Dalai Lama với dự định mới trong việc chọn người kế vị
Người viết Shoban Saxena tường thuật
ngày 17, tháng 01, năm 2008


Dalai Lama với dự định mới trong việc chọn người kế vị. Phá bỏ truyền thống khi đức Dalai Lama nói đến việc chọn người kế vị trong khi ngài còn sống. Đây là một bước chính trị cứu nguy của vị lãnh đạo tôn giáo.

Đâu đâu cũng xuất hiện những điềm lành, vị Nhiếp Chánh thấy linh ảnh ba chủng tự xuất hiện trên hồ Bích Ngọc; một căn nhà nhỏ với mái ngói màu xanh dương gần nơi một ngọn núi có ngôi tự viện trên đỉnh hiện ra trong giấc mơ của vị trụ trì già. Một tai nấm khổng lồ hình ngôi sao mọc ra trên xà ngang phía đông trong căn phòng chứa nhục thân của đức Dalai Lama thứ 13 tại điện Potala; một ngày nọ đầu của ngài bỗng nhiên quay về phía đông. Mọi dấu hiệu và linh ảnh đều hướng về một ngôi nhà nhỏ ở phía đông. Giải mã các linh ảnh, theo hướng những dấu hiệu một phái đoàn trong nội các đã giả dạng làm thương buôn và cuối cùng đã tìm đến một ngôi nhà nhỏ phía đông Tây Tạng sau khi đã loại bỏ một số trẻ em có khả năng là tái sanh.

Một cậu bé đã đón họ với nụ cười tươi và nhận dạng xâu chuỗi, cây gậy và cặp kiếng của đức Dalai Lama thứ 13 và xin mọi người dẫn chú về lâu đài của chú ở Lhasa. Đức Dalai Lama thứ 14 đã được tìm thấy và giữ bánh xe pháp được vận hành như từ năm 1391 khi ngài Gendun Drup trở thành vị Dalai Lama thứ nhất - được xem là vị hóa thân của bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm. Từ đó những vị tái sanh của Ngài đã được tìm thấy qua những linh ảnh và dấu hiệu cũng như sự thử nghiệm phức tạp.

Bây giờ các dấu hiệu thay đổi khi đức Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso đề cập đến việc tìm người thừa kế trước khi ngài rời khỏi cuộc đời này. „Nếu người Tây Tạng muốn giữ hệ thống Dalai Lama, một trong những giải pháp là chọn ra một vị Dalai Lama kế nhiệm với sự giúp đỡ của tôi khi tôi còn sống“. Ngài đã trả lời một nhà báo trong chuyến vân du Nhật Bản tuần này. Vị lãnh đạo Tây Tạng cũng nói đến giải pháp chọn vị Dalai Lama kế vị qua phương thức dân chủ bầu ra từ những vị Lama cao cấp. Lời phát biểu của ngài đã làm chấn động hàng triệu phật tử khắp nơi trên thế giới. Nó cũng gây một số hoang mang trên hành lang Bắc Kinh, nơi mà các nhà lãnh đạo đảng đang đè ngôi sao đỏ lên thủ đô Lhasa. Nó cũng là nguyên nhân của đề tài thảo luận nóng bỏng trên các diễn đàng của mạng Internet: Tại sao đức Dalai Lama đi ngược lại truyền thống mấy trăm năm?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của truyền thống Dalai Lama vấn đề chọn người kế vị được bàn đến khi ngài còn hiện hữu

Ai đón được vị nào sẽ thừa kế Dalai Lama? Dân chủ có thể thực hiện trong cộng đồng Tây Tạng tỵ nạn? Bánh xe pháp có thể bị ngừng quay?

