Gửi Mẹ ở trên kia...

Bài viết của :Võ Thị Hảo
Nghề báo và nghiệp văn buộc con phải đi nhiều và viết rất nhiều. Con viết về bao nhiêu là kiếp người và biết bao nhiêu điều. Vậy mà chưa một dòng nào về mẹ. Viết về người ta yêu là điều thật khó. Vì cái gì ta quá yêu thì thật cạn lời để nói. Con chỉ luôn cảm rằng, mẹ đang đồng hành cùng con.

Mẹ ơi,
Con gửi mẹ lá thư này. Đã mười năm sau ngày mẹ lìa xa con. Nơi mẹ nằm là nghĩa trang Hưng Dũng của Thành phố Vinh. Hai cây dương mọc tự nhiên che mát cho mẹ đã bị ai đó đốn làm củi, và bây giờ là những bụi hoa ngũ sắc, cũng mọc hoang dại, che cho mẹ khỏi những cái nắng nồng tháng năm tháng bảy. Suốt đời mẹ con mình vẫn không thôi phải cám ơn hoa cỏ dại. Mà xung quanh, cỏ dại cũng khó bề chen chân được với những lăng mộ lô nhô đủ kiểu mái nhà. Trong đó là những người hàng xóm mới của mẹ. Họ đã sống trọn số kiếp của mình, nằm xuống như một ngọn nến lụi tàn và nghỉ ngơi. Nếu không có cái chết, người ta biết nghỉ ngơi bằng cách nào nhỉ? Giờ đây, con mừng mẹ được nghỉ ngơi.

Con là con út của mẹ. Nghề báo và nghiệp văn buộc con phải đi nhiều và viết rất nhiều. Con viết về bao nhiêu là kiếp người và biết bao nhiêu điều. Vậy mà chưa một dòng nào về mẹ. Viết về người ta yêu là điều thật khó. Vì cái gì ta quá yêu thì thật cạn lời để nói. Con chỉ luôn cảm rằng, mẹ đang đồng hành cùng con.

Khi con mất mẹ, con mới hiểu rằng, khi mẹ đang sống, vẫn ruột rà ấy nhưng mẹ và con là hai cá thể. Khi mẹ mất, mẹ bỗng hoà vào con. Thật kỳ lạ, dường như con đang thai nghén mẹ ở trong con. Mẹ trong con cho đến cuối đời. Không một ngày nào không nghĩ tới. Vừa xót xa vừa êm đềm. Nỗi nhớ như một con thỏ non mềm dịu mà con mãi ủ trong lòng. Hoá ra là thế. Những người chết không mất. Khi viết xong một cuốn sách, con đặt cuốn đầu tiên lên bàn thờ mẹ kèm theo lời đề tặng: " Bản này dành tặng mẹ, để mẹ luôn cùng con trên mọi nẻo đường". Mỗi khi con làm điều gì sai quấy, con lại len lén nhìn ảnh mẹ trên bàn thờ và thầm xin xỏ: " ừ thì con biết con dở rồi. Mẹ đừng mắng con mẹ nhé".

Ngày này, theo con, đó là Ngày của Mẹ. Con viết thư này gửi mẹ. Con biết là mẹ đọc được, dù mẹ đang phiêu diêu tận nơi nào. Trở đi trở lại mỗi ngày trong con, cái điều con thấy mỗi lần con bay. Khi máy bay lên cao trên " chín tầng mây", như người xưa thường nói. Khi như bay trong yên lặng. Cánh không nghiêng đảo, khi con cảm thấy mình là một chấm nhỏ nhoi vô hình đứng lặng giữa tầng không, thì con chợt cảm nhận thật rõ sự nhỏ nhoi và phù du của kiếp người.

Và con đinh ninh rằng, mẹ đang sinh sống đâu đó, giữa những đụn mây kia. Trời vô số những đụn mây. Trời như được cắt từng lớp thật dày và bằng phẳng. Có những đám như sông như biển như làng mạc, như hứa hẹn sự sống và đầm ấm. Và con nghĩ, lúc sống mẹ nhân hậu như thế, trong trắng như thế, hồn phách mẹ lên trời nhẹ bỗng và hẳn mẹ phải ở đâu đó trong những đám mây kia. ở đó không có đau khổ, không ai hà hiếp, dối lừa. Mẹ không phải lo cho chúng con hạnh phúc hay đau khổ, lo cho những đứa cháu có nên người, không lo buồn lo vui và lo mưa lo nắng.

