- “Thần y” nói chữa bệnh bằng tay là nghề gia truyền của gia đình. Bệnh nhân có khỏi hay không là nhờ vào đôi tay nắn bóp của bà. Từ trước đến nay, chỉ nhờ đôi tay, bà đã chữa cho hàng-chục-nghìn người khỏi bệnh, đặc biệt là bệnh vô sinh (?).

Đau chỗ nào nắn, bóp chỗ đấy



Trong vai một người mắc bệnh về gan, chúng tôi tìm đến nhà bà Ksor Hom (ngụ tại 77 Phạm Ngọc Thạch, phường Đống Đa, TP Pleiku, Gia Lai), một “thần y” đang thu hút khá đông người bệnh quanh vùng, nhờ chữa bệnh. Nhà bà Hom 2 tầng, có sân rộng rãi được phủ gần kín bằng mái tôn, trong sân có xe hơi riêng, qua đồ đạc trong nhà có thể thấy kinh tế gia đình “thầy” rất khá giả, hơn hẳn so với mặt bằng chung của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.



Dù nam hay nữ khi đến chữa bệnh đều được ăn ngủ lại trong căn nhà này.



Có lúc bệnh nhân đông quá, ở tràn xuống cả bếp, khiến tình trạng an ninh không được đảm bảo.


Bên cạnh là gian nhà chừng 10m2, khá tối và nóng nực, là nơi giành cho bệnh nhân từ nơi xa đến nghỉ lại. Trên tường nhà có dán tờ giấy quy định: “phụ nữ có kinh nguyệt là không thể ở lại được, về nhà hết lại trở lại chữa tiếp” (?!).



Tiếp xúc với các bệnh nhân đang chờ được đến lượt chữa bệnh, được biết họ phần lớn là người từ vùng xa đến, mắc các chứng bệnh như vô sinh, bướu cổ, đau dây thần kinh, thậm chí có bệnh nhân còn khẳng định mình bị… thối ruột, ruột xoắn.



Bà Lê Thị Hồng Liễu - cộng tác viên dân số của Trạm Y tế phường Đông Đa - cho biết: “Trước đây tôi đã đến cho bà ấy chữa một thời gian. Bà ấy chỉ dùng tay bóp hơn 1 tuần và nói là bệnh bướu cổ của tôi đã khỏi, nhưng tôi vẫn thấy khó chịu lắm. Đến khi xuống bệnh viện 13 ở Quy Nhơn, họ chụp Xquang mới phát hiện là bướu cổ của tôi đã thành nhân, phải mổ”.

Có vợ bị bệnh hiếm muộn, anh Ó (trú xã Ia Lâu, huyện Chư Prong, Gia Lai) dành dụm cả năm được ít tiền đưa vợ đến nhờ “thầy” Hom chữa trị. Anh cho biết vợ chồng anh chữa đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa khỏi. Mỗi lần đi chữa bệnh, vợ chồng anh phải xách theo cả nồi niêu, gạo… để ở lại nhà “thầy”. Theo quy trình, mỗi lần chữa là 7 ngày, 3 tháng sau lại đến chữa tiếp cho đến khi nào có bầu thì đến lấy thuốc dưỡng thai! Mỗi tuần chữa hết 1,5 triệu đồng nên vợ chồng anh Ó không theo kịp thời gian “thầy” quy định mà chỉ khi nào có tiền vợ chồng anh mới đi chữa.



“Mình nghe anh em họ hàng bà ấy ở làng giới thiệu nên mình đến chữa. Mỗi sáng vợ mình lên cho bà ấy bóp ở bụng một lúc, rồi bà cho vợ mình ăn 1 viên thuốc gì đắng lắm, nhưng không được uống nước. Bữa này nghe nói tăng giá lên rồi, chắc lên 2 triệu một tuần” - anh Ó kể.



Một phụ nữ ở huyện Chư Sê, Gia Lai cũng đến chữa vô sinh cho biết: nếu chữa bệnh vô sinh thì được bóp ở bụng, phải ăn kiêng và được thầy cho ăn một viên thuốc rất đắng. Chi phí một lần chữa là 5-8 triệu.



