Nguồn : http://www.thuvienhoasen.org/vetthuongtienkiep.htm

Một buổi trưa, ánh nắng vàng chan hòa trải trên cánh đồng lúa xanh mơn mởn hai bên khúc đường mới nối từ phía nam Liên Sơn lên ngã ba Thành. Chiếc xe đò Thuận Thành đang bon bon thì có hai xe Jeep mui trần, chở đầy cảnh sát vừa mặc sắc phục, vừa xơ-vin rượt theo. Khi vừa qua mặt, bằng loa khuếch đại cảnh sát ra lệnh:
“Tấp vào lề, tấp vào lề ngay”

Khi chiếc xe đò dừng hẳn, các viên cảnh sát, tay cầm súng ngắn phóng xuống. Họ cùng nhào lên xe đò một cách vội vã, làm như thể tội phạm sẽ mọc cánh bay mất. Những gương mặt nghiêm trọng, gắn theo những đôi mắt sát khí. Một cảnh sát viên hỏi:

“Trên xe nầy, có ai tên Dậu... Trần Dậu?”

Trần Dậu tái mặt như người trúng gió, ấp úng:

“Dạ! tờ..tờ.. tôi...”

Cảnh sát đưa súng về hướng Trần Dậu ngoắc ra lệnh.

“Mời anh xuống xe.”

Trần Dậu run lên, dù chưa biết mình bị bắt về tội gì. Trong một thoáng rất nhanh, anh nghĩ ngay đến tấm chứng chỉ hoãn dịch vì lý do gia cảnh đang sử dụng - con một của gia đình có mẹ già trên 60 tuổi. Giấy thì là giấy thật, do Phòng Trưng Binh tiểu khu Quảng Nam cấp, được gia hạn mỗi năm. Chỉ có hoàn cảnh Trần Dậu dĩ nhiên không phải là con một mà gia đình có tới năm anh em trai, không mấy hòa thuận; khiến mỗi khi có việc cãi cọ, to tiếng với nhau hàng xóm có kẻ xấu mồm còn gọi là ngũ quỷ. Trần Dậu lạng quạng đi xuống xe, anh vấp phải gói hành lý suýt té vì hai tay đã bị còng phía sau. Một viên cảnh sát choàng tay vào nách đẩy Trần Dậu lên xe Jeep đang nổ máy.

“Còn hành lý của tôi nữa ạ” – Trần Dậu nói.

“Không mất đâu!” – Viên cảnh sát lớn tiếng.

Một người trong nhóm cảnh sát nói với lơ xe:

“Mầy leo lên mui tìm hành lý cho ông nầy”

Lơ xe phóng lên mui, đưa mắt về chiếc xe Jeep có Trần Dậu, hắn giơ cao cái xách màu đỏ lên hỏi trổng:

“Phải xách nầy không?”

“Không phải” – Trần Dậu đáp.

Lơ xe càm ràm một mình:

“Mẹ...cả đống như thế nầy biết cái nào của thằng chả.”

Thấy loay hoay mãi, Trần Dậu hướng mồm về cậu lơ xe nói lớn:

“Cái xách màu xanh nước biển, bên ngoài có chữ trắng.”

“Cái nầy chứ gì?”

“Đúng rồi“

Chuyền tay cho cái xách Trần Dậu xuống đất. Viên cảnh sát vội vã mở dây kéo, trong xách tay không thấy gì ngoài quần áo. Cảnh sát mò tay vào các túi áo quần, họ lấy ra tất cả trong đó có gói bạc ràng dây thun từ túi áo pilot mà Trần Dậu tin là Ngọc Loan đã nhét vào xách cho anh trước khi đi. Viên cảnh sát gục gật đầu như hài lòng với tang vật tìm thấy.