Tất cả đều là những nan đề. „Ngài đã đề cập nhiều giải pháp trước cộng đồng Tây Tạng. Ngài đã nhiều lần nói về dân chủ và thay đổi trong cộng đồng. Ngài chỉ đưa ra những sáng kiến“. Tempa Tsering trưởng phòng đại diện Dalai Lama tại Delhi cũng là vị cố vấn nhiều năm cho vị lãnh đạo Tây Tạng đã cho biết „chúng ta không được quên rằng chính đức Dalai Lama đã bắt đầu quá trình dân chủ trong cộng đồng Tây Tạng Tỵ Nạn“. Năm 1959, sau khi thoát khỏi sự kềm tỏa của hồng quân Trung Quốc tại Lhasa ngài đã tìm tỵ nạn chính trị ở Ấn Độ, Tenzin Gyatso bắt tay vào việc tổ chức hệ thống dân chủ Tây Tạng. Ngài chia hệ thống hành chánh với bầu cử dân chủ và chánh phủ lãnh đạo bởi Thủ Tướng, một hệ thống nộp thuế tự nguyện và cả một điều luật xử phạt Dalai Lama, trong khi Châu Ân Lai và những vị lãnh đạo Trung Quốc lên án Ngài ủng hộ hệ thống quân chủ tâm linh tại Tây Tạng.

Lời tuyên bố của đức Dalai Lama tại Nhật có thể là một bước chính trị đối đầu với sự cố gắng kiểm soát hệ thống tôn giáo Tây Tạng của Trung Quốc. Trong mấy tháng trước, khi Ngài đi khắp nơi trên thế giới để giảng pháp, gặp gỡ những nhà chính trị và ủng hộ Tây Tạng, sự tấn công của Trung Quốc được tăng cường trong nhiều lãnh vực. Vào tháng chín nhà cầm quyền Trung Quốc đã ra một điều luật tại Tây Tạng „tất cả những tái sanh tại Tây Tạng trong tương lai, ngay cả đức Dalai Lama đều phải được sự đồng ý của chánh phủ“ Trung Quốc cũng cấm tất cả sự can thiệp „từ bên ngoài vào quá trình chọn người tái sanh“. Đối với chánh phủ lưu vong Tây Tạng tại Dharamsala điều này rất rõ ràng: sự tấn công này của Trung Quốc lần này không phải nhằm vào đức Dalai Lama hiện tại mà là tái sanh của Ngài.

Quả nhiên chuông báo động đã trổi dậy ở Dharamsala 1995 khi đức Dalai Lama thừa nhận chú bé 6 tuổi Gendun Choekyi Nyima là tái sanh thứ 11 của ngài Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma), vị quan trọng thứ hai trong hệ thống Phật Giáo Tây Tạng. Sau đó không lâu vị Panchen Lama, người đóng vai trò quan trọng trong việc chọn vị tái sanh kế tiếp của Dalai Lama đã bị bắt cóc mất tích. Thay vào đó chánh quyền Trung Quốc đã đưa con trai của một đảng viên trong chánh quyền Tây Tạng Gyaltsen Norbu lên địa vị Panchen Lama thứ 11. „Hiện tại cả hai chú bé đều đau khổ. Vị Panchen Lama thật và gia đình chú đau khổ trong sự giam cầm, và chú bé Panchen Lama giả không được người dân Tây Tạng ủng hộ và kính nể“ theo Tsering.