Và con nhớ. Nhớ hình ảnh mẹ tần tảo chăn tằm ươm tơ và dệt vải. Nhớ mẹ mảnh mai thân gầy còng lưng chống lại sự thô lậu và nghèo đói và cắn răng bấm bụng chịu cực khổ cho năm đứa con ăn học nên người. Con là đứa út bé xíu hay cười, hay mơ thấy những hoang đường và thường nằm ngủ gà gật trong lòng mẹ, đung đưa như trên võng hẹp, theo nhịp tay mẹ ươm tơ. Nồi kén vàng bắc trên bếp lửa. Những cái kén lúc chìm lúc nổi. Đầu mẹ nhẹ nhàng đưa theo nhịp những lớp tơ vàng . Kén rút từ ruột tằm. Cuộc đời chúng con được gây dựng từ chín khúc ruột đau nhẫn nại của mẹ. Cả một đời mẹ hy sinh vì người khác. Thuở nhỏ phải bỏ học giữa chừng để ở nhà cùng bà ngoại lo liệu cho đàn em ăn học và thành đạt. Mẹ thức khuya dậy sớm bên những dòng nước mắt. Rồi nghe theo lý tưởng giải phóng cho người nghèo, tự do và bình đẳng cho mọi người, mẹ đã góp những đồng tiền và vàng cuối cùng, cùng cha theo đuổi công cuộc hoạt động bí mật trong lòng địch từ những năm ba mươi cho đến mãi về sau này. Rồi sự cố năm 1956, với những sự cố quá sức chịu đựng của mẹ và nỗi đau này là nguồn cơn cho những nỗi đau khác. Tới mức, dù còn bé, con biết là quá sức chịu đựng của mẹ và mỗi khi nghe tiếng động ở ao, con lại chạy ra canh chừng, sợ rằng mẹ, có thể đã chọn một lối thoát để kết thúc nỗi đau khổ. Con mãi không thôi xót xa về thế hệ của mẹ. Một thế hệ đau khổ, phải chứng kiến quá nhiều cuộc chiến tranh, nạn đói với quá nhiều vỡ mộng.

Thế mà, mẹ ạ, con thấy trong mơ, mẹ trẻ lại, mặc áo dài, the nâu ở ngoài, lụa hồng lụa tím ở trong. Dải áo mẹ bay trong gío, theo bước chân mẹ trẻ trung và uyển chuyển. Mẹ đỡ trên tay những nải chuối. Đó là những quả chuối nạm bằng những viên ngọc long lanh. Con thường nhớ lại giấc mơ này, và tự an ủi rằng mẹ mình đã thoát khỏi mọi nỗi đau khổ. Trong tay mẹ là những nải chuối ngọc. Cả đời mẹ thường đọc Cung oán ngâm và Chinh phụ ngâm cùng truyện Kiều. Giọng mẹ ngâm thơ nghe mằn mặn, dày và xào xạc như gió thu. Mẹ đã ru chúng con như vậy, bằng cả nứơc mắt của đời mẹ. Mẹ thấy mình là một nàng Kiều, là một người đàn bà chờ một người đi mãi không về, là một người cô đơn ngay bên cạnh những người thân của mình. Ôi những người đàn bà Việt Nam! Bao nhiêu Ngày của Mẹ cũng không xoa dịu hết những nhọc nhằn mà một người đàn bà Việt Nam phải trải.

Giờ đây, con vẫn chưa nguôi cảm giác thân mình mẹ nhẹ bỗng trên tay. Những ngày mẹ ốm. Khi con đưa mẹ đi bệnh viện, mẹ gầy và mẹ đau, nhưng vẫn còn chút xương thịt. Giữa những cơn đau, mẹ vẫn cười để an ủi chúng con. Nụ cười của mẹ, của một người đàn bà ở chặng chót cuộc đời, vẫn đượm vẻ cả tin và khờ dại. Rộng mở và rất ít đề phòng. Bệnh viện chẩn đoán sai. Và căn bạo bệnh cứ làm mẹ yếu dần. Cho đến một ngày, con dễ dàng bế mẹ trên tay đi lại. Và rồi đến lúc mẹ chẳng thể ăn gì được ngoài vài thìa sữa và nứơc cháo. Mẹ lụi dần.

Và mẹ biết không, khi mẹ mất đi, con không nhớ mẹ. Không nhớ, vì con nghĩ là mẹ không mất. Chỉ da diết nhớ cái giờ bón những thìa nước cho mẹ mỗi ngày. Mỗi ngày là bao nhiêu lần? Để có cảm giác là mẹ mình còn đó.. Và đến giờ đó, mà tay cầm chiếc thìa thìa rơi vào rỗng không, cảm giác đó mới trống vắng và đau đớn đến thế nào. Đó là cảm giác ai đó rứt tim ta mà đi. Ta đã bị bỏ rơi rồi. Côi cút bơ vơ tội nghiệp. Đến tận bây giờ, con vẫn còn cảm giác ấy.

Không! Con không xót thương vì mẹ đã mất. Thậm chí, những lúc trời quá nóng hoặc quá lạnh, lúc thế cuộc nhiều phen điên đảo buồn phiền, con còn lấy làm mừng cho mẹ. Mẹ đã ở trên cao rồi, không lo nóng lo lạnh, không phải lo kiếm sống. Không ai có thể xúc phạm mẹ, không ai có thể cứơp đoạt của mẹ và làm mẹ buồn được nữa. Con không phải xót thương. Sống gửi thác về. Người đàn bà vĩ đại của riêng con. Vĩ đại vì chừng ấy lòng yêu thương. Vì chừng ấy lòng tha thứ cho loài người . Nỗi oán giận ra đi, lòng trắng trong ở lại cùng mẹ. Mẹ bảo con: "Thôi, hãy tha thứ cho loài người". Không, con không xót thương vì mẹ đã mất. Chỉ còn bàn tay con và trái tim con, vẫn không quên được cái nhịp bón những thìa nước nhỏ xíu cho mẹ. Ôi trái tim và chiếc thìa nhỏ xíu rơi vào rỗng không.

Nay, Ngày của Mẹ. Một lá thư này gửi mẹ, để mẹ biết rằng con vẫn thấy rất rõ, mẹ luôn cùng con trên mọi nẻo đường... Con nay chọn nghiệp này, một nghiệp dĩ không chút hứa hẹn viên mãn cho một người đàn bà. Nhưng đó là con đường mà mẹ con mình đã cùng dấn bước.

KIENCANGHP sưu tầm.