Trần Dậu sau đó được đưa về ty cảnh sát Khánh Hòa để lấy khẩu cung và tạm giam. Cuộc điều tra được phối hợp chặt chẽ giữa ba cơ quan tư pháp cấp tỉnh, Quảng Nam - Bình Định và Khánh Hòa. Một bản cáo trạng được thành lập. ‘Trong phòng nạn nhân, dấu tay Trần Dậu được tìm thấy trên cuốn album có hình những ngôi nhà. Tay nắm cánh cửa chính, vẫn thấy dấu tay in trên ấy”. Tóm lại: Theo cuộc điều tra của cuộc cảnh sát Qui Nhơn và sở tư pháp Bình Ðịnh, thì Trần Dậu là người cùng đi ăn khuya với nạn nhân và cũng chính trong đêm ấy, Trần Dậu đã mưu sát để cướp của. Xấp tiền 500 ngàn có đính một vết máu của nạn nhân được lấy ra từ túi áo pilot Trần Dậu. Vì những tang vật và dấu vềt tại hiện trường, Trần Dậu trước vành móng ngựa đã không đường nào chối cãi. Ba tội trạng hi hữu là cái gai trong mắt trung tá chánh án Phan Duy Toàn, năm phụ thẩm nhìn nhau đều kết luận chính Trần Dậu là hung thủ. Bản án tử hình đang treo lơ lửng chờ ngày đưa cuộc đời Trần Dậu xuống tận đáy mồ.

Trong quân lao Nha Trang, Trần Dậu được biết nơi đây có nhiều tay cô hồn các đẳng – đàn anh giới giang hồ, đâm thuê, chém mướn; nhưng có lẽ chẳng ai buồn tìm hiểu về gốc gác Trần Dậu. Một người sinh trưởng ở làng nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, Trần Dậu một thầu khoán có tài, năng động, bảnh trai. Không theo hết chương trình cao đẳng sư phạm, bỏ học, la cà, chè chén, đôi lúc còn gây phiền lòng cho 'hàng xóm cần sự yên tịnh nghỉ ngơi'. Thế nhưng, sau khi bị bắt lính mấy năm, đào ngũ, man khai công chứng thư, lấy vợ... Như chuột sa hũ nếp, vợ Trần Dậu là con nhà giàu, nhan sắc dưới trung bình nên học giỏi, thông minh. Của hồi môn đã tạo cho Trần Dậu một cơ ngơi bề thế, anh đã biết cách xoay xở, để trở nên một thầu khoán có tên tuổi sau những công trình xây cất. Mái ấm gia đình Trần Dậu gồm hai đứa con; một trai, một gái và người vợ ngoan, hiền, hết mực thương con, yêu chồng.

Một ngày mùa thu chưa có chiếc lá vàng nào rụng năm 1973. Trần Dậu từ giã vợ con để về Sài Gòn thầu xây cất một cây cầu bắc ngang sông Biên Hòa trên Quốc Lộ Một; theo cáo thị đấu thầu của chính phủ mà anh đã nhận trước đó. Ngọc Loan, vợ Trần Dậu ưu tư đến bên chồng, thỏ thẻ:

“Không hiểu tại sao, đêm qua em nằm mơ thấy anh trở về với mái tóc bạc phếu, em lo quá!”

“Em lại đi tin những chuyện nhảm nhí ấy rồi”

Mắt Ngọc Loan chớp nhanh, hai giọt lệ lăn xuống.

“Quả tình em rất lo.”

“Em an tâm. Ở nhà trông coi các con chu đáo, nhớ tưới mấy chậu phong lan cho đúng thời khóa biểu, xong việc anh về ngay. Nếu trúng thầu, anh sẽ đưa em và các con về Sài Gòn hoặc Thủ Đức ở.

Sự lo âu vẫn bám theo trí Ngọc Loan, nàng tiếp:

“Không những em chiêm bao một lần mà sau khi tỉnh giấc, em thấy còn sớm quá nên ngủ lại và vẫn thấy khi trở về, anh đưa tay dở mũ, đầu tóc anh bạc không còn sợi nào đen nữa”.

“Thôi mà, hãy xếp đồ vào xách tay cho anh.”

Ngọc Loan biết không ngăn cản được chồng, những gì Trần Dậu quyết định thường được coi là tối hậu. Nàng riu ríu vào trong xếp hành trang cho chồng.


