này kể lại với họ Viên. Viên Thiệu từ lâu đã có ý định chiếm đoạt ngai vàng của nhà Hán nên đương nhiên muốn chiếm giữ chiếc ngọc tỷ truyền quốc này. Ngay lập tức, Viên Thiệu ra lệnh bắt giữ vợ của Tôn Kiên. Tôn Kiên không còn cách nào khác, chỉ đành giao lại ngọc tỷ cho Viên Thiệu. Sau đó, anh em Viên Thiệu và Viên Thuật đều bị đánh bại dưới tay Tào Tháo nên ngọc tỷ cũng bị Tào Tháo chiếm đoạt. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Tào Tháo vẫn giữ lễ, thờ vua nhà Hán, vì thế, có thể coi ngọc tỷ truyền quốc một lần nữa lại trở về với nhà Hán.

    Sau khi Ngụy thay thế nhà Hán, do ngọc tỷ truyền quốc là biểu tượng của hoàng đế, tượng trưng cho quyền lực, do vậy, ngọc tỷ lại được chuyển sang tay của Tào Phi, con trai của Tào Tháo. Tào Phi ra lệnh cho khắc vào bên hông của ngọc tỷ thêm 8 chữ theo kiểu chữ Lệ: “Ngọc tỷ truyền quốc Đại Ngụy nhận của nhà Hán”.

    Năm 265, Tư Mã Viêm ép vua Nguỵ là Tào Hoán phải nhường ngôi, lập ra nhà Tấn, quốc ngọc tỷ lại rơi vào tay dòng họ Tư Mã. Nhà Tây Tấn tồn tại 52 năm, tới năm 316 thì bị diệt vong, phải chạy xuống Giang Nam, gọi là Đông Tấn. Lưu Thông nước Hán Triệu của người Hung Nô diệt Tây Tấn, nắm được ngọc tỷ. Sau đó Hậu Triệu của người Yết diệt Hán Triệu, ngọc tỷ thuộc về Hậu Triệu của Thạch Lặc. Năm 352, nước Nhiễm Ngụy diệt Hậu Triệu, ngọc tỷ lại vào tay vua nước này là Nhiễm Mẫn (người Hán). Nhưng ngay năm đó Mẫn đi đánh Tiền Yên bị tử trận, Thái thú Bộc Dương của Nhiễm Ngụy là Đái Thi đem truyền quốc ngọc tỷ hiến cho hoàng đế nhà Đông Tấn. Ngọc tỷ trở về tay người Hán.

    Năm 420, Lưu Dụ cướp ngôi nhà Đông Tấn, chiếm được ngọc tỷ, lập ra nhà Lưu Tống. Từ đó ngọc tỷ truyền quốc truyền qua các triều đại Nam triều thời Nam Bắc triều là Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần. Vua Lương Vũ Đế thời Nam Triều, hàng tướng là Hầu Cảnh làm phản, tấn công hoàng cung, cướp ngọc tỷ truyền quốc. Không lâu sau đó, Hầu Cảnh tử trận, bộ tướng dưới quyền Hầu Cảnh là Hầu Tử Giám đem ngọc tỷ ném xuống giếng trong chùa Thê Hà. Sau đó, một vị tăng trong chùa vớt ngọc tỷ lên và đem cất đi. Về sau, đệ tử của vị tăng này lại đem ngọc tỷ hiến cho Trần Vũ Đế. Vào năm 589, Dương Kiên kiến lập triều Tùy rồi tiêu diệt nhà Trần, thống nhất toàn bộ Trung Quốc, ngọc tỷ truyền quốc một lần nữa lại được đưa vào trong cung của nhà Tùy. Năm 617, Tùy Dạng Đế bị Vu Văn Hóa Cập phát động chính biến giết và chiếm được ngọc tỷ truyền quốc. Vũ Văn Hóa Cập xưng đế, lập ra nước Hứa, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại có một năm sau bị Hạ vương Đậu Kiến Đức đánh bại, bắt và giết ở Liêu Thành. Năm 621, Đậu Kiến Đức bị nhà Đường đánh bại, bị bắt giết ở Tràng An, người vợ đem ngọc tỷ truyền quốc dâng cho Đường Cao Tổ Lý Uyên. Từ đó ngọc tỷ thuộc về nhà Đường.



    Tới cuối thời nhà Đường, quần hùng nổi lên khắp nơi. Chẳng bao lâu sau, Chu Ông soán ngôi nhà Đường, ngọc tỷ truyền quốc lại lưu lạc qua rất nhiều chủ nhân khác nhau. Sau khi Đường Phế Đế bị quân Khiết Đan đánh bại, lên lầu tự thiêu, ngọc tỷ cũng bị thiêu theo, sau đó thì tông tích không rõ ràng. Cho tới khi Quách Uy kiến lập nhà Hậu Chu, lệnh cho quan lại tìm ngọc tỷ truyền quốc ở khắp nơi trong cả nước mà không thấy, đành phải tự khắc một cái ngọc tỷ khác gọi là “hoàng đế thần bảo”. Ngọc tỷ “giả” này được truyền mãi tới thời Bắc Tống. Cho tới triều vua Triết Tông nhà Bắc Tống, có một nông dân trong lúc làm ruộng phát hiện ra ngọc tỷ truyền quốc đem dâng cho triều đình. Sau khi được 13 vị đại học sĩ kiểm nghiệm, khẳng định đây chính là ngọc tỷ truyền quốc của Thủy Hoàng Đế. Tuy nhiên, rất nhiều người hoài nghi về tính chân thực của chiếc ngọc tỷ này. Nhiều người cho rằng, Triết Tông Hoàng đế do muốn mọi người tin rằng minh đang sở hữu ngọc tỷ truyền quốc thật nên mới bịa ra câu chuyện đó. Tới năm Tĩnh Khang thứ nhất, tức năm 1126, quân Kim tấn công vào Biện Lương (tức Khai Phong), hai vua Huy Tông và Khâm Tông nhà Bắc Tống bị bắt, ngọc tỷ truyền quốc bị rơi vào tay quân kim, sau đó biệt vô tông tích.