Qua tìm hiểu được biết tất cả người bệnh từ xa tới đều được “rỉ tai” về “thần y có bàn tay thần kì” chữa bách bệnh. Chữa bệnh gì “thầy” cũng nắn bóp bằng tay, đau chỗ nào nắn bóp chỗ đấy.



Tại căn phòng dành cho bệnh nhân la liệt chiếu, tràn xuống cả nhà bếp. Tất cả họ đều nấu ăn, sinh hoạt một nơi nên tình trạng rất lộn xộn.



Y học “bó tay”, với “thầy” là… chuyện nhỏ



Trong lúc đang trò chuyện với người bệnh, chúng tôi được một số người gọi ra gặp “thầy”, đó là một phụ nữ dân tộc J’rai, chừng 63 tuổi. Cùng xuất hiện với “thần y” là 3 thanh niên có bộ mặt dữ dằn, mặc “đồng phục” áo phông vàng, luôn đứng gần và “ném” về phía chúng tôi những ánh mắt cảnh giác.


“Thần y” cho biết, chữa bệnh bằng tay là nghề gia truyền của gia đình, bà được người bà của mình truyền lại từ bé. Đôi tay của bà rất quan trọng, bệnh có khỏi hay không là nhờ vào đôi tay nắn bóp của bà (?). Ngoài ra, người bệnh còn được bà cho uống một thứ lá tên là lá ngăl, có tác dụng như thuốc sát trùng, được nấu uống như nước chè. Đặc biệt, lá này cũng phải tự tay bà hái, nấu thì mới hiệu nghiệm.




“Thần y” Ksor Hom



Bà cho biết, từ trước đến nay bà đã chữa cho hàng chục nghìn người khỏi bệnh, đặc biệt là bệnh vô sinh, không biết bao nhiêu gia đình đã được đôi tay bà “ban” cho con cái. Thậm chí khi có bầu rồi, muốn có con trai hay con gái “thần y” cũng “phù phép” được. Rồi bà và chồng bà chỉ vào hàng chục tấm ảnh chụp nhiều gia đình (chủ yếu là gia đình người dân tộc) nói rằng đó là những gia đình đã được bà chữa bệnh vô sinh khỏi, đã đẻ được con.



Trao đổi với Dân trí về việc chữa bệnh của bà Ksor Hom, bà Lê Thị Miền - quyền trạm trưởng Trạm Y tế phường Đông Đa - cho biết: “Bà Hom chữa bệnh bằng tay đã lâu nhưng chưa thấy ai được bà chữa khỏi bao giờ, và cũng chỉ có người dân khắp nơi đến chữa chứ ở xung quanh đây không có ai đến chữa làm gì. Với chuyên môn của phường thì cũng chưa đủ khả năng để kiểm tra chuyên môn của bà ấy, nhưng nó cũng không có khoa học”.

Khi chúng tôi hỏi địa chỉ cụ thể của những gia đình này thì vợ chồng bà nói không nhớ nổi vì quá nhiều, bà không biết chữ nên cũng không ghi lại.



Chúng tôi xin số điện thoại của một số bệnh nhân thì được ông Nhang - chồng “thần y” - đưa cho một vài tờ giấy theo mẫu giấy của bệnh viện; trong đó ghi tên, tuổi, địa chỉ của 2 bệnh nhân ở Đà Nẵng và Đồng Nai, có số điện thoại cụ thể. Theo số điện thoại đó, chúng tôi gọi nhưng một số không liên lạc được, một số có người bắt máy nhưng kêu nhầm người.



Chuyện chữa bách bệnh bằng cách nắn bóp của bà Hom còn nhiều điều phải bàn cãi, song rõ ràng là “khác lạ” trong ngành y. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân kéo đến chữa bệnh theo “công nghệ rỉ tai”, ăn ở tại chỗ gây mất an ninh trật tự cũng không thấy có cơ quan chức năng nào quan tâm xử lý.



Thiên Thư