Chuyến xe đò Thuận Thành chật ních hành khách khởi hành rất sớm. Trần Dậu định sẽ nghỉ qua đêm tại Qui Nhơn nên chỉ mua vé đến đó. Lâu lắm rồi, từ khi bỏ cao đẳng sư phạm, trở về quê, vào lính, anh chưa hề trở lại nơi đây. Trần Dậu định bụng, thể nào khi đến Qui nhơn, anh cũng rủ vài người bạn cũ đi thưởng thức lại những món ăn bình dân, vốn một thời đã lôi kéo đám học sinh xa nhà. Anh nhớ bánh xèo Tăng Bạt Hổ, bún bò Bà Cam, quán cơm Bà Lâm Huế, Cafe Tùng, đặc biệt nhất là quán Chè Sư Phạm - nơi có cô Quý, chủ quán với cái răng khểnh thật cao ngạo đã một thời làm anh mê tít thò lò.

Chiến trường bắc Bình Định lúc bấy giờ bắt đầu sôi động mạnh. Quãng đường Sa Huỳnh, Tam Quan, Bồng Sơn lở lói và nguy hiểm vì mìn nổ mỗi ngày. Xe đò thường thường bò theo những vết bánh xe nhà binh chạy mở đường trước. Sau gần cả ngày lúc mau lúc chậm, Trần Dậu tới bến Qui Nhơn trời đã tối, anh ta kêu xích lô chở thẳng đến khách sạn Thái Bình. Sau khi tắm rửa, Trần Dậu thấy đói nên xuống đường kiếm gì ăn khuya trước khi đi ngủ.

Tại tiệm phở, Trần Dậu lại được làm quen với Lê Quốc Lâm, một tay thầu khoán khác đang hành nghề tại Hội An. Trần Dậu được biết Lâm đã đi cùng chuyến xe đò từ Đà Nẵng vào, lại cùng ở chung khách sạn, đối diện phòng Trần Dậu. Hai người mới quen, ngồi trao đổi với nhau về kinh nghiệm làm ăn cho đến khi quán phở đóng cửa. Họ cùng trở về khách sạn. Lâm mời Trần Dậu vào phòng, cho xem hình chụp những công trình đã hoàn tất, và một số công trình đang thực hiện. Sau đó Trần Dậu chia tay về phòng. Ðường xa mệt mỏi, Trần Dậu liệng mình lên giường là ngáy khò. Ngày hôm sau, Trần Dậu đón xích lô đi thăm mấy người bạn cũ. Họ mừng rỡ sau nhiều năm không gặp, không thư từ. Nhưng rồi nỗi buồn dấy lên khi Trần Dậu biết được một số bạn hữu sống ở Qui Nhơn vào quân ngũ và tử trận. Chiến tranh đã tàn phá dữ dội cả hai miền đất nước, biết bao người ra đi, đi mãi, không về. Buồn vui nào cũng qua, Trần Dậu chia tay các bạn, về lại khách sạn để sáng hôm sau lên đường sớm về Sài gòn.

Tiếng kêu khô khan đâu đó của bản lề cửa sắt kéo Trần Dậu về thực tại. Bản án của Tòa Quân Sự vùng II đã kết tội trạng giết người cướp của mà Trần Dậu không hề biết đến. Hơn ai hết, anh biết mình bị hàm oan, nhưng không thể chối cãi bởi tang vật nằm trong xách tay của mình. Có một điều anh không hiểu được là xấp tiền Ngọc Loan nhét thêm vào xách tay cho anh, anh lấy bọc vào túi áo pilot lại có vết máu khô là thế nào? Tại Qui Nhơn anh không hề có ân oán giang hồ với ai, thì tại sao lại có người muốn hãm hại.


Sau khi nghe tin chồng bị bắt, dù chưa rõ nguyên do nào, Ngọc Loan tức tốc dẫn hai con vào quân lao Nha Trang để thăm và tìm hiểu sự thật. Nơi đây, Ngọc Loan được biết, sở dĩ Trần Dậu bị chuyển từ Tòa Sơ Thẩm Khánh Hòa qua Tòa Án Quân Sự Vùng II vì Trần Dậu là một quân nhân đào ngũ. Không bỏ cuộc, Ngọc Loan đưa đến phòng tạm giam một luật sư tài giỏi của thành phố Nha Trang mà nàng đã tìm hiểu mấy ngày nay. Sau khi trao đổi với thân chủ và nghiên cứu tình huống, luật sư Bùi Văn Thụ lắc đầu, ông chép miệng nói với Ngọc Loan:

“Tôi chỉ có thể cố gắng, trường hợp ông nhà, tôi không lấy gì bảo đảm.