Khi tuổi đời của đức Dalai Lama ngày càng cao (hiện 72 tuổi) và chánh quyền Trung Quốc ngày càng khắc nghiệt hơn với yêu cầu tự trị văn hóa Tây Tạng của ngài, chánh quyền lưu vong không sao ngừng hỏi, vị thừa kế Tenzin Gyatso sẽ là ai? Với hai vị Panchen Lama trong tay, chánh quyền Trung Quốc không ngần ngại sẽ lập tức đưa người nào đó lên ngai Dalai Lama tại cung điện Potala. Có lẽ đức Dalai Lama đã nhận biết điều này từ trước nên ngài đã thường phát biểu là tái sanh kế tiếp của ngài chắc chắn sẽ không thực hiện trong một nơi nào mà chánh phủ Trung Quốc có quyền chi phối. „Nếu Trung Quốc chọn người thừa kế tôi sau khi tôi chết, người Tây Tạng sẽ không ủng hộ người đó vì chính người đó cũng không mang tâm hồn Tây Tạng“. Ngài đã nói với nhà báo Nhật. Khi vị lãnh đạo Tây Tạng nói về việc chọn người thừa kế, những vị hướng về Tây Tạng bắt đầu tìm tòi câu hỏi quan trọng nhất: Ngài sẽ tái sanh nơi đâu? Tại Ấn Độ - quê hương của ngài từ 1959 hay ở Âu Mỹ, nơi mà Phật Giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất hiện nay? „Ngài có thể tái sanh bất cứ nơi nào. Đức Dalai Lama nói tái sanh kế của ngài ngay cả có khả năng mang thân người nữ“. Theo Tsering.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử truyền thừa mà vấn đề tái sanh của Dalai Lama được thảo luận trong lúc ngài còn tại thế. Nguyên nhân cũng không phải là khó hiểu. Tenzin Gyatso không phải là một tu sĩ tầm thường. Trong 48 năm qua Ngài đã đóng nhiều vai trò: một phật sống, tiếng nói và bộ mặt của Tây Tạng, bảo vệ chánh nghĩa của thế giới, nhận giải Nobel hòa bình; nhà điều trị tâm linh và một nguyên tố nhức nhối trong sự liên hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Người được chụp hình nhiều nhất thế giới được sự ủng hộ vượt biên giới và tôn giáo. Thế giới văn minh biết đến Tây Tạng và Phật Giáo là nhờ vào Tenzin Gyatso. Vị nào thừa kế Ngài không phải là một điều nhẹ nhàng. Nhưng theo những vị trong chánh phủ lưu vong Tây Tạng dầu đức Dalai Lama chọn giải pháp nào đi nữa thì người dân Tây Tạng cũng đồng ý và ủng hộ Ngài. „Có thể Ngài sẽ chọn một hệ thống tuyển cử như đức Giáo Hoàng“ một vị công chức cho biết thêm là đức Dalai Lama cũng thường nói là tái sanh lần này cũng có thể là tái sanh cuối cùng của Ngài.

Mặc dầu có huyền ký cho rằng Dalai Lama thứ 14 là vị cuối cùng, nhưng theo Phật Giáo Tây Tạng thì các vị đại sư thường tái sanh trở lại cho đến khi công việc của các Ngài hoàn tất. Công việc của ngài Tenzin Gyatso chưa chấm dứt. Ngài vẫn còn phải đối mặt với chánh phủ Trung Quốc trong các lãnh vực cao. Ngài vẫn còn phải đấu tranh cho tự trọng của những người dân thường ở Tây Tạng. Ngài vẫn còn đòi hỏi „tự trị thật sự“ cho Tây Tạng. Nhưng không thể nào tìm được dấu hiệu chứng tỏ những điều này sẽ được thực hiện trong một ngày gần đây. Ngài biết rõ cuộc đấu tranh sẽ dai dẳng, nhiều chông gai và đôi khi cần phải có sự thay đổi táo bạo. Để đạt được ước nguyện, Ngài có thể thay đổi truyền thống và chấm dứt hệ thống xưa cũ. Nhưng Ngài sẽ không bỏ cuộc. Điều này vẫn hiển hiện ở khắp nơi.

Sanh tại Tawang, bị giết tại Lhasa ngài Dalai Lama thứ sáu, vị cuối cùng sanh ra tại Ấn Độ, là một tái sanh đầy màu sắc. Tsangyang Gyatso sanh ra tại Tawang (Arunachal Pradesh) vào năm 1638. Người ta thường gặp Ngài đi cùng phụ nữ trong các quán nước tại Lhasa, Ngài làm thơ và nhạc dân tộc trữ tình. Được biết đến trong danh nghĩa Lama văn nghệ thích rượu và nhạc. Ngài là nạn nhân trong trận chiến chính trị giữa Tây Tạng và Mông Cổ. Ngài đã bị bắt cóc và có thể đã bị ám sát. Chánh phủ Trung Quốc dựa vào nơi sanh của đức Dalai Lama thứ 6 tại Tawang đã kết luận Arunachal Pradesh là một phần của Tây Tạng và như vậy là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Những nhà bình luận cho rằng khi thừa nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc Ấn Độ đi bước sai lầm và giao một phần đất phía đông bắc của mình vào tay Trung Quốc.

Theo VienGiac