Lên đồng 'tái sinh' 50 vị thánh thần
28/02/2011 11:12 Báo Đất Việt, Dân Việt, Quân đội Nhân dân

Giá đồng Quan Hoàng Bảy “Trong lên đồng, các vị anh hùng lịch sử nhập vào thân xác của những ông đồng, bà đồng và họ được sống lại bằng xương bằng thịt…”.

Lên đồng - bảo tàng sống của Văn hóa Việt là tiêu đề của một buổi hội thảo vừa diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) chiều tối ngày 23/2. Tại hội thảo, giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã diễn giải những góc nhìn mới lạ về bản chất của lên đồng với tư cách là một loại hình nghi thức tín ngưỡng đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.

Hiểu thế nào về về lên đồng?


Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, muốn hiểu về lên đồng thì trước tiên phải hiểu về đạo Mẫu của người Việt. Bản thân đạo Mẫu lại là một vấn đề hết sức rộng lớn và phức tạp.

Hiểu một cách khái lược, đạo Mẫu là sự tôn thờ Thánh Mẫu theo quan niệm đây là người cai quản các miền khác nhau của vũ trụ và có thể che chở cũng như ban phát cho con người sức khỏe, tài lộc. Đạo Mẫu khác với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Việt Nam ở chỗ, đạo này không hướng con người về một thế giới sau khi chết, mà hướng đến đời sống trần tục ở nhân gian.

Bên cạnh đó, đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa thần, với trên dưới 50 vị thần được phân thành các hang bậc từ cao xuống thấp. Vị thần cao nhất là Thánh Mẫu, dưới Thánh Mẫu có hàng Quan, hàng Ông Chầu, hàng Ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu… Các vị thần cũng được phân theo 4 phủ, được biểu tượng bằng 4 màu khác nhau: Thiên phủ màu đỏ, Địa phủ màu vàng, Thượng ngàn màu xanh...


Lên đồng là một loại hình nghi thức tín ngưỡng đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.



Lên đồng chính là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thần này vào thân xác của các ông đồng, bà đồng. Lúc đó họ không còn là mình nữa mà trở thành hiện thân của các vị thần linh trong một màn diễn xướng vô cùng đặc sắc với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như hát, múa và cả điêu khắc, hội họa…

Trên khía cạnh tôn giáo, lên đồng được coi là một trong những hình thức Shaman (xuất nhập hồn) giáo trên thế giới. Shaman giáo là hiện tượng tâm linh phổ quát của rất nhiều dân tộc trên thế giới, điển hình là ở vùng Siberi Mông Cổ. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc…cũng có hình thức tín ngưỡng tương tự lên đồng nhưng có nhiều khác biệt so với lên đồng của Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước trong lên đồng


Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, đạo Mẫu và lên đồng ẩn chứa nhiều giá trị đối với đời sống tinh thần người Việt ngày nay. Trong đó, có một giá trị rất đặc biệt được giáo sư nhấn mạnh, đó là sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước trong diễn xướng lên đồng.

Điều này thể hiện trước hết ở chỗ, khoảng 50 vị thần trong đạo Mẫu phần lớn đều đã được lịch sử hóa, trở thành những nhân vật có công với nước. Đó là những nhân vật lịch sử có thật như Phạm Ngũ Lão, Đức Thánh Trần, Yết Kiêu, Dã Tượng, bà Bát Nàn và nhiều vị khác. Nói một cách khác, những nhân vật lịch sử đó đã được thần thánh hóa.


Diễn xướng lên đồng là sự tái hiện các nhân vật lịch sử.


Trong diễn xướng lên đồng, sự tái hiện của các vị thần linh cũng chính là sự tái hiện các nhân vật lịch sử kể trên. Trong màn diễn xướng này, các vị anh hùng lịch sử nhập vào thân xác của những ông đồng, bà đồng và được sống lại bằng xương bằng thịt với những hành động, bằng những trang phục đặc trưng.

Bởi vậy, có thể nói, đạo Mẫu chính và diễn xướng lên đồng là biểu hiện của một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa và trở thành tín ngưỡng. Việc tôn thờ những vị thần trong đạo Mẫu chính là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước của người Việt. Một chủ nghĩa yêu nước như vậy là rất sâu sắc.

Lên đồng và tinh thần hòa hợp dân tộc

Bên cạnh chủ nghĩa yêu nước, một giá trị khác không kém phần quan trọng của diễn xướng lên đồng là tinh thần hòa hợp dân tộc.

Tinh thần này thể hiện ở sự tích hợp văn hóa, với sự xuất hiện dấu ấn văn hóa của các dân tộc thiểu số trong lên đồng. Đó là các vị thần có nguồn gốc từ các dân tộc miền núi như những vị hàng Chầu, hàng Quan… Đặc biệt thú vị là khi các vị đó giáng đồng vào các ông đồng bà đồng thì từ ăn mặc đến âm nhạc, đến nhảy múa là sự tái hiện lại văn hóa của dân tộc đó. Vì vậy, khi xem lên đồng chúng ta không chỉ thấy được văn nhóa của người Kinh mà còn cả văn hóa của các dân tộc khác.

Có thể khẳng định rằng không có một tín ngưỡng nào của người Việt lại tôn thờ các vị thần thuộc nhiều dân tộc khác nhau như đạo Mẫu. Điều này cho thấy sự bình đẳng trong quan niệm tín ngưỡng, không có sự phân biệt dân tộc lớn, dân tộc nhỏ trong đạo Mẫu.

Đây là sự phản ánh tinh thần cố kết, gắn bó của các dân tộc trong lãnh thổ Việt Nam trước kia trên bình diện tâm linh, một vốn quý mà người Việt Nam ngày nay cần vun đắp để góp phần phát huy tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh kết luận: “Bản chất của lên đồng là tốt đẹp và không phải là một hoạt động mê tín dị đoan. Vấn đề là một số người đã lợi dụng lên đồng để mưu cầu một số điều không tốt. Không một tôn giáo hay tín ngưỡng nào dạy con người làm điều xấu cả, chỉ có con người lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để làm điều xấu mà thôi… Việc chúng ta cần làm là gạn đục khơi trong, thanh lọc để lên đồng luôn là một hiện tượng lành mạnh như cha ông, tổ tiên của chúng ta đã làm”.

Hồng Quân