“Luật sư ráng giúp nhà tôi, tốn kém ra sao, ông cho tôi biết, tiền nong không thành vấn đề, tôi nghĩ chồng tôi không thể là kẻ giết người.”

Luật sư Bùi Văn Thụ gật đầu chào nghi can, bắt tay Ngọc Loan, ông khuyên bà về nhà chờ ngày ra tòa.

Quả nhiên danh bất hư truyền. Không biết bằng cách nào, ở giờ phút cuối cùng trong phiên xử, bên phía nạn nhân không có luật sư biện hộ, không ai chống án, chỉ có công tố viên mà thôi. Với kinh nghiệm cả nửa cuộc đời trong nghề luật sư, Bùi Văn Thụ xem các công tố viên không phải là đối thủ. Tài biện hộ của ông không phải chỉ nổi tiếng ở Nha Trang mà còn vang danh khắp Miền nam Việt Nam thời bấy giờ. Tội danh được thành lập, từ bản án tử hình xuống còn 25 năm tù giam. Trong đó có bao gồm các tội danh khác - man khai hộ tịch, quân nhân đào ngũ, sử dụng công chứng thư giã v.v...

Quân Lao Nha Trang bỗng nhiên được cắt ổ khóa. Tù nhân tháo chạy tán loạn như ong vỡ tổ. Trần Dậu ngơ ngác hay tin thành phố đang bỏ ngõ mời đón địch quân tiến chiếm. “Lạ nhỉ. Quân đội hùng mạnh như thế, vũ khí tối tân như thế mà bỏ chạy trước khi giặc tới là thế nào?” – Trần Dậu tự hỏi như vậy. Thôi thì “vận nước đã đến rồi”. Đối với Trần Dậu thì đây là một điều may, bản án 25 năm mới thi hành hơn một năm. Lúc đầu Trần Dậu định bụng về quê tìm vợ và con, nhưng một cuộc nam tiến vĩ đại, những tuần lễ cuối tháng tư năm 1975 tại miền Trung là đường một chiều, tìm chiếc xe chạy ngược ra là chuyện lông rùa, sừng thỏ.

Thế rồi Trần Dậu cũng chạy theo đám tù binh từ Quân Lao Nha Trang, đi bộ suốt đêm với hành trình ngót 60 cây số tới Đá Bạc Cam Ranh. Nơi đây, anh lại cũng theo sự lèo lái của các tay tổ băng Năm Vĩnh, lấy ghe dân chài chạy ra chiếc tàu hàng Pioneer Contender do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ mướn đang neo ngoài khơi đón người tỵ nạn dự trù đưa vào Vũng Tàu.

Thế nhưng, vì lý do an ninh, tàu Pioneer Contender và tất cả các tàu từ miền trung về không được cập bến Vũng Tàu mà trực chỉ đảo Phú Quốc theo lệnh của chính phủ Trần Thiện Khiêm. Vào trại tạm cư Phú quốc, Trần Dậu ra sức tìm manh mối người thân. Loa phóng thanh của trại ra rả cả ngày, những tụ điểm giấy dán kín mít. Có người may mắn tìm được thân nhân, mặt mày rạng rỡ, có người xuýt xoa thở vắn than dài, mặt hốc hác buồn xo như hoàn cảnh Trần Dậu.

Nhưng chịu đựng không được bao lâu, Trần Dậu nhớ vợ con, chàng chui ra khỏi trại tạm cư An Thới, qua Dương Đông mướn tàu máy để về Rạch Giá. Lặn lội về tới Sài Gòn thì đã nghe tình hình chiến sự càng phức tạp. Cộng quân đã vây hãm thủ đô, những chống trả lấy lệ của Sài Gòn không đủ cản ngăn được khí thế tiến quân của bắc phương. Chính phủ Dương Văn Minh phải ra một thông cáo thừa thãi “Yêu cầu những người Mỹ phục vụ trong cơ quan DAO (Defence Attached Office) phải lập tức ra khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong vòng 24 giờ”. Thật ra, người Mỹ đã có ý rút ra khỏi cuộc chiến từ thỏa ước 27 tháng 1 năm 1973. Thỏa ước nầy VNCH coi như hoàn toàn thất thế, chiến cụ chỉ được thay thế khi bị hư hỏng hoàn toàn (piece by piece program). Và với làn sóng phản chiến cao độ của nhân dân, quốc hội Mỹ không thuận chi thêm 300 triệu, khiến VNCH rơi nhanh xuống triền như viên đá cuội.

