Tâm pháp vô hình thông suốt mười phương

( Trích " "Lâm Tế Ngữ Lục", trang 30; Hòa thượng Thích Duy Lực dịch và lược giải; Từ Ân thiền đường ấn hành)

"Chư Ðại-đức, tam giới không yên, giống như nhà lửa. Ðây không phải là chỗ ở lâu của các ngươi. Con quỉ vô thường giết người trong khoảnh khắc, chẳng kể già trẻ, sang hèn. Các ông muốn cùng Tổ và Phật chẳng khác, chỉ cần không hướng ngoại tìm cầu. Trên một niệm thanh tịnh sáng suốt chính là Pháp thân Phật trong nhà ngươi. Trên một niệm vô phân biệt sáng suốt chính là Báo thân Phật trong nhà ngươi. Trên một niệm vô sai biệt sáng suốt chính là Hóa thân Phật trong nhà ngươi. Ba thứ thân này chính là ngươi đang nghe pháp trước mắt đây, chỉ vì chẳng hướng ngoại tìm cầu thì có công dụng này.

...Sắc thân tứ đại của các ông không hiểu thuyết pháp, nghe pháp; tì vị, gan, mật của các ông cũng không hiểu thuyết pháp, nghe pháp; hư không cũng không hiểu thuyết pháp, nghe pháp. Vậy thì cái gì hiểu thuyết pháp, nghe pháp? Ấy là cái chẳng hình dáng mà sáng sủa, rõ ràng, trước mắt của các ông đó! Nếu thấy được như thế, thì cùng với Tổ và Phật chẳng khác. Chỉ có điều, trong mọi thời đừng để gián đoạn (khắp thời gian) chạm mắt đến đâu là thấy nó ở đó (khắp không gian). Chỉ vì tình sanh trí cách, tưởng biến thể khác ( nghĩa là tình thức sanh khởi thì trí tuệ bị ngăn cách và tư tưởng biến đổi thì vật thể cũng trôi theo), nên bị lăn lóc luân hồi trong tam giới, chịu đủ thứ khổ não. Nếu theo chỗ thấy của sơn tăng thì không có chỗ nào là chẳng phải giải thoát.

Chư đạo hữu ! Các ông phải biết, Tâm pháp vô hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, ở mũi gọi là ngửi, ở miệng gọi là nói bàn, ở tay gọi là nắm bắt, ở chân gọi là chạy nhảy, vốn là một cái tinh minh, phân thành sáu hòa hợp. Một tâm đã không thì mọi nơi đều giải thoát. Sơn tăng nói như thế, ý ở chỗ nào ? Chỉ vì tất cả tâm tìm cầu của các ông chẳng thể thôi nghỉ, mới lọt vào cái bẫy cơ cảnh (cảnh cơ xảo) của người xưa...."

Xem tiếp trong Thư Viện Hoa Sen "http://www.thuvienhoasen.org/V-Lamte-2.htm

Phật Chỉ Các Pháp Trở Về Chân Tâm

-- A-Nan, ông còn chưa hiểu : các trần tướng huyễn hóa đó là từ nơi tâm sanh ra, rồi cũng tùy tâm diệt mất (đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận).

Cái " tướng " (hiện tượng) của nó thì huyễn vọng, còn "tánh" (bản thể) của nó lại chân thường.

Nào là: năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, đều do nhân duyên hư vọng hòa hiệp tạm có sanh, nhân duyên biệt ly, hư vọng tạm gọi là diệt.

Các ông không biết : nào sanh, diệt, khứ, lai, đều gốc ở nơi chân tâm thường trụ. Trong thể tánh chân như thường trụ này, tìm kiếm cái khứ , lai, mê , ngộ, sanh, tử v.v...quyết không thể được... "...

( Trích Phật Học Phổ Thông khóa thứ 6-7, Ðại Cương Kinh Lăng Nghiêm, trang 74; Hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn; Phật Học Viện Quốc Tế ấn hành).

---A Nan ! Ngươi còn chưa rõ tất cả tướng huyễn hóa nơi tiền trần, tùy nơi nhân duyên sanh ra, theo nơi nhân duyên diệt mất, thể tánh của tướng huyễn hóa hư vọng này vốn là diệu giác sáng tỏ, như vậy cho đến ngũ ấm, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, vì nhân duyên hòa hợp, hư vọng cho là có sanh, nhân duyên tan rã, hư vọng cho là có diệt, mà chẳng biết sanh, diệt, khứ, lai vốn là Như Lai Tạng, cũng gọi là diệu minh thường trụ, bất động chu viên (cùng khắp không gian) diệu tánh chân như, nơi tánh chân thường tìm sự khứ lai, mê ngộ, sanh tử, đều bất khả đắc..."...

(Trích Kinh Lăng Nghiêm, trang 44; Hòa thượng Thích Duy Lực dịch; Từ Ân thiền đường ấn hành).

... A Nan, ông còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, chính nơi tâm mà sanh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn hóa, giả dối, gọi là tướng, mà cái tánh, chính là tâm tánh nhiệm mầu sáng suốt; như vậy cho đến năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ và mười tám giới, nhân duyên hòa hợp giả dối có sanh ra, nhân duyên chia lìa giả dối gọi rằng diệt; mà không biết rằng sanh, diệt, đi, lại, đều vốn là tánh chân như cùng khắp, không lay động, nhiệm mầu, sáng suốt, thường trụ của Như Lai Tạng. Trong tâm tánh chân thường đó, cầu cho ra những cái đi, lại, mê, ngộ, sống, chết, hẳn không thể được ..."...

( Trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tập 1 , trang 197; Cư sĩ Tâm Minh dịch; Phật Học Viện Quốc Tế ấn hành)

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát.

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-lamte.html