Bài viết này tôi trích từ cuốn sách mới mua: "Tâm tĩnh lặng" của Achaan Chah. Ngài là một thiền sư Thái Lan nổi tiếng, mở thiền viện trong rừng sâu Wat Ba Pong. Tại thiền viện của ngài, mọi người ít khi nói năng, chỉ tập trung tham thiền, kinh hành và sống thật giản dị.

Lối dạy bảo của ngài thẳng thắn, nhẫn nại, sâu sắc mà hài hước. Ngài cũng là một trong những thiền sư đầu tiên ở Thái Lan tiếp nhận học sinh phương Tây. Do vậy, những lời dạy bảo của ngài rất hợp với con người hiện đại, ngôn từ đơn giản và dễ ứng dụng vào cuộc sống ngày nay.

Tôi nghĩ đây là một tác phẩm rất hay và xứng đáng có trong tủ sách tu học của chúng ta. Nó đặc biệt phù hợp với tuýp người không thích lý luận mà chỉ muốn tập trung vào thực hành thiền định và chứng ngộ, thay vì tranh luận ì xèo.


Chính niệm

Thiền có hai loại: Thiền chỉ và Thiền quán. Thiền chỉ giúp an định tâm. Thiền quán, một mặt, giúp phát triển nhận thức về sự vô thường, khổ và vô ngã; mặt khác, là phương tiện để vượt qua ba cửa ải này.

Dù có quan niệm như thế nào về cuộc đời này, công việc của chúng ta không phải là tìm cách thay đổi chúng. Chúng ta chỉ cần nhận biết chúng, và mặc kệ chúng. Nơi nào có đau khổ, nơi đó có con đường thoát khổ. Thấy có cái sinh, diệt và chịu đau khổ, Đức Phật biết rằng cũng phải có cái không sinh, không diệt và không bị đau khổ.

Mọi phương pháp thiền đều giúp phát triển chính niệm, rồi sau đó, dùng chính niệm để nhận ra để nhận ra chân lý tiềm tàng. Với chính niệm này, chúng ta quan sát mọi ý niệm sinh khởi trong tâm: ham muốn, yêu ghét, vui sướng và đau khổ. Nhận thấy bản chất vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã của chúng, nên chúng ta buông bỏ chúng. Bằng cách này, trí huệ sẽ thay chỗ cho si mê, hiểu biết sẽ thay chỗ cho hoài nghi.

Chính niệm là tỉnh thức và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra trong hiện tại. Mỗi khi có chính niệm, thì trí huệ sẽ xuất hiện để giúp chính niệm hoàn thành công việc của nó.

Hãy quan sát tâm, theo dõi tiến trình của kinh nghiệm sinh và diệt. Lúc đầu, sự biến chuyển rất liên tục - ý niệm này vừa diệt, thì có một niệm khác nảy sinh ngay sau đó, và chúng ta có cảm tưởng như có nhiều ý niệm sinh khởi hơn là hủy diệt. Sau một thời gian tu tập, chúng ta nhận thấy rõ ràng hơn, hiểu được tại sao ý niệm khởi sinh mau lẹ như thế, cho đến khi chúng ta đạt tới một điểm, ở đấy ý niệm sinh rồi diệt và không bao giờ sinh ra nữa.

Với chính niệm, bạn có thể nhận biết ai là chủ nhân thật sự của mọi sự việc. Bạn sẽ không còn cho rằng đây là thế giới của ta, đây là thân thể của ta. Thật ra, nó là thế giới của thế giới và thân thể của thân thể. Bạn có thể bảo thân thể đừng già nua được không? Khi dạ dày đau, nó có xin phép bạn không? Chúng ta chỉ là người thuê cái nhà này. Tại sao không thể tìm xem ai là chủ nhân thật sự của thân thể.