Khi Miền Nam hoàn toàn đổi chủ, giao thông còn khó khăn, thế mà Trần Dậu vẫn tìm về tới Đà Nẵng. Xa xa, ngôi biệt thự ẩn hiện dưới cơn nắng như đổ lửa mùa hè; mồ hôi, bụi đường đã làm cho chiếc áo trắng trên người Trần Dậu trở nên màu huyết, toát mùi chua loét. ‘Về mái nhà xưa’ nay đã biến thành văn phòng hành chánh lâm thời xã. Hỏi thăm láng giềng, người ta cho biết Ngọc Loan cùng hai con đã đi đâu từ tháng ba không hề trở lại. Trần Dậu uể oải lội bộ về thăm mẹ, và người anh kế, hai anh em tay bắt mặt mừng, nhưng người anh thở dài xụi mặt:

“Nghe chú mầy ở tù, mấy anh em định làm một chuyến vào thăm, nhưng hẹn mãi vì hoàn cảnh đứa nào cũng gặp khó khăn. Thím cũng tệ, nó có cho ai hay đâu. Cho đến khi bà già ngã bệnh, thím mới nói thì lúc đó đi lại đã khó khăn rồi. Má cũng mãn phần chôn kế bên mộ ông già.”

Trần Dậu đến thắp nhang trước bàn thờ mẹ, cùng các anh đi viếng mộ phần. Sau bữa cơm thanh đạm, Trần Dậu chia tay các anh, chàng quyết định lao cuộc đời vào nơi vô định. Thật ra chuyến xuôi nam lần nầy, Trần Dậu hoàn toàn không biết chủ đích.

Khi xe đi ngang ngã ba Phú Tài, anh chợt nhớ đến Qui Nhơn, nhớ rất rõ việc mình bị hàm oan giết người. Tại sao lại có những oan khiên như thế? Thủ phạm là ai? Luật công bằng đang nằm ở đâu? Nhưng giá như miền nam không đổi chủ thì Trần Dậu có lẽ phải ngồi bóc thêm hơn 23 cuốn lịch. Với anh thì đây là dịp may hiếm có, nhưng may mắn đó không đánh đổi hoàn cảnh khi được tự do về đến nhà mà vợ con không tìm thấy. Nhất là vợ anh, Ngọc Loan có thể còn nghĩ anh là kẻ giết người. Bằng chứng là khi Ngọc Loan vào thăm nuôi, những giải thích của Trần Dậu đã không hề tìm được sự thông cảm nào trên gương mặt của nàng mà trái lại trong đôi mắt ấy vẫn toát ra vẻ nghi ngờ, khinh miệt. Đó chính là động cơ thúc đẩy anh la cà nơi thành phố mới đổi tên để hi vọng một ngày nào đó tìm được vợ và con và một lời giải thích.

Ngày ngày đạp xích lô, ăn uống qua loa ngoài đường, đêm về Trần Dậu tá túc tại chùa Thiên Sơn ở quận Bình Thạnh. Thầy Thích Tâm Tựu trụ trì ngôi chùa thỉnh thoảng lại có khóa giảng kinh, pháp cho thính chúng. Cả ngày đạp xe mỏi mệt, khi về Trần Dậu chỉ có đủ giờ tắm rửa và leo lên giường. Thế nhưng chỗ nằm của Trần Dậu lại sát vách với chánh điện nên lâu dần tai chàng cũng nghe được lời kinh tiếng kệ, những gì thầy giảng; do đó cũng xâm nhập ít nhiều. Dần dần, Trần Dậu tìm ra sự an lạc trong tinh thần. So với trước kia anh không hề để tâm đến tôn giáo, quan niệm lễ lạy, thờ cúng theo Trần Dậu là một cái gì phảng phất mê tín.