    Tới năm 1294 sau Công nguyên, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt qua đời. Đúng vào thời điểm ấy, ngọc tỷ truyền quốc lại xuất hiện ở chợ. Bá Nhan lệnh cho người ra chợ mua, ngọc tỷ truyền quốc từ đó rơi vào tay nhà Nguyên. Ba Nhan từng ra lệnh cho thuộc hạ thu thập các ấn tỷ ở khắp nơi trong cả nước để phân phát cho các vương công đại thần làm ấn triện riêng. Tới năm 1368 sau Công nguyên, Chu Nguyên Chương xưng đế ở Kiến Khang, thành lập triều Đại Minh. Ít lâu sau đó, Chu Nguyên Chương đánh đổ triều Nguyên, đuổi người Mông Cổ về với thảo nguyên. Đầu thời nhà Minh, Minh Thái Tổ trên đường ra miền bắc đánh đuổi tàn quân của nhà Nguyên, hy vọng có thể cướp ngọc tỷ truyền quốc về. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, đành phải về không. Từ đó, sau hơn một ngàn năm phiêu dạt, ngọc tỷ truyền quốc không biết bị chôn vùi ở nơi đâu.
    Hai triều Minh và Thanh, ngọc tỷ truyền quốc cũng xuất hiện đây đó trong các ghi chép, tuy nhiên, toàn là đồ giả.

    Vào năm Hoằng Trị thứ 13, tức năm 1500, có một người dân Thiểm Tây tìm thấy một chiếc ấn ngọc, tự gọi là ngọc tỷ truyền quốc, đem dâng lên Minh Hiếu Công. Tuy nhiên, Minh Hiếu Tông rất hoài nghi về tính chân thực chiếc ngọc tỷ được tặng nên không dùng. Tới cuối thời Minh, tương truyền ngọc tỷ truyền quốc bị Nguyên Thuận Đế mang về vùng Mạc Bắc, hiện đang nằm trong tay hậu duệ của Thuận Đế là Lâm Đan Hãn. Sau khi Lâm Đan Hãn bị đánh bại, ngọc tỷ bị rơi vào tay Hoàng Thái Cực nhà Hậu Kim. Có được ngọc tỷ truyền quốc, Hoàng Thái Cực xưng đế, định quốc hiệu là Đại Thanh, có ý muốn chiếm toàn bộ trung nguyên, thay thế sự thống trị của nhà Minh. Sau khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, đánh đổi nhà Minh, ngọc tỷ đã theo Hoàng đế nhà Thanh về lại Trung Nguyên song vẫn nằm trong tay “ngoại tộc” là triều đình Mãn Thanh. Vào đầu thời kỳ nhà Thanh, trong cung Giao Thái ở Cố Cung hiện nay cất giữ tới 39 chiếc ấn ngọc, trong đó có một cái khắc 8 chữ “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” nên được cho là ngọc tỷ truyền quốc.

    Tuy nhiên, khi Càn Long xem ngọc tỷ thì lại loại trừ chiếc này ra. Từ đó có thể thấy, đây chính là một chiếc ngọc tỷ giả. Tuy nhiên, chiếc ngọc tỷ này vẫn được lưu truyền cho tới tận khi nhà Thanh sụp đổ. Cho tới tận tháng 11 năm 1912, Phùng Ngọc Tường phát động chính biến ở Bắc Kinh, ông vua cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi bị Phùng đuổi ra khỏi cung. Từ đó, ngọc tỷ truyền quốc cũng không còn biết tông tích ở đâu nữa. Người ta nói rằng, bộ tướng của Phùng Ngọc Tường đã từng truy tìm tông tích của ngọc tỷ này, tuy nhiên không có kết quả. Sau này, nhiều người cũng nói, ngọc tỷ hiện đang nằm trong Viện bảo tàng Cố Cung ở Đài Loan. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự phỏng đoán bởi lẽ trước nay phía Đài Loan chưa bao giờ thừa nhận điều này.

    Trong hơn 2.000 năm lịch sử kể từ khi xuất hiện, ngọc tỷ “lúc ẩn, lúc hiện”, lúc thật lúc giả khiến người ta không thể đoán định được. Song, có một điều chắc chắn là, kể từ thời Ngũ Đại, sau khi bị mất tích, chiếc ngọc tỷ truyền quốc có xuất hiện trở lại nhưng không ai dám chắc chắn nó là thật hay giả. Vậy tông tích thực sự của ngọc tỷ truyền quốc hiện giờ ở đâu hay nó đã bị chôn vùi cùng với cát bụi và thời gian? Đó là câu hỏi mà tới nay vẫn chưa có câu trả lời.

    Theo Hôn Nhân & Pháp Luật
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Tính logic của thuyết Luân hồi Nhân Quả
    By quangcom in forum Đạo Phật
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 29-05-2015, 08:49 AM
  2. NHÀ TRỪ QUỶ KỂ CHUYỆN
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 87
    Bài mới gởi: 24-07-2012, 09:28 PM
  3. Trả lời: 10
    Bài mới gởi: 14-04-2012, 07:14 AM
  4. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM
  5. Nhật ký của Đường Tam Tạng
    By dc_bac in forum Đạo Phật
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 09-02-2011, 01:47 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •