Vì sao thanh đồng có khả năng đặc biệt?
29/03/2011 1158

- Khi có căn có số, hay nói cách khác là bị cơ đày, người ta sẽ có những biểu hiện như tâm thần bấn loạn, nóng cháy trong người, nói năng lảm nhảm hay bị ốm như giả vờ. Đặc biệt, có trường hợp khi bị cơ đày thì tóc bị kết thành búi không làm sao gỡ ra được. Kỳ lạ, những người này sau khi ra trình đồng đã khỏi bệnh và trong số họ, không ít người bỗng dưng có những khả năng đặc biệt.



Khỏi ốm

Một thanh đồng tên Hoài Thanh hiện ở Biên Hòa kể lại trong cuộc tọa đàm về "Bảo tồn và phát huy khả năng đặc biệt của con người trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam" rằng: Mùa đông năm 2002, trời rét căm căm, chị đang là một người bình thường bỗng dưng bị "hành", hằng ngày cởi hết quần áo ngâm mình dưới sông Bôn - Hòa Bình từ sáng đến tối. Gia đình đã đưa chị đi khắp các bệnh viện điên để chữa chạy nhưng không khỏi. Hằng ngày, chị ở dưới sông, người nhà cũng phải cắt cử, thay phiên nhau đi canh chị, sợ chị chết đuối.

Cứ như vậy cho đến một ngày cơ duyên cho chị gặp được một cô đồng cầm căn ông Hoàng Mười. Hôm đó có dịp đi ngang qua sông Bôn, cô đồng nghe người dân trong vùng kể chuyện về trường hợp của chị liền tìm ra đến tận nơi để chỉ dạy. Sau đó, gia đình cho chị trình đồng thì bệnh tự dưng biến mất. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, nghe mọi người kể lại quãng thời gian chị không kiểm soát được bản thân, chị rất mặc cảm nên đã chuyển vào Nam sinh sống.

Gỡ tóc kết

Chúng tôi tìm về căn nhà của cố thanh đồng Lã Thị Vân tức cụ Chấn Hưng ở TP Hải Phòng. Căn nhà của cụ trước đây có tới 5, 6 phòng dành riêng cho những bệnh nhân điên đến chữa.


Cụ Vân, tức Chấn Hưng, và giấy khen có công trong cuộc kháng chiến.


Năm 1945, nạn đói xảy ra, cụ Chấn Hưng lúc đó giàu có lắm, liền mở kho cứu đói, nắm cơm ở đầu cầu Gia Lâm - Hà Nội phát chẩn. Sau đó được người anh chồng giác ngộ, cụ đi theo cách mạng. Nhà có bao nhiêu tiền, cụ mang cả đi nuôi bộ đội. Điều đáng nói là từ năm 1945, cụ đã lên đồng rồi.

Người điên, người ốm không tìm ra bệnh, bà cụ sẽ nói cho biết người bệnh gì. Nếu có, cụ bà sẽ bắt bệnh bằng cách tụng kinh ba ngày, cho người bệnh chìa tay ra, thư hương vào (viết chữ bằng hương lên tay) rồi cho úp lên mắt, lên mặt. Một đêm, bà cụ bắt bệnh tới bảy vụ.


Có một hiện tượng được cho là bí ẩn, người đang bình thường, sau một đêm tỉnh dậy, tóc bị kết chặt vào như cục sừng không làm sao mà gỡ được. Nếu cắt cục tóc kết này đi là người ấy chết. Những người bị kết tóc như vậy, cũng tìm đến để cụ Chấn Hưng chữa bằng cách lấy lược, vẩy rượu, lấy tay rút ra từng sợi, từng sợi. Cứ như vậy, cụ gỡ được mớ tóc kết.

Một cô giáo đang khoẻ mạnh bỗng dưng cứ bị rụng dần từng ngón tay. Cô không được dạy học nữa vì người ta cho rằng cô bị bệnh hủi. Tây y thì cho rằng cô bị viêm tắc tĩnh mạch. Rụng đến ngón thứ 9, các chỗ đốt rụng vẫn còn rỉ nước vàng, thì cô tìm đến cụ Chấn Hưng. Sau một thời gian, ngón tay còn lại của cô không bị rụng nữa, các chỗ chảy nước vàng cũng tự dưng khô ráo. Hiện nay cô đang là một sư bác ở một chùa tại Hải Phòng.

Biến tướng

Thực hư về việc chữa bệnh của các thanh đồng cần có sự khảo sát kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy là một số người đã lợi dụng danh nghĩa lên đồng chữa bệnh để trục lợi cá nhân. KH&ĐS sẽ có bài về về xu hướng biến tướng của lên đồng ở các số báo tiếp theo...


"Lên đồng không phải là trạng thái bệnh lí mà chỉ là trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt mà các ông đồng, bà đồng chủ động tự đưa mình vào.

Chính trong môi trường tự biến đổi ý thức đó, cái vô thức trỗi dậy giúp ông đồng, bà đồng giải tỏa nhiều tâm lí ức chế tâm thần. Đó chính là nguồn gốc của nhiều hiện tượng tâm sinh lí như điên loạn, bệnh tật, kết tóc, cơ đày... Và cũng không có gì ngạc nhiên khi ra đồng và thường xuyên lên đồng, thì trong môi trường tự biến đổi ý thức do tự kỷ ám thị mà các ức chế vô thức được giải tỏa, dần khỏi bệnh, khắc phục dần được hành vi lệch chuẩn và tái hòa nhập cộng đồng như những người bình thường khác".
GS Ngô Đức Thịnh



Việt Nga