Những lúc không có khách, Trần Dậu thường đẩy chiếc xích lô đến dưới bóng của tàng cây bàng, nằm trên ghế đọc những bài kinh đơn giản, ngắn mà chàng mượn trong tủ sách nhà chùa. Đặc biệt quyển sách nhỏ “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời” đã làm cho Trần Dậu thay đổi tư duy. Té ra đạo Phật nó len lỏi trong công việc hàng ngày, nó tìm ẩn trong sinh hoạt bình thường như đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ...Tâm an lạc thường gắn liền với lòng vị tha. Thân an lạc đi đôi với sự hạn chế đua đòi, tập buông xả... Đang nằm lim dim, Trần Dậu giật bắn người choàng tỉnh, một ông khách hơ hải, máu chảy thấm xuống ướt hai ống quần, xuống tới bàn chân.

“Đi bệnh viện hả?”- Trần Dậu hỏi.

“Ừ, ông chở tôi tới bệnh viện để may vết thương, đ.m. nó lụi tui bằng cây sắt, đau quá...”

“Lên xe mau đi, máu me ra ướt nhẹp, coi chừng ông qua đời bây giờ.”

Sực nhớ tới bệnh viện Nguyễn Văn Học, Trần Dậu rướn người đạp thục mạng đưa nạn nhân đến đó. Đẩy thẳng xích lô vào sân, leo xuống, thấy người kia quẹo đầu qua một bên, làm Trần Dậu hốt hoảng kêu:

“Ông ơi! Ông có sao không?”

Không nghe trả lời, Trần Dậu choàng tay sau lưng ôm xốc người kia chạy vào đặt ngồi trên chiếc ghế ở phòng cấp cứu, gọi lớn:

“Có bác sĩ không, mau ra cứu người“

Từ trong phòng nào đó có tiếng vọng.

“Chờ chút”

“Người ta sắp chết, còn chờ”

Đến lượt cô y tá há mồm:

“Sao vậy?”

“Bị đâm”

Cô y tá phóng vô trong rồi đẩy ra chiếc giường có bánh xe. Cô ra dấu cho Trần Dậu ôm nạn nhân đặt lên giường. Đoạn cô đẩy vào phòng cấp cứu có kéo tấm màn vải màu xanh lơ. Trong phòng cấp cứu, hai vị bác sĩ và mấy người y tá loay hoay làm việc. Nghe nói không có tiền trước hoặc biết không có tiền, bệnh viện không chịu cứu, có lẽ chỉ đúng một phần. Có tiếng vọng ra ‘Ông nầy không băng bó, chắc tiêu’

Khoảng gần nửa giờ sau, Trần Dậu thấy nạn nhân được chuyền nước và đẩy đi. Khi ngang chỗ Trần Dậu ngồi, cô y tá lúc nãy ghé tai Trần Dậu:

“Đưa người nhà ông đi chụp hình, bác sĩ nói thận có thể bị thương”

Trần Dậu ngồi thừ người nhìn theo, bụng đang đói cồn cào vì từ sáng đến giờ anh chỉ có gói xôi lót dạ. Trần Dậu đang nhón người đứng dậy định chạy ra ngoài kiếm gì ăn thì một vị bác sĩ ngoắt anh đến hỏi:

“Anh máu gì?”

“Không nhớ rõ” – Trần Dậu nhún vai trả lời.

Bác sĩ nói:

Anh phải giúp người nhà anh, hai quả thận anh ấy bị nát bấy, không chữa được.

“Bao nhiêu tiền?” – Trần Dậu hỏi.

“Tiền không giải quyết gì được, anh phải cho một trái thận”

Trần Dậu như người trúng gió, ấp úng hỏi một câu vô nghĩa:

“Rồi tôi còn sống không?”

Vị bác sĩ mỉm cười đáp:

“Con người chỉ cần một trái thận là đủ, nếu anh đồng ý cho đi một trái thì chúng tôi xét nghiệm xem máu anh có cùng loại với người nhà anh hay không và dĩ nhiên cũng phải biết anh có mắc bệnh gì không đã.”

Sau vài giây suy nghĩ, Tiếng nói trầm ấm của thầy Tâm Tựu chợt vọng về trong trí Trần Dậu ‘Làm được việc gì cho người khác cứ làm, đừng bao giờ hỏi người đó là ai, đừng mong cầu sự trả công vì, mong như thế mất đi ý nghĩa bố thí’.

“Được, tôi đồng ý, các ông cứ lấy máu tôi mà xét”

Bác sĩ ra lệnh cho y tá dẫn Trần Dậu đến phòng thí nghiệm. Sau khi lấy mấy ống máu đem đi. Trần Dậu nghĩ lại sự quyết định vội vã của mình, anh muốn chạy theo xin hủy bỏ, nhưng đít anh vẫn như có keo không chịu rời khỏi ghế, tư tưởng lúc nầy giằng co dữ dội. Mấy phút sau, y tá trở lại cho hay Trần Dậu có loại máu O, cùng loại với nạn nhân. Trần Dậu nhắm mắt ‘âu đó cũng là dịp đầu tiên trong đời anh làm phúc giúp người’.

Thế là hai cuộc giải phẫu xảy ra cùng lúc. Một toán bác sĩ giỏi trước năm 75 của bệnh viện Vì Dân được điều động đến trợ giúp. Một trái thận của Trần Dậu được cắt sẵn sàn thay vào vị trí sau khi hai trái thận hư của nạn nhân vứt đi. Trước khi đánh thuốc mê, Trần Dậu không quên nhờ y tá báo về chùa cho thầy Tâm Tựu hay là anh ta không về được vì phải ở bệnh viện săn sóc một người bạn, đồng thời nhờ nhân viên bảo vệ bệnh viện đẩy chiếc xích lô vào trong cất giùm.

Ánh nắng ban mai sáng trưng đã lùa vào phòng, hai chiếc giường kê sát nhau chỉ cách một người đi. Cô y tá chừng 20 tuổi, mặc blouse trắng đến bên giường hỏi:

“Các anh có người nuôi không? Hôm qua nay chẳng thấy ai vào thăm?”

Trần Dậu lắc đầu, nói giọng yếu ớt:

“Tôi thì không có ai nuôi, không biết anh ấy có ai không?”

“Hai người là bạn nhau mà, sao không biết!”

“Ảnh bị thương, máu me đầy người, tôi đạp xích lô chở ảnh vào bệnh viện, ảnh bị nát hai trái thận, bác sĩ đề nghị tôi cho bớt một trái, tôi đồng ý.”

Cô y tá đưa tay đỡ ngực buột miệng:

“Mô Phật, hai người không quen biết nhau, sao ông lại tử tế quá vậy”

“Tôi không biết” – Trần Dậu nhún vai.

“Bệnh viện phí ai chịu?”

Thay vì trả lời, Trần Dậu hỏi lại cô y tá:

“Bệnh viện phí có đắt lắm không cô?”

Người kia nãy giờ nghe tất cả, thuốc mê giảm dần tác dụng. Anh ta cảm động vô cùng bởi nghĩa cử cao đẹp của anh phu xích lô, người đã ra tay cứu anh thoát chết.

Khi y tá ra khỏi phòng, người nhận thận nói:

“Anh ơi! Tôi Trương Vịnh, anh là ân nhân đã cứu tôi thoát chết, anh cho tôi trái thận, suốt đời nầy tôi nguyện làm bất cứ điều gì để tạ ơn anh”.

“Anh làm gì mà người ta lụi anh như thế?”

“Tôi bán chiếc xe gắn máy triệu hai, tụi nó vừa xem thẻ chủ quyền, thử xe và cướp luôn không chồng tiền. Tôi rượt theo đòi lại, hai thằng khác trong hẻm nhào ra đánh tôi. Một thằng dùng cây sắt có đầu nhọn lụi vào người tôi lủng ruột, đau quá tôi chạy tới cầu cứu với anh, rồi sau đó xỉu luôn, đâu còn biết gì.’

Không biết thật hư, Trần Dậu nói đưa theo:

“Ở đời, đôi lúc tai bay họa gởi. Nhiều khi gió mình đã gieo từ lúc nào, bây giờ bão nó đến đành phải gặt.”

“Anh đang đi tu phải không?”

“Tu mẹ gì được, tá túc bên hiên chùa, nghe mấy thầy giảng, nhai lại vài điều cho có mùi tương chao.”

Trương Vịnh kéo tấm chăn đắp phủ mặt vì hình như hắn đang bị sốt, giọng nói run run:

“Có thể đúng như thế anh ạ. Từ năm 74 cho đến nay, đời tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi hành động sát nhân. Dù tôi sống ngoài vòng pháp luật, nhưng lương tâm tôi không phút nào yên ổn. Tôi cố đi tìm người đã lãnh án thế cho tôi để chuộc lại tội lỗi và giải oan cho người đó.”

“Chuyện đã mười năm, hơi đâu anh bận tâm”

“Đồng ý là chuyện cũ, nhưng việc đổ oan cho người ta lòng tôi không chịu được.”

“Anh có biết người đó hiện ở đâu không?”

“Trước năm 1975, nghe anh ấy bị tù, nhưng sau đó 'quân cách mạng' mở thả hết tù, anh ấy đi về đâu không biết.”

“Làm sao anh có thể đổ tội cho người khác dễ dàng như vậy mà cảnh sát không điều tra được.”

“Câu chuyện dài dòng lắm. Lùi lại mười năm trước, chuyện tôi còn nhớ rõ như in thế nầy. Lúc ấy tôi còn trẻ, lại cần tiền để cung phụng cô bạn gái vốn là một ca sĩ. Từ Hội An, tôi theo dõi một nhà thầu khoán mới rút tiền ra từ Việt Nam Thương Tín. Trên xe đò, tôi ngồi sát bên hắn nhưng không làm gì được. Hắn vào trọ tại phòng 216 khách sạn Thái Bình ở Qui Nhơn. Khi hắn xuống đường ăn tối, tôi vào văn phòng quản lý giả làm người mướn bỏ quên bóp giấy tờ bên trong. Người quản lý cho thằng bé lên mở cửa. Vào trong tôi tròng đôi găng tay, ra sức lục lạo trong tủ áo, dưới nệm giường nhưng chẳng thấy tiền nong đâu. Tôi đoán ông ấy đang giữ tiền trong người nên nấp dưới gầm giường chờ về. Khi hắn về, không thay đồ ngủ, hắn gieo người lên giường một lát là ngáy khò. Đến khuya, tôi nhẹ nhàng trườn mình ra, định uy hiếp lấy ít tiền, không ngờ hắn chống cự mãnh liệt, tôi hoảng quá đâm túi bụi, hắn ngã quỵ xuống sàn. Khóa trái cửa bước ra, tôi nghe tiếng động ở những phòng cuối dãy, lại thấy cửa phòng đối diện chỉ khép hờ tôi nghiêng mình lẻn vào. Ánh đèn ngủ mờ mờ, nhưng vẫn đủ sáng để cho tôi nhét xấp bạc lẻ vào túi xách tay. Tôi tính lẻn ra về, nhưng cửa chính khách sạn đã khóa, tôi đi ngược lên phía hành lang ngồi run lập cập chờ qua đêm. Thấy trời hừng sáng, dưới lề đường, tiếng chổi lao công quét sột soạt, tôi lặng lẽ ra bến xe, đi tài nhất về lại Hội An. Ngồi trên xe, tôi hí hửng vì đã thực hiện việc dự định nhưng cùng lúc tôi rất hối hận vì sợ ông ấy chết luôn.”

Trần Dậu không đủ can đảm nghe hết những câu cuối của Trương Vịnh, hai tai anh lùng bùng, vết thương nơi bụng đau lên, dường như nó đang bắt đầu rướm máu; anh cố ngồi dậy để nhào qua bóp cổ tên vô lại. Mặt Trần Dậu nóng bừng như lửa đốt, gan sôi lên, cổ họng nghẹn cứng, anh tung chăn xoay người toan ngồi dậy, vết thương một lần nữa bỗng đau nhéo lên từng hồi như cố ghì thân hình anh lại. Cùng lúc đó tai anh lại nghe vọng về âm thanh của Thầy Tâm Tựu ‘Nhân quả là một định luật bất biến, cái quả ta nhận hôm nay có thể là nhân đã tạo từ kiếp nào. Người không rõ luật nhân quả sẽ dễ dàng gây nên nên tội ác’. Trần Dậu bàng hoàng, mồ hôi tuôn ra như tắm, anh nhìn qua giường bên cạnh, Trương Vịnh nằm phủ đầu bằng tấm ra trắng úa màu như một tử thi, tiếng rên khe khẽ của hắn vang lên.

Thủy Lâm Synh
Mar. 9, 2007